Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ tư, ngày 24 tháng 4 năm 2024  
Thứ ba, ngày 6 tháng 2 năm 2018 | 10:23

Gặp những người nuôi gà Hồ ở Lạc Thổ

Gà Hồ Lạc Thổ nổi tiếng hàng thế kỷ ở xứ Kinh Bắc nay đã được phục hồi và bảo tồn một cách khoa học, bài bản.

Đến thăm những thành viên Hợp tác xã (HTX) chăn nuôi gà Hồ Lạc Thổ, làng Lạc Thổ, thị trấn Hồ (Thuận Thành - Bắc Ninh) những ngày đầu năm 2018, chúng tôi rất vui khi thấy giống gà quý hiếm, nổi tiếng hàng thế kỷ ở xứ Kinh Bắc đã được phục hồi và bảo tồn một cách khoa học, bài bản nhờ quyết tâm cao của chính quyền địa phương và các thành viên HTX.

 

tr53.JPG
Ông Chung chăm sóc, theo dõi sức khỏe cho gà Hồ.        

“Chọn mặt, gửi vàng”

Tiếp chúng tôi trong căn nhà khang trang, đẹp đẽ mới khánh thành chưa lâu, nguyên Phó chủ tịch UBND xã Song Hồ, nay là Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc HTX Chăn nuôi gà Hồ, Chủ nhiệm Câu lạc bộ gà Hồ Lạc Thổ - ông Nguyễn Đăng Chung - cho biết, tháng 10/2015, nhận được chỉ thị của tỉnh Bắc Ninh về việc khôi phục giống gà cổ quý hiếm hàng thế kỷ nay ở Lạc Thổ, chúng tôi rất lo nhưng càng lo, càng phải nỗ lực. Đầu tiên, Ban quản trị HTX đi đến từng hộ gia đình, nói rõ mục đích của tỉnh, huyện và thị trấn Hồ về việc tìm người tâm huyết, “chọn mặt, gửi vàng” trong việc khôi phục, bảo tồn và xây dựng thương hiệu giống gà Hồ. Rất may, đa số những hộ chúng tôi “chấm” đều được bà con vui vẻ nhận lời. Vì vậy, chỉ vài tháng sau, HTX đã nhanh chóng được thành lập, với 9 thành viên chính thức và 15 thành viên dự bị, đã đi vào hoạt động ổn định hơn 1 năm nay.     

Bà Nguyễn Thị Ngát, thành viên HTX Chăn nuôi gà Hồ, cho biết, gia đình bà có 40 con gà mái và 15 gà trống sinh sản, 100 gà thịt, trong đó lượng gà thịt phục vụ Tết Mậu Tuất 2018 khoảng 40-50 con, trọng lượng  4,5-5kg/con, bình quân 400.000 -500.000 đồng/kg. So với gà thường, gà Hồ đẻ ít hơn, chỉ đạt 10-15 quả/tháng, bình quân mỗi tháng đẻ 1 lần, có con chậm hơn, 1,5-2 tháng mới đẻ. Gà Hồ không những đẻ ít mà còn khó thụ tinh do gà trống to, khỏe, móng vuốt sắc nên khi đến gần, gà mái sợ và hay lẩn trốn, vì vậy, trứng thường không có phôi. Để khắc phục tình trạng trên, lực lượng thú y huyện đã kết hợp với Viện Chăn nuôi, hướng dẫn HTX thụ tinh nhân tạo. Bằng phương pháp này, tỷ lệ trứng đạt cao hơn, cần ít gà trống hơn và một gà trống có thể thụ tinh được nhiều gà mái.  

Một thành viên khác là ông Nguyễn Trọng Huỳnh ở thôn Lạc Thổ Bắc cho biết, đàn gà của ông có 100 con; gà mái đẻ 20 con, gà trống 5 con, còn lại là gà thịt. Trong đó, gà phục vụ Tết khoảng 35-40 con, số còn lại phải nuôi đến sang năm mới thịt được. Gà Hồ không giống gà thường. Gà thường các hộ có thể nuôi đến hàng ngàn con, còn gà Hồ phải nuôi 12-16 tháng và phải đạt 4,5-5kg mới giết mổ được, do thịt lúc này mới đảm bảo chất lượng nên hộ nào có hàng trăm con là đã thuộc loại nhiều. Đàn gà thịt của ông Huỳnh thường được khách đặt hàng từ tháng 9 - 10 âm lịch trở đi. Phần lớn khách mua gà Hồ trong dịp Tết để thờ cúng nên họ chọn rất kỹ: cao to, mỏ đẹp, ràng cánh, ràng chân.

