Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 25 tháng 3 năm 2016 | 2:16

Giúp thanh niên xuất ngoại hồi hương lập nghiệp

Không chỉ đi đầu trong phong trào giúp thanh niên xuất khẩu lao động, anh Ngô Bá Kông, Bí thư Đoàn Thanh niên xã Đại Minh (Đại Lộc - Quảng Nam) còn lập tổ hợp tác thanh niên để giúp họ sau khi trở về có thể kiếm sống bằng mô hình trang trại trồng trọt, chăn nuôi…

Anh Kông (phải) và anh Tuấn trong trại thỏ.

Vùng đất Đại Minh những năm gần đây được xem là “làng xuất ngoại” bởi trong làng, cứ vài năm lại có người đi xuất khẩu lao động trở về. Mô hình mới này được anh Kông, Bí thư Đoàn Thanh niên xã Đại Minh vận động giúp những thanh niên vùng quê nghèo bước ra tìm cuộc sống mới.

Năm 2008, cũng như bao trai tráng trong làng, Kông đi xuất khẩu lao động sang Nhật Bản. Kông nói: “Đi có một năm mà tôi tích cóp được cả trăm triệu đồng, có vốn lo gây dựng nhà cửa rồi cưới vợ”. Nhưng sự khắc nghiệt của thị trường lao động nước ngoài anh cũng hiểu hơn ai hết.

Thế rồi anh tập hợp thanh niên, nghiên cứu thị trường xuất khẩu lao động, chủ yếu đưa họ đi làm việc Hàn Quốc, Nhật Bản. Đến nay, đã có hơn 100 thanh niên ở Đại Minh đi làm việc ở nước ngoài và khoảng 30 thanh niên đã xuất khẩu lao động trở về quê hương.

Kông chia sẻ: “Sau khi trở về quê nhà, thanh niên hầu hết không có việc làm, không định hướng được phải bắt đầu như thế nào, nhiều người chỉ biết ăn chơi từ sáng đến tối”. Từ đó, Kông mới nghĩ ra việc tập hợp thanh niên thành tổ hợp tác, bởi theo anh, họ có vốn và đã tiếp xúc với nền nông nghiệp của nước bạn nên dám thử nghiệm, dám đầu tư.

Hiện, tổ hợp tác thanh niên có 5 thành viên chủ lực, bên cạnh đó còn có hơn 20 thanh niên đã từng xuất khẩu lao động cùng tham gia. Anh Kông tổ chức cho thanh niên trong làng đi tham quan các mô hình trang trại, trồng hoa, chăn nuôi bò thịt, nuôi dế,… ở Đà Nẵng, Quảng Nam, cảm thấy mô hình nào có khả năng áp dụng thì học hỏi kinh nghiệm và triển khai thực hiện. Anh nói: “Chủ trang trại của các mô hình mà tôi dẫn đi xem sẽ hỗ trợ về giống, kỹ thuật và đầu ra cho những thanh niên hứng thú với mô hình này”.

Để thực sự làm cho thanh niên tin tưởng, anh Kông mở khu đất khoảng 20m2, mua hoa Moraka về trồng. Anh nói: “Một cây giống giá 70.000 đồng, giá bán ra thị trường là 14.000 đồng/hoa. Nhiều người thắc mắc mua cây giống cao, bán ra thấp thì làm gì có lãi. Nhưng một cây Moraka trồng suốt đời, cứ 1 nhánh hoa sẽ tạo ra hai hoa rồi nhân dần lên, mỗi năm có thể nảy thành 6-8 nhánh nên thu nhập khá cao”. Thấy mô hình trồng lan Moraka hiệu quả, nhiều thanh niên ở Đại Minh bắt đầu thử nghiệm.

Theo gương Kông, anh Hồ Tấn Sinh, 37 tuổi, đi xuất khẩu lao động Hàn Quốc về, lại xây dựng trại nuôi dế. Hiện, anh Sinh đang nuôi 16 thùng dế, mỗi thùng khoảng 1m2, mỗi ngày xuất bán 1-2kg dế, với giá 170.000 - 200.000 đồng/kg, trung bình thu lãi ròng 4 triệu đồng/tháng.

Còn chàng thanh niên Trần Quốc Tuấn (sinh năm 1992) lại thực hiện mô hình nuôi thỏ. Tuấn cho biết: “Hiện, trang trại của tôi nuôi 200 con thỏ thịt, 300 con thỏ nái. Mỗi chu kỳ nuôi khoảng 1 tháng 25 ngày, khi thỏ đạt trọng lượng khoảng 1,5kg/con là xuất bán với giá 65.000 - 70.000 đồng/kg”. Tuấn cho biết, mỗi năm trang trại thu về khoảng 120 triệu đồng/năm, lãi ròng khoảng 60 triệu đồng.

Hiện nay, Tổ hợp tác thanh niên đang chuẩn bị làm ao thả cá, nuôi bò, lợn… với số lượng lớn và hướng đến mô hình nuôi hợp tác với doanh nghiệp để đảm bảo về đầu ra sản phẩm.

Nguyễn Trang

 

KTNT
Ý kiến bạn đọc
  • Hào hứng xem đua vỏ lãi ở cửa biển Sông Đốc

    Hào hứng xem đua vỏ lãi ở cửa biển Sông Đốc

    Hàng ngàn người đổ về thị trấn Sông Đốc (Trần Văn Thời - Cà Mau) để xem cuộc đua vỏ lãi kỳ thú. Thị trấn ven biển này cũng là nơi 70 năm trước diễn ra sự kiện tập kết ra Bắc lịch sử.

  • Dòng chảy tri thức - Hành trình tri thức không thể thiếu vắng hình bóng “Người lái đò”

    Dòng chảy tri thức - Hành trình tri thức không thể thiếu vắng hình bóng “Người lái đò”

    Hòa cùng không khí cả nước, chào mừng 42 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11/1982 - 20/11/2024, tri ân sự đóng góp, hy sinh của thầy, cô giáo - những “Người lái đò” thầm lặng, đưa nhiều thế hệ học trò đến với bến bờ tri thức.

  • Thắp sáng ước mơ cho các em học sinh Làng Nủ

    Thắp sáng ước mơ cho các em học sinh Làng Nủ

    Trong tiết trời se lạnh đầu đông, nhưng ở trong Trường TH&THCS số 1 Phúc Khánh (Bảo Yên - Lào Cai), không khí ấm áp và rộn ràng đang tràn ngập nơi đây. Những ngày tháng gian khó sau bão số 3 đã ở lại phía sau, nhường chỗ cho niềm vui và nụ cười rạng rỡ của các em học sinh. Bằng sự tận tụy, ân cần của thầy cô, nhà trường đã trở thành mái nhà thứ hai, nơi tràn đầy tình yêu thương và hy vọng.

Top