Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ bảy, ngày 23 tháng 11 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 9 tháng 11 năm 2018 | 14:6

Giáo dục nghề nghiệp: Đào tạo phải gắn với doanh nghiệp

Dạy nghề sẽ chuyển sang hướng mới là kết nối đào tạo với doanh nghiệp, doanh nghiệp đồng hành với giáo dục nghề nghiệp, đào tạo theo đơn đặt hàng, đào tạo gắn với thị trường, đảm bảo cung - cầu lao động...

Theo Bộ trưởng Bộ LĐTBXH Đào Ngọc Dung, năm 2018 được chọn là năm đột phá về giáo dục nghề nghiệp. Dạy nghề sẽ chuyển sang hướng mới là kết nối đào tạo với doanh nghiệp, doanh nghiệp đồng hành với giáo dục nghề nghiệp, đào tạo theo đơn đặt hàng, đào tạo gắn với thị trường, đảm bảo cung - cầu lao động...

 

1.JPG
Năm 2018, Bộ LĐTB&XH thí điểm liên kết 10 trường đào tạo nghề với 15 tập đoàn trong đào tạo theo đơn đặt hàng, theo địa chỉ.

 

Đi học để lấy tiền chứ không phải lấy nghề

Phát biểu trong phiên thảo luận các vấn đề về kinh tế - xã hội hàng năm và giữa kỳ tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV, đại biểu Triệu Tài Vinh (Hà Giang)  cho rằng: “Về chất lượng nguồn nhân lực, chúng ta đã hội nhập ASEAN một cách rất trách nhiệm và có hiệu quả cao. Uy tín của Việt Nam được nâng lên, độ mở cửa nền kinh tế lớn hơn. Bên cạnh đó, cũng có nhiều bài học, đó là ý thức trách nhiệm xã hội của các doanh nghiệp, ý thức công dân của người dân và chất lượng nguồn nhân lực của chúng ta hiện nay còn thấp.

Để tham gia CPTPP có hiệu quả, cần phải xây dựng tính kỷ luật lao động. Đối với doanh nghiệp đó là đổi mới sáng tạo, đó là khởi nghiệp. Đối với người dân, nông dân phải là dạy nghề. Cần đổi mới dạy nghề và đào tạo nghề phù hợp hơn.

Hiện, nội dung đào tạo nghề, hình thức đào tạo nghề có vấn đề cần phải đổi mới, đặc biệt là dạy nghề trong Chương trình 135, vùng 30a, dạy nghề khu vực nông thôn. Chất lượng lao động hiện nay thấp, dạy nghề không còn là chính sách mà đã trở thành chế độ. Nhiều nơi có chuyện đi học nghề để lấy tiền chứ không phải lấy nghề.

Chẳng hạn, nếu dạy nghề mà vẫn hướng dẫn cách sử dụng một loại giống, cách sử dụng thuốc trừ sâu, thì việc đó hiện nay thừa. Vì trên một bao giống, một hộp thuốc bảo vệ thực vật đã có hướng dẫn sử dụng cho cây gì, vụ nào nhưng trong giáo trình chúng ta vẫn dạy người nông dân những thứ đó. Vấn đề hiện nay là, phải dạy cho người nông dân hiểu tại sao sử dụng nhiều thuốc bảo vệ thực vật, phân bón hóa học thì đất sẽ bị thoái hóa, năng suất càng cao thì môi trường càng bị ảnh hưởng, đó là những vấn đề nông dân cần biết”.

Theo đại biểu Hoàng Quang Hàm (Phú Thọ), chất lượng nguồn nhân lực còn hạn chế, kể cả các ngành đang là thế mạnh của Việt Nam như: Dệt may, du lịch, thủy sản và điện tử. Lực lượng lao động vẫn chủ yếu hoạt động ở phân khúc thấp trong chuỗi giá trị, nơi tạo ra giá trị gia tăng thấp, năng suất lao động thấp.

Cùng với cuộc cách mạng 4.0 và xu thế già hóa dân số đang diễn ra, việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực sẽ ngày càng gặp khó khăn, trở ngại. Không có quyết sách đúng sẽ ảnh hưởng đến tăng trưởng và gia tăng số lao động thất nghiệp do không theo kịp sự phát triển.

Cũng theo đại biểu Hàm, cơ cấu lại lao động phải gắn với đào tạo, đào tạo lại một cách thực chất, ngay hệ phổ thông cũng cần có chính sách để phân luồng học sinh theo đúng khả năng, điều kiện để thúc đẩy đào tạo nghề, đào tạo đại học một cách hợp lý. Ngoài đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, đào tạo đại học, sau đại học thì việc đào tạo nghề, kể cả cho khu vực nông thôn để phát triển nông nghiệp cũng cần phải đầu tư nhiều hơn.

