Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 19 tháng 4 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 23 tháng 6 năm 2017 | 11:16

Để tiếp tục nâng cao giá trị XK các mặt hàng nông sản chủ lực: Cần làm tốt những việc ta chủ động

Đều là “con cưng” trên mặt trận xuất khẩu khi đem về kim ngạch trên 1 tỷ USD nhưng các mặt hàng: thủy sản, rau quả, cà phê… đều có thể sụt giảm phong độ nếu chúng ta không nhận định đúng thị trường cũng như hiểu rõ tiềm năng đang có. Gia tăng giá trị xuất khẩu luôn là con dao 2 lưỡi, chính vì vậy, để duy trì con số tỷ đô, có khá nhiều việc phải làm.

Sản phẩm rau nhà kính của Công ty VinEco.

Áp lực nguyên liệu của ngành thủy sản

Xét về mức tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu thủy sản trong 5 tháng đầu năm nay so với cùng kỳ, thì thấy đa số các thị trường đều đạt được mức tăng trưởng dương. Theo số liệu thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, thủy sản của Việt Nam xuất khẩu sang các thị trường 5 tháng đầu năm 2017 đạt gần 2,9 tỷ USD, tăng trên 13,5% về kim ngạch.

Trong số 45 thị trường xuất khẩu thủy sản chủ yếu của Việt Nam, có 4 thị trường đạt kim ngạch trên 100 triệu USD trong 5 tháng đầu năm. Hoa Kỳ đứng đầu về kim ngạch, đạt 483,4 triệu USD, chiếm 16,9% trong tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản của cả nước, giảm 6,9% so với cùng kỳ năm 2016.

Tiếp sau là thị trường Nhật Bản, đạt 473,7 triệu USD, chiếm 16,6%, tăng 32,8%.

Đứng thứ 3 là thị trường Trung Quốc, đạt 338,5 triệu USD, chiếm 11,9%, tăng 37,2%; Hàn Quốc đạt 262,8 triệu USD, chiếm 9,2%, tăng 28%.

Ngược lại, xuất khẩu thủy sản sụt giảm mạnh ở các thị trường như:  Cô Oét (giảm 28,5% so với cùng kỳ), Irắc (-39,8%), Ai cập (-52,4%) và Thụy Điển (-29,3%).

Dù có sự tăng trưởng, song theo nhận định của nhiều doanh nghiệp, ngành thủy sản Việt Nam đang có quá nhiều khó khăn, thách thức và khó có thể phục hồi trong thời điểm hiện nay. Dự báo xuất khẩu thủy sản sang thị trường Hoa Kỳ sẽ khó có thể hồi phục trong bối cảnh thuế chống bán phá giá, chương trình thanh tra cá da trơn sẽ áp dụng chính thức từ tháng 9/2017, thị trường tiền tệ xáo trộn sau khi ông Donald Trump trúng cử Tổng thống và có khả năng cao là chính quyền mới sẽ tăng rào cản kỹ thuật, thuế quan và bảo hộ.

Chưa kể tình trạng xâm nhập mặn diễn ra ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long từ đầu năm đến nay đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc nuôi trồng thủy sản, đặc biệt là con tôm. Có khoảng 2.000ha thuộc vùng nuôi tôm quảng canh cải tiến bị thiệt hại.

Tình trạng này cũng đã khiến các hộ sản xuất không dám thả nuôi theo lịch mà chỉ thả nuôi ở mức độ thăm dò. Với tình hình này, Tổng cục Thủy sản dự báo sản lượng tôm sẽ đạt thấp tương ứng với diện tích thiếu hụt và có thể dẫn đến thiếu nguyên liệu trong những tháng tiếp theo.

Riêng với cá tra, một số doanh nghiệp nuôi cá tra ở Bến Tre cũng cho biết, vùng nuôi bị nhiễm mặn dẫn đến hiện tượng cá bỏ ăn, chậm lớn, xuất hiện các bệnh như xuất huyết, phù đầu, nổ mắt… Do đó, tỷ lệ chết rất cao, đặc biệt là khi vận chuyển giữa các vùng có chênh lệch độ mặn, gây thiệt hại nặng nề. Việc giảm sản lượng này sẽ ảnh hưởng tới hoạt động xuất khẩu, giá thành nguyên liệu có thể vì thế sẽ tăng  cao hơn.

