Chiều nay, 29/11, phát biểu kết luận Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 11/2016, Thủ tướng đã nêu ra nhiều giải pháp quyết liệt để hoàn thành mục tiêu đề ra năm 2016, cũng như chuẩn bị cho kế hoạch năm 2017.
Thủ tướng đã nêu ra nhiều giải pháp quyết liệt để hoàn thành mục tiêu đề ra năm 2016, cũng như chuẩn bị cho kế hoạch năm 2017. Ảnh: VGP/Quang Hiếu |
Nhìn lại kết quả 11 tháng qua, Thủ tướng cho rằng, đây là một cố gắng lớn trong bối cảnh đất nước gặp nhiều khó khăn như: Sự cố môi trường ở 4 tỉnh miền Trung, thiên tai, hạn mặn, lũ lụt ở miền Trung, Tây Nam Bộ và lần đầu tiên trong 6 tháng đầu năm nông nghiệp tăng trưởng âm. Những sự kiện đó khiến nền kinh tế thiệt hại hơn 1% GDP. Do đó, mục tiêu tăng trưởng 6,3-6,5% năm 2016 là sự nỗ lực rất lớn, Thủ tướng nhấn mạnh và biểu dương các bộ, ngành, địa phương đã đề ra nhiều giải pháp để triển khai kế hoạch vừa qua.
Để cả năm đạt khoảng 6,3-6,5% thì trong tháng 12 phải nỗ lực để đạt được tăng trưởng quý IV ít nhất 7,1-7,3%. Trên tinh thần đó, Thủ tướng giao Bộ KH&ĐT và các bộ, ngành quản lý các ngành, lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp, xây dựng, dịch vụ phải tính toán mục tiêu, chỉ tiêu cụ thể và có biện pháp chỉ đạo điều hành thực sự quyết liệt, hiệu quả để đạt được mục tiêu tăng trưởng đã báo cáo Trung ương Đảng, Quốc hội.
“Tôi đã nghe các ý kiến của các đồng chí thì thấy có một ý kiến đưa ra là tất cả các địa phương, bộ, ngành phát động 1 tháng cao điểm tập trung chỉ đạo toàn diện, đặc biệt là giải ngân vốn đầu tư xây dựng cơ bản, đẩy mạnh tiêu thụ hàng hóa, phòng chống cháy nổ, an toàn giao thông và đặc biệt là chủ động triển khai kế hoạch kinh tế-xã hội đến cơ sở”, Thủ tướng nói.
Sớm giao kế hoạch 2017 để triển khai ngay đầu năm
Về dự thảo Nghị quyết về giải pháp chỉ đạo điều hành năm 2017 (Nghị quyết 01), Bộ KH&ĐT, VPCP và các bộ, ngành liên quan tiếp thu ý kiến tại phiên họp, khẩn trương hoàn thiện dự thảo Nghị quyết chỉ đạo điều hành năm 2017 để đưa ra thảo luận tại phiên họp Chính phủ mở rộng với các địa phương tháng 12/2016.
Thủ tướng nhấn mạnh tinh thần là thúc đẩy kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Tinh thần bộ máy chính quyền hoạt động hiệu quả, chống quan liêu, liêm chính, hành động vì nhân dân phải đặt ra gắt gao hơn trong Nghị quyết 01 này.
“Phải rà lại cái gì chồng chéo, cản trở phát triển và điều quan trọng không phải chỉ Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các Phó Thủ tướng, thành viên Chính phủ chuyển động, mà chính là cả hệ thống phải chuyển động, phải làm gương”, Thủ tướng nhấn mạnh. Quy định nào chồng chéo, cản trở sự phát triển thì phải sửa ngay.
Nghị quyết 01 cũng cần đề cập đến việc xây dựng hệ thống thương mại quốc gia. Thủ tướng cho rằng, nếu chúng ta không có nơi tiêu thụ hoặc bị bắt ép về giá cả, doanh nghiệp sẽ không tồn tại. Khi đó, chúng ta là một quốc gia tiêu thụ thuần túy và có thể gặp những hệ lụy khôn lường như thất nghiệp, nhập siêu, thâm hụt cán cân thanh toán, dẫn đến bất ổn kinh tế vĩ mô, nhất là trong bối cảnh chúng ta hội nhập sâu rộng.
Cho rằng có tình trạng nhiều sản phẩm trong nước làm được nhưng vẫn đi nhập khẩu, Thủ tướng nhấn mạnh, phải có hàng rào kỹ thuật đúng pháp luật để bảo vệ hàng hóa sản xuất trong nước.
