Để chủ động phòng, chống thiên tai và ứng phó kịp thời, hiệu quả, giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra và nhằm bảo đảm đời sống, sản xuất của nhân dân, Hà Nội vừa triển khai diễn tập xử lý sự cố đê tại huyện Đông Anh.
Diễn tập xử lý sự cố đê sông Hồng trước mùa mưa lũ.
Tập “trận giả” như thật…
Chủ động phòng chống thiên tai (PCTT), diễn tập trước mùa mưa bão, là việc làm thường niên của Sở Nông nghiệp và PTNT và các quận, huyện trên địa bàn Hà Nội. Đặc biệt, trong bối cảnh thời tiết diễn biến phức tạp, bất thường, khó lường theo chiều hướng cực đoan; kéo theo đó là hiện tượng sạt lở trên hệ thống sông Đà, sông Hồng, sông Đuống… ngày càng nghiêm trọng, tiềm ẩn nhiều nguy cơ cho Thủ đô, nhất là khi các nhà máy thủy điện xả lũ.
Tại Đông Anh, công tác xử lý sự cố đê điều được giao cho Ban chỉ huy quân sự huyện và thực hiện tổ chức diễn tập tại 5/8 xã. Đại Mạch là xã nằm áp sát đê sông Hồng và cửa sông Đuống, một trong những điểm “yết hầu” của Hà Nội, nên được chọn diễn tập với nội dung: “Sạt trượt mái đê hạ lưu và mạch sủi”. Tình huống giả định là xả lũ đập Thủy điện Hòa Bình; mực nước sông Hồng ở mức báo động 3, tại km K 50 + 050, sạt trượt mái đê và mạch sủi.
Ban chỉ huy quân sự xã, sau khi được Điếm trưởng số 2 thông báo cần phải xử lý, đội diễn tập gồm 30 người đã vào cuộc, “trận giả” như trận thật. Các loại vật tư cần thiết cho đoạn sạt mái khoảng 30m gồm: bao tải, phên nứa, cọc tre, đất (được lấy tại kho dự trữ gần điếm canh). Cuối cùng là sơ tán dân, gia súc, vật dụng về nơi an toàn.
Chủ động đối phó
Để chủ động ứng phó với thiên tai, Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Hà Nội, ông Chu Phú Mỹ, cho biết: “Hà Nội đã có giải pháp kỹ thuật gia cố mái đê phía sông, bằng biện pháp hộ chân, lát mái và lấp hố xói tại những nơi xói sâu cục bộ để giữ ổn định chân kè. Gia cố cọc bê tông dự ứng lực với chiều sâu đủ lớn để tăng cường ổn định mái đê. Mặt khác, Thủ tướng Chính phủ cũng đã có quyết định: “Xây dựng công trình chỉnh trị, điều tiết đoạn cửa vào sông Đuống để khống chế, ổn định tỷ lệ phân lưu mùa lũ từ sông Hồng sang sông Đuống, ở mức từ 30-32% và xác định ưu tiên triển khai thực hiện trong giai đoạn đến năm 2020”.
Theo ông Mỹ, đầu năm 2018, Sở cũng đã có văn bản đề nghị Bộ Nông nghiệp và PTNT có phương án, giải pháp nạo vét, chỉnh trị dòng chảy sông Hồng, khu vực cửa vào sông Đuống. Đây là trọng điểm xung yếu, cần được đặc biệt quan tâm và có phương án bảo vệ. Đồng thời phải theo dõi chặt chẽ mọi diễn biến, sẵn sàng ứng cứu kịp thời, nhất là mùa mưa lũ 2018.
Ngoài điểm trọng yếu số 1 nói trên, Hà Nội còn có 3 trọng điểm: Kè Cổ Đô - Đê Hữu Hồng (Ba Vì), Cống Liên Mạc - Đê Hữu Hồng (quận Bắc Từ Liêm), cống Cẩm Đình - Đê Vân Cốc (Phúc Thọ) và 12 điểm xung yếu. Trong đó, Ba Vì có 2 điểm là: tuyến Đê Hữu Hà và Đê Hữu Hồng, khi lũ lên cao rất dễ xảy ra sạt trượt mái đê, dẫn đến sự cố cống Trạm bơm Sơn Đà; hoặc dòng chảy biến đổi phức tạp, tác động bất lợi đến ổn định công trình, cần theo dõi kịp thời. Các địa phương còn lại như: Phúc Thọ, Đan Phượng, Tây Hồ, Thường Tín, Phú Xuyên, Long Biên, Gia Lâm đều có sự cố liên quan đến đê điều cần phải khắc phục trong năm 2018, nhất là khi có báo động 2 trở lên.
Chi cục trưởng Chi cục Đê điều và Phòng chống lụt bão Hà Nội, ông Đỗ Đức Thịnh, cho biết: “Hà Nội có số lượng đê các loại trên địa bàn lớn, với hơn 626km được phân cấp, đi qua địa bàn 26/30 quận huyện, 224 phường xã ven đê. Cộng với tốc độ đô thị hóa nhanh, trong khi đó việc di dời các công trình, nhà ở trong phạm vi bảo vệ đê theo quy định của Luật Đê điều chưa được thực hiện nghiêm túc (năm 2017 xảy ra 190 vụ, đã xử lý được 24 vụ, tồn đọng 166 vụ; 3 tháng đầu năm 2018, phát sinh 40 vụ, xử lý được 1 vụ). Những vụ vi phạm nghiêm trọng đã làm ảnh hưởng đến an toàn đê như: xây dựng công trình trong hành lang bảo vệ đê, tập kết vật liệu; đổ đất trạt thải, san lấp mặt bằng, tôn nền bãi sông... Đặc biệt là tình trạng xe quá khổ, quá tải đang lưu thông hàng ngày trên đê, làm cho mặt đê xuống cấp nghiêm trọng. Vì vậy, các cấp có thẩm quyền cần có biện pháp mạnh, để sớm chấm dứt tình trang trên, trả lại hành lang an toàn cho đê, kè”.
Tối 22/11, tại Bảo tàng tỉnh Phú Yên, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh tổ chức khai mạc trưng bày chuyên đề “Bến Vũng Rô và hoạt động tiếp nhận chi viện từ những chuyến Tàu Không số”. Hoạt động nhằm hướng đến kỷ niệm 60 năm Bến Vũng Rô tiếp nhận chuyến hàng đầu tiên của Tàu Không số (28/11/1964 – 28/11/2024).
Thời gian qua, tỉnh Nghệ An triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp, cơ chế, chính sách thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi, bước đầu đạt được những kết quả tích cực. Đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) nâng cao ý thức tự lực, tự cường vươn lên phát triển kinh tế, xây dựng cuộc sống, góp phần xóa đói giảm nghèo, tạo nên diện mạo mới cho nông thôn miền núi xứ Nghệ.
Cuộc thi trực tuyến tìm hiểu về bảo hiểm tiền gửi (BHTG) 2024 là một hoạt động quan trọng trong việc nâng cao nhận thức của công chúng về chính sách BHTG và hoạt động của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam (BHTGVN), qua đó truyền tải nội dung chính sách BHTG một cách mới mẻ, hấp dẫn và thu hút sự quan tâm của công chúng.