Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024  
Thứ ba, ngày 6 tháng 2 năm 2018 | 10:46

Đưa quan hệ Việt-Lào lên tầm cao mới

Chiều 5/2, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Đoàn đại biểu cấp cao Chính phủ Việt Nam đã rời thủ đô Vientiane, Lào về nước, kết thúc thành công chuyến tham dự và đồng chủ trì Kỳ họp thứ 40 Ủy ban liên Chính phủ Việt Nam-Lào từ ngày 4-5/2/2018.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và đoàn đại biểu Việt Nam rời thủ đô Vientiane, kết thúc thành công chuyến tham dự và đồng chủ trì Kỳ họp thứ 40 Ủy ban liên Chính phủ Việt Nam-Lào từ ngày 4-5/2/2018 theo lời mời của Thủ tướng Lào Thongloun Sisoulith. Ảnh: VGP/Quang Hiếu

Tại Kỳ họp, hai bên bày tỏ vui mừng và đánh giá cao kết quả hợp tác toàn diện giữa hai nước. Trong năm 2017, hai bên đã triển khai có hiệu quả các Thỏa thuận cấp cao và các thỏa thuận hợp tác giữa các bộ, ngành, địa phương, đặc biệt, đã tổ chức tốt “Năm đoàn kết hữu nghị Việt Nam-Lào, Lào-Việt Nam 2017”; kỷ niệm 55 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao và 40 năm ngày ký hiệp ước hữu nghị và hợp tác.

Cơ chế mới trong điều phối, thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa hai nước đã phát huy hiệu quả. Hợp tác trên các lĩnh vực chính trị, đối ngoại, quốc phòng, an ninh, kinh tế, văn hóa-xã hội, giao lưu nhân dân ngày càng được tăng cường và phát triển sâu rộng, nhất là lĩnh vực giáo dục đào tạo được đẩy mạnh. Hiện nay, đã có hơn 14.000 sinh viên, học sinh của Lào học tập tại Việt Nam. Hiện các doanh nghiệp Việt Nam đã đăng ký đầu tư vào Lào 411 dự án với khoảng 3,7 tỷ USD với lũy kế tổng vốn thực hiện trên 1,6 tỷ USD, tương đương 43%, nhiều dự án đã đi vào hoạt động đạt kết quả tốt, thực hiện nghĩa vụ thuế, tạo nhiều việc làm... Kim ngạch thương mại Việt Nam-Lào năm 2017 đạt trên 935 triệu USD, tăng gần 13,6% so với năm 2016, hoàn thành vượt mức mục tiêu đề ra (10%).

Trong năm 2018, hai bên thống nhất tập trung thực hiện tốt các Tuyên bố chung và Thỏa thuận của Lãnh đạo Cấp cao và các thỏa thuận giữa các bộ, ngành, địa phương hai nước, trong đó có thỏa thuận tại Kỳ họp lần thứ 40 lần này; thúc đẩy quan hệ chính trị-đối ngoại-an ninh quốc phòng, đầu tư, thương mại, phấn đấu đưa kim ngạch hai chiều năm 2018 tăng hơn 10% so với năm 2017; mở rộng hợp tác đào tạo nguồn nhân lực, đầu tư các dự án hạ tầng giao thông kết nối hai nước, tạo lối ra cho kinh tế Lào hướng ra biển, trong các cơ chế hợp tác tiểu vùng Mekong, hợp tác quản lý sử dụng hiệu quả, bền vững nguồn nước và quản lý khai thác chế biến các nguồn tài nguyên thiên nhiên… Trên tinh thần tin cậy lẫn nhau, hai nước ủng hộ và hợp tác tốt tại các tổ chức, diễn đàn khu vực và quốc tế; cùng thống nhất với quan điểm của ASEAN về vấn đề Biển Đông, bảo đảm hòa bình, ổn định, mọi tranh chấp giải quyết bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế, Công ước Luật Biển UNCLOS 1982, thực hiện đầy đủ DOC, sớm đàm phán ký COC.

