Làm việc với TP. Hà Nội về công tác phòng, chống dịch COVID-19, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng TP. Hà Nội đã làm rất tốt công tác phòng, chống dịch nhưng vẫn phải cảnh giác, chủ động, sẵn sàng ứng phó với dịch bệnh.
Tại cuộc họp, Giám đốc Sở Y tế TP. Hà Nội Trần Thị Nhị Hà cho biết, từ khi thực hiện Nghị quyết 128/NQ-CP (ngày 11/10) đến nay, Hà Nội ghi nhận 442 ca mắc COVID-19 (F0), trong đó, 103 ca ngoài cộng đồng, 270 ca tại khu cách ly, 48 ca tại khu phong toả, 21 ca nhập cảnh.
Người từ các tỉnh, thành phố về Hà Nội đa số chưa thực hiện nghiêm việc theo dõi sức khoẻ tại nhà, cách ly tại nhà, còn có hiện tượng giao lưu, tiếp xúc nhiều nên đã có những ca lây nhiễm thứ phát.
Hiện, trên địa bàn Thành phố có 6 chùm lây nhiễm trong cộng đồng, trong đó ổ dịch tại xã Sài Sơn (huyện Quốc Oai), xã Bạch Trữ (huyện Mê Linh) liên quan đến tụ tập đông người, phần lớn mang tính chất gia đình. Đa phần ca bệnh đều đã được tiêm vaccine, hầu hết không có triệu chứng. Hiện Thành phố có 48 điểm phong toả với khoảng 15.400 người.
Đánh giá cấp độ dịch trên địa bàn, Hà Nội có 332 xã, phường cấp độ 1; 245 xã, phường cấp độ 2; 2 xã, phường cấp độ 3; toàn Thành phố ở cấp độ 2.
Tỉ lệ người dân trên 18 tuổi được tiêm mũi 1 đạt 92,3% (chiếm 69,4% tổng dân số), mũi 2 đạt 55,4% (chiếm 41,6% dân số). Trong đó, tỉ lệ người trên 50 tuổi tiêm vaccine mũi 1 đạt 79%, mũi 2 đạt 45.9%. Bà Trần Thị Nhị Hà cho biết hiện còn khoảng 1 triệu người trên 50 tuổi đang chờ đến thời hạn được tiêm mũi 2 bắt đầu từ ngày 15/11. Thành phố cũng sẵn sàng kế hoạch tiêm vaccine cho trẻ em theo hướng dẫn của Bộ Y tế.
Thành phố đã có phương án điều trị tại các bệnh viện, cơ sở thu dung, điều trị F0 không triệu chứng, triệu chứng nhẹ để đáp ứng khoảng 22.100 người. Tổng số giường điều trị COVID-19 đang được kích hoạt là 2.640 giường tại 8 bệnh viện, 2 cơ sở điều trị. Hệ thống oxy tập trung tại 25 bệnh viện với 3.200 đầu ra đã được hoàn thành. 30/30 quận, huyện, thị xã đã chuẩn bị phương án triển khai trạm y tế lưu động, tổ y tế lưu động, địa điểm thu dung tại chỗ; chuẩn bị oxy y tế, thuốc, thiết bị cấp cứu cơ bản…
“Rút bài học kinh nghiệm sâu sắc từ công tác phòng, chống dịch thời gian qua tại TPHCM các tỉnh phía nam, Thành phố xác định y tế cơ sở là trọng yếu, trụ cốt trong phòng chống dịch giai đoạn mới, chăm sóc người dân ngay tại cơ sở. Các trạm y tế, đội y tế lưu động tại các khu cách ly, phong toả vẫn đang duy trì hoạt động để đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khoẻ cho nhân dân; sẵn sàng phương án điều trị, thu dung ngay tại trạm y tế”, bà Trần Thị Nhị Hà trao đổi.
