Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ bảy, ngày 23 tháng 11 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 6 tháng 5 năm 2016 | 2:19

Góc nhìn khác về “Tuy Hòa xưa”

Kinh tế nông thôn số ra ngày 11/12/2015 có bài “Tác phẩm nghệ thuật từ ngôi nhà gỗ” viết về ngôi nhà với lối kiến trúc cổ độc đáo, mang nhiều tâm huyết của chủ nhân. Tuy nhiên, ngôi nhà ấy sau khi trở thành quán “Tuy Hòa xưa” lại phải đứng trước nguy cơ bị cưỡng chế và thu hồi giấy phép kinh doanh.

>> Tác phẩm nghệ thuật từ ngôi nhà gỗ

Từ tâm nguyện đẹp…

Chủ nhân của “Tuy Hòa xưa” (nằm ở góc đại lộ Hùng Vương - Hoàng Văn Thụ, TP.Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên) là bà Nguyễn Thị Doàn, Chủ doanh nghiệp Lam Trà. Bà Doàn quê ở Nghệ An, con của một gia đình ba đời làm cách mạng. Chồng bà, ông Đặng Hồng Bai, quê Quảng Ngãi, học sinh miền Nam tập kết ra Bắc sau Hiệp định Giơnevơ. Ông bà gặp nhau trong khói lửa chiến tranh và đều hiến dâng tuổi thanh xuân của mình cho sự nghiệp cách mạng giải phóng miền Nam. Phát huy tinh thần ấy, sau ngày thống nhất đất nước, ông bà tiếp tục cống hiến công sức của mình ngay trên quê hương Phú Yên. Sau khi xóa bỏ bao cấp, thực hiện chủ trương mở cửa của Đảng, ông Bai, bà Doàn đứng ra thành lập DNTN Lam Trà.

Sự nghiệp kinh doanh của ông Bai và bà Doàn ngày càng thành đạt. Với ý tưởng đóng góp cho xã hội một góc không gian xanh - sạch - đẹp, bà Doàn đã hiện thực hóa ý tưởng bằng một ngôi nhà gỗ theo kiến trúc truyền thống của khu vực miền Trung - Tây Nguyên. Theo thiết kế, nhà sẽ có cổng tam quan, có nhà lục giác và nhà ba gian, được các nghệ nhân bố trí và lắp đặt cân đối, hài hòa trong không gian 400m2 đất. Trong quá trình xây dựng, bà Doàn đã có nhiều đơn trình lên các cấp chính quyền và các ngành chức năng địa phương xin được cứng hóa vỉa hè và tự quản vệ sinh môi trường khu vực này.

Mong rằng quán “Tuy Hòa xưa” sẽ được các cấp lãnh đạo tỉnh Phú Yên xem xét đúng mức, tránh những thiệt hại về kinh tế cũng như thiệt thòi cho người dân.

Ngày 17/7/2015, UBND TP.Tuy Hòa có công văn thống nhất cho phép bà Doàn được lát vỉa hè một đoạn phía Tây đại lộ Hùng Vương và một đoạn hai bên đường Hoàng Văn Thụ, với điều kiện lấp đầy toàn bộ hố rác sâu 2m, tạo ra mặt bằng rộng hàng ngàn mét vuông. Chẳng những thế, bà Doàn còn chủ động mua cây xanh từ miền Nam đưa về trồng, chăm sóc, hình thành công viên thoáng mát.

Để góp phần làm cho kiểu dáng truyền thống của ngôi nhà gỗ thêm sinh động, bà Doàn đã được ông Ksor Y Thon, ở buôn Chung, xã Eabar (Sông Hinh, Phú Yên) đích thân tặng 10 cây giáng hương trồng xung quanh, vừa góp phần tạo bóng mát cho thành phố xanh - sạch - đẹp, vừa giữ được nguồn gen quý hiếm của loại gỗ này. Tất cả những điều nói trên là thực hiện chủ trương xã hội hóa nguồn lực trong dân, đầu tư cùng nhà nước, đưa TP.Tuy Hòa nhích dần lên đô thị loại II.

