Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 24 tháng 5 năm 2019 | 13:18

Giải thưởng Trần Đại Nghĩa: Đưa nghiên cứu vào ứng dụng thực tế

Giải thưởng Trần Đại Nghĩa năm 2019 đã trao cho các tác giả, nhóm tác giả 4 công trình nghiên cứu xuất sắc có tiềm năng ứng dụng vào thực tế.

tr13.JPG
10 tác giả nhận Giải thưởng Trần Đại Nghĩa năm 2019.

Trong đó có 2 công trình nghiên cứu khá thiết thực với nhà nông, đó là: “Nghiên cứu xây dựng quy trình công nghệ sản xuất vắcxin cúm gia cầm subtype A/H5N1 ở Việt Nam” và “Nghiên cứu chọn tạo giống lúa phục vụ Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL)”.

Hai giải phục vụ nhà nông

Giải thưởng Trần Đại Nghĩa được Viện Hàn lâm khoa học và công nghệ Việt Nam (VAST) tổ chức 3 năm một lần theo sáng kiến của GS.VS. Nguyễn Văn Hiệu, nguyên Viện trưởng VAST, nhằm vinh danh các tác giả có công trình nghiên cứu xuất sắc trong lĩnh vực khoa học tự nhiên và công nghệ, đồng thời trực tiếp tổ chức triển khai ứng dụng các kết quả đó.

“Nghiên cứu xây dựng quy trình công nghệ sản xuất vắcxin cúm gia cầm subtype A/H5N1 ở Việt Nam” (tác giả là GS. Lê Trần Bình, PGS. Đinh Duy Kháng, TS. Trần Xuân Hạnh) đã nghiên cứu được chủng giống đạt yêu cầu cho sản xuất vắcxin và xây dựng quy trình đảm bảo và lưu giữ chủng giống lâu dài cho công việc sản xuất vắcxin.

Được biết, quy trình sản xuất vắcxin cúm A/H5N1 cho gia cầm đã được nhóm tác giả xây dựng trong 6 năm (từ 2006-2012) và là công trình đầu tiên nghiên cứu và sản xuất thành công vắcxin  cúm gia cầm H5N1 đạt chất lượng sử dụng ở quy mô công nghiệp, trước mắt bảo đảm cung cấp một phần vắcxin, tiến tới thay thế hoàn toàn vắcxin nhập khẩu để phục vụ cho công tác tiêm phòng bệnh cúm cho đàn gia cầm nuôi ở nước ta.

Đề tài “Nghiên cứu chọn tạo giống lúa phục vụ ĐBSCL” của GS. TS. Nguyễn Thị Lang, Viện Nghiên cứu nông nghiệp công nghệ cao ĐBSCL, có thành tích đặc biệt trong việc chọn tạo thành công hàng chục giống lúa lai có khả năng chịu mặn, năng suất, chất lượng cao. Các công trình nghiên cứu khoa học chuyên sâu của bà về bản đồ di truyền cây lúa, genome học cây lúa trong lĩnh vực di truyền, chọn giống cây trồng mang ý nghĩa thực tiễn cao, đóng góp thiết thực vào sự phát triển sản xuất lúa gạo trong nước và nâng cao vị trí ngành sản xuất lúa gạo Việt Nam trên thế giới.

Công trình “Nghiên cứu chọn tạo giống lúa phục vụ ĐBSCL”  là sự đúc kết khoa học của hơn 100 đề tài về sản xuất lúa gạo, lĩnh vực di truyền chọn tạo giống lúa ở ĐBSCL.

Nghiên cứu sát với thực tiễn

Việt Nam là quốc gia xuất khẩu gạo đứng thứ 2 trên thế giới về số lượng, tuy nhiên tình trạng giá lúa thấp, đầu ra không ổn định đang là những thiệt thòi rất lớn đối với nông dân sản xuất lúa gạo. Về chất lượng, các sản phẩm gạo của Việt Nam không thua kém gì các sản phẩm gạo có thương hiệu của các nước nhưng giá bán của chúng ta lại thấp hơn rất nhiều do khâu sản xuất và công nghệ sản xuất hạt giống chưa đồng đều.

