Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024  
Thứ năm, ngày 28 tháng 1 năm 2016 | 3:5

Gặp “vua” vịt trời Bắc Ninh

Nghe tin xã Đại Đồng Thành (Thuận Thành - Bắc Ninh) có người thuần hóa và nuôi dưỡng thành công vịt trời bố mẹ và thương phẩm, một ngày cuối năm, chúng tôi tìm gặp Nguyễn Đăng Cường (sinh năm 1979), chủ nhân của trang trại 2,5ha và đàn vịt biết bay 50.000 con (1.600 vịt bố mẹ). Tuy nhiên, để có được cơ ngơi như hôm nay, cái giá mà Cường phải trả rất lớn và lời khuyên cho những người muốn thành công là phải có tầm nhìn, chịu học hỏi và sáng tạo.

Anh Cường (áo sáng màu) cùng khách tham quan khu trang trại nuôi vịt sinh sản.

Ý tưởng thuần hóa vịt trời

“Đôi khi những ý tưởng lớn thường bắt đầu từ sự tò mò, nhưng muốn đi đến hiện thực thì phải có niềm đam mê, nghị lực và sáng tạo”. Mở đầu buổi trò chuyện với chúng tôi, Cường đã nhấn mạnh điều này cũng như để giải thích cho câu hỏi của tôi là “cơ duyên nào dẫn anh tới những thành công trong việc thuần hóa vịt biết bay”.

Cường hóm hỉnh kể, trước khi nuôi vịt trời, anh đã thất bại thảm hại trong nuôi vịt nhà và các loại gia súc, gia cầm khác. Số là, năm 2004, khi bắt tay vào làm trang trại, Cường đã gây dựng 17.000 con vịt từ chương trình khuyến nông của huyện, rồi được đà lấn tới nuôi lợn, ngan Pháp, cá chim trắng… Nhưng do thời tiết khắc nghiệt cộng với dịch cúm gia cầm, dịch tai xanh đã đẩy Cường đến thất bại, chỉ còn lại trên vai gánh nợ hàng tỷ đồng chưa biết nhìn ngó vào đâu. Vì vậy, có thời gian Cường phải bỏ chuồng trại, đôn đáo đi làm thuê để trả nợ. Trên bước đường chông gai đó, có lúc rảnh rỗi anh đã thân hành đến các trang trại ở ngoại thành Hà Nội, tìm hiểu xem họ làm như thế nào, thành công, thất bại ra sao. Rồi một niềm tin mãnh liệt trỗi dậy trong anh, phải làm gì đó để phục hồi trang trại của mình, không thể để đất hoang hóa.         

Quả là ông trời có mắt, vận may hiếm có đã đến với anh, Tết Nguyên đán năm 2006, anh được 1 người bạn mời đi ăn đặc sản vịt trời ở nhà hàng Bắc Ninh. Không chỉ thưởng thức, anh còn lân la tìm hiểu và được biết, việc nuôi nhốt không làm ảnh hưởng đến sức sống, chất lượng thịt của loài vịt biết bay ngoài thiên nhiên, thậm chí có con khỏe còn đẻ trứng. Nhưng chúng đang cạn kiệt do bị thợ săn lùng bắt ngày đêm. Ngay lúc đó,  anh đã nảy sinh ý tưởng nuôi vịt trời. Sực nhớ, có mấy người bạn ở trong Nam khi đi làm ăn xa, anh đã nhờ bạn tìm mua hộ vịt trời. Nhưng phải đến 1 năm sau (tháng 3/2007), bạn bè mới chuyển ra cho anh 64 chú vịt biết bay của vùng Đồng Tháp Mười và Campuchia, với giá 650.000 đồng/con.

Thế nhưng vận xui tiếp tục đeo bám anh, trong quá trình gây dựng, 30 con chết không tìm được nguyên nhân, sau này Cường mới biết có lẽ do một loại ký sinh trùng nào đó gây hại, 34 con còn lại bay mất. Phải đến lần thứ 2 (tháng 8/2007), anh mới nhen nhúm được đàn vịt như ngày nay. Cường nhớ lại niềm vui khôn tả của mình khi vịt trời đẻ quả trứng đầu tiên, rồi chờ  được 13 quả trứng, anh phấn khởi đem đi ấp thuê; nhưng không “đậu” do trứng không có phôi. Không nản chí, Cường lại kiên trì chờ đợi những lần ấp sau. Cuối cùng, may mắn đã mỉm cười với anh, mẻ ấp này thành công, cho anh 9 chú vịt trời “nguyên bản”. Nhưng niềm vui chỉ ánh lên đôi chút rồi lại nhường chỗ cho lo lắng, hồi hộp: Làm sao để nuôi chúng lớn, khỏe mạnh là điều không dễ. Rồi Cường dành tất cả thời gian, tâm huyết cho đàn vịt trời.