Đào tạo phải gắn với nhu cầu phát triển và phải có sự kết nối giữa doanh nghiệp, các tổ chức kinh tế với các cơ sở đào tạo, tận dụng tối đa việc đào tạo, nâng cao kiến thức từ doanh nghiệp FDI và coi đây là điều kiện phải đáp ứng khi thu hút vốn đầu tư nước ngoài. Thay đổi về chất cho lực lượng lao động thông qua các chính sách giáo dục, đào tạo và đào tạo nghề hợp lý mới có thể nâng cao tri thức công nghệ và năng suất lao động.

Bắt buộc sử dụng lao động qua đào tạo

Cử tri tỉnh Vĩnh Phúc từng chuyển đến Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) đề nghị ban hành danh mục nghề bắt buộc phải sử dụng lao động qua đào tạo nghề để hạn chế việc tuyển dụng lao động phổ thông không qua học nghề.

 

2.jpg

Trả lời cử tri, Bộ LĐTBXH cho biết, những năm qua, việc các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp FDI tập trung sử dụng những lao động trẻ, chủ yếu có độ tuổi 18 - 20, đang  khá phổ biến. Người lao động gần như không được đào tạo bài bản và được đưa vào làm việc ngay, trình độ tay nghề rất hạn chế, tạo năng suất và chất lượng lao động thấp, thậm chí còn gây mất an toàn lao động do không được đào tạo chuyên nghiệp. Nhưng chỉ sau vài năm, làm việc với lương và mức đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) tăng dần, không ít người lao động bị đào thải. Doanh nghiệp lại tuyển lao động mới vào với mức lương và mức đóng BHXH thấp.

Khắc phục tình trạng trên, tại khoản 3, Điều 52 Luật Giáo dục nghề nghiệp đã quy định trách nhiệm của doanh nghiệp trong hoạt động giáo dục nghề nghiệp: “Chỉ được sử dụng lao động đã qua đào tạo hoặc có chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia đối với những nghề trong danh mục do Bộ trưởng Bộ LĐTBXH quy định”.

Năm 2017, Bộ LĐTBXH đã giao Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp xây dựng dự thảo Thông tư ban hành Danh mục ngành, nghề sử dụng lao động phải qua đào tạo”. Trong quá trình lấy ý kiến góp ý của bộ, ngành, địa phương, Bộ  nhận được nhiều ý kiến đóng góp cho dự thảo Thông tư.

Tuy nhiên, đa phần ý kiến góp ý cho rằng, đây là văn bản có ảnh hưởng rất lớn, tác động trực tiếp đến đông đảo người lao động và doanh nghiệp; ảnh hưởng trực tiếp đến quyền làm việc, lựa chọn nghề nghiệp, việc làm và nơi làm việc của công dân.

Đặc biệt, các chính sách cụ thể về giáo dục, xây dựng cơ chế, chính sách phát huy các nguồn lực xã hội nhằm phát triển giáo dục và đào tạo; chính sách về tạo việc làm; quyết định những biện pháp cụ thể để bảo vệ quyền con người, quyền công dân thuộc thẩm quyền của Chính phủ. Do vậy, việc ban hành Danh mục ngành, nghề sử dụng lao động phải qua đào tạo phải do Chính phủ quy định.

Tiếp thu ý kiến của các bộ, ngành, các tổ chức, năm 2018, Bộ LĐTBXH đã giao Cục Việc làm xây dựng Nghị định quy định về danh mục ngành, nghề sử dụng lao động phải qua đào tạo trình Chính phủ ban hành (Dự kiến ban hành cuối năm 2018 hoặc đầu năm 2019).

Tạo sự đột phá trong đào tạo nghề

Trả lời chất vấn trước Quốc hội về chất lượng nguồn lao động, Bộ trưởng Bộ LĐTBXH Đào Ngọc Dung cho biết, chất lượng nguồn nhân lực Việt Nam hiện nay thấp, chưa theo kịp chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu đào tạo còn bất cập, chất lượng nguồn nhân lực chưa đáp ứng cả về kỹ năng, thu nhập, độ an toàn, mạng lưới an sinh... Do đó, thời gian tới, ưu tiên cho giáo dục nghề nghiệp có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc nâng cao chất lượng lao động, chuyển dịch cơ cấu lao động.