Tham khảo kinh nghiệm từ các tỉnh phía nam, lãnh đạo Sở Y tế Hà Nội đề xuất Bộ Y tế tiếp tục cập nhật phác đồ điều trị, nhất là trong trường hợp có số ca nhiễm lớn để làm cơ sở chuẩn bị vật tư, trang thiết bị… ứng phó kịp thời.
Phó Bí thư Thành uỷ Hà Nội Nguyễn Văn Phong khẳng định Thành phố kiên trì xác định phòng, chống dịch ở mức độ cao hơn khi thiết lập trạng thái thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19, bám sát chỉ đạo của Trung ương, vừa làm, vừa cầu thị, rút kinh nghiệm.
Lãnh đạo Thành phố cũng kiến nghị Bộ Y tế hướng dẫn cụ thể về cách đánh giá cấp độ dịch tại cấp huyện, tỉnh (hiện mới chỉ đánh giá ở cấp xã và nhỏ hơn) để trên cơ sở đó có biện pháp thích ứng, phù hợp và linh hoạt; công tác xét nghiệm và cách ly y tế đối với người từ vùng dịch về…
Tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên đã trao đổi, làm rõ một số vấn đề được nêu lên trong cuộc họp về triển khai tiêm vaccine mũi 2 cho người trên 50 tuổi; phương án ứng phó với tình huống dịch bùng phát, lây nhiễm phức tạp hơn nhiều so với kịch bản như thí điểm cách ly F1 tại nhà; điều trị F0 không triệu chứng tại nhà; DN tự xét nghiệm cho người lao động. Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Ngô Thị Minh thông tin về các điều kiện để bảo đảm an toàn cho học sinh đi học trực tiếp trở lại…
Lường trước kịch bản xấu để có sự chuẩn bị
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam khẳng định, là đô thị lớn, nhu cầu giao lưu rất lớn, nhất là sau đợt giãn cách xã hội vừa qua nhưng đến nay, Hà Nội đã làm rất tốt công tác phòng, chống dịch.
Tới đây, Thành phố vẫn phải cảnh giác vì thực tế dịch đã ngấm rất sâu trong cộng đồng, khi hằng ngày cả nước vẫn ghi nhận khoảng 5.000 ca nhiễm mới qua công tác xét nghiệm giám sát.
“Chúng ta thích ứng linh hoạt nhưng phải an toàn, sẵn sàng tình huống xấu hơn. Thành phố đã lập kịch bản ứng phó với 40.000 ca nhiễm nhưng cần bàn bạc, tính toán kỹ. Các giải pháp tuyên tuyền, vận động người dân thực hiện phòng, chống dịch phải thống nhất, không để lúc chặt quá, khi lỏng quá”, Phó Thủ tướng nói.
Theo Phó Thủ tướng, những nguyên tắc ngăn chặn, phát hiện, cách ly, khoanh vùng, dập dịch, điều trị sớm vẫn phải kiên trì thực hiện, nhưng có sự điều chỉnh linh hoạt và sát thực tiễn. Đơn cử, Hà Nội vẫn phải ngăn chặn dịch lây sang nơi đang an toàn, giám sát dịch bệnh để phát hiện sớm, thực hiện cách ly nghiêm, khoanh vùng thật hẹp, thật gọn, nhất là điều trị từ rất sớm.
