Huyện Krông Bông (Đắk Lắk) có 14 thôn với 2.452 hộ, 14.260 khẩu là người dân tộc Mông di cư từ các tỉnh phía Bắc, tập trung ở các xã Hòa Phong, Cư Pui và Cư Đrăm.
Mặc dù đã có nhiều nỗ lực, song công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình ở các thôn đồng bào Mông còn gặp nhiều khó khăn. Tình trạng sinh đông con trong các gia đình vẫn khá phổ biến.
Những hoàn cảnh éo le
Xã Cư Đrăm có 6 thôn đồng bào Mông thì cả 6 thôn đều có tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên rất cao. Chị Thào Thị Dung, cộng tác viên y tế (CTVYT), kiêm cộng tác viên dân số (CTVDS) của thôn Ea Luêh, được giao phụ trách vận động 173 hộ. Trung bình mỗi tháng chị vận động 10 hộ trong diện sinh đẻ. Song việc tuyên truyền, vận động gặp nhiều khó khăn.
Theo chị Dung, vận động nam giới thực hiện chính sách dân số, kế hoạch hóa gia đình khó hơn nhiều so với phụ nữ. Một số chị em khi được phân tích thì đồng ý thực hiện các biện pháp tránh thai. Họ chia sẻ, việc sinh đẻ lấy đi rất nhiều sức khỏe, thời gian. Còn các ông chồng lại không chịu hợp tác. Nhiều lần CTVDS vào vận động bị những người chồng la mắng, đuổi về. Có người còn nói, mình đẻ thì gia đình mình nuôi chứ có nhờ đến ai nuôi đâu.
Theo chân chị Dung đến gia đình chị Thào Thị Xế (thôn Ea Luêh) để tuyên truyền, vận động. Tuy đã có 4 con gái nhưng chị Xế lại mới đẻ thêm đứa con gái. Khi phân tích việc đẻ nhiều, đẻ dày sẽ gặp rất nhiều hệ lụy nhưng chị Xế vẫn khẳng định, sắp tới sinh thêm 1 đứa nữa rồi mới kế hoạch. Nghe vậy, chồng chị nhất quyết phản đối, bắt chị phải đẻ khi nào có con trai mới thôi. Chị Xế than vãn: “Từ khi lấy chồng đến giờ, mình dành hết thời gian để sinh con, không có thời gian làm việc. Mình cũng muốn sinh ít con nhưng chồng mình không đồng ý”.
Gia đình chị Thào Thị Xay, cũng ở thôn Ea Luêh, hoàn cảnh còn éo le hơn. Chồng năm nay ngoài 50 tuổi, đã có 5 con riêng và 3 con chung. Vừa rồi chị Xay lại sinh thêm 1 đứa nữa. Gia đình ở trong túp lều tạm, cơm không đủ ăn, quần áo không đủ mặc. Mọi chi phí trong gia đình chỉ nhờ vào người chồng đi làm thuê. Các con đều chưa một ngày được cắp sách đến trường. Chị Xay giãi bày: “Gia đình đã nghèo, lại đẻ nhiều nên khổ lắm. Hôm nào chồng không đi làm thuê, không có tiền mua gạo, chẳng có cơm để ăn. Mình muốn đẻ ít nhưng chồng không chịu”.
Ea Uôl là thôn có tỉ lệ sinh cao nhất trong 6 thôn đồng bào Mông của xã Cư Pui. Thôn có 307 hộ nhưng có đến 2.192 khẩu (tỉ lệ 7,1 khẩu/hộ). Nhiều gia đình có đến 8-10 con. Công tác tuyên truyền, vận động thực hiện chính sách dân số - kế hoạch hóa gia đình ở đây gặp rất nhiều khó khăn.
Hệ lụy của phá vỡ kế hoạch hóa gia đình
Chị Vương Thị Nhung, CTVDS thôn Ea Uôl, thừa nhận, đôi lúc CTVDS cảm thấy nản và bất lực vì sự chống đối, không hợp tác của những cặp vợ chồng sinh đông con. Lúc đến tuyên truyền, vận động, có người thể hiện ra mặt, có người lại im lặng, nhiều người lại bỏ đi, không muốn nghe. Nhưng rồi họ vẫn đẻ sòn sòn. Nhiều cặp vợ chồng chưa đến 30 tuổi đã có 7 - 8 con nhưng họ vẫn chưa muốn dừng lại.
Khó khăn nhất vẫn là tư tưởng trọng nam, khinh nữ ở nhiều gia đình người Mông. Là Phó trưởng thôn Ea Luêh (xã Cư Đrăm), anh Vương Đình Quý đã có 5 đứa con gái nhưng vẫn cố đẻ thêm để có con trai. May mắn, đứa thứ 6 ra đời là con trai. Những tưởng, vợ chồng anh mãn nguyện dừng lại nhưng vợ anh lại sinh thêm đứa thứ 7. Anh Quý phân trần: “Đẻ thêm đứa trai nữa cho con trai nó có bạn”.
Công tác dân số- kế hoạch hóa gia đình ở các thôn đồng bào Mông của huyện Krông Bông hiện vẫn còn hết sức nan giải. Ngoài nhận thức, tư tưởng trọng nam, khinh nữ của một bộ phận người dân, thì công tác này ở đây chưa được quan tâm đúng mức; việc phối hợp, lồng ghép giữa các tổ chức, đoàn thể chưa chặt chẽ; chưa có chế tài xử lý người vi phạm.
Để thực hiện kế hoạch hóa gia đình hiệu quả, cần sự phối hợp tích cực giữa các cơ quan, ban, ngành, chính quyền địa phương, nhằm từng bước gỡ nút thắt dân số, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống người dân.
Tối 22/11, tại Bảo tàng tỉnh Phú Yên, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh tổ chức khai mạc trưng bày chuyên đề “Bến Vũng Rô và hoạt động tiếp nhận chi viện từ những chuyến Tàu Không số”. Hoạt động nhằm hướng đến kỷ niệm 60 năm Bến Vũng Rô tiếp nhận chuyến hàng đầu tiên của Tàu Không số (28/11/1964 – 28/11/2024).
Thời gian qua, tỉnh Nghệ An triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp, cơ chế, chính sách thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi, bước đầu đạt được những kết quả tích cực. Đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) nâng cao ý thức tự lực, tự cường vươn lên phát triển kinh tế, xây dựng cuộc sống, góp phần xóa đói giảm nghèo, tạo nên diện mạo mới cho nông thôn miền núi xứ Nghệ.
Cuộc thi trực tuyến tìm hiểu về bảo hiểm tiền gửi (BHTG) 2024 là một hoạt động quan trọng trong việc nâng cao nhận thức của công chúng về chính sách BHTG và hoạt động của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam (BHTGVN), qua đó truyền tải nội dung chính sách BHTG một cách mới mẻ, hấp dẫn và thu hút sự quan tâm của công chúng.