Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ năm, ngày 2 tháng 5 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 18 tháng 3 năm 2016 | 7:37

Giải pháp nào chống hạn ở các tỉnh Nam Trung Bộ?

Các tỉnh ven biển Nam Trung Bộ, nhất là 3 tỉnh Bình Thuận, Ninh Thuận và Khánh Hòa hiện đang đối mặt với tình trạng hạn hán kéo dài.

Theo dự báo, tình trạng khô hạn ở các tỉnh Nam Trung Bộ có khả năng kéo dài 5 - 6 tháng nữa. Sản xuất nông nghiệp vì vậy sẽ tiếp tục gặp khó khăn. Nhiều chuyên gia khuyến cáo các địa phương trong khu vực cần chủ động có phương án chống hạn hiệu quả, đảm bảo sản xuất trong vụ Hè thu tới.

Tại Bình Thuận, đến nay, lượng nước tích trữ trong các hệ thống công trình thủy lợi còn khoảng 87 triệu mét khối, đạt chừng 40% dung tích thiết kế. Sau khi cấp nước tưới cho diện tích lúa Đông Xuân chưa thu hoạch và hơn 14.800 ha thanh long, lượng nước còn lại được ưu tiên cho việc cấp nước sinh hoạt. Nếu đến tháng 6 không có mưa, sản xuất vụ Hè Thu sẽ rất căng thẳng.

giai phap nao chong han o cac tinh nam trung bo? hinh 0
Lúa Đông Xuân ở xã Tân Thắng, huyện Hàm Tân, tỉnh Bình Thuận 
bị cháy khô do thiếu nước.

Ông Nguyễn Đức Hòa, Phó Chủ tịch UBND Bình Thuận nói: “Bình Thuận là một trong những tỉnh chịu thiệt hại do nắng hạn gây ra rất nặng. Sắp tới đây, địa phương chúng tôi sẽ có nhiều giải pháp chỉ đạo trong việc chống hạn, khắc phục những thiệt hại do hạn hán gây ra. Đối với những vùng không có nguồn nước, hoặc nguồn nước không đảm bảo, chúng tôi phải cho dừng sản xuất”.

Theo Đài khí tượng thủy văn khu vực Nam Trung Bộ, từ đầu năm 2016 đến nay, lượng mưa ở các tỉnh trong khu vực đều thấp hơn trung bình nhiều năm.

Một số nơi như Ninh Thuận, Bình Thuận hầu như không mưa. Trong các tháng đầu năm, mực nước trên các sông xuống dần và ở mức thấp. Lưu lượng dòng chảy trên các sông chính liên tục thiếu hụt từ 20 đến 70%, có nơi trên 90%.

giai phap nao chong han o cac tinh nam trung bo? hinh 1
Tình hình hạn hán được dự báo tiếp tục khốc liệt

Nhiều sông, suối cạn khô. Các hồ chứa ở khu vực Nam Trung Bộ chỉ đạt từ 50 đến 75% dung tích thiết kế. Đặc biệt, các hồ chứa ở Ninh Thuận và hồ Đá Bàn của tỉnh Khánh Hòa chỉ còn ở mức 20 đến 30% dung tích thiết kế. Tình trạng khô hạn ảnh hưởng lớn đến sản xuất nông nghiệp và đời sống nhân dân.

Theo ông Nguyễn Văn Tỉnh, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy lợi, các địa phương trong khu vực Nam Trung Bộ cần tăng cường dự báo về nguồn nước. Trên cơ sở đó, các tỉnh có kế hoạch sử dụng nước hợp lý, trong đó cần ưu tiên nước cho sinh hoạt, chăn nuôi, các vùng cây ăn trái có giá trị kinh tế cao; rà soát, cân đối nguồn nước để có cơ cấu cây trồng hợp lý. Đối với những vùng thường xuyên thiếu nước tưới cần phải chuyển đổi từ lúa sang những loại cây trồng cạn sử dụng ít nước hơn, hoặc phải dừng sản xuất để tránh thiệt hại cho nông dân.

Cùng với đó, vùng hạn Nam Trung Bộ cần tăng cường các biện pháp tưới tiên tiến, tiết kiệm nước cho lúa và cây trồng cạn như tưới phun sương, tưới nhỏ giọt. Cần phối hợp tốt với ngành điện để điều tiết nước các hồ thủy điện cung cấp cho hạ du vào thời gian khô hạn.

