Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ năm, ngày 28 tháng 3 năm 2024  
Thứ ba, ngày 31 tháng 8 năm 2021 | 15:23

Giãn cách xã hội nhưng phải đảm bảo phương tiện, thiết bị PCCC luôn trong chế độ thường trực

Trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội, để công tác chủ động phòng ngừa cháy, nổ không bị sao nhãng, Cảnh sát PCCC và CNCH - CATP Hà Nội chỉ đạo lực lượng Cảnh sát PCCC cơ sở tăng cường tuyên truyền, đảm bảo an toàn PCCC.

Tiềm ẩn nguy cơ cháy tại thời điểm giãn cách xã hội

Theo chỉ huy Cảnh sát PCCC - CATP Hà Nội, nguy cơ cháy, nổ đối với hộ gia đình, nhà ở kết hợp sản xuất kinh doanh và các cơ quan, doanh nghiệp trong thời gian giãn cách xã hội luôn tiềm ẩn...

Đồng tình quan điểm này, chỉ huy Cảnh sát PCCC - CAH Chương Mỹ cho biết: Sở dĩ trong thời gian ở nhà, nhất lại vào mùa hè nắng nóng các thiết bị điện hoạt động liên tục trong thời gian dài. Chưa kể đến các thiết bị cũ kỹ, xuống cấp thời hạn cận hoặc hết “date” càng có nguy cơ cao...

Còn nhớ, vụ cháy xảy ra vào khoảng 2h sáng ngày 5/8, tại phường Tân Mai, quận Hoàng Mai. Nguyên nhân do chủ nhà sử dụng quạt bật trong thời gian dài khiến mô tơ nóng gây chập cháy.

 

chayto-6780.jpg
Lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH - CAH Chương Mỹ kiểm tra và tuyên truyền PCCC các hộ làm nhà ở vừa kết hợp sản xuất, kinh doanh trên địa bàn trước thời điểm thực hiện giãn cách xã hội

 

Rất may, lực lượng chữa cháy cơ sở và lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH - CAQ Hoàng Mai kịp thời cứu nạn, cứu hộ 4 người thoát nạn an toàn. Theo lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH-CATP Hà Nội, trong thời gian qua, số vụ cháy do chập điện và sự cố từ điện chiếm trên 80% nguyên nhân các vụ cháy.

Đa phần do các thiết bị điện hoạt động liên tục, quá tải không được bảo dưỡng đúng định kỳ, hoặc đường dây xuống cấp, chuột cắn…

Cùng với đó là sự gia tăng các thiết bị tiêu thụ điện, nhưng đường dây cấp dẫn vẫn không thay thế và nâng cấp từ công tơ đến đầu tiêu thụ.

Đặc biệt, trong thời gian giãn cách xã hội, nhiều người dân lo lắng tích trữ nguồn gas, xăng, bình oxy càng làm nguy cơ cháy luôn tiềm ẩn, khôn lường.

Đối với các nhà máy, doanh nghiệp, việc hoạt động cầm chừng thường dẫn đến “gộp nguồn” điện tập trung cho một số hệ thống máy móc quan trọng nhưng lại thiếu đồng bộ nên có thể dẫn đến cháy, nổ bất cứ lúc nào.

Trước tình trạng tiềm ẩn nguy cơ cháy, nổ cao trong thời giãn giãn cách xã hội, Công an huyện Chương Mỹ đã chủ động tuyên truyền và khuyến cáo bằng nhiều hình thức phù hợp, trong đó khuyến cáo trên loa phát thanh, phối hợp với tổ Covid cộng đồng tuyên truyền nhắc nhở người dân không chỉ nâng cao ý thức phòng chống dịch, mà phải tự ý thức phòng cháy trong gia đình, nơi sản xuất…

Những khuyến cáo cần thiết

"Thời gian thực hiện giãn cách xã hội, việc mọi người dân phải ở nhà và sử dụng thiết bị điện thường xuyên sẽ dễ dẫn đến quá tải gây cháy, nổ, do đó phải thường xuyên kiểm tra, tra dầu mỡ, bảo dưỡng các thiết bị điện, thiết bị đóng, ngắt điện như: Điều hòa, quạt hút mùi, quạt điện, khu vực để tivi và giàn âm thanh công suất lớn, các thiết bị đóng ngắt như cầu dao, aptomat đảm bảo luôn hoạt động tốt" - Chỉ huy Cảnh sát PCCC - CAH Chương Mỹ cho hay.