Cùng với kế hoạch ứng phó dịch bệnh đã chuẩn bị, Thành phố cũng phải tập dượt phương án khác, “lường trước kịch bản xấu để có sự chuẩn bị”. Ví dụ, công tác thu dung, cách ly, điều trị của Hà Nội vẫn thực hiện tốt nhưng cần chuẩn bị và thực hiện thí điểm phương án cách ly F1, điều trị F0 tại nhà, thành quy trình, tập huấn đầy đủ cho y tế tuyến dưới. Tương tự, các bệnh viện, cơ sở thu dung đã hoạt động rất tốt nhưng cần đưa ra phương án triển khai lập thêm các bệnh viện dã chiến, từ đó chuẩn bị về vật tư, trang thiết bị, thuốc điều trị, sinh phẩm xét nghiệm…
Về vaccine, Phó Thủ tướng đề nghị Bộ Y tế phân bổ đủ vaccine theo kế hoạch tiêm mũi 2 cho người trên 18 tuổi của Thành phố; chuẩn bị sẵn sàng kế hoạch tiêm cho trẻ em trước hết ở những vùng bị dịch nặng; thành lập các đội tiêm vaccine chi viện cho các địa phương khác nếu có yêu cầu…
Phó Thủ tướng giao Bộ Y tế xem xét kỹ kiến nghị của Thành phố, cũng như nhiều địa phương khác về hướng dẫn đánh giá cấp độ dịch, trong đó cần tính đến đặc thù của những đô thị lớn như TPHCM, Hà Nội, có những khu vực rất đông dân cư; xem xét các phác đồ điều trị làm cơ sở để y tế địa phương chuẩn bị sẵn vật tư, thiết bị, thuốc men…
Trong công tác chuẩn bị cho học sinh trở lại trường, Phó Thủ tướng nêu rõ: Việc không được đến lớp ảnh hưởng rất lớn đến việc học tập, tâm sinh lý của các cháu học sinh. Đây không chỉ là nhu cầu của các cháu mà của gia đình, lực lượng lao động trên địa bàn Thành phố.
Thành phố cần căn cứ vào thực tiễn, linh hoạt để từng bước mở lại hoạt động giáo dục trực tiếp, không đợi trẻ tiêm đủ vaccine hoặc hết ca nhiễm trong cộng đồng mới cho trẻ đi học trở lại.
“Đi học phải an toàn, kiểm soát được dịch, bảo vệ được sức khoẻ cho các cháu và cộng đồng, không có nghĩa là tuyệt đối không có học sinh nhiễm bệnh”, Phó Thủ tướng nói và nhấn mạnh “khi chuyển sang thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 thì hệ thống giám sát y tế toàn xã hội, đặc biệt trong trường học và các cơ sở y tế, phải nâng lên một mức so với trước đây; phát hiện ca nhiễm, khoanh vùng, điều trị sớm nhất có thể”.
Từ năm 2010, Liên Hợp quốc đã công nhận Việt Nam là một trong những nước đi đầu trong hiện thực hóa các Mục tiêu Thiên niên kỷ, hoàn thành trước thời hạn gần 10 năm 3 mục tiêu (xóa bỏ tình trạng nghèo cùng cực, phổ cập giáo dục tiểu học, tăng cường bình đẳng giới và vị thế cho phụ nữ) và có nhiều tiến bộ, đạt tiệm cận 5 mục tiêu còn lại.
Trong 5 ngày, từ 7/9 đến 12/9, “quái” bão YAGI (bão số 3) với sức gió cấp 12 -13, giật cấp 14 -15 -16 đã đổ bộ vào Quảng Ninh, Hải Phòng, Hà Nội,… và sau đó, hoàn lưu của nó gây mưa lớn liên tục trên toàn miền Bắc đã gây những tổn thất vô cùng to lớn về người và thiệt hại rất nặng nề về tài sản của Nhà nước, doanh nghiệp, người dân.
Xuất khẩu nông sản của ta hiện trong TOP 10 -15 thế giới. Nông sản Việt có mặt tại khoảng 200 quốc gia và vùng lãnh thổ, kim ngạch tăng mạnh trong 15 năm qua: năm 2009 mới chỉ gần 16,5 tỷ USD thì năm 2014, kim ngạch đạt 31 tỷ USD, năm 2019 đạt 41,3 tỷ USD, năm 2023 đạt trên 53 tỷ USD, đến hết tháng 7 năm 2024, kim ngạch xuất khẩu nông - lâm - thủy sản đạt 34,27 tỷ USD, phấn đấu đạt 57 -58 tỷ USD cả năm.