Theo Tổng cục Môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường, hiện cả nước còn 82 cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng cần gấp rút thực hiện biện pháp xử lý triệt để.
Quy trách nhiệm người đứng đầu nếu để xảy ra ô nhiễm
Hôm nay 18/12, tại Hà Nội, Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức họp Ban Chỉ đạo liên ngành nhằm xử lý triệt để các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng với sự tham gia của đại diện các Bộ: Công an, Khoa học và Công nghệ, Quốc phòng, Công Thương…
Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, Quyết định số 1788/QĐ-TTg ngày 1/10/2013 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Kế hoạch xử lý triệt để cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng 2013-2020, trong đó giai đoạn 2 từ 2016-2020 là tập trung các biện pháp xử lý 249 cơ sở theo danh mục và mới phát sinh gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, phấn đấu đến năm 2020 xử lý triệt để, dứt điểm.
Phó Vụ trưởng Vụ Quản lý chất thải (Tổng cục Môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường) Nguyễn Phạm Hà cho biết, đến nay, còn 82 cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng nhưng chưa thực hiện biện pháp xử lý triệt để.
Trong đó, 17 cơ sở sản xuất kinh doanh, khu công nghiệp, cụm công nghiệp ở các tỉnh Bắc Ninh, Bình Thuận, Đắk Nông, Long An, Nghệ An, Quảng Bình, Trà Vinh, Yên Bái, Quảng Trị; 65 cơ sở công ích gồm 16 bệnh viện, 44 bãi rác và 5 cơ sở giáo dục, lao động và xã hội.
Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Võ Tuấn Nhân cho rằng việc xử lý triệt để sự ô nhiễm môi trường vẫn chưa đạt yêu cầu, bởi vậy, Ban Chỉ đạo cần làm rõ kết quả đã thực hiện, tìm nguyên nhân khách quan và chủ quan, nêu rõ trách nhiệm của từng đơn vị nhằm xử lý dứt điểm, đặc biệt với các cơ sở công ích thì phải có biện pháp rõ ràng bằng cơ chế chính sách, nguồn lực.
Kết quả xử lý dứt điểm phải được chính quyền địa phương ban hành văn bản xác nhận. Tổng cục Môi trường cần tham mưu để Bộ Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn các cơ sở, doanh nghiệp thực hiện, giảm bớt thủ tục hành chính không cần thiết khi cơ sở hoàn thành xử lý triệt để ô nhiễm.
Theo đại diện các bộ, ngành thành viên, Bộ Tài nguyên và Môi trường cần quy trách nhiệm cho người đứng đầu trong thực hiện công tác này, rà soát và bổ sung danh mục các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng; tăng cường liên kết giữa các bộ, ngành trong thanh tra, kiểm tra hàng năm; các địa phương xem xét lại quy hoạch khi đặt các cơ sở sản xuất vào hoàn cảnh “đã rồi”, chỉ còn cách đóng cửa.
Những cơ sở đã xử lý dứt điểm vấn đề ô nhiễm nên được công bố rộng rãi để công chúng được biết và có giám sát kết quả. Những cơ sở còn gây ô nhiễm môi trường nặng nề mà không được hỗ trợ kinh phí thì nên giao trực tiếp cho địa phương có kế hoạch xử lý dứt điểm.
Yêu cầu các cơ quan chức năng của Tỉnh bám sát
Để xử lý dứt điểm tình trạng này, Bộ Tài nguyên và Môi trường yêu cầu, các cơ quan chức năng tại Bắc Ninh, Bình Thuận, Đắk Nông, Long An, Nghệ An, Quảng Bình, Trà Vinh, Yên Bái, Quảng Trị có trách nhiệm đôn đốc, theo dõi, thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm 17 cơ sở sản xuất kinh doanh, khu công nghiệp, cụm công nghiệp gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng theo đúng quy định của Luật Bảo vệ môi trường và các văn bản quy định chi tiết thi hành; kiên quyết áp dụng biện pháp đình chỉ hoạt động đối với các cơ sở này, đặc biệt là các doanh nghiệp chưa hoàn thành các biện pháp xử lý triệt để theo đúng tiến độ đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép.
Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cần chủ động bố trí kinh phí từ nguồn ngân sách địa phương để xử lý dứt điểm, không để tình trạng chậm tiến độ xử lý kéo dài; xem xét, xử lý nghiêm trách nhiệm của người đứng đầu đối với các cơ sở công ích đã được hỗ trợ kinh phí để xử lý ô nhiễm triệt để nhưng chậm triển khai hoặc tiếp tục gây ô nhiễm môi trường; xây dựng phương án xử lý triệt để cho từng cơ sở gửi Bộ Tài nguyên và Môi trường xem xét, tổng hợp, gửi Bộ Tài chính báo cáo Thủ tướng Chính phủ hỗ trợ kinh phí từ Trung ương.
