Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024  
Thứ tư, ngày 28 tháng 6 năm 2017 | 10:8

Đưa quan hệ Việt-Nga phát triển bền vững, hiệu quả

Nhận lời mời của Tổng thống Liên bang Nga Vladimir Putin, ngày 28/6, Chủ tịch nước Trần Đại Quang và Phu nhân cùng Đoàn đại biểu cấp cao nước ta bắt đầu thăm chính thức Liên bang Nga từ ngày 28/6 đến ngày 1/7.

chu tich nuoc tran dai quang tham chinh thuc lien bang nga hinh 1
Chủ tịch nước Trần Đại Quang gặp Tổng thống Nga V.Putin bên lề Diễn đàn cấp cao hợp tác quốc tế “Vành đai và Con đường” tại Bắc Kinh, Trung Quốc tháng 5/2017. (Ảnh: ANTĐ)

Đây là chuyến thăm chính thức Liên bang Nga đầu tiên của Chủ tịch nước Trần Đại Quang từ sau Đại hội Đảng lần thứ XII. Chuyến thăm nhằm góp phần tiếp tục triển khai đường lối đối ngoại đa dạng hóa, đa phương hóa, củng cố và tăng cường quan hệ với các nước bạn bè truyền thống, tạo động lực thúc đẩy hợp tác trên nhiều lĩnh vực.         

Ngày 30/1/1950, Liên Xô là một trong những nước đầu tiên đã công nhận và chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam. Từ đó đến nay, ngày ấy đã đi vào lịch sử quan hệ song phương Việt-Nga như một dấu mốc quan trọng, đặt nền móng cho tình hữu nghị bền chặt giữa hai dân tộc và quan hệ hợp tác sâu rộng và toàn diện giữa hai quốc gia. Quan hệ Việt Nam-Liên bang Nga ngày nay đã kế thừa quan hệ Việt-Xô với tài sản quý báu là những thành quả to lớn của tình hữu nghị và hợp tác truyền thống khởi nguồn từ những năm trước.

Với mong muốn phát huy truyền thống hữu nghị và hợp tác tốt đẹp giữa hai nước, lãnh đạo hai nước đã quyết định nâng tầm quan hệ lên Đối tác Chiến lược và sau này là Đối tác Chiến lược toàn diện, tạo sự tin cậy chính trị thúc đẩy hơn nữa hợp tác nhiều mặt giữa hai nước.

Trên cơ sở đó, quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và Liên bang Nga không ngừng được củng cố, có độ tin cậy cao, trao đổi đoàn các cấp, đặc biệt là cấp cao, diễn ra thường xuyên. Đặc biệt, chuyến thăm cấp Nhà nước đến Việt Nam ngày 12/11/2013 của Tổng thống Nga Putin (cũng là chuyến thăm thứ ba của ông trên cương vị Tổng thống) và chuyến thăm Nga của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng vào tháng 11/2014 và Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vào tháng 5/2016 là dấu mốc quan trọng trong quan hệ hai nước, tạo xung lực mới thúc đẩy mạnh mẽ quan hệ hữu nghị truyền thống và đối tác chiến lược toàn diện giữa Việt Nam và Liên bang Nga ngày càng phát triển năng động.

Cùng với chính trị, ngoại giao, hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư giữa hai nước có bước phát triển năng động. Kim ngạch thương mại hai chiều tiếp tục tăng, bất chấp khó khăn của kinh tế khu vực và thế giới. Năm 2015, kim ngạch thương mại song phương đạt 2,2 tỷ USD, đến năm 2016 đạt 2,7 tỷ USD; 5 tháng đầu năm nay đạt gần 1,4 tỷ USD. Các mặt hàng xuất khẩu chính của Việt Nam sang Nga gồm: điện thoại, may mặc, nông, thủy, hải sản các loại…; các mặt hàng nhập khẩu chính gồm: xăng dầu, sắt thép, phân bón, máy móc, thiết bị các loại…

Đặc biệt, một số vướng mắc trong hợp tác thương mại như vấn đề kiểm soát chất lượng nông, thủy, hải sản xuất khẩu của Việt Nam, vấn đề thanh toán xuất nhập khẩu đã và đang dần được tháo gỡ. Cùng với đó, Việt Nam và các nước Liên minh Kinh tế Á -Âu đã ký chính thức Hiệp định Thương mại tự do vào ngày 29/5/2015. Hiệp định có hiệu lực từ ngày 05/10/2016 sẽ tạo điều kiện nâng kim ngạch thương mại giữa hai nước đạt 10 tỷ USD vào năm 2020.