Từ đó nảy sinh hai quan điểm, tiến bộ và hẹp hòi! Trong khi nhiều người có cái tâm và tấm lòng rộng mở thì không ít người vẫn cố chấp cho rằng: “Tuy Hòa xưa” được xây dựng trái phép, cây lấy lậu từ trên rừng, gây áp lực đối với các cấp chính quyền và các ngành chức năng tỉnh Phú Yên. Vụ việc 10 cây gỗ quý do ông Ksor Y Thon tặng cũng được làm sáng tỏ, ngôi nhà cũng được đưa vào mục đích kinh doanh như bao quán khác trên đại lộ Hùng Vương.

Bà Nguyễn Thị Doàn được phép xây dựng công viên cây xanh từ bãi rác bẩn thỉu nay bị tháo dở hoang tàn

Đến câu chuyện buồn

Trong cuộc giao ban báo chí tháng 3 vừa qua, khi đề cập đến vụ việc quán “Tuy Hòa xưa”, ông Huỳnh Lữ Tân, Giám đốc Sở Xây dựng Phú Yên đã có ý kiến: Đại lộ Hùng Vương là kết quả của việc bán đất đổi lấy công trình. Và, việc quy hoạch xây dựng công trình kiến trúc lúc ấy cũng chỉ là một dạng chung chung - lô biệt thự (400m2), nhằm tiếp tục phát huy chủ trương xã hội hóa nguồn lực trong dân. Cho nên, sau khi được trúng đấu giá QSDĐ, nhiều người tùy theo khả năng nguồn lực của mình lập sơ đồ thiết kế xin phép xây dựng. Vì thế, việc xây dựng nhà ở trên trục đại lộ Hùng Vương có rất nhiều kiểu dáng của biệt thự khép kín, nhưng được cái là không vượt quá chiều cao cho phép (3 tầng trở xuống).

Đấy là sự thật hiện nay trên trục đại lộ “xương sống”, nhiều cửa hàng, cửa hiệu, quán cà phê... được mở ra từ những lô “biệt thự” khép kín ấy. Còn với biệt thự theo cách hiểu đơn giản là ngôi nhà ấy phải ở vị trí độc lập trong một không gian rộng của lô đất. Hoặc định nghĩa theo kiểu cách của Pháp xưa kia và một số nước văn minh hiện nay, biệt thự chỉ chiếm 40% diện tích trong toàn bộ lô đất, 60% là không gian được bài trí theo cảnh nhà vườn. Quán “Tuy Hòa xưa” hiện nay là một trong những kiểu cách ấy, có sự tái hiện dáng ngôi nhà truyền thống của khu vực miền Trung - Tây Nguyên. Có không ít ý kiến cho rằng “Tuy Hòa xưa” nên kết hợp đưa ra trưng bày một số đồ cổ, hay vật chứng lịch sử  để tăng thêm tầm vóc giá trị của ngôi nhà. Lâu lâu nhớ Phú Yên, Mũi Điện và Gành Đá Đĩa, anh bạn tôi gọi điện vào hỏi thăm quán Tuy Hòa xưa nay sao rồi? Tôi bảo: Đang trong giai đoạn đình chỉ kinh doanh, cho phép chủ nhân tự tháo dỡ một phần kiến trúc độc đáo (cổng tam quan) trong vòng 90 ngày. Không một chút đắn đo, anh bạn tôi nói ngay: Thật uổng phí cho thành phố trẻ Tuy Hòa nếu để thất thoát đi một ngôi nhà giá trị! Các cấp lãnh đạo tỉnh Phú Yên và TP.Tuy Hòa cần đứng trên quan điểm phát triển và bảo tồn để xem xét, coi đây như một sản phẩm chung của xã hội, còn trên lập trường thực thi pháp luật thì “sai đâu sửa đấy”.