Bộ Y tế, Bộ Xây dựng cần phối hợp với UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đề xuất cơ chế chính sách để xử lý dứt điểm các cơ sở công ích. Bộ Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm phối hợp với các bộ, ngành liên quan và UBND các tỉnh, thành phố kiểm tra đôn đốc việc thực hiện các biện pháp xử lý ô nhiễm triệt để của 65 cơ sở công ích.
Doanh nghiệp xử lý rác bị phạt 190 triệu đồng vì gây ô nhiễm môi trường
UBND tỉnh Hòa Bình vừa xử phạt 190 triệu đồng hành vi vi phạm trong lĩnh vực bảo vệ môi trường đối với Công ty CP Năng lượng môi trường Bắc Việt (Cty Bắc Việt) - Chủ đầu tư nhà máy xử lý rác ở TP Hòa Bình.
Cụ thể, ngày 14/12, UBND tỉnh Hòa Bình đã ban hành quyết định xử phạt 190 triệu đồng đối với Cty Bắc Việt (trụ sở tại phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy, Hà Nội) vì đã vi phạm các quy định về bảo vệ môi trường.
Quyết định xử phạt ghi rõ, Cty Bắc Việt thực hiện không đúng một trong các nội dung báo cáo đánh giá tác động môi trường và các yêu cầu trong quyết định phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường (hành vi 1); Vi phạm điểm C, khoản 1, Điều 9, Nghị định số 155/2016/NĐ-CP, ngày 18/11/2016 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường.
Ngoài ra, phương án xử lý chất thải rắn, sinh hoạt của Cty Bắc Việt, thực hiện không đúng một trong các nội dung được cơ quan có thẩm quyền chấp thuận (hành vi 2); Vi phạm điểm C, khoản 7, Điều 20, Nghị định số 155/2016/NĐ-CP, ngày 18/11/2016 của Chính phủ.
Theo đó, UBND tỉnh Hòa Bình quyết định xử phạt Cty Bắc Việt 70 triệu đồng đối với hành vi 1; phạt 120 triệu đồng đối với hành vi 2. Tổng số tiền xử phạt là 190 triệu đồng.
UBND tỉnh Hòa Bình cũng yêu cầu doanh nghiệp này, xử lý triệt để toàn bộ chất thải đúng phương án và các yêu cầu theo nội dung báo cáo đánh giá tác động môi trường được phê duyệt.
Trước đó, người dân xóm Hải Cao, xã Thịnh Minh, TP Hòa Bình phản ánh tới cơ quan chức năng về việc, kể từ khi nhà máy xử lý rác của Cty Bắc Việt hoạt động, cuộc sống của người dân bị đảo lộn vì gây ô nhiễm không khí, nguồn nước sinh hoạt. Người dân cho rằng, phía Cty Bắc Việt không thực hiện chôn lấp rác thải, xử lý rác không đúng quy định bốc mùi hôi thối, và bốc khói mù mịt...
Trước hành vi gây ô nhiễm môi trường, người dân đã chặn xe chở rác vào nhà máy, yêu cầu cơ quan chức năng tỉnh Hòa Bình vào cuộc làm rõ và xử lý chủ đầu tư theo quy định của pháp luật.
Tối 22/11, tại Bảo tàng tỉnh Phú Yên, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh tổ chức khai mạc trưng bày chuyên đề “Bến Vũng Rô và hoạt động tiếp nhận chi viện từ những chuyến Tàu Không số”. Hoạt động nhằm hướng đến kỷ niệm 60 năm Bến Vũng Rô tiếp nhận chuyến hàng đầu tiên của Tàu Không số (28/11/1964 – 28/11/2024).
Thời gian qua, tỉnh Nghệ An triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp, cơ chế, chính sách thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi, bước đầu đạt được những kết quả tích cực. Đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) nâng cao ý thức tự lực, tự cường vươn lên phát triển kinh tế, xây dựng cuộc sống, góp phần xóa đói giảm nghèo, tạo nên diện mạo mới cho nông thôn miền núi xứ Nghệ.
Cuộc thi trực tuyến tìm hiểu về bảo hiểm tiền gửi (BHTG) 2024 là một hoạt động quan trọng trong việc nâng cao nhận thức của công chúng về chính sách BHTG và hoạt động của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam (BHTGVN), qua đó truyền tải nội dung chính sách BHTG một cách mới mẻ, hấp dẫn và thu hút sự quan tâm của công chúng.