Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ năm, ngày 9 tháng 5 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 30 tháng 12 năm 2016 | 3:26

Già hóa dân số: Bài toán khó

Việt Nam được đánh giá là nước có tốc độ già hóa dân số nhanh nhất thế giới. Nếu không có những giải pháp, chính sách ngay từ hôm nay, thì già hóa dân số sẽ là một thách thức không nhỏ với nền kinh tế.

Người cao tuổi Việt Nam chủ yếu sống ở vùng nông thôn, là nông dân và làm nông nghiệp.

Dân chưa giàu đã già

“Việt Nam nằm trong số các quốc gia có tốc độ già hóa dân số nhanh trên thế giới, hơn cả Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc. Điều đó lại đang diễn ra khi Việt Nam còn ở mức thu nhập thấp hơn so với hầu hết các nước có dân số già hiện nay”, ông Philip O’Keefe, chuyên gia kinh tế trưởng Ngân hàng Thế giới (WB) nhận xét.

Theo WB, vào thời điểm năm 2016, có khoảng 7% dân số Việt Nam, tương đương 6,5 triệu người từ 65 tuổi trở lên và có trên 10% dân số từ 60 tuổi trở lên. Vào năm 2040, số người từ 65 tuổi trở lên dự báo sẽ tăng gấp 3 và đạt 18,4 triệu người, chiếm 17% dân số. Nói cách khác, tỷ lệ phụ thuộc, tức số người từ 65 tuổi trở lên so với số người trong độ tuổi lao động, dự báo tăng gần gấp 3, từ 10% hiện nay lên 26% vào năm 2040.

Tại Hội thảo Báo chí với chính sách dân số và phát triển, hưởng ứng sự kiện Tháng hành động quốc gia về dân số (tháng 12), Ngày Dân số Việt Nam (26/12) do Tổng cục Dân số và Kế hoạch hóa gia đình tổ chức, ông Lê Cảnh Nhạc, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Dân số và Kế hoạch hóa gia đình, thừa nhận, Việt Nam là một trong 3 quốc gia có tốc độ già hóa dân số nhanh nhất trong khu vực. Thời gian chuyển từ giai đoạn “già hóa dân số” sang giai đoạn “dân số già” của Việt Nam chỉ khoảng 18 năm, nhanh hơn nhiều nước có trình độ phát triển khác như Pháp (115 năm), Thụy Điển (85 năm), Úc (73 năm), Mỹ (69 năm), Canada (65 năm), Nhật Bản (26 năm)… 

Theo số liệu của Bộ Y tế, hiện tuổi thọ bình quân của người Việt Nam đã tăng cao nhưng số năm sống khỏe mạnh lại khá thấp. Chỉ có khoảng 5% người cao tuổi của cả nước có sức khỏe tốt, còn lại 95% không khỏe mạnh và mang trong mình nhiều thứ bệnh như: tăng huyết áp, viêm khớp, bệnh phổi - phế quản tắc nghẽn mạn tính, đái tháo đường, sa sút trí tuệ…

Bên cạnh đó, người cao tuổi Việt Nam chủ yếu sống ở vùng nông thôn, là nông dân và làm nông nghiệp. Hầu hết họ đều gặp khó khăn trong cuộc sống và không có điều kiện chăm sóc sức khỏe. Trên 70% người cao tuổi Việt Nam đang phải tự lao động, bươn chải vất vả trong khi diện tích đất nông nghiệp ngày càng thu hẹp, chỉ có 25,5% sống bằng lương hưu hoặc trợ cấp xã hội. Bên cạnh đó, xu hướng quy mô gia đình truyền thống ở Việt Nam đang dần chuyển sang mô hình gia đình hạt nhân, khiến nhiều cụ già trở nên cô đơn hơn, gặp nhiều khó khăn khi phải tự sống một mình.

“Ở các nước, người ta giàu rồi mới già, còn ở Việt Nam thì chưa giàu đã già. Đất nước còn đầy rẫy khó khăn mà dân số đã già. Chúng ta gặp phải nhiều khó khăn, đặc biệt là vấn đề an sinh và dịch vụ xã hội để chăm sóc cho người cao tuổi”, Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Nguyễn Trọng Đàm nhấn mạnh tại một cuộc hội thảo gần đây về người cao tuổi.

Không còn nhiều thời gian để ứng phó

WB cho rằng, nguyên nhân chính dẫn đến quá trình già hóa nhanh là tỷ lệ sinh giảm mạnh. Tỷ lệ sinh gộp đã giảm từ 6 xuống còn 1,95-2,09 trong giai đoạn 1970-2015 do thu nhập tăng, trình độ văn hóa tăng và chính sách mỗi gia đình chỉ có 1 đến 2 con được áp dụng từ những năm 1980 và chính thức áp dụng từ năm 1993. Trong cùng thời gian đó, tuổi thọ trung bình đã tăng từ 60 lên 76 (năm 2014). Tuổi thọ trung bình tại các nước có thu nhập thấp trên thế giới là 67 (năm 2016).

Mặc dù số người trong độ tuổi lao động của Việt Nam chưa giảm ngay như trường hợp tại Thái Lan hoặc Trung Quốc nhưng lợi thế dân số mà Việt Nam đã hưởng lợi đáng kể từ khi thực hiện đổi mới (dân số trong độ tuổi lao động đã tăng lên gấp 2 lần) sẽ giảm dần tác dụng. Xu thế này sẽ bị đảo ngược vào cuối những năm 2030, WB dự báo. 