Nghịch lý của ngành rau quả

Xuất khẩu hàng rau quả của Việt Nam trong tháng 5/2017 đạt trị giá 275,34 triệu USD, tăng 16,7% so với tháng 4/2017; nâng tổng kim ngạch xuất khẩu của nhóm hàng này trong 5 tháng đầu năm 2017 lên 1,39 tỷ USD, tăng trưởng 41,4% so với cùng kỳ năm 2016. Hiện, rau quả của Việt Nam đã được xuất sang 23 thị trường chủ yếu, trong đó Trung Quốc là thị trường nhập khẩu rau quả lớn nhất trong nhiều năm qua. Nhật Bản, Hàn Quốc, Hoa Kỳ... là các thị trường giàu tiềm năng, có nhu cầu lớn và đang có xu hướng chuyển sang đẩy mạnh tiêu thụ hàng rau quả Việt Nam

Xuất khẩu rau quả sang Trung Quốc chiếm tới trên 74% trong tổng kim ngạch rau quả xuất khẩu của cả nước, đạt 759,1 triệu USD, tăng 40% so với cùng kỳ năm 2016.

Ngoài thị trường chủ đạo Trung Quốc, rau quả của Việt Nam còn xuất khẩu sang Hoa Kỳ đạt 34,6 triệu USD, tăng 15,6%, chiếm 3,4% tổng kim ngạch xuất khẩu; xuất sang Nhật Bản đạt 31,5 triệu USD, chiếm 3,1%, tăng 51,5%; sang Hàn Quốc đạt 30,7 triệu USD, tăng 12,5%, chiếm 3%.

Theo Bộ Nông nghiệp và PTNT, việc tăng xuất khẩu đã khiến giá trái cây trong nước đứng ở mức cao từ đầu năm 2017 đến nay. Bắt đầu từ tháng 4 âm lịch là vào mùa trái cây rộ ở các tỉnh miền Nam, nhưng giá bán nhiều loại trái cây (loại bình thường như chôm chôm, mận (miền Bắc gọi là quả gioi), vải, cam quýt… hay trái cây đặc sản như sầu riêng, măng cụt, bòn bon, xoài cát Hòa Lộc...) luôn đứng ở mức cao hơn từ 40 - 50% so với cùng kỳ năm 2016.

Hiện tại, giá sầu riêng ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long và một số tỉnh miền Đông Nam Bộ, Tây Nguyên đang ở mức 40.000 - 45.000 đồng/kg, cao gấp đôi so với cùng kỳ năm trước. Giá bưởi da xanh và Năm Roi 60.000 - 65.000 đồng/kg. Cam xoàn có mức giá 50.000 đồng/kg. Chôm chôm, loại quả bán tràn lề đường giá chỉ 15.000 đồng/kg những năm trước thì nay đang bán 40.000 đồng/kg. Còn chôm chôm giống Thái Lan và Indonesia giá lên đến 55.000 đồng/kg.

Theo TS. Nguyễn Hữu Đạt, Hiệp hội rau quả Việt Nam, giá trái cây tăng cao giúp nhiều nhà vườn có được lợi nhuận cao hơn so với các năm trước.

Tuy nhiên, số lượng các nhà vườn thu được lãi cao tập trung ở các địa phương không bị ảnh hưởng của hạn, mặn, chủ động được nguồn nước ngọt và áp dụng các biện pháp kỹ thuật tiên tiến trong chăm sóc như Đồng Tháp, Cần Thơ và một số địa phương của các tỉnh Vĩnh Long, Tiền Giang, Hậu Giang, Sóc Trăng…

Lợi thế xuất khẩu đã có, những vườn cây ăn trái của người dân đi qua hai năm thời tiết hạn mặn khắc nghiệt (2015, 2016), nay được giá là điều đáng mừng. Nhưng đối với thị trường tiêu thụ trong nước, thì người dân ăn chính trái cây mình trồng lại là hàng thứ cấp (doanh nghiệp xuất khẩu chê, mới bán ra thị trường nội), với giá lại đắt đỏ và ít có sự lựa chọn hơn cả hàng nhập khẩu.

Theo Trung tâm Tin học và Thống kê của Bộ Nông nghiệp và PTNT, giá trị nhập khẩu mặt hàng rau quả 5 tháng đầu năm 2017 đạt 470 triệu USD, tăng đến 68,6% so với cùng kỳ năm 2016. Trong đó, mặt hàng rau ước đạt 100 triệu USD, tăng 49% và trái cây đạt 353 triệu USD, tăng 75%. Trái cây, rau quả nhập khẩu chủ yếu từ Thái Lan, Trung Quốc, Úc, Nam Phi, Chi Lê… và dù nhập từ nước nào thì số lượng thống kê vẫn tháng sau cao hơn tháng trước.

Nếu so sánh về chất lượng, thì nhiều loại trái cây trong nước hương vị đặc sắc hơn trái cây nhập khẩu như sầu riêng, măng cụt, bòn bon, vải, nhãn, xoài, dừa sáp… Nhưng khi ra thị trường tiêu thụ đến tay người dân, dù trái cây đặc sản vẫn bán theo kiểu đại trà, chất thành đống, nhìn như hàng kém chất lượng, giá bán lại cao, khiến người tiêu dùng thất vọng.