Đây là lần thứ hai Thủ tướng hai nước Việt Nam và Lào đồng chủ trì Kỳ họp Ủy ban liên Chính phủ, thể hiện quyết tâm của Lãnh đạo Cấp cao hai nước trong việc triển khai có hiệu quả các Thỏa thuận hợp tác trong năm 2018.

Ngay sau Kỳ họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Thủ tướng Lào Thongloun Sisoulith chứng kiến lễ ký 12 văn kiện hợp tác, tạo cơ sở triển khai quyết liệt theo tinh thần hiệu quả, chất lượng, đúng tiến độ, tránh lãng phí, góp phần đưa quan hệ hai nước có chuyển biến về chất, gồm Thỏa Thuận về Kế hoạch hợp tác giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Lào năm 2018; Biên bản Kỳ họp lần thứ 40 Ủy ban liên Chính phủ về hợp tác song phương giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Lào; Hiệp định giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Lào về hợp tác đầu tư phát triển Cảng Vũng Áng (các bến số 1, 2, 3) cũng như một số văn kiện hợp tác giữa các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp hai nước…

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Thủ tướng Lào Thongloun Sisoulith đã chủ trì cuộc họp báo chung thông báo kết quả Kỳ họp và tham dự Lễ trao danh hiệu cao quý của Chính phủ hai nước cho các tập thể, cá nhân có thành tích trong Năm Đoàn Kết và Hữu nghị Việt Nam-Lào, Lào-Việt Nam 2017.

Ảnh: VGP/Quang Hiếu

Nhân dịp này, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã hội kiến Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Bounnhang Vorachith; Chủ tịch Quốc hội Pany Yathotou. Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quốc hội Lào đánh giá cao những nỗ lực của Chính phủ hai nước trên tinh thần hành động mạnh mẽ, chỉ đạo sâu sát, tập trung giải quyết những khó khăn, tiếp tục đưa quan hệ hợp tác hai nước đi vào chiều sâu và đạt hiệu quả thiết thực, đặc biệt là việc tổ chức thành công Kỳ họp lần thứ 40 Ủy ban liên Chính phủ ngay từ đầu năm; tin tưởng đây sẽ là cơ sở để hai bên thực hiện thành công Kế hoạch hợp tác giữa hai Chính phủ năm 2018 và Hiệp định hợp tác song phương Việt Nam-Lào giai đoạn 2016-2020.

Trong thời gian dự Kỳ họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Thủ tướng Thongloun Sisoulith đã dự lễ khánh thành và bàn giao Trung tâm đào tạo cán bộ quản lý khoa học và công nghệ cho Lào. Công trình sử dụng vốn viện trợ mà Chính phủ Việt Nam dành cho Chính phủ Lào, là một biểu tượng của hợp tác khoa học công nghệ giữa hai nước, phục vụ công tác nghiên cứu khoa học, đào tạo cán bộ quản lý khoa học công nghệ của Lào đáp ứng quy mô đào tạo 600 đến 800 lượt người/năm.

Hai Thủ tướng Việt Nam và Lào cũng tới thăm Tập đoàn viễn thông Star Telecom, liên doanh giữa Tập đoàn Viettel (Việt Nam) và Lao Asia Telecom, hiện đang sử hữu mạng di động Unitel đúng dịp khai trương tòa nhà trụ sở mới của Tập đoàn. Sau 9 năm kinh doanh, Unitel đã đạt 1,22 tỷ USD doanh thu lũy kế, 480 triệu USD lợi nhuận, trở thành liên doanh viễn thông lớn nhất tại Lào. Đây cũng là doanh nghiệp đóng góp lớn nhất vào ngân sách của Lào đến nay. Bày tỏ vui mừng trước thành công của Star Telecom, hai Thủ tướng mong muốn liên doanh này tiếp tục phát triển, là ngọn cờ đầu trong hợp tác phát triển kinh tế giữa hai nước.