Ông Nguyễn Văn Tỉnh cho biết: “Chúng tôi tiếp tục rà soát, mở rộng đối tượng có thể được hỗ trợ như: đắp đập tạm, đào ao, đào giếng, vận chuyển nước sinh hoạt cho nhân dân... Có thể nói đây là những giải pháp hiệu quả nhằm giúp nhân dân khắc phục vấn đề hạn hán trong thời gian qua cũng như trong thời gian tới”. 

Theo ông Nguyễn Văn Hòa, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt, khu vực Nam Trung Bộ cần có sự chuẩn bị thật tốt phương án đối phó với hạn, khẩn trương chuẩn bị vụ Hè Thu. Trước hết cần rà soát lại hồ đập, khả năng cung ứng nước để bố trí diện tích canh tác cho phù hợp. Những diện tích đủ nước mới bố trí lịch thời vụ như mọi năm.

Những vùng không đủ nguồn nước phải chờ mưa. Nếu không có mưa, xem xét chuyển đổi cơ cấu cây trồng, thậm chí dừng sản xuất hoặc bố trí cơ cấu cây trồng khác. Song song đó, biện pháp tiết kiệm nước cần được chú trọng.

Ông Nguyễn Văn Hòa, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt cho biết: “Chúng ta phải thực hiện tốt giải pháp quản lý nguồn nước và thực hiện tưới tiết kiệm. Tưới tiết kiệm cũng cần được tuyên truyền đến mọi người dân và có một cơ chế, sự phối hợp thật chặt chẽ giữa việc cung ứng các nguồn nước của thủy lợi với việc tưới ở từng vùng kênh, vùng tưới”.

Vừa qua, Cục Trồng trọt đã hướng dẫn các tỉnh khu vực duyên hải Nam Trung Bộ rà soát lại mùa vụ, rà soát lại diện tích; thậm chí có thể xem xét lại cơ cấu sản xuất. Những vùng không thể làm được 3 vụ  nên chuyển qua 2 vụ. Chúng ta cần có vùng cần chuyển đổi qua cây trồng cạn hoặc cây trồng dài ngày để thích ứng với điều kiện thời tiết. Ngoài ra, ở các vùng khô hạn cần phát triển chăn nuôi và những loại cây trồng phục vụ chăn nuôi thay vì tập trung trồng lúa. Việc rà soát lại cơ cấu giống cũng cần thiết. Ngoài một số giống đã thích nghi, nông dân cũng cần tăng cường một số giống có khả năng chống chịu hạn để hạn chế thấp nhất ảnh hưởng của thiên tai./.

 

KTNT
Ý kiến bạn đọc
  • Nghệ An hoàn thành hơn 8.400 căn nhà cho người nghèo

    Nghệ An hoàn thành hơn 8.400 căn nhà cho người nghèo

    Ngày 19/4, UBND tỉnh Nghệ An tổ chức sơ kết 1 năm triển khai chương trình vận động, hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà cho người nghèo, người có khó khăn về nhà ở giai đoạn 2023-2025 (Chương trình 1838).

  • “Chỉ cần sức khỏe tốt, tôi còn hiến máu cứu người”

    “Chỉ cần sức khỏe tốt, tôi còn hiến máu cứu người”

    Với 28 lần hiến máu nhân đạo, trình dược viên Từ Thị Tuyên (SN 1989), xã Thạch Thắng, Thạch Hà (Hà Tĩnh) đã trở thành tấm gương sáng trong các hoạt động an sinh xã hội, tình nguyện vì cuộc sống cộng đồng…

  • PVcomBank mang yêu thương đến những hoàn cảnh khó khăn tại Lào Cai

    PVcomBank mang yêu thương đến những hoàn cảnh khó khăn tại Lào Cai

    Với tinh thần tương thân tương ái, vừa qua, Đoàn Thanh niên Ngân hàng TMCP Đại Chúng Việt Nam (PVcomBank) đã tổ chức chương trình từ thiện “Xuân tình nguyện 2024” để thăm hỏi, động viên và trao quà đến các em học sinh nghèo, các hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn tại xã Nậm Chảy, huyện Mường Khương, tỉnh Lào Cai. Đây là hoạt động hưởng ứng tinh thần Tháng Thanh niên và Năm Thanh niên tình nguyện của tuổi trẻ PVcomBank.

Top