Bộ chọn năm 2018 là năm đột phá về giáo dục nghề nghiệp, trong đó, tiến hành quy hoạch lại toàn bộ mạng lưới giáo dục nghề nghiệp; chuyển mạnh sang tự chủ, tạo động lực phát triển giáo dục nghề nghiệp; chuyển hẳn sang một hướng mới là kết nối đào tạo với doanh nghiệp, doanh nghiệp đồng hành với giáo dục nghề nghiệp, đào tạo theo đơn đặt hàng, đào tạo gắn với thị trường, đảm bảo cung - cầu lao động...

Năm 2018, Bộ LĐTBXH bắt đầu thí điểm các chủ trương mới này với 10 trường liên kết với 15 tập đoàn; đào tạo theo đơn đặt hàng, theo địa chỉ là 15.000 lao động. Ông Dung khẳng định, đây mới là sự mở đầu, nhưng là sự mở đầu quan trọng cho một hướng đi mới.

Bên cạnh đó, Bộ sẽ đẩy mạnh sắp xếp lại các đơn vị đào tạo, sáp nhập các trung tâm cấp huyện, những trường nào không tuyển sinh được, không đáp ứng nhu cầu thì kiên quyết sắp xếp lại, thậm chí giải thể, theo tinh thần bảo đảm tinh gọn bộ máy, nhưng hoạt động hiệu quả.

Để tạo sự đột phá trong đào tạo và dạy nghề, trước hết đào tạo phải gắn với hai trục xoay: Tái cơ cấu nông nghiệp và sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, sản xuất hàng hóa.

Theo đó, cần chú trọng vấn đề tăng cường, gắn kết đào tạo nghề với doanh nghiệp. Huy động sự tham gia của doanh nghiệp vào tất cả các khâu, từ dự báo, xác định nhu cầu đào tạo, quy mô, cơ cấu, chuyển mạnh sang đào tạo cho  sản xuất hàng hóa, ứng dụng công nghệ, đào tạo gắn với sử dụng một cách có hiệu quả, gắn với thị trường, đảm bảo có thị trường tiêu thụ bền vững, hạn chế tối đa giải cứu.

Phải tập trung đào tạo bài bản hơn, từng bước hình thành lực lượng lao động hiện đại, ngoài kiến thức, kỹ năng nghề nghiệp còn phải đảm bảo các tiêu chuẩn khác như: kiến thức thị trường, kiến thức hội nhập, tác phong công nghiệp.

Đối với đào tạo lao động nông nghiệp thì tiếp tục gắn thực nghiệm đầu bờ từ các mô hình sản xuất nông nghiệp đạt hiệu quả cao, phù hợp với đất đai, khí hậu và thổ nhưỡng của từng vùng, từng địa phương trong tỉnh để hướng dẫn, dạy nghề cho lao động nông nghiệp, cho người nông dân.

Hy vọng, với sự vào cuộc quyết liệt của Chính phủ, các bộ ngành, chính quyền địa phương, sự hưởng ứng của các cơ sở dạy nghề, doanh nghiệp, đặc biệt, từ chính nhận thức của người lao động, những năm tới đây, chất lượng lao động của chúng ta sẽ từng bước được nâng lên, đáp ứng nhu cầu của thị trường, đáp ứng yêu cầu hội nhập sâu rộng của đất nước.

 

 

Hoàng Văn
Ý kiến bạn đọc
  • Phú Yên trưng bày nhiều hiện vật từ những chuyến Tàu Không số

    Phú Yên trưng bày nhiều hiện vật từ những chuyến Tàu Không số

    Tối 22/11, tại Bảo tàng tỉnh Phú Yên, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh tổ chức khai mạc trưng bày chuyên đề “Bến Vũng Rô và hoạt động tiếp nhận chi viện từ những chuyến Tàu Không số”. Hoạt động nhằm hướng đến kỷ niệm 60 năm Bến Vũng Rô tiếp nhận chuyến hàng đầu tiên của Tàu Không số (28/11/1964 – 28/11/2024).

  • Kỷ niệm 555 năm danh xưng Duy Tiên

    Kỷ niệm 555 năm danh xưng Duy Tiên

    Sáng 22/11, Thị ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ thị xã Duy Tiên long trọng tổ chức Kỷ niệm 555 năm danh xưng Duy Tiên (1469 - 2024) và 95 năm thành lập Chi bộ Đông Dương Cộng sản Đảng Duy Tiên (11/1929 - 11/2024).

  • Hào hứng xem đua vỏ lãi ở cửa biển Sông Đốc

    Hào hứng xem đua vỏ lãi ở cửa biển Sông Đốc

    Hàng ngàn người đổ về thị trấn Sông Đốc (Trần Văn Thời - Cà Mau) để xem cuộc đua vỏ lãi kỳ thú. Thị trấn ven biển này cũng là nơi 70 năm trước diễn ra sự kiện tập kết ra Bắc lịch sử.

Top