Sau khi thành công, anh nghiệm ra rằng, nuôi vịt trời không khó, thậm chí còn dễ hơn nuôi gà, do chúng sống ngoài thiên nhiên, sức chống chịu lớn.  Điều quan trọng nhất là phải để ý sát sao 5 ngày đầu tiên sau khi vịt nở, phải giữ được thân nhiệt cho vịt; khi lông đã dày, vịt xuống được ao mới yên tâm. Điểm khác biệt nữa là, vịt trời có sức chịu đựng tốt với điều kiện sống khắc nghiệt, kham khổ nên không cần nhiều dinh dưỡng. Song, thời tiết ẩm ướt của mùa xuân rất dễ gây dịch bệnh, vì vậy, cần có cách phòng chống hiệu quả trong thời gian này.

Tầm nhìn kinh doanh

Trong khi trao đổi với chúng tôi, Cường thường nhấn mạnh: Muốn ý tưởng  thành hiện thực phải học hỏi, say mê và sáng tạo, nếu không sẽ rất dễ thất bại, hoặc trắng tay. Vì vậy, dù bận trăm công ngàn việc và gánh nặng nợ nần luôn canh cánh trong lòng, anh vẫn đăng ký theo học lớp kỹ sư chăn nuôi thú y (Trường Đại học Nông nghiệp, nay là Học viện Nông nghiệp Việt Nam). Vừa học, đọc sách báo, vừa áp dụng kiến thức vào chăm sóc vịt, vừa rút kinh nghiệm thực tế, chỉ sau một thời gian ngắn, Cường đã sáng chế ra loại thảo dược phòng chống dịch bệnh cho vịt trời rất hiệu quả, từ chính những cây cỏ xung quanh trang trại. Đặc biệt, trong nhà anh lúc nào cũng có một thùng to chứa 50 lít thảo dược, chưng cất từ cây nhà lá vườn cho vịt uống. Thức ăn của vịt cũng do anh chế biến gồm ngô xay, rau, củ, quả  các loại có tại địa phương, hoàn toàn không cho ăn thức ăn công nghiệp.

Tuy nhiên, Cường cũng không ngần ngại chia sẻ những thất bại “cay đắng” của mình trong lần thứ hai, do thiếu một chút táo bạo và tầm nhìn xa rộng trong kinh doanh, khiến anh phải chậm lại một bước, trước khi trở thành tỷ phú như ngày nay.

Số là, từ 9 chú vịt, anh nhân dần lên thành 50 con và bàn với bố mẹ cố gắng gây dựng để có 100 vịt bố mẹ, nhưng lúc này không ai dám “liều” theo ý tưởng của anh. Ít lâu sau, một người bạn quen biết hỏi mua số vịt  định gây giống, Cường đã bán cho bạn già nửa số vịt, với giá 450.000 đồng/con. Đây chính là sai lầm của anh, Cường không ngờ rằng, chỉ sau một thời gian ngắn (năm 2011), người bạn đã nhân đàn vịt trời lên hàng ngàn con và thu lợi nhuận kếch xù từ việc bán vịt trời giống mà không hề phải trải qua những mất mát, nhọc nhằn như anh.  Bài học đắt giá thứ hai Cường rút ra là phải có tầm nhìn xa rộng trong kinh doanh, nếu không thì cầm chắc thua lỗ.

