Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ ba, ngày 19 tháng 3 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 5 tháng 4 năm 2019 | 14:30

Giải mã “làng ung thư” trên quê hương trồng cói

Chỉ riêng xóm 7 đã có 8 người ung thư, trong đó 4 người đã chết, 1 người chờ chết, 2 người đang điều trị tích cực, 1 người phó thác cho “số phận”.

Câu chuyện về những người chết vì ung thư vừa chua xót bi hài, vừa đáng thương, vừa đáng sợ.

Cái tên “làng ung thư” mà người dân thường gọi như một sự bế tắc chưa có đường giải thoát. Làng ung thư ấy là xã Nga Tân (Nga Sơn - Thanh Hóa).

 

tr9.JPG
Người dân xã Nga Tân cắt, chẻ cói trên đồng.

 

Kỳ 1: Những cảnh đời chung số phận

Theo thống kê của Trạm y tế xã Nga Tân, cả xã có 9 người mắc bệnh ung thư. Đó là con số mà người dân báo cáo lên xã, còn thực tế, có thể cao hơn. Có một điều đau đớn nhất là, những người đã chết vì ung thư và đang mắc bệnh ung thư đều không biết mình bị ung thư nguyên do tại đâu?

Xóm ung thư

Trong 8 xóm của Nga Tân, thì xóm 7 được người dân gọi là “xóm ung thư” bởi có nhiều người chết vì ung thư nhất xã. Nói đến sự “ra đi” của ông Mai Văn Hòa, một trong bốn người đã chết, ai cũng bùi ngùi xúc động.

Bà Mai Thị Sợi, vợ ông Hòa, nước mắt lưng tròng chia sẻ trong căn nhà cũ, trước di ảnh chồng: “Ông nhà tôi mất hơn 5 năm rồi. Ông ấy bị ung thư vòm họng, di căn thực quản. Ngày mới bị bệnh, nhà không có tiền nên đành bỏ liều. Lúc ông ấy sức khỏe yếu quá, đi khám ở Bệnh viện K-71 Thanh Hóa thì đã phát hiện ung thư vòm họng giai đoạn cuối”.

Bà Sợi kể lại, sau một buổi đi cắt cói về, ông Hòa kêu mệt, bỏ ăn. Sau đó ông gày rộc đi. “Lúc đó gia đình cứ tưởng ông ấy “ốm hao” (lao phổi). Mãi đến lúc ông ấy không ăn, không uống và liên tục khạc nhổ mới đi khám. Bệnh viện K-71 xác nhận bị ung thư vòm họng giai đoạn 2. Được hơn hai tháng sau, ông ấy chết. Lúc chết, người gày rộc, thảm thương lắm”, bà Sợi chia sẻ.

Cách nhà ông Mai Văn Hòa chừng 300m là nhà ông Nguyễn Văn Tự, lão nông tri điền khỏe mạnh nhất xóm với nghề mưu sinh ùn tôm còng. Song chỉ chưa đầy một năm kể từ ngày lâm bệnh, ông Tự ra đi sau một tháng ho ra máu, để lại vợ và đàn con nhỏ.

Anh Nguyễn Văn Duyên, con trai cả của ông Tự, kể lại: Thấy bố em ngày cứ gày rộc đi và ho nhiều, gia đình tưởng bố làm nặng, ùn tôm còng nhiều nên bị ép phổi. Ai ngờ bệnh càng ngày một nặng thêm. Đến lúc bố em ho ra máu, đi khám mới biết ung thư phổi. Cho đến bây giờ cũng chẳng biết nguyên nhân từ đâu. Ngày trước không có nước ngọt như bây giờ, đi ùn tôm còng, làm cói đều uống nước ngánh, nước ruộng, nước mà cua. Cứ ngửa mũ cối vục lên, uống hết khát là được.

