Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ tư, ngày 17 tháng 4 năm 2024  
Thứ bảy, ngày 19 tháng 8 năm 2017 | 6:0

Hà Nội báo động đỏ về dịch sốt xuất huyết ở 12 quận huyện

Theo Giám đốc BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương Nguyễn Văn Kính: Rõ ràng chúng ta phải nhìn thẳng vào sự thật về dịch sốt xuất huyết và chắc chắn trong vài tuần nữa, khi sinh viên ở các tỉnh đổ về Hà Nội, với tình trạng như hiện nay, chắc chắn số bệnh nhân sẽ tăng gấp bội chứ không chỉ dừng lại ở mức hàng nghìn ca đến khám bệnh tại các cơ sở y tế như hiện nay.

Tăng cao nhất trong vòng 10 năm qua

Theo thống kê của Bộ Y tế, từ đầu năm đến nay cả nước ghi nhận 90.626 trường hợp mắc sốt xuất huyết, 24 trường hợp tử vong. Trong đó số trường hợp nhập viện là 76.846 trường hợp.

Tại cuộc họp Ban chỉ đạo phòng chống dịch chiều ngày 17/8, ông Hoàng Đức Hạnh, Phó giám đốc Sở Y tế Hà Nội, cho biết, số ca mắc sốt xuất huyết trên địa bàn từ đầu năm đến nay đã lên 17.365 trường hợp. Số ca mắc sốt xuất huyết ở Hà Nội cao nhất trong vòng 10 năm qua, 12 quận huyện ở mức báo động đỏ.

So sánh số liệu trong 10 năm trở lại đây, số ca mắc sốt xuất huyết ở Hà Nội đang ở mức cao nhất. Trước đó, đỉnh dịch cao nhất rơi vào 2 năm 2009 (16.090 ca, 4 ca tử vong) và 2015 (15.412 ca). Các năm còn lại, trung bình chỉ có 5.000-6.000 ca và đỉnh dịch thường rơi vào tháng 9-10, tuy nhiên, năm nay ngay từ tháng 5 dịch đã bùng phát.

12 quận có mức báo động đỏ là Đống Đa (2.922), Hoàng Mai (2.920), Hai Bà Trưng (1.564), Thanh Xuân (1.409); Cầu Giấy (1.063); Hà Đông (1.063); Thanh Trì (907); Ba Đình (875); Nam Từ Liêm (650); Thanh Oai (566); Thường Tín (435); Hoàn Kiếm (423).

Ông Hạnh cho biết: Sở Y tế Hà Nội đã phối hợp cùng với nhiều cơ quan ban ngành tăng cường các biện pháp diệt bọ gậy, quyết định thành lập 6 đoàn thanh tra, ngay ngày 17/8 đã kiểm tra nóng tại 12 quận, huyện trên địa bàn thành phố về phòng chống dịch bệnh. 30 quận, huyện trong thành phố cũng đã thành lập tổ xung kích diệt bọ gậy, nơi có dịch phun hóa chất cùng các biện pháp phòng chống quyết liệt hơn.

4.600 đội giám sát phòng chống dịch

Hiện, toàn thành phố đã thành lập hơn 4.600 đội giám sát trong công cuộc phòng chống dịch sốt xuất huyết. Phía Hà Nội cũng đã nhận hỗ trợ của 22 tỉnh cho mượn máy phun công suất cao đặt trên ô tô, 10 máy ủ nóng, 180 máy phun đeo vai.

"Từ đầu mùa dịch tới nay, đã tổ chức phun diện rộng làm 90 chiến dịch, phun ô tô, chỉa vòi rồng vào các cơ quan, khu dân cư... đến thời điểm hiện tại các ổ dịch được khống chế, người mắc bệnh cơ bản chững lại. 80% các ổ dịch chỉ có 1-2 bệnh nhân, ổ dịch sốt xuất huyết cao nhất có 36 trường hợp, số lượng ca bệnh ghi nhận tại Hà Nội tại cộng đồng tuần vừa qua có 3440 bệnh nhân thấp hơn so với tuần trước nữa khi ghi nhận 3477 trường hợp mắc bệnh trong cộng đồng", ông Hạnh thông tin.