Thủ tướng cũng đặt vấn đề mọi công trình, công việc mà xã hội hóa được thì nên xã hội hóa. Nâng cao tinh thần trách nhiệm trước nhân dân, thực hiện đúng lời hứa trước Quốc hội, cử tri. “Chính phủ hành động chính là nói và làm, chứ không phải nói lấy lệ”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Thủ tướng cũng nêu rõ vấn đề ứng dụng công nghệ thông tin trong kiểm soát tiêu cực, mặt trái của thị trường.
Về ban hành Nghị định quy định chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức của các bộ, cơ quan ngang bộ, đến nay mới chỉ có Nghị định khung và Nghị định về chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức của VPCP được ban hành, Thủ tướng giao Bộ Nội vụ, các bộ, ngành khẩn trương hoàn thiện dự thảo nghị định của 20 bộ, ngành còn lại, bao gồm cả Bộ Nội vụ, trình ban hành theo quy định. Chúng ta phải gương mẫu, đã nói là phải làm, phải khẩn trương hoàn thành nhiệm vụ này, Thủ tướng nêu rõ và lưu ý tinh thần là tinh gọn đầu mối.
Ảnh: VGP/Quang Hiếu |
Các nhiệm vụ cuối năm 2016
Về định hướng điều hành cuối năm 2016, Thủ tướng giao các Bộ KH&ĐT, Tài chính, Công Thương và Ngân hàng Nhà nước tiếp tục theo dõi sát diễn biến tình hình quốc tế và trong nước, phối hợp chặt chẽ, chỉ đạo điều hành thận trọng duy trì ổn định vĩ mô, kiểm soát lạm phát không quá 5%.
Bộ Tài chính đôn đốc, thu hồi nợ đọng thuế; tăng cường thanh tra, kiểm tra chống thất thu ngân sách Nhà nước, chuyển giá.
Bộ Công Thương đẩy mạnh xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường xuất khẩu, nhất là thị trường ASEAN; đẩy mạnh đàm phán với các nước để tháo gỡ các hàng rào kỹ thuật; xây dựng phương án, đối sách ứng phó về xuất nhập khẩu trước những diễn biến khó lường của thương mại quốc tế và khu vực.
Thủ tướng giao các bộ, ngành, địa phương tiếp tục các triển khai mạnh mẽ các giải pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn vướng mắc, giải quyết kịp thời các kiến nghị của doanh nghiệp, tập trung thúc đẩy sản xuất kinh doanh trong tháng 12.
Về cổ phần hóa, xử lý các dự án đầu tư kém hiệu quả của doanh nghiệp Nhà nước, Thủ tướng yêu cầu tổ chức hội nghị toàn quốc bàn về các biện pháp mạnh mẽ cho vấn đề này trong tuần đầu tháng 12. Thủ tướng quán triệt tinh thần là cần tiếp tục bán vốn Nhà nước, bán hết ở những doanh nghiệp không cần nắm giữ nhưng không để lợi ích nhóm thao túng, thất thoát vốn, tài sản Nhà nước. Ban chỉ đạo đổi mới doanh nghiệp, người đứng đầu các bộ, ngành, địa phương, tập đoàn, tổng công ty phải chịu trách nhiệm cả về thực hiện kế hoạch tái cơ cấu và không để mất vốn, tiêu cực.
Đối với 5 dự án đầu tư đã báo cáo Quốc hội và một số dự án khác, Thủ tướng giao Bộ Công Thương khẩn trương có biện pháp xử lý ngay, không để tình trạng đắp chiếu để đấy. Kỳ họp tới phải báo cáo Quốc hội cụ thể kết quả xử lý. Phải bảo đảm thu hồi tối đa vốn, tài sản Nhà nước; làm rõ trách nhiệm, kiên quyết xử lý nghiêm các sai phạm.
Các bộ, ngành, địa phương khẩn trương rà soát toàn bộ tình hình sản xuất kinh doanh, đầu tư của các doanh nghiệp Nhà nước trực thuộc; thực hiện nghiêm các quy định về bổ nhiệm cán bộ, sử dụng lao động; bảo đảm dân chủ, công khai, minh bạch.
Về bảo vệ môi trường, Thủ tướng yêu cầu, phải rà soát, đánh giá, chấn chỉnh kịp thời theo đúng Chỉ thị và kết luận của Thủ tướng tại hội nghị toàn quốc về vấn đề này. “Đừng để tái diễn tình trạng môi trường xấu như vừa rồi. Trong đó có tình trạng khai thác sỏi đá, cát lậu. Tình trạng này đã kéo dài ở nhiều nơi, các đại biểu Quốc hội và nhân dân rất bức xúc. Tôi yêu cầu phải xử lý kiên quyết, đề nghị Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình trực tiếp chỉ đạo xử lý dứt điểm tình trạng này”, Thủ tướng nêu rõ.
