Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ bảy, ngày 23 tháng 11 năm 2024  
Thứ năm, ngày 10 tháng 6 năm 2021 | 16:18

Giải bài toán xử lý nước thải đô thị

Các địa phương đang nỗ lực tìm giải pháp để giải quyết vấn đề làm sạch nước thải đô thị, trước khi xây dựng đô thị sinh thái. Nhưng đây là bài toán khó...

Mỗi ngày, những đô thị lớn như TP. HCM, Hà Nội… thải ra hàng triệu mét khối nước thải từ sản xuất, dịch vụ và sinh hoạt, với đủ loại chất độc hại hủy hoại môi trường nước và đe dọa sức khỏe cộng đồng. Tuy nhiên, chỉ 10% số này được qua nhà máy xử lý trước khi ra sông, biển.

Hàng triệu m3 nước bẩn ra sông mỗi ngày

TP. HCM ước tính có hơn 3 triệu m3 nước thải đô thị mỗi ngày nhưng tổng lượng nước thải qua xử lý của TP chỉ đạt 316.000 m3/ngày (chiếm tỉ lệ khoảng 10%). Hiện, TP. HCM có 3 nhà máy xử lý nước thải tập trung, gồm Nhà máy Xử lý nước thải Bình Hưng (giai đoạn 1), công suất 141.000 m3/ngày, Nhà máy Xử lý nước thải Bình Hưng Hòa, công suất 30.000 m3/ngày, Nhà máy Xử lý nước thải Tham Lương - Bến Cát (giai đoạn 1) công suất 131.000 m3/ngày. Ngoài ra, có 4 trạm xử lý nước thải phi tập trung gồm trạm Tân Quy Đông (500 m3/ngày); khu tái định cư Vĩnh Lộc B, huyện Bình Chánh (3.700 m3/ngày); trạm Khu tái định cư 17,3 ha phường Bình Khánh, TP Thủ Đức (3.000 m3/ngày)…

 

cua-xa-3-16231556126051538269249.jpg
Cửa xả đổ nước thải ra biển ở quận Ngũ Hành Sơn, TP Đà Nẵng. Ảnh: Bích Vân

 

Theo các chuyên gia về môi trường, nguyên nhân chủ yếu của tình trạng ô nhiễm sông, hồ nhiều năm qua ở Hà Nội là do nước thải sinh hoạt của dân cư xung quanh và nước thải của khu, cụm công nghiệp chưa qua xử lý xả thẳng vào mà không qua xử lý làm sạch. TS Đào Trọng Tứ, Giám đốc Trung tâm Phát triển bền vững tài nguyên nước và Thích nghi biến đổi khí hậu, cho biết Hà Nội hiện có nhiều nhà máy xử lý nước thải nhưng chỉ với công suất nhỏ, đáp ứng xử lý được khoảng 25 đến 30% lượng nước thải đô thị, lượng nước thải còn lại vẫn đang được xả thẳng ra các sông, hồ. Đây là một trong những nguồn thải có khối lượng và nồng độ ô nhiễm cao, đe dọa nghiêm trọng môi trường sống của TP, đặc biệt là suy thoái nguồn nước.

Lãnh đạo TP Hà Nội cho hay theo khảo sát của Ngân hàng Thế giới, chất lượng nước sông, hồ của Hà Nội ở mức thấp, mới đạt khoảng 30% tiêu chuẩn. Nếu thực hiện các giải pháp đồng bộ, quyết liệt thì thành phố có thể sớm nâng tỉ lệ này lên 50%; ngược lại, nếu không quyết liệt, thậm chí chất lượng nước còn tiếp tục giảm.

Nỗ lực kéo giảm lượng nước bẩn ra môi trường

Hiện nay, TP. HCM đang tiếp tục đầu tư hoàn thiện một số công trình thu gom và xử lý nước thải bao gồm Nhà máy Xử lý nước thải Tham Lương - Bến Cát (công suất 131.000 m3/ngày; Nhà máy Xử lý nước thải Bình Hưng - giai đoạn 2 với công suất 470.000 m3/ngày; Nhà máy Xử lý nước thải Nhiêu Lộc - Thị Nghè (công suất 480.000 m3/ngày). Nếu đưa vào vận hành các nhà máy này, sẽ nâng tỉ lệ xử lý nước thải toàn TP đạt 45% (tương đương 1.380.000 m3/3.076.000 m3 nước thải/ngày).

Ngoài ra, có 3 nhà máy đang kêu gọi đầu tư gồm Nhà máy Xử lý nước thải Tây Sài Gòn, Tân Hóa Lò Gốm và Bắc Sài Gòn với tổng công suất 500.000 m3/ngày.