Đánh giá về tình hình dịch bệnh sốt xuất huyết, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho rằng, thời tiết mưa liên tục, vài hôm lại nắng nên tình hình bệnh nhân rất khó lường, thực tế nhiều gia đình chưa hợp tác trong việc phun hóa chất nên trong thời gian tới sẽ tập trung phun hóa chất, củng cố thêm đội xung kích để tiếp tục phòng chống dịch bệnh.

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho rằng, trước tình hình thời tiết mưa nắng liên tục khiến dịch bệnh khó lường người dân và cơ quan chức năng cần có biện pháp phòng tránh đặc biệt tại những khu vực tập trung đông người như chợ, bệnh viện, trường học... phải thường xuyên phun hóa chất diệt muỗi, diệt lăng quăng, bọ gậy.

Hàng năm, số mắc ghi nhận rải rác từ đầu năm và thường bắt đầu gia tăng từ tháng 7, tháng 8, sau đó tăng mạnh trong tháng 9 và tháng 10, đỉnh dịch thường rơi vào tháng 11. Tuy nhiên năm 2017, dịch đến sớm từ đầu tháng 5 và gia tăng nhanh trong các tháng 6 và tháng 7.

 

Muỗi Aedes đang gây dịch sốt xuất huyết

Ngày 19/8, Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế) phát đi thông điệp cảnh báo người dân, nhất là bệnh nhân sốt xuất huyết điều trị tại nhà cần ngủ màn để phòng bệnh cho người khác, bởi muỗi Aedes còn có thể truyền virus trực tiếp từ người này sang người khác.

Sốt xuất huyết dengue là bệnh truyền nhiễm cấp tính do virus dengue gây nên, bệnh cảnh lâm sàng chủ yếu là sốt và xuất huyết, bệnh có thể tiến triển nặng gây tử vong.

Theo Cục Y tế Dự phòng, bệnh sốt xuất huyết hiện nay được ghi nhận ở cả người lớn và trẻ em, ở cả thành thị và nông thôn, lây truyền từ người này sang người khác qua trung gian truyền bệnh là muỗi Aedes và vẫn thường gọi là muỗi vằn. 

Muỗi Aedes truyền bệnh sốt xuất huyết gồm có Aedes aegypti và Aedes albopictus trong đó Ae. aegypti là véctơ chủ yếu.

Muỗi Ae. aegypti sống trong nhà gần người, thường trú đậu nơi có ánh sáng yếu, những nơi đậu nghỉ ưa thích là mặt dưới của đồ gỗ, quần áo treo, rèm cửa trong phòng ngủ, nhà vệ sinh, phòng tắm và bếp, ít khi đậu trên tường. Muỗi Ae. aegypti trưởng thành có khả năng bay xung quanh khoảng 50m, nhưng cũng có thể bay xa tối đa 200 - 300m.

Muỗi cái Ae.aegypti trưởng thành tiến hành hút máu lần đầu vào khoảng 48 giờ sau khi nở, trong một chu kỳ sinh thực, muỗi có thể hút máu nhiều lần. Thời gian từ khi hút máu tới khi đẻ trứng thay đổi từ 2-5 ngày. Muỗi thường hoạt động hút máu vào ban ngày. Có 2 thời điểm cao nhất là sáng sớm (lúc mặt trời mọc) và chiều tối (lúc mặt trời sắp lặn).



Thời gian hoạt động mạnh nhất vào khoảng 1 giờ trước khi mặt trời lặn. Tuy nhiên, chúng có thể hoạt động hút máu suốt ngày, thậm chí cả ban đêm (nhưng ở mức độ rất thấp).

Sau khi hút máu người có chứa virus dengue, thời kỳ ủ bệnh ở trong muỗi khoảng 10-12 ngày. Đây là khoảng thời gian cần thiết để virus nhân lên trong tuyến nước bọt của muỗi. Sau thời kỳ này, muỗi trở thành nhiễm virus và có thể truyền virus dengue cho những người khác khi muỗi đốt.