Bên cạnh đó, Thủ tướng cũng lưu ý vấn đề bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, phòng chống cháy nổ, an ninh trật tự, nâng cao kỷ luật kỷ cương hành chính.
Thủ tướng chỉ đạo, Bộ Nội vụ khẩn trương tiến hành thanh tra công vụ, không để xảy ra tình trạng “một sở 46 người thì 44 lãnh đạo”. Đồng thời, Bộ Nội vụ làm việc ngay với Ban Tổ chức Trung ương rà soát lại các quy định về bổ nhiệm cán bộ xem có điểm gì cần khắc phục để tránh tình trạng xảy ra như vừa qua, quá số lượng, người nhà… mà vẫn đúng quy trình.
Nhấn mạnh tình hình tham nhũng lãng phí vẫn còn phổ biến, nghiêm trọng, Thủ tướng yêu cầu “phải kiên quyết xử lý, không loại trừ bất cứ tổ chức, cá nhân nào, không có vùng cấm trong đấu tranh phòng chống tham nhũng”. Tập trung vào hoàn thiện thể chế không để kẽ hở cho tham nhũng.
Đặc biệt, Thủ tướng chỉ đạo ngay trong dịp Tết Nguyên đán sắp tới, tất cả hệ thống hành chính không chúc Tết lãnh đạo, không biếu xén, không phong bao, phong bì.
“Tôi yêu cầu không chúc Tết Thủ tướng, lãnh đạo Chính phủ, lãnh đạo các bộ, ngành. Yêu cầu các tỉnh không về Hà Nội chúc Tết. Ở các địa phương cũng vậy. Cần thực hiện nghiêm việc này. Chính phủ cần làm gương, từng thành viên Chính phủ thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng”, người đứng đầu Chính phủ chỉ rõ.
Thủ tướng cũng chỉ đạo tăng cường công khai, minh bạch, phòng chống tiêu cực trong nhiều lĩnh vực cụ thể, nổi cộm. “Đại biểu Quốc hội chất vấn tôi về tình trạng xây nhà cao tầng ở trung tâm thành phố, gây quá tải về hạ tầng giao thông, giáo dục, y tế, dịch vụ công, an ninh trật tự, an toàn, gây bức xúc xã hội. Đây là một thực tế, dư luận nói lợi ích nhóm từ việc này rất lớn”, Thủ tướng nêu rõ và yêu cầu chấn chỉnh quản lý quy hoạch đô thị, thực hiện đúng các quy hoạch, kiểm tra, xử lý nghiêm các sai phạm.
“Chủ trương một, biện pháp mười, cho nên vấn đề tổ chức, kiểm tra thực hiện rất quan trọng. Mong rằng các đồng chí chú trọng, làm tốt hơn trong vấn đề này để những chủ trương, biện pháp chúng ta đề ra ngày hôm nay đi vào hiện thực”, Thủ tướng bày tỏ.
Từ năm 2010, Liên Hợp quốc đã công nhận Việt Nam là một trong những nước đi đầu trong hiện thực hóa các Mục tiêu Thiên niên kỷ, hoàn thành trước thời hạn gần 10 năm 3 mục tiêu (xóa bỏ tình trạng nghèo cùng cực, phổ cập giáo dục tiểu học, tăng cường bình đẳng giới và vị thế cho phụ nữ) và có nhiều tiến bộ, đạt tiệm cận 5 mục tiêu còn lại.
Trong 5 ngày, từ 7/9 đến 12/9, “quái” bão YAGI (bão số 3) với sức gió cấp 12 -13, giật cấp 14 -15 -16 đã đổ bộ vào Quảng Ninh, Hải Phòng, Hà Nội,… và sau đó, hoàn lưu của nó gây mưa lớn liên tục trên toàn miền Bắc đã gây những tổn thất vô cùng to lớn về người và thiệt hại rất nặng nề về tài sản của Nhà nước, doanh nghiệp, người dân.
Xuất khẩu nông sản của ta hiện trong TOP 10 -15 thế giới. Nông sản Việt có mặt tại khoảng 200 quốc gia và vùng lãnh thổ, kim ngạch tăng mạnh trong 15 năm qua: năm 2009 mới chỉ gần 16,5 tỷ USD thì năm 2014, kim ngạch đạt 31 tỷ USD, năm 2019 đạt 41,3 tỷ USD, năm 2023 đạt trên 53 tỷ USD, đến hết tháng 7 năm 2024, kim ngạch xuất khẩu nông - lâm - thủy sản đạt 34,27 tỷ USD, phấn đấu đạt 57 -58 tỷ USD cả năm.