Thất bại là mẹ thành công, sau nhiều đêm trăn trở, anh quyết định vay vốn ngân hàng, đầu tư chuồng trại một cách bài bản, khoa học, theo đuổi đam mê của mình. Từ định hướng đúng đắn đó, Cường nhanh chóng nâng đàn vịt biết bay lên 5.000 con. Tính đến cuối năm 2014, tổng đàn đã đạt 4 vạn con; riêng đàn vịt bố mẹ 1.600 con. Bắt đầu từ đây, anh vừa bán vịt sinh sản vừa bán vịt thịt cho các nhà hàng đầu mối trên toàn quốc. Số vịt thịt lên tới 3 vạn con; vịt giống 8.000 con, chủ yếu cho các tỉnh thành phía Nam. Như vậy là, những chú vịt biết bay của tỷ phú Cường đã đi một vòng tròn khép kín, khởi nguồn từ đất phương Nam, nay lại trở về miền Nam phục vụ du khách và bà con nơi đây. “Khách hàng của mình thường là đối tác lâu dài, họ rất yên tâm, tin tưởng về chất lượng sản phẩm, vì vậy, mình chỉ lo sản xuất, chăm sóc cho đàn vịt béo tốt mà không phải băn khoăn về đầu ra”, Cường tâm sự. 

Khi chúng tôi hỏi về doanh thu, anh cho hay, năm 2014, thu được 6 tỷ đồng, một mặt trả nợ, mặt khác tiếp tục đầu tư vào kè ao, mua xe ô tô bán tải phục vụ giao thương và xây dựng cơ sở vật chất trang trại; năm 2015  đạt khoảng 4 – 5 tỷ đồng. Dự tính năm 2016 sẽ nâng tổng đàn lên 15 -17 vạn con. Hiện, điều anh trăn trở nhất là mong muốn các cấp ngành chuyên môn và đơn vị có thẩm quyền hỗ trợ duy trì và công bố 34 con vịt trời bố mẹ giống gốc ban đầu của anh và cấp giấy chứng nhận trang trại đạt tiêu chuẩn về giống để anh yên tâm sản xuất.   

Túi tiền nào cũng xài được vịt trời

Cũng theo “vua” vịt trời thì để có món vịt biết bay “xịn” như nguyên bản của nó: chân đỏ, chót mỏ vàng, thịt có màu đỏ au một cách tự nhiên không có gì là khó, bí quyết đó nằm ở khâu thức ăn. Nếu cho ăn cám công nghiệp và thóc, vịt sẽ béo, nhưng không có sắc tố nói trên. Nên cho vịt trời ăn ngô xay trộn lẫn với rau, củ, quả các loại và cà rốt, uống nước thảo dược…

Cường thết đãi chúng tôi món lẩu vịt thơm nức. Thoạt nhìn, tôi không biết đó là thịt gì, vì nó có màu đỏ au, mùi thơm ngon, mềm và không tanh như vịt thường. Khi nhúng rau vào nồi lẩu, rau mềm hơn và bóng mỡ, ăn rất ngon, do vịt béo quay. Đây cũng chính là câu trả lời vì sao vịt trời ở trang trại của Cường không bay đi. Một phần do đã được thuần hóa, một phần do vỗ béo, cơ thể của chúng nặng hơn khi kiếm ăn ngoài thiên nhiên nên rất khó bay cao, bay xa, chỉ là là trên mặt nước.

Những ngày cuối năm trời lạnh nên nồi lẩu vịt càng hấp dẫn. Món trứng luộc cũng rất đặc biệt, thoạt trông, nó cũng giống như trứng vịt thường; nhưng lòng đỏ mịn màng có màu vàng tự nhiên, không có mùi tanh và tan biến ngay sau khi nhai. Đặc biệt, có thể ăn một lúc vài ba quả vẫn không có cảm giác đầy bụng, khó tiêu như trứng vịt thường.

Trong lúc mọi người đang vui vẻ, chủ nhà cho biết, nếu như cách đây 10 năm, tôi phải ăn một con vịt trời với giá 500.000 - 700.000 đồng thì nay chỉ còn 200.000 đồng, dự kiến còn thấp hơn, để ai cũng có thể thưởng thức vịt trời như bất kỳ món ăn đặc sản nào của người Việt mà không ảnh hưởng đến túi tiền.

Được biết, tỉnh Bắc Ninh cũng đã hỗ trợ Cường trong sản xuất, tuy không nhiều, nhưng là nguồn động viên để anh mở rộng quy mô, giúp đỡ bà con địa phương cùng phát triển sản xuất. Đích danh đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Nhân Chiến đã đồng ý về mặt chủ trương, giao các ban ngành địa phương nghiên cứu hỗ trợ Cường về cơ sở vật chất trang trại, đất đai, vốn đầu tư để xây dựng thành mô hình điểm, nhân rộng trong toàn tỉnh.

Dương An Như

 

KTNT
Ý kiến bạn đọc
Top