Mặt khác, muỗi Aedes còn có thể truyền virus trực tiếp từ người này sang người khác bằng sự thay đổi vật chủ khi bữa ăn máu bị gián đoạn. Chính sự hút máu nhiều lần của muỗi có thể giải thích tính bùng nổ tự nhiên của các vụ dịch với việc tìm thấy ít các số lượng muỗi cái trong ổ dịch.

Khả năng truyền virus sang người lành được thực hiện khi muỗi hút máu bệnh nhân trong thời kỳ nhiễm virus huyết. Nhiễm virus huyết có thể có 6 -18 giờ trước khi xuất hiện các triệu chứng của bệnh. Như vậy bệnh nhân là nguồn lây ngay trước thời kỳ sốt và cho đến khi hết sốt, trung bình là 6 -7 ngày.

Nguồn bệnh sốt xuất huyết là người mang virus dengue, đặc biệt là những người mắc bệnh ở thể nhẹ hoặc người nhiễm virus mà không phát bệnh đóng một vai trò quan trọng trong việc lây lan dịch bệnh, bởi vì những người này vẫn đi lại được, họ có thể di chuyển và mang virus từ vùng này sang vùng khác.

Với đặc tính hút máu và làm lan truyền virus dengue trong cộng đồng để gây bệnh cho con người của muỗi như vậy, không thể chỉ có người lành phải thực hiện các biện pháp phòng bệnh cá nhân mà người bệnh sốt xuất huyết điều trị tại nhà cũng cần ngủ màn, mặc quần áo dài tay… để tránh muỗi đốt làm lây truyền bệnh cho người khác.

Virus dengue gây bệnh sốt xuất huyết có 4 týp là DEN1, DEN2, DEN3 và DEN4. Một người có thể mắc sốt xuất huyết nhiều lần với các týp virus khác nhau, những lần mắc sau bệnh thường nặng hơn do ảnh hưởng của các phức hợp miễn dịch chéo.

Tại Việt Nam, có lưu hành của cả 4 týp virus. Khi có thay đổi sự lưu hành của týp virus dịch bệnh rất dễ bùng phát nếu cộng đồng chưa có miễn dịch với týp virus này.

 

Vân Nhi (tổng hợp)

 

 

 

KTNT
Ý kiến bạn đọc
  • “Chỉ cần sức khỏe tốt, tôi còn hiến máu cứu người”

    “Chỉ cần sức khỏe tốt, tôi còn hiến máu cứu người”

    Với 28 lần hiến máu nhân đạo, trình dược viên Từ Thị Tuyên (SN 1989), xã Thạch Thắng, Thạch Hà (Hà Tĩnh) đã trở thành tấm gương sáng trong các hoạt động an sinh xã hội, tình nguyện vì cuộc sống cộng đồng…

  • PVcomBank mang yêu thương đến những hoàn cảnh khó khăn tại Lào Cai

    PVcomBank mang yêu thương đến những hoàn cảnh khó khăn tại Lào Cai

    Với tinh thần tương thân tương ái, vừa qua, Đoàn Thanh niên Ngân hàng TMCP Đại Chúng Việt Nam (PVcomBank) đã tổ chức chương trình từ thiện “Xuân tình nguyện 2024” để thăm hỏi, động viên và trao quà đến các em học sinh nghèo, các hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn tại xã Nậm Chảy, huyện Mường Khương, tỉnh Lào Cai. Đây là hoạt động hưởng ứng tinh thần Tháng Thanh niên và Năm Thanh niên tình nguyện của tuổi trẻ PVcomBank.

  • Thanh Hóa: Hỗ trợ gạo cho đồng bào dân tộc, miền núi để bảo vệ, chăm sóc rừng

    Thanh Hóa: Hỗ trợ gạo cho đồng bào dân tộc, miền núi để bảo vệ, chăm sóc rừng

    Mới đây, Tổng cục Dự trữ Nhà nước đã quyết định xuất hơn 1.266,829 tấn gạo để hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số tại các huyện miền núi Thanh Hóa đã có thành tích tốt trong công tác chăm sóc, bảo vệ và phát triển rừng.

Top