Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024  
Thứ hai, ngày 4 tháng 6 năm 2018 | 23:31

Dự án giúp nông dân sử dụng thuốc bảo vệ thực vật cho cây cà phê

Ngày 4/6, Công ty Louis Dreyfus Company (LDC) phối hợp với Công ty JDE và Syngenta tổ chức Hội thảo “Công bố dự án cải thiện khả năng chống chịu với biến đổi khí hậu và sử dụng hiệu quả hóa chất nông nghiệp trong sản xuất cà phê".

Ngày 4/6, tại TP. Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk), Công ty Louis Dreyfus Company (LDC) phối hợp với Công ty Jacobs Douwe Egberts (JDE) và Syngenta tổ chức Hội thảo “Công bố dự án cải thiện khả năng chống chịu với biến đổi khí hậu và sử dụng hiệu quả hóa chất nông nghiệp trong sản xuất cà phê tại các tỉnh Đắk Lắk, Đắk Nông và Gia Lai”.

Dự án đã được triển khai từ ngày 1/4/2018 và kéo dài trong 3 năm tại các huyện Cư M'Gar, Krông Ana, Ea H'Leo, Krông Buk, Buôn Hồ và TP. Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk);  các huyện Cư Jut, Krông Nô, Đắk Mil, Đắk R'Lấp và TX. Gia Nghĩa (Đắk Nông); các huyện Chư Prông, Chư Sê, Đắk Đoa, Ia Grai và TP.Pleiku (Gia Lai). Mục tiêu dự án tác động đến 4.800 ha cà phê với 3.000 nông dân được hưởng lợi. Tổng kinh phí của dự án gần 700.000 EUR, trong đó JDE đóng góp 44%, LDC 27%, Syngenta 6%, và nông dân đóng góp 23% (gồm công lao động và một phần chi phí trực tiếp ở mô hình).

Quang cảnh hội nghị
Quang cảnh hội thảo

Dự án sẽ góp phần giải quyết một số vấn đề đang gặp phải trong sản xuát cà phê trên vùng Tây Nguyên, như việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) chưa hiệu quả và an toàn cho người nông dân cũng như môi trường xung quanh khu vực canh tác cây cà phê. Theo đánh giá của dự án, có đến 35% nông dân chủ yếu sử dụng thuốc BVTV qua lựa chọn của các cửa hàng bán thuốc hoặc theo hàng xóm mà không quan tâm đến thực trạng sâu bệnh của vườn cà phê. Nhiều nông dân không xác định được tình hình sâu bệnh, đã sử dụng nhiều loại thuốc nhưng không hiệu quả, nguy cơ ô nhiễm đất, nước … thậm chí một số nông dân còn sử dụng cả các loại thuốc ngoài danh mục được phép sử dụng. Một vấn đề khác của cà phê đó là tình trạng xói mòn và thoát hóa đất trong khi nông dân chưa thực sự quan tâm đến vấn đề này. Hầu hết nông dân bón phân không dựa vào phân tích đất và có xu hướng sử dụng nhiều phân hóa học. Phần lớn nông dân không biết hoặc không đo độ chua của đất khiến việc sử dụng phân bón kém hiệu quả và gây thất thoát. Bên cạnh đó, biến đổi khí hậu gây nên sự cạn kiệt nguồn nước ngầm, hạn hán thường xuyên trong lúc nông dân thiếu hành động can thiệp và khả năng thích ứng. Trong khi hạn hán đang ngày càng nghiêm trọng thì vẫn có đến 40% nông dân tưới thừa nước cho cà phê (theo nghiên cứu của Viện Khoa học Nông lâm nghiệp Tây Nguyên- WASI) và số nông dân sử dụng hệ thống tưới tiết kiệm còn khá thấp. Ngoài ra, các mô hình nông - lâm kết hợp ở nhiều vùng còn chưa phù hợp và hiệu quả.

dsc01983.JPG
Ông Hidde Eikelboom, Tổng Giám đốc Công ty Louis Dreyfus Company phát biểu và chia sẻ về dự án tại hội thảo

Để giải quyết các vấn đề trên, dự án sẽ phát triển 30 ha mô hình về tăng cường khả năng chống chịu biến đổi khí hậu và quản lý hóa chất nông nghiệp. Theo đó, viện WASI và LDC sẽ khảo sát, tham vấn và thiết kế các mô hình có đề cập tới quản lý phân bón hiệu quả, giảm thiểu và sử dụng thuốc BVTV hiệu quả, an toàn, trồng xen phù hợp, tưới tiết kiệm và bảo tồn nước, giảm xói mòn đất, kết hợp lựa chọn và nhân rộng công nghệ tưới tiết kiệm. Dựa vào kết quả của các mô hình điểm, trong 2 năm tiếp theo, dự án sẽ nhân rộng mô hình lên 600 ha với chính sách dự án sẽ hỗ trợ 60% giống cây che bóng, 50% chi phí phân tích đất, 20 EUR/ha cho vườn cà phê áp dụng biện pháp bảo tồn nước và 100% chi phí tập huấn và thiết kế vườn. Ngoài ra, dự án sẽ can thiệp vào việc quản lý hóa chất nông nghiệp thông qua việc xác định mức dinh dưỡng phù hợp dựa trên kết quả phân tích đất và hội thảo với các chuyên gia; khảo sát, xác định các loại thuốc trong danh sách cấm và các giải pháp thay thế khác nhau mà nông dân có thể tiếp cận được. Quy trình sẽ được áp dụng tại các điểm mô hình và nông dân tham gia dự án thông qua tập huấn và hội thảo.

dsc01984.JPG
Ông Đỗ Ngọc Sỹ, Quản lý chương trình cà phê bền vững Khu vực châu Á của Công ty JDE nêu lên mong muốn hiệu quả mang lại cho người nông dân khi thực hiện dự án và hướng đến phát triển cà phê bền vững

Ngoài ra, dự án sẽ tập huấn về nguy cơ nhiễm độc từ thuốc BVTV và hóa chất nông nghiệp đến sức khỏe con người, nguồn nước và đất; tập huấn các biện pháp sử dụng an toàn, trang thiết bị bảo hộ lao động; hướng dẫn lựa chọn bảo hộ lao động phù hợp, an toàn; đồng thời sẽ hỗ trợ các hộ các bảo hộ lao động cơ bản cho nông dân vùng dự án.

Tại hội nghị, các đại biểu là lãnh các sở ngành nông nghiệp của địa phương và cũng như người nông dân sẽ được hưởng lợi từ dự án đã đánh giá cao sự thiết thực và các hoạt động của dự án và đóng góp những ý kiến để dự án sẽ được triển khai và mang lại hiệu quả một cách cao nhất và cùng nhau đi đến sản xuất những hạt cà phê mang chất lượng cao và an toàn cho người sử dụng./.

Quốc Hùng - Duy Hòa
Ý kiến bạn đọc
Top