Về lĩnh vực đầu tư, hiện Nga đứng thứ 23/116 nước và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam với 118 dự án và tổng số vốn đăng ký 1,1 tỷ USD. Đầu tư của Nga tập trung nhiều nhất vào lĩnh vực năng lượng, khai khoáng, công nghiệp chế biến, chế tạo, ngân hàng... Đầu tư của Việt Nam sang Nga trong vài năm trở lại đây tăng nhanh, từ chỗ chỉ khoảng hơn 100 triệu USD năm 2008, hiện Việt Nam có 18 dự án đầu tư tại Nga với tổng vốn đầu tư là 2,4 tỷ USD, tập trung chủ yếu vào lĩnh vực dầu khí, thương mại, nông nghiệp…

Hợp tác trong lĩnh vực dầu khí không ngừng phát huy hiệu quả đối với nền kinh tế mỗi nước. Bên cạnh việc tiếp tục hợp tác trong khuôn khổ Xí nghiệp liên doanh Vietsovpetro đến năm 2030, hai nước đã thành lập các Liên doanh Rusvietpetro, Vietgazprom, Gazpromviet để mở rộng hợp tác dầu khí ở Việt Nam, Nga và các nước thứ ba. Đồng thời hai nước đã đạt được thỏa thuận tiếp tục hợp tác trong việc xây mới và hiện đại hóa các công trình năng lượng tại Việt Nam.

Hợp tác trong các lĩnh vực khác như giáo dục-đào tạo, khoa học - kỹ thuật, công nghệ, văn hóa và du lịch phát triển rất tích cực. Mỗi năm, Liên bang Nga dành cho Việt Nam gần 900 suất học bổng.  Lượng khách du lịch Nga đến Việt Nam tăng liên tục qua từng năm  đạt hơn 430.000 lượt khách trong năm 2016; Riêng quý I, năm 2017 Việt Nam đã đón 150.000 lượt du khách Nga, trong khi hợp tác văn hóa không ngừng được tăng cường với nhiều hoạt động giới thiệu văn hóa hai nước được tổ chức thường xuyên. Hai bên tổ chức thường niên và luân phiên Những Ngày Văn hóa tại Việt Nam và Nga, góp phần tăng cường hiểu biết và hữu nghị giữa nhân dân Việt Nam và Nga. Có thể khẳng định quan hệ Việt-Nga được xây dựng và phát triển trên nền tảng của tình hữu nghị gắn bó giữa hai dân tộc và đã được kiểm chứng qua những biến động của lịch sử. 

Tiếp tục củng cố và không ngừng phát triển quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt - Nga, phát huy truyền thống tương trợ và luôn ủng hộ lẫn nhau trong bất cứ hoàn cảnh nào chính là nhu cầu và nguyện vọng của nhân dân hai nước.

Chuyến thăm chính thức Liên bang Nga của Chủ tịch nước Trần Đại Quang và phu nhân cùng Đoàn đại biểu cấp cao nước ta lần này, một lần nữa khẳng định Việt Nam coi trọng và mong muốn không ngừng quan hệ song phương với Liên bang Nga, tạo động lực thúc đẩy quan hệ hợp tác toàn diện trên mọi lĩnh vực. Đồng thời, tiếp tục khẳng định chính sách nhất quán của Việt Nam coi Liên bang Nga là ưu tiên hàng đầu trong chính sách đối ngoại, là đối tác chiến lược toàn diện, tin cậy.

 

 

KTNT
Ý kiến bạn đọc
  • “Không ai bị bỏ lại”, hiện thực hóa mục tiêu nhân văn

    “Không ai bị bỏ lại”, hiện thực hóa mục tiêu nhân văn

    Từ năm 2010, Liên Hợp quốc đã công nhận Việt Nam là một trong những nước đi đầu trong hiện thực hóa các Mục tiêu Thiên niên kỷ, hoàn thành trước thời hạn gần 10 năm 3 mục tiêu (xóa bỏ tình trạng nghèo cùng cực, phổ cập giáo dục tiểu học, tăng cường bình đẳng giới và vị thế cho phụ nữ) và có nhiều tiến bộ, đạt tiệm cận 5 mục tiêu còn lại.

  • “Sâu nặng nghĩa tình”, điều còn mãi

    “Sâu nặng nghĩa tình”, điều còn mãi

    Trong 5 ngày, từ 7/9 đến 12/9, “quái” bão YAGI (bão số 3) với sức gió cấp 12 -13, giật cấp 14 -15 -16 đã đổ bộ vào Quảng Ninh, Hải Phòng, Hà Nội,… và sau đó, hoàn lưu của nó gây mưa lớn liên tục trên toàn miền Bắc đã gây những tổn thất vô cùng to lớn về người và thiệt hại rất nặng nề về tài sản của Nhà nước, doanh nghiệp, người dân.

  • Không thương hiệu, thiệt đơn thiệt kép

    Không thương hiệu, thiệt đơn thiệt kép

    Xuất khẩu nông sản của ta hiện trong TOP 10 -15 thế giới. Nông sản Việt có mặt tại khoảng 200 quốc gia và vùng lãnh thổ, kim ngạch tăng mạnh trong 15 năm qua: năm 2009 mới chỉ gần 16,5 tỷ USD thì năm 2014, kim ngạch đạt 31 tỷ USD, năm 2019 đạt 41,3 tỷ USD, năm 2023 đạt trên 53 tỷ USD, đến hết tháng 7 năm 2024, kim ngạch xuất khẩu nông - lâm - thủy sản đạt 34,27 tỷ USD, phấn đấu đạt 57 -58 tỷ USD cả năm.

Top