Khi sử dụng các thiết bị điện công suất lớn như: bàn là, bếp điện, lò sấy hoặc khi sử dụng gas để đun nấu, phải luôn có người trông coi, không để trẻ nhỏ, người già, người bị tàn tật, người bị tâm thần sử dụng các thiết bị điện và điều khiển bếp gas khi đun nấu. Chú ý, khi đun xong phải tắt ngay các thiết bị.

 

c1-7-2129.jpg
Lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH - CAQ Hoàng Mai kịp thời xử lý vụ cháy tại phường Tân Mai do người dân sử dụng thiết bị điện quá tải

 

Không nên cắm sạc điện thoại khi đang sử dụng vì có thể bị quá tải và nổ pin điện thoại, gây tai nạn, thương tích.

Cần thực hiện việc sạc điện thoại ở một vị trí riêng, không nên đặt sạc điện thoại khi đang sạc trên giường ngủ hoặc các vật liệu dễ cháy hoặc những nơi có sinh nhiệt, đề phòng nổ pin gây cháy.

Đối với công tác PCCC, chỉ huy CAQ Hoàng Mai nêu rõ: Không nên tích trữ các loại nhiên liệu trong nhà ở như: xăng dầu, khí đốt hóa lỏng, than, củi ..., các loại chai chứa áp suất (chai ô xy, chai chứa LPG mini...) có thể dẫn đến cháy, nổ. Các loại ô tô, xe máy và các phương tiện dụng cụ có chứa xăng dầu, chất lỏng dễ cháy để trong nhà ở phải cách xa bếp đun nấu, thiết bị điện, nguồn sinh nhiệt, đặc biệt là vào ban đêm.

Hạn chế để ô tô xe máy ngay trong khu vực sinh hoạt chung của gia đình nhằm hạn chế nguy cơ xe tự cháy.

Do đang hạn chế tham gia giao thông trong đợt cao điểm phòng dịch Covid -19 và ít sử dụng các phương tiện giao thông cá nhân nên các thiết bị chứa, dẫn xăng, dầu trong ô tô, xe máy, gas đun nấu... cần phải được kiểm tra độ kín thường xuyên, đề phòng chuột, gián có thể cắn làm rò rỉ đường ống dẫn nhiên liệu gây cháy.

Do thường xuyên có người ở nhà, nên mỗi gia đình cần phải dự kiến các tình huống thoát nạn khi có cháy xảy ra.

Trang bị dụng cụ trữ nước, xô thùng xách nước để vừa phục vụ sinh hoạt, vừa phục vụ chữa cháy và hướng dẫn cho mọi người trong gia đình phải biết sử dụng thành thạo các dụng cụ chữa cháy, dụng cụ phá dỡ ... đã trang bị.

Đặc biệt, hướng dẫn cho người già, trẻ nhỏ biết về các phương án thoát nạn, chữa cháy khi cần.

Không nên lắp đặt các lồng sắt, lưới sắt kiên cố ở lan can, cầu thang tại các nhà nhiều tầng. Trường hợp cần thiết lắp thì phải bố trí có cửa chốt trong và không được khoá. Cửa có nhiều khoá nên sử dụng các loại khoá kiểu chìa khác nhau để dễ phân biệt khi mở và quy định nơi để chìa khoá dễ thấy, dễ lấy.