Với quy mô dân số tăng nhanh trong quá trình đô thị hóa, các chuyên gia cho rằng nhu cầu về xử lý nước thải sinh hoạt đô thị theo quy hoạch tổng thể thoát nước TP. HCM đến năm 2020 không còn phù hợp. Cụ thể, theo quy hoạch đến năm 2020 TP sẽ có 9 nhà máy xử lý nước thải, xử lý 1.950.000 m3/ngày, đến năm 2025 nâng lên 11 nhà máy, xử lý 3.076.000 m3/ngày.

 

song-to-lich-nhu-nguoi-benh-chi-do-xau-chu-khong-the-sach.jpg
Sông Tô Lịch ngày một ô nhiễm trầm trọng

 

TP. Hà Nội cũng đặt mục tiêu đến năm 2025 đạt tỉ lệ xử lý nước thải 50-55%. Thời gian qua, công tác triển khai xây dựng dự án hệ thống xử lý nước thải Yên Xá, một trong những công trình trọng điểm cải thiện môi trường của TP Hà Nội, được Thành ủy, UBND TP quan tâm chỉ đạo sát sao. Dự án Hệ thống xử lý nước thải Yên Xá gồm 4 gói thầu, trong đó gói thầu số 1 là xây dựng nhà máy công suất 270.000 m3/ngày - đêm và 3 gói thầu thu gom nước thải gắn với sông Tô Lịch, sông Lừ, một phần sông Nhuệ và các khu đô thị mới. Dự án này được kỳ vọng làm "sống lại" sông Tô Lịch, sông Lừ, sông Sét và một phần sông Nhuệ… UBND TP cho biết sẽ tập trung thúc đẩy tiến độ đồng bộ cả 4 gói thầu, phấn đấu hoàn thành gói thầu số 1 trong quý I/2022.

TS Phạm Viết Thuận, Viện trưởng Viện kinh tế tài nguyên và môi trường TP. HCM, cho rằng để xử lý nước thải sinh hoạt tại đô thị lớn như TP. HCM đạt hiệu quả cao cần nhìn ở góc độ tổng thể. Hiện nay, hạ tầng thu gom nước thải của các TP là thu gom chung cả nước mưa, nước thải sinh hoạt, nước thải công nghiệp và cả nước biển. Do đó, nếu đưa lượng nước thải này về một nhà máy để xử lý thì không có quy trình công nghệ nào có thể xử lý hết được. Chưa kể, muốn đầu tư hàng loạt nhà máy xử lý nước thải này, cần phải tốn cả chục tỉ USD, nguồn vốn từ ngân sách không đảm đương nổi, còn kêu gọi nhà đầu tư thì phải chờ đợi lâu.

Theo TS Thuận, nên khoanh vùng thu gom theo từng vùng, sau thu gom sẽ đưa toàn bộ nước thải vào hồ sinh thái, xử lý bằng hệ thống sục khí tạo ôxy cho vi sinh vật phát triển, tự cải thiện chất lượng nước theo thời gian. Ngoài chia nhỏ vùng thu gom, chính quyền TP cần quản lý "đầu vào" các nguồn xả thải, sớm nghiên cứu có chính sách yêu cầu các doanh nghiệp sản xuất bột giặt, nước giặt, các loại mỹ phẩm... chuyển sang công nghệ không sử dụng xút tổng hợp mà sử dụng xút hữu cơ, thân thiện cho môi trường.

"Nếu xây các nhà máy xử lý nước thải theo quy hoạch thì cần phải hoàn thiện hạ tầng thu gom, tách biệt giữa nước thải sinh hoạt và nước thải công nghiệp... để việc xử lý đạt hiệu quả", TS Thuận đề xuất.

Ô nhiễm nước sông Nhuệ gần như không thể dùng cho các ngành kinh tế

Trục chính hệ thống thủy lợi sông Nhuệ có tổng chiều dài 113,6km gồm: Sông Nhuệ dài 74km, sông La Khê 6,8km, sông Vân Đình dài 11,8km, sông Duy Tiên dài 9,0km. Đoạn chảy qua Hà Nội có chiều dài 89,6km, trong đó riêng sông Nhuệ có chiều dài 62km.