ĐBSCL được biết đến là vựa lúa của cả nước, đóng góp trên 50% sản lượng lúa, chiếm 90% tổng lượng gạo xuất khẩu của cả nước nhưng do địa hình thấp,nằm ở hạ lưu sông Mê Kông, tiếp giáp với biển nên ĐBSCL phải chịu rất nhiều tác động từ thiên nhiên, đặc biệt là biến đổi khí hậu toàn cầu và sự thay đổi lưu lượng dòng chảy của sông Mê Kông.

Nhận thấy được những vướng mắc đang gặp phải, công trình “Nghiên cứu chọn tạo giống lúa phục vụ ĐBSCL” của GS. TS. Nguyễn Thị Lang, Viện Nghiên cứu nông nghiệp công nghệ cao Đồng bằng sông Cửu Long đã được thực hiện và xuất sắc trở thành 1 trong 4 công trình đạt giải thưởng Trần Đại Nghĩa năm 2019.

 

tr13a.JPG
Bà Lang báo cáo với Phó thủ tướng Vũ Đức Đam về kết quả chọn tạo giống lúa.

GS.TS. Nguyễn Thị Lang là nhà khoa học nữ đầu tiên được vinh danh trong Giải thưởng Trần Đại Nghĩa, nhờ có thành tích đặc biệt trong việc lai tạo thành công hàng chục giống lúa có khả năng chịu mặn, chống chịu một số loại bệnh chính (rầy nâu, vàng lùn xoắn lá, bệnh đạo ôn), năng suất, chất lượng cao.

Sau 15 năm thực hiện nghiên cứu với 3 giai đoạn 2006-2011; 2011-2015; 2015-2019,  công trình đã góp phần đảm bảo an  ninh nông nghiệp tại ĐBSCL. Từ thành công đã đạt được trong những giai đoạn trước của công trình, tác giả cùng nhóm nghiên cứu tiếp tục nghiên cứu tạo ra các giống lúa có tính kháng đối với nhiều loại côn trùng, nhiều loại bệnh, có hàm lượng dinh dưỡng cao, có khả năng chống khô hạn, chịu được khí hậu nóng, khả năng chịu mặn tốt, góp phần thích ứng với biến đổi của khí hậu.

Đặc biệt, công trình đã tạo ra giống lúa mới mang tên AS996 (còn có tên  OM2424) với các tính năng nổi trội về khả năng sinh trưởng trong điều kiện đất phèn, thiếu lân, khả năng chịu mặn cao, kháng rầy nâu, phát triển tốt ở nhiều vùng, đạt năng suất cao... Sau thành công của giống lúa AS99 (OM2424), hàng chục giống lúa chịu mặn, mang họ “OM” tiếp tục ra đời như: OM4498, OM5930, OM4900, OM6073... Cái tên “OM” được viết tắt theo địa danh Ô Môn, nơi đặt trụ sở Viện Lúa ĐBSCL. Kết quả của công trình nghiên cứu chế tạo giống lúa phục vụ ĐBSCL đã chọn tạo được 24 giống lúa được công nhận là giống lúa Quốc gia.

Điểm nổi bật của công trình là đã chọn tạo thành công các giống lúa chịu mặn có nguồn gốc từ giống lúa trời, hay còn gọi là “lúa ma” ở vùng Đồng Tháp Mười. Tác giả đã nghiên cứu kết hợp những tính năng chống chịu của lúa ma với giống lúa cao sản để tạo nên một giống lúa mới. Các công trình nghiên cứu khoa học chuyên sâu về di truyền cây lúa, genome học cây lúa của bà Lang đã đóng góp thiết thực vào sự phát triển sản xuất lúa gạo trong nước và nâng cao vị trí ngành sản xuất lúa gạo Việt Nam trên thế giới.

Trăn trở của nhà khoa học

Một cái khó chung khác của các nhà khoa học, đó là tạo dựng mối quan hệ hợp tác với các doanh nghiệp để triển khai kết quả nghiên cứu. Theo GS.TS. Trương Nam Hải, Chủ tịch Hội đồng khoa học chuyên ngành các khoa học về sự sống, Giải thưởng Trần Đại Nghĩa - VAST đã có nhiều công trình hợp tác với doanh nghiệp nhưng mới dừng ở giai đoạn nghiên cứu.