Ông Huỳnh cho biết thêm, nuôi gà Hồ phải cẩn thận trong khâu chăm sóc, vệ sinh và ăn uống. Mỗi sáng ngủ dậy, phải kiểm tra gà và vệ sinh chuồng ngay, sau đó mới cho ăn uống. Gà con 1-3 tháng tuổi thì cho ăn cám mảnh, cám viên, tiếp đến  ăn thóc xay trượt vỏ (còn nguyên cám), lớn hơn nữa thì ăn cám ngô, gạo cùng với rau xanh. Để nuôi 100 con gà Hồ cần ít nhất 250m2 chuồng, chia thành nhiều ô nhỏ (khoảng 20m2/ô), ngăn bằng lưới B40 để tránh gà đánh nhau. Mùa đông, 8 giờ mới cho gà ra khỏi chuồng đi dạo, mùa hè sớm hơn.

Bên cạnh việc chú trọng khâu chuồng trại đúng quy cách, hợp vệ sinh, việc ấp nở và thức ăn cho gà rất quan trọng. Hiện, các hộ chăn nuôi đều có máy ấp riêng, với giá 3 triệu đồng/máy, mỗi lần ấp được 200 trứng. Gà sau khi nở phải ở trong máy 3 ngày, sau đó mới ra ngoài; ngày thứ 4 bắt đầu cho ăn cám mảnh và uống nước, thời gian cho ăn như vậy kéo dài 30 ngày. Thức ăn phải mua của các nhà sản xuất có uy tín như Việt - Pháp, Dabaco. Sau khi gà lớn, có thể mỗi hộ có cách cho ăn và phối trộn thức ăn khác nhau, song, tuyệt đối không dùng cám công nghiệp; chủ yếu dùng thóc, gạo, ngô hạt, rau xanh trộn cám gạo, uống nước sạch. Mặt khác, lực lượng thú y thị trấn, huyện cũng chú trọng vấn đề vệ sinh dịch bệnh và tiêm phòng thường xuyên cho gà, theo diễn biến thời tiết 4 đợt/4 mùa. 

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Đăng Chung cho biết: “Sau khi có chủ trương của Bắc Ninh về việc phục hồi, bảo tồn và xây dựng thương hiệu cho gà Hồ, cả 9 thành viên của HTX đã nỗ lực rất nhiều trong việc nhân giống gà Hồ gốc. Hiện, hộ nhiều nhất có 12 gia đình gà sinh sản, theo đó, 1 gia đình gà phải có ít nhất 7 con: tỷ lệ 5 mái/2 trống. Đặc biệt, phải có đam mê yêu thích và nhiệt tình trong việc bảo tồn, khôi phục gà Hồ, đặc sản quý hiếm hàng ngàn năm nay của địa phương. Sau hơn một năm thành lập, các hộ đã có gà giống, giữ được nguồn gen gà Hồ gốc, với giá 130.000 -150.000 đồng/con/1 ngày tuổi và 200.000-250.000 đồng/con/30 ngày tuổi, hoặc 300.000- 350.000 đồng/con/380-400g”.

Nỗ lực của HTX Lạc Thổ

Gà Hồ vốn thuộc loại quý hiếm của quốc gia, không biết xuất xứ từ đâu, song chắc chắn phải có trước làng tranh Đông Hồ (cùng địa phương), vì phải có gà rồi mới có tranh. Còn tên gà Hồ có lẽ xuất hiện từ thời gà quý được đem tiến vua Hồ Quý Ly.

