Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 24 tháng 6 năm 2016 | 1:31

Fansipan, chạm tay vào giấc mơ

Chinh phục Fansipan -  nóc nhà Đông Dương, nơi thử thách lòng kiên nhẫn, sức bền của không ít người giờ đã trở nên dễ dàng hơn bao giờ hết nhờ hệ thống cáp treo được đánh giá là hiện đại nhất châu Á. Nhiều ý kiến cho rằng người ta đến Fansipan vì có cáp treo, còn tôi lại nghĩ khác, cáp treo mang sứ mệnh chuyên chở cho chuyến hành trình đặc biệt: hành trình ước mơ.

Những cung bậc cảm xúc

Không ước mơ sao được, khi cảm giác đứng trên đỉnh núi cao nhất Đông Dương, phóng tầm mắt nhìn ngút ngàn mây trời, gió lộng, thấy cả non sông đất nước trong vòng tay, hít thật sâu thứ không khí loãng nhưng trong lành đến tê buốt…, thực sự vô cùng phấn khích và thú vị.

Là người từng dành thời gian 2 ngày để leo bộ lên đỉnh Fansipan, khi biết có tuyến cáp treo, tôi cũng có chung tâm trạng giống như các “phượt thủ” khác, đó là chút tiếc nuối, thậm chí có phần tiêu cực hơn là không hề thoải mái với hệ thống cáp treo tí nào, cho rằng công trình đó đã phá vỡ hệ sinh thái tự nhiên của dãy Hoàng Liên Sơn, đã biến những điều tưởng như phi thường thành bình thường quá mức… Tuy nhiên, khi trực tiếp trải nghiệm, tôi đã thay đổi suy nghĩ.

Cảm giác đầu tiên khi đặt chân đến nhà ga Fansipan Legend là quá choáng ngợp, có điểm gì đó rất giống Bà Nà Hill (Đà Nẵng) nhưng bề thế hơn, chỉn chu hơn. Trước khi vào nhà ga chính, bạn phải đi qua một khuôn viên rộng lớn, với vô vàn hoa lá tươi xanh, và đặc biệt là hàng hoa đào, hoa mai - đặc trưng của núi rừng Tây Bắc. Đang trong giai đoạn hoàn thiện, nhưng những mái chùa cong đậm chất Việt đã thu hút  nhiều người, và chắc chắn đây sẽ là điểm đến hấp dẫn nữa của du lịch tâm linh.

Khi bước chân vào cabin cáp treo Fansipan, cảm xúc đầu tiên của tôi là đẹp, kế đến là háo hức. Mỗi dặm mây lướt qua, tôi lại mong chờ được nhìn thấy dưới đó là bạt ngàn ruộng bậc thang, là những thung lũng chìm trong nắng hay những triền núi cheo leo, hùng vĩ. Cảm giác khi cabin đã vượt qua những tầng mây để rồi dần lộ ra những khu rừng ngút ngàn phía dưới là một cảm giác rất đặc biệt mà khi leo bộ tôi không có được. Nó vừa pha lẫn sự thoả mãn, niềm hạnh phúc lẫn ngỡ ngàng, và có lẽ nhiều người sẽ có cảm giác giống tôi: tự hào với vẻ đẹp hùng vĩ của đất nước.

Tuyến cáp treo đạt 2 kỷ lục Guinness.

Được khởi công tháng 11/2013, cáp treo lên đỉnh Fansipan khánh thành vào đầu tháng 2/2016. Tổng mức đầu tư giai đoạn một của tổ hợp dự án là 4.400 tỷ đồng. Quãng đường từ bản Mường Hoa (xã Hầu Thào) lên tới đỉnh đi qua 6 cột trụ chính, mỗi cột trụ cách nhau 1km. Tôi không quá bất ngờ với hệ thống cáp treo ba dây dài nhất thế giới (6.325 m), tôi cũng không bị thuyết phục bởi công suất vận chuyển mà hệ thống cáp treo này sở hữu (tối đa 2.000 lượt khách một giờ với những cabin như một chiếc xe bus nhỏ, có sức chứa tới 35 khách), điều tôi ấn tượng chính là độ chênh giữa ga đi và ga đến lớn nhất thế giới (1.410m). Những ai đã từng leo núi đều hiểu sự chênh lệch độ cao khác hoàn toàn với chênh lệch chiều dài, gần 1.500m chiều dài có thể không làm khó những vận động viên chuyên nghiệp, nhưng cũng khoảng cách ấy, với chiều cao là thử thách lớn lao mà không phải tay leo núi chuyên nghiệp nào vượt qua được. Chưa kể việc người ta tạo nên sự chênh lệch đó bằng công nghệ mới, với những cột trụ kiên cố, hệ thống ròng rọc hiện đại và an toàn…, đủ để chứng minh sức mạnh phi thường của con người trong công cuộc chinh phục thiên nhiên. Việc khánh thành tuyến cáp treo khiến hành trình chinh phục nóc nhà Đông Dương kéo dài 2 ngày đêm rút ngắn chỉ còn 15 phút. Du khách có thể chạm tay vào cột mốc trên đỉnh Fansipan dễ dàng hơn trước rất nhiều, so với chặng đường leo, trèo gian nan trước đây.

Sa Pa có còn lặng lẽ?