Ông đánh giá hợp tác giữa Viện Công nghệ sinh học với Công ty cổ phần Thuốc thú y Trung ương NAVETCO (TP. Hồ Chí Minh) để sản xuất vắcxin cúm gia cầm H5N1 là “một trường hợp rất hay”. Khi dịch cúm gia cầm bùng phát, chính quyền còn đang lúng túng và chưa biết làm gì khác ngoài chôn lấp và tiêu hủy thì Viện Công nghệ sinh học đã chủ động đứng ra tập hợp các nhà khoa học và hợp tác với hai doanh nghiệp để triển khai quy trình sản xuất vắcxin, trong đó hợp tác với NAVETCO đã “đi được vào cuộc sống”.

Sau nhiều năm, hợp tác này không những được duy trì mà còn mở rộng, từ chỗ sản xuất vắcxin bằng chủng gốc nhập ngoại đến chỗ tự chủ được chủng gốc. Hợp tác với doanh nghiệp là mong mỏi lớn nhất của các nhà nghiên cứu nhưng “nhu cầu thực tiễn mới là yếu tố mấu chốt quyết định hợp tác đó có lâu dài hay không?”, ông Hải kết luận.

GS.TS. Lê Trần Bình, Viện Công nghệ sinh học, một trong ba tác giả của nghiên cứu quy trình sản xuất vắcxin cúm gia cầm, cho biết thêm, sở dĩ hợp tác với NAVETCO thành công trong khi hợp tác với một doanh nghiệp khác ở miền Bắc thất bại vì NAVETCO có năng lực rất tốt, được thừa hưởng từ quá khứ, người lãnh đạo lại có tầm nhìn và rất kiên trì, sẵn sàng bỏ ra 6 năm để thuyết phục Cục Thú y cấp phép cho quy trình sản xuất. “Thực tế, không phải nhóm nghiên cứu nào cũng có may mắn tìm được một đối tác như vậy”, ông Bình nói.

Phát biểu tại lễ trao giải, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam đánh giá cao các công trình nghiên cứu của các tác giả đoạt giải. Chỉ ra những đóng góp của khoa học với phát triển kinh tế - xã hội, các chỉ số đổi mới sáng tạo liên quan đến khoa học đạt cao nhất từ trước tới nay, các công trình công bố trên các tạp chí uy tín, Phó thủ tướng cho rằng, nhìn một cách công bằng các nhà khoa học Việt Nam làm việc trong điều kiện khó khăn, đầu tư còn hạn chế nhưng các kết quả khoa học đã được quốc tế đánh giá ngang bằng với các nước có đầu tư cho khoa học nhiều hơn. Điều này phần nào nói lên trí tuệ và sự cống hiến của giới khoa học.

Phó thủ tướng mong các nhà khoa học tiếp tục đóng góp, tạo sự đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội thời gian tới.

 

 

 

Thanh Tâm
Ý kiến bạn đọc
  • Hào hứng xem đua vỏ lãi ở cửa biển Sông Đốc

    Hào hứng xem đua vỏ lãi ở cửa biển Sông Đốc

    Hàng ngàn người đổ về thị trấn Sông Đốc (Trần Văn Thời - Cà Mau) để xem cuộc đua vỏ lãi kỳ thú. Thị trấn ven biển này cũng là nơi 70 năm trước diễn ra sự kiện tập kết ra Bắc lịch sử.

  • Dòng chảy tri thức - Hành trình tri thức không thể thiếu vắng hình bóng “Người lái đò”

    Dòng chảy tri thức - Hành trình tri thức không thể thiếu vắng hình bóng “Người lái đò”

    Hòa cùng không khí cả nước, chào mừng 42 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11/1982 - 20/11/2024, tri ân sự đóng góp, hy sinh của thầy, cô giáo - những “Người lái đò” thầm lặng, đưa nhiều thế hệ học trò đến với bến bờ tri thức.

  • Thắp sáng ước mơ cho các em học sinh Làng Nủ

    Thắp sáng ước mơ cho các em học sinh Làng Nủ

    Trong tiết trời se lạnh đầu đông, nhưng ở trong Trường TH&THCS số 1 Phúc Khánh (Bảo Yên - Lào Cai), không khí ấm áp và rộn ràng đang tràn ngập nơi đây. Những ngày tháng gian khó sau bão số 3 đã ở lại phía sau, nhường chỗ cho niềm vui và nụ cười rạng rỡ của các em học sinh. Bằng sự tận tụy, ân cần của thầy cô, nhà trường đã trở thành mái nhà thứ hai, nơi tràn đầy tình yêu thương và hy vọng.

Top