Ngược dòng lịch sử, xưa kia làng Lạc Thổ bị xóa sổ, do có người phạm húy giết con vua, gà quý cũng tan tác đi các nơi.  Vài chục năm sau, có bà Phạm Thị Hoa, vợ một quận công nhờ chồng kêu vua về minh oan cho làng, nay trong làng còn có Cầu chiêu (chiêu mộ dân về), khi người dân quay về nơi ở cũ lại đem theo gà về. Từ lịch sử của làng như vậy nên các thành viên HTX rất nỗ lực trong việc phục hồi, bảo tồn và phát triển giống gà quý hiếm này. Nếu như năm 2016, số lượng gà giống của HTX mới đạt 3.240 con thì năm 2017 đạt 4.450 con, dự kiến năm 2018 có 5.000 - 6.000 con. Số gà được tiêu thụ trong tỉnh ước đạt 50%, còn lại xuất đi các địa phương khác. Chưa có thống kê cụ thể, song có thể nhận định, gà Hồ nuôi ở các tỉnh khác có lẽ chỉ thế hệ F1 là giữ được nguyên bản, sau đó không bằng “bản gốc” vì còn phụ thuộc vào thổ nhưỡng, điều kiện chăm sóc... 

Ngoài các hộ nuôi gà giống nói trên, gà thương phẩm được nuôi trong thị trấn Hồ chiếm 90% (trên 200 hộ), còn lại ở các xã khác trong huyện. Hộ nuôi nhiếu nhất 50-60 con, ít nhất 10 con. Dự kiến, đón Tết Mậu Tuất 2018, thị trấn Hồ cung cấp cho thị trường khoảng 1.000-1.500 con gà Hồ, con nặng nhất là 6kg, nhẹ nhất 4,5kg, bình quân 2,5-3 triệu đồng/con.

 Theo đánh giá của các chuyên gia Học viện Nông nghiệp Việt Nam, sở dĩ gà Hồ có giá cao vì: thịt màu trắng ngà, thơm, giòn, lượng axít amin không đổi, và có đủ 8 loại axít amin quý hiếm mà không giống gà nào có được. Ngoài ra, HTX còn thường xuyên kết hợp với Học viện Nông nghiệp Việt Nam, Viện Chăn nuôi Quốc gia hướng dẫn bà con kỹ thuật chăn nuôi, xây dựng chuồng trại. Đặc biệt là hướng dẫn thụ tinh nhân tạo cho gà đạt kết quả cao, lấy được gà giống đẹp hơn.

Điều đáng ghi nhận là, người dân thị trấn Hồ không đơn độc trong việc phục hồi, bảo tồn giống gà Hồ quý hiếm. Được biết, lãnh đạo tỉnh Bắc Ninh đã ghi nhận, biểu dương cộng đồng cư dân Lạc Thổ có công lớn trong việc lưu giữ nguồn gen gà Hồ và phân công công việc hỗ trợ cho các đơn vị có liên quan rất rõ ràng. Theo đó, Sở Nông nghiệp và PTNT đã có “Đề án tổng thể về bảo tồn, phát triển giống gà Hồ”; Sở Khoa học và Công nghệ đã xây dựng thành công thương hiệu gà Hồ Lạc Thổ năm 2016; Công ty Dabaco Việt Nam nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, giữ gìn nguồn gen để nhân giống, đáp ứng nhu cầu người dân và phát triển quy mô đàn, liên kết chuỗi giá trị sản phẩm. Huyện Thuận Thành xây dựng trang trại chăn nuôi tập trung, xa khu dân cư, chỉ đạo thành lập HTX chăn nuôi gà Hồ đúng quy định pháp luật.

Trao đổi với chúng tôi, Phó chủ tịch Hội Làm vườn Bắc Ninh, ông Nguyễn Xuân Vững, cho biết: “Xác định gà Hồ là sản phẩm quý hiếm của địa phương nói riêng và Việt Nam nói chung, Hội đã xây dựng chính sách để tỉnh có cơ chế khôi phục, phát triển giống gà Hồ. Ngoài ra, Hội còn trực tiếp hướng dẫn hội viên thành lập HTX, xây dựng đề án lưu giữ, phát triển giống gà Hồ Bắc Ninh. Tổ chức cho các cấp Hội  trong tỉnh tham quan, học tập, nhân rộng mô hình gà Hồ. Hiện, đã có 3 đơn vị cấp huyện triển khai tốt như: Gia Bình, Lương Tài, Yên Phong, đưa tổng số hội viên nuôi gà Hồ trong toàn tỉnh lên 1.000 hộ”.

