Năm nào cũng thế, cứ vào dịp nghỉ hè là những vụ tai nạn đuối nước liên tục xảy ra. Tình trạng trẻ em tử vong do đuối nước gia tăng nhưng nhiều địa phương chưa coi trọng việc phòng ngừa, trong khi môi trường sống và môi trường xã hội tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây tai nạn thương tích.
Sân chơi nào cho trẻ em nông thôn ngày hè?
Trẻ em là đối tượng dễ bị tai nạn thương tích nhất.
Báo động tình trạng đuối nước
Theo kết quả điều tra của Quỹ Nhi đồng Liên Hợp quốc (UNICEF) tại Việt Nam, trung bình mỗi năm Việt Nam có trên 7.000 trẻ em bị chết do đuối nước, cao gấp 10 lần các nước phát triển và chỉ đứng sau những ca thiệt mạng do tai nạn giao thông.
Bà Đào Hồng Lan, Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH), thừa nhận: Mặc dù Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương đã có nhiều giải pháp về phòng, chống tai nạn thương tích cho trẻ em, tuy nhiên, số trẻ bị đuối nước vẫn còn cao gấp 8 lần so với các nước phát triển.
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tai nạn đuối nước ở trẻ em, nhưng phần lớn là do sự lơ là, chủ quan của các bậc phụ huynh, chưa giám sát chặt chẽ con trẻ hoặc thiếu người trông coi, chăm sóc, để trẻ tự do đi lại. Bên cạnh đó, với điều kiện tự nhiên nhiều sông, suối, ao, hồ, hệ thống kênh rạch chằng chịt, là môi trường không an toàn cho trẻ nhỏ. Ngay cả những dụng cụ chứa nước trong gia đình như lu, vại, bể chứa nước… không có nắp đậy cũng là nguyên nhân gây nguy hiểm cho trẻ nhỏ. Chỉ một vài giây lơi lỏng của người lớn là trẻ em có thể sẽ rơi xuống ao, hồ, sông, suối, giếng nước…, chúng bị ngạt và chết đuối chỉ sau 2 phút. Đây cũng chính là mối hiểm họa tiềm tàng gây tai nạn đuối nước ở trẻ em.
Bên cạnh đó, nhiều gia đình vẫn chưa nhận thức đầy đủ và chưa trang bị kỹ năng phòng ngừa tai nạn, thương tích cho trẻ em dẫn đến nhiều trường hợp trẻ bị tử vong không đáng có. Ý thức chấp hành pháp luật về phòng, chống tai nạn thương tích trẻ em, đặc biệt là việc chấp hành pháp luật về an toàn giao thông của một bộ phận người dân chưa cao.
Mới đây, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) cũng ban hành nhiều văn bản, kế hoạch để chỉ đạo, triển khai công tác phòng chống tai nạn thương tích và đuối nước trong học sinh, sinh viên.
Thực hiện Công điện số 641/CĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc khắc phục hậu quả tai nạn học sinh đuối nước, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT yêu cầu giám đốc Sở GD&ĐT các tỉnh, thành phố phối hợp với các cơ quan truyền thông đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của học sinh, gia đình và cộng đồng về các biện pháp phòng, chống tai nạn thương tích và đuối nước cho trẻ em, học sinh.
Đồng thời, chỉ đạo các nhà trường phối hợp chặt chẽ với gia đình trong việc quản lý, giáo dục học sinh về ý thức phòng, chống tai nạn thương tích và đuối nước; đưa nội dung giáo dục kỹ năng phòng, chống tai nạn thương tích và đuối nước vào các hoạt động của trường, lớp, Đoàn, Đội; khuyến cáo học sinh không tắm, bơi ở những nơi có nguồn nước không đảm bảo vệ sinh; sông, suối, thác, ghềnh hiểm trở và những nơi nguy hiểm khác.