Cà phê sẽ tiếp tục đà tăng trưởng?

5 tháng đầu năm nay, xuất khẩu cà phê của nước ta có giảm về lượng nhưng tăng mạnh về giá trị.

Cụ thể, lượng cà phê xuất khẩu trong tháng 5/2017 là 122.000 tấn, trị giá đạt 274 triệu USD, giảm 9,4% về lượng và giảm 10,3% về trị giá so với tháng trước. Trong 5 tháng đầu năm 2017, lượng cà phê xuất khẩu của cả nước đạt gần 709.000 tấn, trị giá đạt 1,6 tỷ USD, giảm 13,9% về lượng nhưng tăng 13,7% về trị giá so với cùng kỳ năm 2016.

Các thị trường nhập khẩu cà phê từ Việt Nam trong 5 tháng qua chủ yếu gồm: EU với 332.000 tấn, trị giá 734 triệu USD, giảm 10,2% về lượng, tuy nhiên tăng 16,8% về trị giá so với cùng kỳ năm trước. Hoa Kỳ đạt 105.000 tấn, trị giá 238 triệu USD, giảm 1,6% về lượng, tăng 30,6% về trị giá. Nhật Bản đạt 41 triệu USD, trị giá 95 triệu USD, giảm 6,8% về lượng, tăng 19,4% về trị giá.

Giá cà phê trong nước cũng biến động tăng trong tháng 5/2017 theo xu hướng tăng của thị trường cà phê thế giới. So với cuối tháng 4/2017, giá cà phê vối nhân xô các tỉnh Tây Nguyên tăng 900 đồng/kg lên mức 43.200 – 43.700 đồng/kg. Giao dịch cà phê tại thị trường Việt Nam trong tháng qua vẫn tiếp tục trầm lắng.

Trong công bố ngày 16/6, Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) nhận định: Nhu cầu cà phê thế giới sẽ cao kỷ lục trong năm 2017 - 2018, trong khi sản lượng không thay đổi nên dự trữ sẽ xuống mức thấp nhất trong vòng 6 năm. Điều này đồng nghĩa với việc giá cà phê sẽ tiếp tục leo thang trong thời gian tới.

Theo USDA, tiêu thụ cà phê toàn cầu sẽ lập kỷ lục mới là 158 triệu bao (1 bao = 60 kg) trong năm marketing 2017/18 (tháng 10/tháng 9) trong khi sản lượng dự báo vẫn ở mức 159 triệu bao, trong bối cảnh sản lượng của Brazil giảm theo chu kỳ, được bù lại bởi tăng ở Việt Nam, Mexico.

Ngân hàng Rabobank (Hà Lan) cũng đưa ra nhận định, giá cà phê đang rất “nhạy cảm” do chịu tác động mạnh trước với những thay đổi về thời tiết tại Brazil – nước sản xuất cà phê lớn nhất thế giới. Trong tuần qua, giá cà phê Robusta tăng đột biến, theo đó giá kỳ hạn đã vượt khỏi mức tâm lý quan trọng 2.002 USD/tấn ngày 9/6. Nhờ đó, giá cà phê nội địa loại 2, 5% đen vỡ, giao tại cảng TP. Hồ Chí Minh, đạt 46 triệu đồng/tấn vào ngày cuối tuần vừa qua.

Tình hình này phản ánh rõ ràng trong thực tế khi so sánh giữa dữ liệu nhập khẩu và tồn kho tại các nước tiêu thụ cà phê chính. Nhu cầu tiêu dùng cao, hấp thụ nguồn cung lớn, trong khi Brazil hiện đang trong niên vụ thấp theo chu kỳ tự nhiên của hoạt động sản xuất cà phê tại nước này.

Do đó, các nhà phân tích đều cho rằng, cả về mặt tâm lý lẫn kỹ thuật, đà tăng của cà phê Robusta sẽ còn tiếp tục và có thể góp phần đẩy giá cà phê nguyên liệu trong nước lên mức 47.000 đồng/kg.

Lời kết

Các con số ấn tượng của 3 ngành hàng nông sản “hot” nhất thời gian qua có thể sẽ tiếp tục tăng, cũng có thể sẽ rời xa mốc 1 tỷ USD. Đó là điều hết sức bình thường bởi quy luật của thị trường không thể nắm bắt rõ. Nhưng những thứ chúng ta chắc chắn làm được là: quy hoạch cụ thể vùng nguyên liệu, triển khai các quy chuẩn về vệ sinh an toàn thực phẩm, trợ giúp nông dân ổn định trong sản xuất, đẩy mạnh xây dựng thương hiệu để nâng cao giá trị sản phẩm… Có như thế thì dù thị trường biến động đến đâu, vẫn có thể vững như kiềng ba chân.

Danh Hùng (tổng hợp)

 

 

KTNT
Ý kiến bạn đọc
Top