Theo Phòng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và Cứu nạn cứu hộ (PCCC&CNCH) – Công an TP.Hà Nội, tính đến thời điểm hiện tại, toàn TP.Hà Nội có 2.878 công trình vi phạm quy định chưa nghiệm thu về PCCC đã đưa vào sử dụng.
430 vụ cháy ở các công trình chưa được nghiệm thu về PCCC
Thực trạng công trình vi phạm quy định chưa nghiệm thu về PCCC đã đưa vào sử dụng với số lượng lớn bởi một số nguyên nhân như ý thức chấp hành quy định pháp luật của các chủ đầu tư, năng lực của các đơn vị tư vấn thiết kế, giám sát, nhà thầu thi công về PCCC còn hạn chế; sự phối hợp giữa cơ quan cấp phép về PCCC với cơ quan cấp phép quy hoạch, xây dựng.
Các công trình này có tồn tại về PCCC điển hình như đường giao thông dẫn đến công trình nhỏ, hẹp không đảm bảo khả năng tiếp cận của xe chữa cháy, cá biệt có trường hợp không có đường cho xe chữa cháy; khoảng cách an toàn PCCC, bậc chịu lửa, số lượng, chủng loại buồng thang bộ thoát nạn… không đảm bảo, do đó, luôn tiềm ẩn nguy cơ phát sinh cháy, nổ với tính chất phức tạp, khó lường, có thể gây cháy lớn, cháy gây thiệt hại nghiêm trọng về người, tài sản.
Theo thống kê tình hình cháy từ năm 2016 đến nay, có 430 vụ cháy xảy ra đối với công trình chưa được nghiệm thu về PCCC đã đưa vào sử dụng (chiếm tỉ lệ 12,31%). Tuy tỉ lệ chiếm không cao, nhưng 95% số vụ cháy thuộc nhóm đối tượng này đều là cháy lớn, cháy thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản.
Bên cạnh đó, vẫn còn tình trạng chung cư chưa nghiệm thu PCCC đã lùa dân vào sinh sống. Cụ thể, theo phản ánh của một số cư dân đang sính sống tại chung cư 302 Cầu Giấy (Discovery Complex) tại phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, Hà Nội, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, tháng 7/2021, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết đồng ý với đề xuất của Bộ Công Thương về việc hỗ trợ giảm tiền điện tiền điện tháng 8, tháng 9 cho người dân sử dụng điện sinh hoạt ở các địa phương đang phải thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16. Tuy nhiên, các căn hộ tại Discovery Complex lại chưa được hưởng chính sách trên. Ngày 23/8, Ban đại diện cư dân chung cư này có văn bản gửi chủ đầu tư (CĐT) là CTCP Đầu tư Thương mại Dịch vụ Cầu Giấy để thắc mắc và đề nghị được giảm tiền điện theo chính sách của Chính phủ.
Theo tìm hiểu, nguyên nhân cư dân chung cư Discovery Complex không được hưởng chính sách giảm giá tiền điện đợt dịch bệnh vừa qua là do dự án chưa được cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện về PCCC nên cư dân không được ký hợp đồng mua bán điện trực tiếp với Công ty Điện lực Cầu Giấy.
Về vấn đề này, đại diện Công ty Điện lực Cầu Giấy cho biết, toà nhà Discovery Complex số 302 Cầu Giấy được cấp điện theo hợp đồng ký ngày 12/2/2018. Hiệu lực của hợp đồng trên đến ngày 12/02/2020. Theo nguyên tắc, để ký lại hợp đồng, chủ đầu tư phải có biên bản nghiệm thu PCCC.
Để đảm bảo an sinh cho hơn 500 hộ dân sinh sống tại đây, đến nay, Công ty Điện lực Cầu Giấy vẫn phải tiếp tục cấp điện cho Chủ đầu tư để đơn vị này vận hành tòa nhà, cấp điện cho người dân.