Bên cạnh đó, phối hợp với Sở LĐ-TB&XH, Đoàn TNCS Hồ Chí Minh và các sở, ban ngành liên quan tổ chức các hoạt động hè vui tươi, lành mạnh và an toàn cho học sinh. Tham mưu bố trí nguồn kinh phí hợp lý, đồng thời tăng cường công tác xã hội hóa, huy động các nguồn lực của xã hội để tổ chức dạy bơi cho học sinh nhằm nâng cao kỹ năng bơi, kỹ năng phòng, chống tai nạn thương tích, đuối nước cho các em. Đề xuất địa phương lắp đặt hệ thống các biển cảnh báo tại những khu vực nguy hiểm, có nguy cơ cao có thể xảy ra đuối nước, những khu vực vắng người qua lại trên địa bàn.
Dạy cho trẻ kỹ năng bơi
Ông Đặng Hoa Nam, Cục trưởng Cục Chăm sóc và bảo vệ trẻ em, cho biết, để hạn chế tai nạn đuối nước cho trẻ em, cần sự trách nhiệm và chung tay của toàn xã hội. Trong đó, việc phổ cập dạy bơi, dạy các kỹ năng an toàn dưới nước, hỗ trợ trang thiết bị bơi như áo phao hướng dẫn kỹ năng sử dụng áo phao cho trẻ em ở một số xã có sông, suối, ao, hồ, vùng biển, bão lũ thiên tai thường xuyên xảy ra, nơi các em đi học phải qua sông, qua xuồng là cực kỳ cần thiết.
Theo Bộ LĐ-TB&XH, nước ta có bờ biển dài, hệ thống sông ngòi dày đặc, tiềm ẩn nhiều nguy cơ xảy ra tai nạn đuối nước với trẻ em nên chúng ta phải biến những điều này thành ưu thế để dạy trẻ biết bơi và ứng phó khi gặp tai nạn đuối nước.
Việc phổ cập dạy bơi, dạy các kỹ năng an toàn dưới nước cho trẻ em là một trong những giải pháp cơ bản để giảm thiểu tai nạn đuối nước. Tuy nhiên, trên thực tế xuất phát từ chính đặc điểm tâm lý của trẻ em thường hiếu động, ham vui, nhiều trẻ em tự rủ nhau đi tắm sông, suối, ao hồ trong khi không biết bơi, không có kỹ năng ứng phó khi gặp đuối nước, một phần cũng vì chưa có sự sâu sát của gia đình, nhà trường, xã hội.
Chính vì vậy, cần nâng cao nhận thức về phòng chống tai nạn sông nước cho trẻ em thông qua truyền thông giáo dục kết hợp các hoạt động văn hóa vui chơi, giải trí thể dục thể thao, du lịch, tham quan an toàn lành mạnh cho trẻ em trong dịp hè, xây dựng ngôi nhà an toàn, trường học an toàn, cộng đồng an toàn . Đặc biệt, cần nâng cao nhận thức trong gia đình về kiến thức và phương pháp xử lý khi gặp đuối nước, bảo đảm cho trẻ em được sống trong môi trường an toàn, lành mạnh để phát triển.
Luật Trẻ em được Quốc hội thông qua vào tháng 4 năm nay đã đánh dấu một bước quan trọng trong việc bảo vệ, chăm sóc trẻ em, đặc biệt là quy định rõ trách nhiệm của nhà nước, gia đình, xã hội trong việc đảm bảo các quyền và bổn phận của trẻ em. Tuy nhiên, trên thực tế vẫn còn nhiều vụ tai nạn thương tâm khiến trẻ em có thể bị chết, bị thương, tàn tật do tai nạn giao thông, bị đuối nước... Điều đó đặt ra trách nhiệm rất lớn cho những người làm công tác chăm sóc trẻ.
Hoàng Văn
Thời gian qua, tỉnh Nghệ An triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp, cơ chế, chính sách thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi, bước đầu đạt được những kết quả tích cực. Đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) nâng cao ý thức tự lực, tự cường vươn lên phát triển kinh tế, xây dựng cuộc sống, góp phần xóa đói giảm nghèo, tạo nên diện mạo mới cho nông thôn miền núi xứ Nghệ.
Cuộc thi trực tuyến tìm hiểu về bảo hiểm tiền gửi (BHTG) 2024 là một hoạt động quan trọng trong việc nâng cao nhận thức của công chúng về chính sách BHTG và hoạt động của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam (BHTGVN), qua đó truyền tải nội dung chính sách BHTG một cách mới mẻ, hấp dẫn và thu hút sự quan tâm của công chúng.