Chính quyền địa phương cho rằng, trên trục đại lộ huyết mạch này không được xây dựng cổng tam quan, chỉ xây dựng cổng nhất quan, nhị quan như hiện nay. Vậy, thử hỏi văn bản của cấp bộ ngành nào đã quy định như vậy (?!). Theo tôi được biết, trên trục đại lộ Hùng Vương hiện có 23 ngôi nhà xây dựng không phép và trên 30 nhà xây dựng trái phép. Chính quyền và sở chủ quản biết rõ điều này, nhưng lâu nay ngành chức năng vẫn cứ thực hiện theo thông lệ là phạt 6,5 triệu đồng cho tồn tại hoạt động, để khuyến khích buôn bán, làm ăn (vì đây là đất mua, không phải đất lấn chiếm). Bà Nguyễn Thị Doàn tâm sự: Chính vì lý do này, tôi chủ quan thực hiện theo thông lệ, nào ngờ sự việc xin cấp phép tạm cứ “đùn lên, đẩy xuống”, còn công trình của tôi qua hơn 8 tháng thi công xây dựng, vẫn không một cấp nào có văn bản đình chỉ, đến ngày đưa quán “Tuy Hòa xưa” đi vào hoạt động, lại xảy ra sự việc như trên. Tôi rất mong các cấp lãnh đạo xem xét lại, để quán “Tuy Hòa xưa” được tồn tại, tạo cơ hội phát triển cho doanh nghiệp theo đúng chủ trương của Nhà nước”.

Ngôi nhà là vậy, còn công viên cây xanh là sự cống hiến của chủ nhân cho xã hội, là sự tự nguyện và cho phép bà Nguyễn Thị Doàn xây dựng lại bị tháo dỡ tan hoang như một đám ruộng vừa bị cày lật đất. Chúng ta không vì lòng tự ái, biến công viên cây xanh trở lại bãi rác hoang tàn, coi sao được trong mắt du khách gần xa! Họ sẽ nghĩ gì về quê hương và con người Phú Yên, về thành phố trẻ Tuy Hòa văn minh, lịch lãm?

Mong rằng quán “Tuy Hòa xưa” sẽ được các cấp lãnh đạo tỉnh Phú Yên xem xét đúng mức, tránh những thiệt hại về kinh tế cũng như thiệt thòi cho người dân.

Phi Công

KTNT
Ý kiến bạn đọc
  • Phú Yên trưng bày nhiều hiện vật từ những chuyến Tàu Không số

    Phú Yên trưng bày nhiều hiện vật từ những chuyến Tàu Không số

    Tối 22/11, tại Bảo tàng tỉnh Phú Yên, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh tổ chức khai mạc trưng bày chuyên đề “Bến Vũng Rô và hoạt động tiếp nhận chi viện từ những chuyến Tàu Không số”. Hoạt động nhằm hướng đến kỷ niệm 60 năm Bến Vũng Rô tiếp nhận chuyến hàng đầu tiên của Tàu Không số (28/11/1964 – 28/11/2024).

  • Kỷ niệm 555 năm danh xưng Duy Tiên

    Kỷ niệm 555 năm danh xưng Duy Tiên

    Sáng 22/11, Thị ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ thị xã Duy Tiên long trọng tổ chức Kỷ niệm 555 năm danh xưng Duy Tiên (1469 - 2024) và 95 năm thành lập Chi bộ Đông Dương Cộng sản Đảng Duy Tiên (11/1929 - 11/2024).

  • Hào hứng xem đua vỏ lãi ở cửa biển Sông Đốc

    Hào hứng xem đua vỏ lãi ở cửa biển Sông Đốc

    Hàng ngàn người đổ về thị trấn Sông Đốc (Trần Văn Thời - Cà Mau) để xem cuộc đua vỏ lãi kỳ thú. Thị trấn ven biển này cũng là nơi 70 năm trước diễn ra sự kiện tập kết ra Bắc lịch sử.

Top