"Khi xảy ra cháy, mọi người dân cần phải bình tĩnh, cố gắng dùng mọi biện pháp bảo vệ đường hô hấp bằng khăn tẩm ướt hoặc mặt nạ lọc độc, tìm cách thoát ra bên ngoài hoặc lên mái nhà tìm phương án thoát nạn sang công trình lân cận hoặc kêu cứu. Tuyệt đối không trú, tránh lửa ở bất kỳ vị trí nào trong nhà đang bị cháy vì có thể bị ngạt khói dẫn tới nguy hiểm đến tính mạng; tìm mọi cách báo động có cháy nhanh nhất cho mọi người xung quanh biết, gọi điện thoại cho Cảnh sát PCCC theo số máy 114 hoặc báo tin đến Đội dân phòng, chính quyền, Công an xã nơi gần nhất, đồng thời sử dụng phương tiện để chữa cháy và thoát nạn nhanh nhất có thể" - Chỉ huy Cảnh sát PCCC - CAQ Hoàng Mai nhấn mạnh.

Cũng theo chỉ huy Cảnh sát PCCC - CATP Hà Nội, đối với các cơ quan, doanh nghiệp, xưởng sản xuất, khi đang thực hiện giãn cách, lãnh đạo cơ quan, doanh nghiệp vẫn cần phải bố trí lực lượng thường trực phù hợp, phân công thực hiện nhiệm vụ tuần tra, kiểm tra hệ thống thiết bị điện, dây chuyền công nghệ sản xuất có sử dụng điện luôn đảm bảo hoạt động an toàn. Cắt điện các khu vực không sử dụng, đặc biệt là các khu vực kho lưu trữ hàng hóa cháy được hoặc đựng trong bao bì cháy được mà không có yêu cầu bắt buộc phải sử dụng điện. Kiểm tra tình trạng hoạt động của các phương tiện, thiết bị PCCC luôn trong chế độ thường trực đảm bảo tốt.

Công an thành phố Hà Nội hướng dẫn cài đặt và sử dụng ứng dụng ''Báo cháy 114''

“Báo cháy 114” là một ứng dụng hỗ trợ người dân thông báo cho cơ quan PCCC và CNCH các vụ cháy, nổ và sự cố, tai nạn một cách nhanh và chính xác nhất bằng việc trực quan hóa thông qua các hình ảnh, video, âm thanh… 

“Báo cháy 114” giúp lực lượng cảnh sát PCCC và CNCH xác minh được ngay các vụ cháy, nổ và tai nạn, sự cố là thật hay giả, vị trí chính xác địa điểm xảy ra cháy, nổ, tai nạn, sự cố; đánh giá được cơ bản tình hình vụ cháy, nổ, tai nạn, sự cố. Đồng thời, đưa ra phương án để triển khai công tác chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ phù hợp. Giảm tối đa thiệt hại do các vụ cháy, nổ và tai nạn, sự cố xảy ra.

“Báo cháy 114” bảo đảm quy trình số hóa một số hoạt động của các đơn vị cảnh sát PCCC và CNCH nói chung, đơn giản hóa các quy trình nhận tin và xác minh tin báo cháy, nổ, tai nạn, sự cố. Nâng cao hiệu quả của các đơn vị cảnh sát PCCC và CNCH.

 

app114.jpg
Ứng dụng báo cháy 114

 

Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH (Công an thành phố Hà Nội) cho biết, người dân có thể truy cập mạng Google Play (đối với hệ điều hành Android), Apple Store (đối với hệ điều hành iOS), tìm kiếm và tải app “Báo cháy 114” về để cài đặt theo các bước như đối với một ứng dụng bình thường, gồm: Đăng ký hoặc đăng nhập; khởi động app “Báo cháy 114” trên màn hình điện thoại sau khi đã cài đặt; tiến hành đăng ký/đăng nhập bằng số điện thoại.

Ứng dụng trên giúp người dùng có thể xem và phát hiện được các sự cố nào đang ở gần mình, có bán kính <5km, hoặc tất cả vụ cháy, nổ và tai nạn, sự cố đang diễn ra. Ngoài ra, người dùng có thể báo “Tôi an toàn” bằng cách chạm vào nút “Tôi an toàn” trên giao diện, khi đó thông tin sẽ được gửi đến cho các bạn bè trong danh sách để thông báo tình trạng của bản thân.

 

 

Thanh Xuân (Tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc
Top