Trước kia nhiệm vụ của hệ thống chỉ đơn thuần phục vụ tưới, tiêu cho sản xuất nông nghiệp, chống lũ sông Hồng, sông Đáy, phục vụ giao thông thủy. Nay hệ thống có nhiệm vụ phục vụ phát triển đa mục tiêu của các địa phương như: Công nghiệp, du lịch, làng nghề, nước sinh hoạt, tiêu thoát nước đô thị…
 
Kết quả phân tích chất lượng nước của các cơ quan chuyên môn cho thấy chất lượng nước sông Nhuệ hiện nay ô nhiễm đến mức gần như không thể dùng cho các ngành kinh tế. Chất lượng nước luôn nằm ở mức báo động, nhưng vẫn phải sử dụng cho nông nghiệp gây ô nhiễm, giảm năng suất, có thể dẫn đến tích tụ chất độc trong nông dân.
 
song-nhue.jpg
Sông Nhuệ đang bị ô nhiễm nặng do tiếp nhận quá nhiều nguồn thải

 

Lý giải về nguyên nhân khiến hệ thống sông Nhuệ bị ô nhiễm nghiêm trọng, Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV đầu tư phát triển thủy lợi sông Nhuệ Ngô Thanh Sơn cho biết, hệ thống sông Nhuệ có hơn 30km đi qua khu đô thị và ven đô thị. Trục chính con sông là nơi tiếp nhận chủ yếu lượng nước xả thải từ hoạt động của các nhà máy, khu công nghiệp, bệnh viện, cơ sở sản xuất và dịch vụ, nước tải từ các làng nghề, hóa chất sử dụng trong nông nghiệp và nước thải sinh hoạt. Nước thải của các hoạt động này đa phần đều chưa qua xử lý mà đổ trực tiếp xuống sông.

Đặc biệt, dọc hai bờ sông Nhuệ có nhiều làng nghề truyền thống chuyên sản xuất vải, lụa, dây thừng, chế biến bún, miến, bánh đa, dong, sắn… với các công cụ thô sơ, thủ công. Hóa chất sử dụng bữa bãi. Rác bã, xỉ than không được thu gom. Nước thải không được xử lý, chảy tùy tiện xuống cống rãnh, xuống sông gây ô nhiễm môi trường, nhất là môi trường nước…
 
Không chỉ vậy, các hóa chất dùng trong nông nghiệp như: Thuốc trừ sâu, thuốc diệt cỏ, phân hóa học chỉ hấp thụ một phần; phần còn lại thấm vào đất hoặc theo nước mặt chảy trở lại kênh mương, ao, hồ, sông suối… Nước thải sinh hoạt đem theo các chất tẩy rửa chưa được xử lý chảy theo các kênh dẫn một phần thấm xuống đất; phần còn lại chảy ra các dòng sông.

Thống kê của Công ty TNHH MTV đầu tư phát triển thủy lợi sông Nhuệ cũng chỉ ra, tổng số điểm xả vào hệ thống công trình thủy lợi sông Nhuệ là 790 điểm. Trong đó, các điểm xả thải phát sinh từ hoạt động sản xuất công nghiệp, dịch vụ, khu đô thị, bệnh viện, làng nghề, trang trại chăn nuôi là 310 điểm. Còn lại 480 điểm xả thải là các cống tiêu dân sinh.

 

 

Thanh Xuân (Tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc
  • Phú Yên trưng bày nhiều hiện vật từ những chuyến Tàu Không số

    Phú Yên trưng bày nhiều hiện vật từ những chuyến Tàu Không số

    Tối 22/11, tại Bảo tàng tỉnh Phú Yên, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh tổ chức khai mạc trưng bày chuyên đề “Bến Vũng Rô và hoạt động tiếp nhận chi viện từ những chuyến Tàu Không số”. Hoạt động nhằm hướng đến kỷ niệm 60 năm Bến Vũng Rô tiếp nhận chuyến hàng đầu tiên của Tàu Không số (28/11/1964 – 28/11/2024).

  • Kỷ niệm 555 năm danh xưng Duy Tiên

    Kỷ niệm 555 năm danh xưng Duy Tiên

    Sáng 22/11, Thị ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ thị xã Duy Tiên long trọng tổ chức Kỷ niệm 555 năm danh xưng Duy Tiên (1469 - 2024) và 95 năm thành lập Chi bộ Đông Dương Cộng sản Đảng Duy Tiên (11/1929 - 11/2024).

  • Hào hứng xem đua vỏ lãi ở cửa biển Sông Đốc

    Hào hứng xem đua vỏ lãi ở cửa biển Sông Đốc

    Hàng ngàn người đổ về thị trấn Sông Đốc (Trần Văn Thời - Cà Mau) để xem cuộc đua vỏ lãi kỳ thú. Thị trấn ven biển này cũng là nơi 70 năm trước diễn ra sự kiện tập kết ra Bắc lịch sử.

Top