Đại diện Chủ đầu tư cho biết, dự án Discovery Complex đã bị thanh tra xây dựng xử phạt vi phạm. Chủ đầu tư đã chấp hành việc xử phạt hành chính, đã nộp đầy đủ tiền phạt cho ngân sách theo quy định của pháp luật.
Riêng đối với giấy chứng nhận nghiệm thu PCCC, mặc dù chủ đầu tư đã khắc phục theo hướng dẫn nhưng đã 5 lần nghiệm thu PCCC nhưng Cảnh sát PCCC chưa chấp thuận kết quả nghiệm thu PCCC. "Chúng tôi đang kiến nghị nghiệm thu PCCC từng phần, để sớm hoàn thành nghiệm thu PCCC cho người dân", đại diện Chủ đầu tư nói.
Công khai 100% tên chủ đầu tư vi phạm
Về biện pháp, giải pháp thực hiện trong thời gian tới, Phòng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và Cứu nạn cứu hộ (PCCC&CNCH) – Công an TP.Hà Nội cho biết, căn cứ chỉ đạo của Bộ Công an, Công an TP.Hà Nội đã tham mưu UBND Thành phố ban hành Kế hoạch số 151/KH-UBND ngày 18.6.2021 về khắc phục tồn tại, xử lý vi phạm các công trình chưa được nghiệm thu về PCCC đã đưa vào hoạt động trên địa bàn TP.Hà Nội; đây là kế hoạch thực hiện trong 5 năm (từ 2021 đến 2025) với mục tiêu không để phát sinh mới các công trình chưa được nghiệm thu về PCCC đưa vào hoạt động; từng bước khắc phục, kéo giảm số công trình tồn tại vi phạm, không đảm bảo điều kiện an toàn về PCCC&CNCH.
Đồng thời giao rõ trách nhiệm tới từng UBND cấp huyện chủ trì, thực hiện các biện pháp đối với công trình chưa được nghiệm thu về PCCC đã đưa vào hoạt động theo lộ trình từng bước: Đăng tải công khai 100% tên chủ đầu tư công trình chưa nghiệm thu về PCCC đã đưa vào hoạt động trên phương tiện thông tin đại chúng.
Làm việc với 100% các chủ đầu tư của công trình vi phạm (có mời các đơn vị chức năng có liên quan cùng tham gia) để họp bàn, thống nhất biện pháp, giải pháp thực hiện; yêu cầu chủ đầu tư cam kết lộ trình, thời gian, tiến độ để từng bước khắc phục đối với từng nội dung tồn tại, vi phạm cụ thể.
Ưu tiên khắc phục ngay nhưng tồn tại dễ thực hiện, những tồn tại, vi phạm có nguy cơ trực tiếp phát sinh cháy, nổ hoặc tồn tại, vi phạm là nguyên nhân dẫn đến cháy, nổ gây thiệt hại về người; đặc biệt chú trọng đối tượng vi phạm là những công trình cao tầng, công trình có tầng hầm, kho xưởng,...
Tổ chức cưỡng chế các công trình vi phạm quy định chưa nghiệm thu về PCCC đã đưa vào sử dụng, công trình có sai phạm về xây dựng theo quy định của pháp luật.
Địa bàn nào xảy ra cháy lớn, cháy gây hậu quả nghiêm trọng, Chủ tịch UBND quận, huyện, thị xã xem xét, đánh giá trách nhiệm của đơn vị, tập thể, cá nhân có liên quan.
Giao rõ trách nhiệm đến Chủ tịch UBND quận, huyện, thị xã không để phát sinh công trình vi phạm quy định chưa nghiệm thu về PCCC đã đưa vào sử dụng trên địa bàn và chịu trách nhiệm trước lãnh đạo UBND TP.Hà Nội.
