Bức tượng đại thi hào Nguyễn Du của anh Nguyễn Lê Huy (TP.Vinh - Nghệ An) vừa được Tổ chức Kỷ lục Việt Nam xác nhận là bức tượng bằng gỗ gù hương lớn nhất Việt Nam.
Chia sẻ với chúng tôi, anh Lê Huy cho biết, nguồn cơn để anh tạc bức tượng này đơn giản chỉ để thể hiện tâm nguyện của một người Việt yêu văn hóa Việt, muốn tôn vinh danh nhân Việt.
Anh Nguyễn Lê Huy bên bức tượng của mình.
Nguyễn Lê Huy làm việc cho Công ty cổ phần sữa T.H tại Nghĩa Đàn (Nghệ An) nhưng may mắn được thừa hưởng một chút “gen” mê nghệ thuật của cha mình. Thuộc nhiều thơ, biết làm thơ, đam mê sưu tầm cổ vật, Huy đã có trong tay hàng ngàn cổ vật quý hiếm. Cuộc sống không thực sự quá dư giả, nhưng Huy lại dành phần lớn tiền bạc, thời gian cho thú chơi tốn kém này. Chính niềm đam mê cổ vật đã giục bước chân anh, những khi rảnh rỗi, đi tới nhiều vùng đất để săn tìm. Gốc gù hương dễ có ngàn năm tuổi cũng đã tình cờ đến với anh nhờ một lần phiêu du như thế.
Gốc cây được tìm thấy dưới lớp đất đá sâu, có chiều dài 3,5m, rộng 2,5m. Nhiều người khuyên anh nên xẻ ra để làm 9 - 10 bộ phản hoặc có thể tạc những bức tượng mang tính thương mại. Thế nhưng, khi đã sở hữu một khối gỗ lớn đến thế, Lê Huy lại có ý tưởng cho riêng mình: tạc tượng danh nhân đất Việt.
Anh thuê xe, đưa khối gỗ về Vinh vào tháng 4 năm ngoái. Lại có nhiều lời khuyên anh sử dụng khối gỗ như thế nào được đưa ra. Song ý anh đã quyết, trăn trở chọn một danh nhân và nhân vật mà anh nghĩ tới nhiều nhất là đại thi hào Nguyễn Du. “Biết bao nhiêu người Việt Nam đã lớn lên và thấm đẫm những lời ru từ Truyện Kiều của cụ”. Hơn thế, một mối nhân duyên sâu nặng đã khiến ý tưởng tạc tượng cụ Nguyễn Du càng thêm rõ ràng, anh chính là cháu rể đời thứ 8 của cụ. May mắn hơn nữa, anh được những người trong gia đình mình ủng hộ việc làm này. Bên cạnh đó, con cháu dòng họ Nguyễn Tiên Điền, những người quản lý di tích cụ Nguyễn giúp anh về ý tưởng, về tư liệu… Đặc biệt, một số nghệ nhân, nhà điêu khắc cũng một lòng, một dạ giúp sức cho anh
Chiêm ngưỡng tác phẩm, nghệ sĩ, nhiếp ảnh Cao Đông (bên trái) cũng phải "trầm trồ" .
Tháng 9/2014, Nguyễn Lê Huy bắt đầu hành trình tìm mẫu tượng và tìm thợ. Anh đi khảo sát khắp nơi, tìm đến những vùng có nhiều thợ giỏi, trưng cầu ý kiến của nhiều nhà điêu khắc, nghệ nhân. Phải mãi đến khi anh đặt chân tới một ngôi làng nhỏ, có xưởng gỗ nhỏ của một người thợ trẻ Bắc Giang, anh mới cảm thấy mình đã tìm được sự “đồng điệu”. Người thợ trẻ đã đóng cửa xưởng, cùng tốp thợ khăn gói vào Nghệ An để làm tượng cụ Nguyễn.
Bắt đầu từ 19/5/2015, bức tượng mẫu được đám thợ bắt tay thực hiện. Sau đó 15 ngày, trong cái xưởng gần nhà mình, anh bắt tay vào làm bức tượng chính thức. Có thể nói, giai đoạn này, Lê Huy và gia đình anh ăn ngủ cũng gắn với việc làm tượng. Điều anh lo nhất là làm sao để bức tượng tạc phải ra cụ Nguyễn, phải mang tinh thần, tâm hồn cụ Nguyễn. Vì thế anh yêu cầu nhóm làm tượng khi nào thực sự nhập tâm hãy làm. Cho đến 12/9, sau 4 tháng đợi trông, hồi hộp, bức tượng cụ Nguyễn Du đã hoàn thành công đoạn cuối cùng. Bức tượng cao hơn 3m (tính cả đế), đường kính lớn nhất 2m.
Thần thái của đại thi hào Nguyễn Du được thể hiện rõ nét.
Cái ngày bức tượng nguyên khối được đục đẽo tỷ mẩn, cẩn trọng ấy hoàn thành, Lê Huy và cả gia đình anh như vỡ òa trong niềm vui. Mấy tháng trời ròng rã “nuôi thợ” và giờ đây là kết quả gần như ý muốn. Nhiều người đã tìm đến với bức tượng, vì tò mò, vì ngưỡng mộ cụ Nguyễn và cả vì nể trọng một người như Lê Huy. Trả lời báo chí, Lê Huy chỉ nói rất giản dị: “Tôi chỉ là một người Việt bình thường, một người Việt yêu tha thiết văn hóa Việt và mong mỏi được lưu giữ nó mãi muôn đời”.
Bức tượng hiện được Lê Huy đặt trong quán càphê cổ vật mang tên Tiểu Khê, tại khuôn viên Khu lưu niệm Nguyễn Du tại Tiên Điền, Nghi Xuân, Hà Tĩnh. Nhiều người tìm đến và mong muốn được chụp ảnh lưu niệm với bức tượng được Trung tâm Kỷ lục Việt Nam xác nhận là lớn nhất Việt Nam hiện nay.
Đình Lam
Tối 22/11, tại Bảo tàng tỉnh Phú Yên, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh tổ chức khai mạc trưng bày chuyên đề “Bến Vũng Rô và hoạt động tiếp nhận chi viện từ những chuyến Tàu Không số”. Hoạt động nhằm hướng đến kỷ niệm 60 năm Bến Vũng Rô tiếp nhận chuyến hàng đầu tiên của Tàu Không số (28/11/1964 – 28/11/2024).
Thời gian qua, tỉnh Nghệ An triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp, cơ chế, chính sách thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi, bước đầu đạt được những kết quả tích cực. Đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) nâng cao ý thức tự lực, tự cường vươn lên phát triển kinh tế, xây dựng cuộc sống, góp phần xóa đói giảm nghèo, tạo nên diện mạo mới cho nông thôn miền núi xứ Nghệ.
Cuộc thi trực tuyến tìm hiểu về bảo hiểm tiền gửi (BHTG) 2024 là một hoạt động quan trọng trong việc nâng cao nhận thức của công chúng về chính sách BHTG và hoạt động của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam (BHTGVN), qua đó truyền tải nội dung chính sách BHTG một cách mới mẻ, hấp dẫn và thu hút sự quan tâm của công chúng.