Thiết nghĩ, với sự chỉ đạo quyết liệt, sự nỗ lực của HTX và người dân, giống gà Hồ quý hiếm của Bắc Ninh sẽ sớm trở thành sản phẩm hàng hóa, không những được giới thiệu trong nước mà còn hướng tới xuất khẩu bền vững.

Dương An Như

 

 

 

      

Ý kiến bạn đọc
  • Nghệ An hoàn thành hơn 8.400 căn nhà cho người nghèo

    Nghệ An hoàn thành hơn 8.400 căn nhà cho người nghèo

    Ngày 19/4, UBND tỉnh Nghệ An tổ chức sơ kết 1 năm triển khai chương trình vận động, hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà cho người nghèo, người có khó khăn về nhà ở giai đoạn 2023-2025 (Chương trình 1838).

  • “Chỉ cần sức khỏe tốt, tôi còn hiến máu cứu người”

    “Chỉ cần sức khỏe tốt, tôi còn hiến máu cứu người”

    Với 28 lần hiến máu nhân đạo, trình dược viên Từ Thị Tuyên (SN 1989), xã Thạch Thắng, Thạch Hà (Hà Tĩnh) đã trở thành tấm gương sáng trong các hoạt động an sinh xã hội, tình nguyện vì cuộc sống cộng đồng…

  • PVcomBank mang yêu thương đến những hoàn cảnh khó khăn tại Lào Cai

    PVcomBank mang yêu thương đến những hoàn cảnh khó khăn tại Lào Cai

    Với tinh thần tương thân tương ái, vừa qua, Đoàn Thanh niên Ngân hàng TMCP Đại Chúng Việt Nam (PVcomBank) đã tổ chức chương trình từ thiện “Xuân tình nguyện 2024” để thăm hỏi, động viên và trao quà đến các em học sinh nghèo, các hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn tại xã Nậm Chảy, huyện Mường Khương, tỉnh Lào Cai. Đây là hoạt động hưởng ứng tinh thần Tháng Thanh niên và Năm Thanh niên tình nguyện của tuổi trẻ PVcomBank.

  • Thanh Hóa - Hậu phương lớn trong chiến dịch Điện Biên Phủ

    Thanh Hóa - Hậu phương lớn trong chiến dịch Điện Biên Phủ

    Cách đây 70 năm, cuộc kháng chiến chống Pháp của dân tộc ta kết thúc thắng lợi bằng chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”, trở thành mốc son chói lọi bằng vàng tạc vào lịch sử dân tộc.

  • Khai mạc Lễ hội Du lịch biển Hà Tĩnh năm 2024

    Khai mạc Lễ hội Du lịch biển Hà Tĩnh năm 2024

    Tối 21/4, tại quảng trường Hồ Tùng Mậu (Khu du lịch Thiên Cầm, Cẩm Xuyên), UBND tỉnh Hà Tĩnh long trọng tổ chức khai mạc Lễ hội Du lịch biển năm 2024 với chủ đề “Hà Tĩnh – Thanh âm ngày nắng mới”.

  • Người dân Cổ Loa mong sớm xây dựng đền thờ vua Ngô Quyền

    Người dân Cổ Loa mong sớm xây dựng đền thờ vua Ngô Quyền

    Sau chiến thắng quân xâm lược Nam Hán (năm 938) trên sông Bạch Đằng, Ngô Quyền xưng Vương và chọn đất Cổ Loa làm kinh đô, mở đầu cho kỷ nguyên mới của dân tộc sau gần 1000 năm Bắc thuộc. Mặc dù đóng đô ở Cổ Loa từ tiền Ngô Vương đến hậu Ngô Vương gồm 26 năm, nhưng đến nay vẫn chưa có một công trình tôn vinh Ngô Vương Quyền trên vùng đất Cổ Loa nơi ông dựng nghiệp và chọn làm kinh đô. Xây dựng đền thờ Ngô Quyền tại mảnh đất linh thiêng này là thỏa nỗi ước mong của các hậu thế.

Top