Nhân dịp này, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Thủ tướng Lào Thongloun Sisoulith đã dự Tết cộng đồng Xuân Mậu Tuất 2018 với khoảng 1.000 người Việt Nam là cán bộ, nhân viên Đại sứ quán, các cơ quan đại diện Việt Nam tại Lào, đại diện các doanh nghiệp Việt Nam đang đầu tư kinh doanh tại Lào, cùng đông đảo bà con người Việt Nam đang làm ăn, sinh sống và học tập tại Lào.  

Chúc Tết, hỏi thăm sức khỏe bà con Việt kiều tại Lào, hai Thủ tướng đánh giá, các doanh nghiệp và cộng đồng Việt kiều tại Lào là nhân tố hết sức quan trọng, là cầu nối hữu nghị và hợp tác giữa hai nước và mong muốn các doanh nghiệp của Việt Nam, đặc biệt bà con Việt kiều sẽ luôn gương mẫu, chấp hành tốt pháp luật, là tấm gương trong mối quan hệ thủy chung – son sắt Việt-Lào.

Cũng trong khuôn khổ chuyến công tác, Thủ tướng đã đến thăm hỏi, động viên công nhân, người lao động đang thi công Nhà Quốc hội Lào cần bảo đảm chất lượng, kỹ thuật, mỹ thuật và tiến độ, xứng đáng là quà tặng của Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam tặng Đảng, Nhà nước và nhân dân các dân tộc Lào anh em. Được khởi công tháng 11/2017, đây là biểu tượng của mối quan hệ hữu nghị truyền thống, tình đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện giữa hai Đảng, hai Chính phủ, hai Quốc hội và nhân dân hai nước Việt-Lào. 

Có thể nói, chuyến tham dự và đồng chủ trì Kỳ họp thứ 40 Ủy ban liên Chính phủ Việt Nam-Lào của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc góp phần thúc đẩy mạnh mẽ hợp tác giữa hai nước ngày càng đi vào chiều sâu và thực chất, đưa mối quan hệ hữu nghị truyền thống, đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện Việt Nam-Lào lên tầm cao mới.

Đức Tuân
 
Ý kiến bạn đọc
  • “Không ai bị bỏ lại”, hiện thực hóa mục tiêu nhân văn

    “Không ai bị bỏ lại”, hiện thực hóa mục tiêu nhân văn

    Từ năm 2010, Liên Hợp quốc đã công nhận Việt Nam là một trong những nước đi đầu trong hiện thực hóa các Mục tiêu Thiên niên kỷ, hoàn thành trước thời hạn gần 10 năm 3 mục tiêu (xóa bỏ tình trạng nghèo cùng cực, phổ cập giáo dục tiểu học, tăng cường bình đẳng giới và vị thế cho phụ nữ) và có nhiều tiến bộ, đạt tiệm cận 5 mục tiêu còn lại.

  • “Sâu nặng nghĩa tình”, điều còn mãi

    “Sâu nặng nghĩa tình”, điều còn mãi

    Trong 5 ngày, từ 7/9 đến 12/9, “quái” bão YAGI (bão số 3) với sức gió cấp 12 -13, giật cấp 14 -15 -16 đã đổ bộ vào Quảng Ninh, Hải Phòng, Hà Nội,… và sau đó, hoàn lưu của nó gây mưa lớn liên tục trên toàn miền Bắc đã gây những tổn thất vô cùng to lớn về người và thiệt hại rất nặng nề về tài sản của Nhà nước, doanh nghiệp, người dân.

  • Không thương hiệu, thiệt đơn thiệt kép

    Không thương hiệu, thiệt đơn thiệt kép

    Xuất khẩu nông sản của ta hiện trong TOP 10 -15 thế giới. Nông sản Việt có mặt tại khoảng 200 quốc gia và vùng lãnh thổ, kim ngạch tăng mạnh trong 15 năm qua: năm 2009 mới chỉ gần 16,5 tỷ USD thì năm 2014, kim ngạch đạt 31 tỷ USD, năm 2019 đạt 41,3 tỷ USD, năm 2023 đạt trên 53 tỷ USD, đến hết tháng 7 năm 2024, kim ngạch xuất khẩu nông - lâm - thủy sản đạt 34,27 tỷ USD, phấn đấu đạt 57 -58 tỷ USD cả năm.

Top