“Đau nhất là chú Trinh (em ruột ông Tự), cũng chết theo bố em chỉ sau vài năm với căn bệnh ung thư vòm họng. Chú có đứa con trai đang bị bại liệt, vợ chú lại bị tai biến, không biết có biến chứng ung thư như bố em không?”, anh Duyên bộc bạch.

Theo lời kể của anh Duyên, chú anh - ông Nguyễn Văn Trinh, nguyên là bộ đội phục viên sau năm 1970. Cũng như bao thanh niên xã Nga Tân ngày ấy, ông Trinh được coi là “lực điền” ùn tôm còng của xóm. Ông lấy vợ, sinh con như bao thanh niên khác, song cuộc sống chỉ ngắn ngủi được hơn 50 tuổi. Sau một đêm thức thâu canh ùn tôm còng từ bể trở về, ông Trinh bị cảm rồi kêu đau họng. Nhà nghèo không tiền khám, chữa, đến lúc sức khỏe kiệt quệ ông mới lên Bệnh viện K-71 Thanh Hóa khám. Bác sĩ kết luận, ông bị ung thư vòm họng.

Bố ung thư gan mật, con suy tim

Con đường dẫn vào nhà anh Trịnh Văn Lâm (sinh năm 1969) ngụ xóm 7 nhỏ chừng một mét ngang. Hai bên đường cỏ mọc trùm bờ. Dưới căn nhà ngói mà vợ chồng con cái anh Lâm chắt chiu hơn 20 năm mới xây được là người đàn ông tuổi đúng 50. Anh Lâm đang ngày đêm quằn quại với căn bệnh ung thư gan mật ác tính.

Trên chiếc chiếu nhàu cũ rách hơn phân nửa, anh Lâm ngửa cổ để lộ vết thương mới mổ hạch hầu hồi ở Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội). Phải cố gắng lắm, anh mới nói được nên lời vì vết thương còn rất đau đớn. “Thời trai trẻ, tôi làm hùng hục như trâu - bò, cả ngày dầm mưa dãi nắng ngoài đồng cói. Sắn, khoai thay cơm, nước mà cua là nước uống. Tôi chẳng nghĩ rằng, đời mình lại dừng lại ở đây. Khi bác sĩ ngoài Hà Nội kết luận bị ung thư, tôi lặng người. Nhiều đêm đau không ngủ được. Tôi chết đã đành, nhưng thế hệ con trai, cháu tôi cũng sẽ mắc bệnh ung thư thì quá khổ”, anh Lâm ứa nước mắt nói.

Chị Nguyễn Thị Yến, vợ anh Lâm, chia sẻ, 10 năm trước, con trai thứ hai của chị là Trịnh Văn Bình bị suy tim, rung thất trái. Cháu đã được mổ tại Bệnh viện Việt Đức (Hà Nội). Mặc dù đã mổ, nhưng vẫn điều trị theo “lộ trình” hằng năm. “Lúc đó gia đình quá cùng quẫn, chạy vạy khắp nơi. Cháu được mổ tim là nhờ các nhà hảo tâm và bạn đọc ủng hộ qua báo chí, chứ gia đình chẳng có gì. Giờ anh nhà em lại bị ung thư gan, mật, em chẳng biết bấu víu vào đâu. Tài sản trong nhà không còn gì nữa”, chị Yến rưng rưng tâm sự.

Ung thư đâu chỉ có ở xóm 7?

Cùng chung số phận ung thư như anh Lâm, ông Nguyễn Văn Cần ở xóm 8 cũng đang bị ung thư bao tử di căn thực quản. Nhà ông Cần chỉ cách nhà anh Lâm khoảng 250m.