Thiệt hại trên 2 tỷ đồng từ 82 vụ cháy xảy ra trong quý III
Theo báo cáo của CATP Hà Nội, quý III/ 2021 (tính từ ngày 15/6/2021 đến 14/9/2021), trên địa bàn thành phố xảy ra 82 vụ cháy (trong đó: 3 vụ cháy lớn, 26 vụ cháy trung bình, 47 vụ cháy nhỏ, 6 vụ cháy rừng); không có thiệt hại về người, thiệt hại về tài sản ước tính ban đầu khoảng hơn 2,05 tỷ đồng; giảm 14 vụ, giảm 7 người bị thương, thiệt hại về tài sản ước tính giảm 2,7 tỷ đồng, so với quý III/ 2020.
Ngoài các vụ cháy, lực lượng Cảnh sát PCCC&CNCH cũng tiếp nhận 78 tin báo CNCH, tham gia CNCH 69 vụ; cứu được 21 người và tìm thấy 13 thi thể.
Trong thời gian qua, CATP đã chủ động tham mưu UBND Thành phố ban hành 6 kế hoạch lớn, 1 quyết định, 2 báo cáo, 2 thông báo về công tác PCCC và CNCH. Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH đã tham mưu CATP ban hành 8 kế hoạch chuyên đề, chuyên sâu cùng nhiều văn bản hướng dẫn, chỉ đạo trong công tác PCCC và CNCH, trong đó trọng tâm là các văn bản hướng dẫn thực hiện công tác PCCC, CNCH phù hợp với các biện pháp phòng chống dịch bệnh Covid-19 theo chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Công an, UBND Thành phố. Cùng với đó, đơn vị đã xây dựng bộ tài liệu hướng dẫn các đơn vị thực hiện công tác PCCC&CNCH trong thời gian sử dụng các cơ sở cách ly, thu dung, điều trị bệnh nhân Covid-19.
Công tác tuyên truyền PCCC cũng có nhiều chuyển biến tích cực; các mô hình, điển hình tiên tiến về PCCC được triển khai tại nhiều đơn vị với nhiều mô hình hay, hoạt động có hiệu quả, góp phần làm giảm các sự cố cháy, nổ xảy ra và được Lãnh đạo Bộ Công an gửi thư khen, chỉ đạo nhân rộng ra toàn quốc.
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Đại tá Trần Ngọc Dương nêu rõ: “Mặc dù việc triển khai các mặt công tác PCCC&CNCH gặp rất nhiều khó khăn, tuy nhiên các đơn vị đã chủ động, sáng tạo triển khai nhiều mặt công tác vừa đảm bảo an toàn trong phòng chống dịch bệnh, vừa hoàn thành nhiệm vụ được giao”.
Đồng chí Phó Giám đốc CATP yêu cầu các đơn vị cần tập trung làm tốt công tác tham mưu cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương đưa ra những biện pháp, giải pháp về công tác PCCC&CNCH trên địa bàn, đổi mới các hình thức tuyên truyền, nhân rộng nhiều cách làm hay, mô hình mới về điển hình tiên tiến trong công tác PCCC.
Tối 22/11, tại Bảo tàng tỉnh Phú Yên, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh tổ chức khai mạc trưng bày chuyên đề “Bến Vũng Rô và hoạt động tiếp nhận chi viện từ những chuyến Tàu Không số”. Hoạt động nhằm hướng đến kỷ niệm 60 năm Bến Vũng Rô tiếp nhận chuyến hàng đầu tiên của Tàu Không số (28/11/1964 – 28/11/2024).
Thời gian qua, tỉnh Nghệ An triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp, cơ chế, chính sách thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi, bước đầu đạt được những kết quả tích cực. Đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) nâng cao ý thức tự lực, tự cường vươn lên phát triển kinh tế, xây dựng cuộc sống, góp phần xóa đói giảm nghèo, tạo nên diện mạo mới cho nông thôn miền núi xứ Nghệ.
Cuộc thi trực tuyến tìm hiểu về bảo hiểm tiền gửi (BHTG) 2024 là một hoạt động quan trọng trong việc nâng cao nhận thức của công chúng về chính sách BHTG và hoạt động của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam (BHTGVN), qua đó truyền tải nội dung chính sách BHTG một cách mới mẻ, hấp dẫn và thu hút sự quan tâm của công chúng.