Sa Pa vốn là thị trấn nhỏ lặng lẽ nép mình trong sương mù và khí hậu mát mẻ, nhưng có lẽ từ khi cao tốc Hà Nội – Lào Cai thông xe, đặc biệt là khi có hệ thống cáp treo Fansipan, Sa Pa đã không còn lặng lẽ. Những con đường nhỏ vốn thênh thang trước đây, nay chật cứng xe cộ. Cảnh tắc đường tưởng chỉ có ở những đô thị lớn thì nay cũng xuất hiện ở Sa Pa. Thành phố nhỏ đã ồn ào hơn, náo nhiệt hơn… nhờ cáp treo Fansipan.

Không ít người tỏ vẻ tiếc nuối một Sa Pa cũ kỹ và yên bình, nhưng xét về một mặt nào đó, đây là tín hiệu đáng mừng, ngành du lịch Sa Pa sẽ phát triển với nhiều đột phá hơn nữa. Sự xuất hiện của cáp treo sẽ tạo ra  bài toán quản lý cho chính quyền và doanh nghiệp, từ đó mang đến những giải pháp để bảo vệ Sa Pa, bảo vệ Hoàng Liên Sơn. Bởi câu chuyện ở đây là  sẽ tìm cách để giữ nguyên vẹn cảnh quan núi rừng, để chính những du khách ở trên mây còn cái để chiêm ngưỡng và ngắm nhìn. Chứ không phải sẽ tiếp tay phá rừng, để những gì chúng ta nhìn được trên cáp treo chỉ là những mảng núi trọc lốc. 

Với người dân Sa Pa thì sao? Cáp treo Fansipan đi vào hoạt động, lượng khách du lịch tăng cao sẽ là cơ hội để phát triển kinh doanh, mang lại nguồn lợi lớn về kinh tế cho dân bản địa. Cũng chính điều này sẽ kéo theo nhiều người dân từ khắp nơi đổ về Sa Pa sinh sống và làm ăn. Sắp tới, 1.000 hộ dân tại Sa Pa sẽ được cấp phép nâng cấp xây mới khách sạn mini để đáp ứng nhu cầu của khách du lịch. Và theo dự báo của các chuyên gia, tăng trưởng kinh tế sẽ thúc đẩy nhu cầu du lịch ở các khách sạn 4-5 sao tăng mạnh ở giai đoạn 2020 - 2025. Nếu nhìn dưới lăng kính của các nhà đầu tư địa ốc thì tất cả đều có thể biến thành cơ hội. Với tiềm năng du lịch không thể phủ nhận của xứ sở mờ sương, quỹ đất hiếm hoi với khí hậu mát mẻ quanh năm thực sự lý tưởng cho du lịch nghỉ dưỡng núi phát triển mạnh mẽ.

Vẫn còn đó những hình ảnh chưa đẹp, đó là cảnh nhốn nháo trên đỉnh cao 3.143m, khi người ta chen lấn và xô nhau chụp ảnh; vẫn còn những cá nhân thiếu ý thức khi xả rác bừa bãi; vẫn còn những hạn chế trong dịch vụ ăn uống và nghỉ dưỡng…, còn rất nhiều việc để Fansipan “đáng để quay lại nhiều lần”. Nhưng nhìn hình ảnh em bé 5 tuổi vẫy trên tay lá cờ Tổ quốc nhỏ xíu, tôi vẫn “bảo lưu” quan niệm của mình, rằng ai cũng có quyền mơ ước, ai cũng quyền vượt qua những giới hạn của bản thân, bằng cách nào đi chăng nữa. Và dù đi bằng cáp treo hay leo bộ, Fansipan luôn là hành trình xứng đáng để bạn thử thách chính mình, là nền tảng để bắt đầu những ước mơ lớn lao hơn.

Tố Loan

 

KTNT
Ý kiến bạn đọc
  • Hào hứng xem đua vỏ lãi ở cửa biển Sông Đốc

    Hào hứng xem đua vỏ lãi ở cửa biển Sông Đốc

    Hàng ngàn người đổ về thị trấn Sông Đốc (Trần Văn Thời - Cà Mau) để xem cuộc đua vỏ lãi kỳ thú. Thị trấn ven biển này cũng là nơi 70 năm trước diễn ra sự kiện tập kết ra Bắc lịch sử.

  • Dòng chảy tri thức - Hành trình tri thức không thể thiếu vắng hình bóng “Người lái đò”

    Dòng chảy tri thức - Hành trình tri thức không thể thiếu vắng hình bóng “Người lái đò”

    Hòa cùng không khí cả nước, chào mừng 42 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11/1982 - 20/11/2024, tri ân sự đóng góp, hy sinh của thầy, cô giáo - những “Người lái đò” thầm lặng, đưa nhiều thế hệ học trò đến với bến bờ tri thức.

  • Thắp sáng ước mơ cho các em học sinh Làng Nủ

    Thắp sáng ước mơ cho các em học sinh Làng Nủ

    Trong tiết trời se lạnh đầu đông, nhưng ở trong Trường TH&THCS số 1 Phúc Khánh (Bảo Yên - Lào Cai), không khí ấm áp và rộn ràng đang tràn ngập nơi đây. Những ngày tháng gian khó sau bão số 3 đã ở lại phía sau, nhường chỗ cho niềm vui và nụ cười rạng rỡ của các em học sinh. Bằng sự tận tụy, ân cần của thầy cô, nhà trường đã trở thành mái nhà thứ hai, nơi tràn đầy tình yêu thương và hy vọng.

Top