Bà Ninh (sinh năm 1957)  kể, tám năm trước, bà phát hiện bị suy tim độ ba, hẹp hở van tim hai, ba lá. Để cứu vợ, ông Cần phải bán mảnh vườn của bố mẹ để lại lấy tiền mua thuốc điều trị cho vợ. Hàng chục lần bà Ninh đi hết bệnh viện huyện đến tỉnh, Hà Nội điều trị, nhưng bệnh tim không thuyên giảm. Giữa lúc cùng quẫn, vợ ốm, nhà nghèo, sau một lần đi biển về (nghề mưu sinh của người dân xã Nga Tân), ông Cần kêu đau bụng dữ dội, rồi nôn ra máu, ngất xỉu. Được con đưa lên Bệnh viện huyện Nga Sơn siêu âm, nội soi, cả nhà té ngửa khi bác sĩ cho biết, ông Cần bị K bao tử (dạ dày). Tháng 10/2016, tại Bệnh viện K (Hà Nội), ông bị cắt bỏ 2/3 bao tử, song căn bệnh quái ác đã chuyển giai đoạn cuối và di căn lên thực quản. 

Bà Ninh cho biết, vừa qua, bà nhận được 1.400.000 đồng từ một mạnh thường quân giúp đỡ. “Tôi chỉ nghe nói, người cho tiền là bạn đọc Báo Lao động chứ không biết mặt mũi ra sao. Cuộc sống của ông nhà tôi chắc không đặng được lâu nữa”, bà Ninh lau nước mắt, nhìn chồng đang thoi thóp thở trên võng.

 Được biết, ông Nguyễn Văn Cần nhập ngũ tháng 6/1978 (Trung đoàn 336 miền Tây Nam Bộ). Hai lần cầm súng chiến đấu trong chiến dịch biên giới Tây Nam 1979, và chiến đấu trên nước bạn Lào năm 1981, ông đều hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, được tặng thưởng danh hiệu “Chiến sĩ thi đua”. Sau thời quân ngũ, ông Cần xây dựng gia đình và luôn là công dân gương mẫu trong thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Xét hoàn cảnh gia đình đặc biệt khó khăn, ông Cần được hỗ trợ 540.000 đồng/tháng theo chế độ tàn tật, bệnh hiểm nghèo. 

Sau 53 năm kể từ ngày Nga Tân thành lập, không thể thống kê đầy đủ bao người chết vì ung thư, và cũng chưa có một cơ quan chức năng nào đến khảo sát vì sao nhiều người trong xã bị ung thư? Chỉ biết, một năm ở xã này không dưới 5 người “ra đi” vì ung thư các loại. Người dân nghi ngờ nguyên nhân dẫn đến ung thư là do môi trường ô nhiễm, hoặc nguồn nước ăn lấy từ lòng đất, song những “giải mã” ấy chỉ là phỏng đoán.

 

Kỳ 2: Ung thư từ đâu?

 

 

Minh Quang
Ý kiến bạn đọc
  • Chiến dịch hành động vì động vật hoang dã

    Chiến dịch hành động vì động vật hoang dã

    UBND thành phố Huế vừa phối hợp cùng với Dự án “Quản lý rừng bền vững và Bảo tồn đa dạng sinh học” (VFBC, do Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ tài trợ), Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên - WWF Việt Nam và Chi cục Kiểm lâm tỉnh Thừa Thiên - Huế tổ chức Lễ phát động chiến dịch hành động vì động vật hoang dã (ĐVHD).

  • Hội An tổ chức thành công ngày hội bắp nếp

    Hội An tổ chức thành công ngày hội bắp nếp

    Trong hai ngày 16-17/3 (nhằm mồng 7 và mồng 8 tháng hai âm lịch) đã diễn ra Ngày hội bắp nếp Cẩm Nam – Hội An 2024 tại thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam với nhiều hoạt động đặc sắc.

  • Chuyển đổi số góp phần xây dựng nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại

    Chuyển đổi số góp phần xây dựng nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại

    Ngày 15/3, Đoàn bộ Nông nghiệp và PTNT tổ chức Hội thảo Khoa học Thanh niên với chủ đề “Thanh niên ứng dụng chuyển đổi số góp phần xây dựng nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại”.

Top