“Do vậy, khả năng dựa vào lực lượng lao động của Việt Nam, coi đó là yếu tố thúc đẩy tăng trưởng đã gần cạn kiệt. Trong tương lai, tăng trưởng sẽ dựa vào nâng cao nguồn vốn con người và năng suất lao động”, WB nhận định.

Cũng theo WB, một điểm đáng chú ý khác cũng giống với các nước lân cận trong khu vực Đông Á - Thái Bình Dương là quá trình già hóa nhanh chóng đã bắt đầu tại Việt Nam khi mức GDP/người còn thấp.

So với các nước giàu trong khu vực Đông Á và các nước OECD thì Việt Nam bắt đầu già hóa với mức thu nhập thấp hơn nhiều, hay nói cách khác, năng lực tài chính và hành chính cần có để quản lý quá trình này sẽ bị hạn chế.

“Ngay cả khi duy trì được mức tăng trưởng mạnh và bền vững thì tốc độ già hóa tại Việt Nam cũng làm cho Việt Nam già trước khi giàu”, Báo cáo của WB đánh giá.

WB cũng đề cập đến một thực trạng, đó là, phần lớn người cao tuổi Việt Nam vẫn làm việc sau khi đã vượt tuổi được coi là “tuổi lao động” trên thế giới (từ 15 - 64 tuổi). Khác biệt giữa các nhóm cao tuổi cũng rất dễ thấy. Người cao tuổi vùng nông thôn, cả hai giới đều có số năm làm việc cao hơn đáng kể so với khu vực thành thị. Tình trạng này phổ biến tại các nước trong khu vực Đông Á - Thái Bình Dương.

Hậu quả của hiện tượng này, theo WB là, lực lượng lao động tay nghề cao thoái lui sớm hơn và đây chính là một mối quan ngại khi Việt Nam đang phấn đấu tăng năng suất lao động. Cả khu vực nông thôn và thành phố, tỷ lệ tham gia lao động của nam giới cao hơn một chút so với nữ giới. Nhưng sự khác biệt này tại vùng nông thôn không thể hiện rõ nét như khu vực Nam Á hoặc các nước trong khu vực như Philippines, Indonesia hay Hàn Quốc.

Theo Thứ trưởng Nguyễn Trọng Đàm, dù nước ta đã có nhiều chính sách cho người già, người nghèo nhưng do nguồn lực hạn chế nên khả năng đáp ứng được nhu cầu của nhóm đối tượng này còn thấp.Có thể thấy rõ rằng, hệ thống an sinh xã hội và hệ thống chăm sóc sức khỏe chưa đáp ứng được nhu cầu của người cao tuổi hiện nay. 

Việt Nam đang đứng trước một thách thức lớn chưa từng có, bởi dân số già là kết quả của sự phát triển kinh tế ở các nước trên thế giới, nhưng nó đang diễn ra ở Việt Nam -quốc gia chỉ mới vất vả để… thoát nghèo”. Hiện nay, việc các chính sách thiếu đồng bộ, hạn chế về hệ thống chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi, Việt Nam sẽ phải đối mặt với nhiều vấn đề thách thức như các vấn đề về y tế, việc làm, nhà ở.

“Phải chuẩn bị thế nào để ứng phó với với giai đoạn dân số già, làm thế nào để người cao tuổi có chất lượng sống tốt hơn?- Đó là vấn đề đặt ra không chỉ  cho ngành dân số mà đối với toàn xã hội. Chúng ta không còn nhiều thời gian, chỉ còn khoảng 15 năm nữa để làm việc đó”, ông Lê Cảnh Nhạc nhấn mạnh.

Danh Hùng (tổng hợp)

 

 

KTNT
Ý kiến bạn đọc
  • Nghệ An hoàn thành hơn 8.400 căn nhà cho người nghèo

    Nghệ An hoàn thành hơn 8.400 căn nhà cho người nghèo

    Ngày 19/4, UBND tỉnh Nghệ An tổ chức sơ kết 1 năm triển khai chương trình vận động, hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà cho người nghèo, người có khó khăn về nhà ở giai đoạn 2023-2025 (Chương trình 1838).

  • “Chỉ cần sức khỏe tốt, tôi còn hiến máu cứu người”

    “Chỉ cần sức khỏe tốt, tôi còn hiến máu cứu người”

    Với 28 lần hiến máu nhân đạo, trình dược viên Từ Thị Tuyên (SN 1989), xã Thạch Thắng, Thạch Hà (Hà Tĩnh) đã trở thành tấm gương sáng trong các hoạt động an sinh xã hội, tình nguyện vì cuộc sống cộng đồng…

  • PVcomBank mang yêu thương đến những hoàn cảnh khó khăn tại Lào Cai

    PVcomBank mang yêu thương đến những hoàn cảnh khó khăn tại Lào Cai

    Với tinh thần tương thân tương ái, vừa qua, Đoàn Thanh niên Ngân hàng TMCP Đại Chúng Việt Nam (PVcomBank) đã tổ chức chương trình từ thiện “Xuân tình nguyện 2024” để thăm hỏi, động viên và trao quà đến các em học sinh nghèo, các hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn tại xã Nậm Chảy, huyện Mường Khương, tỉnh Lào Cai. Đây là hoạt động hưởng ứng tinh thần Tháng Thanh niên và Năm Thanh niên tình nguyện của tuổi trẻ PVcomBank.

Top