Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 29 tháng 3 năm 2024  
Thứ năm, ngày 6 tháng 8 năm 2020 | 21:8

Hà Nội: Nguy cơ lây nhiễm dịch Covid-19 trong cộng đồng rất cao

Chiều ngày 6/8, trước diễn biến mới và tình hình phức tạp của dịch bệnh, Thường trực Thành uỷ Hà Nội đã có cuộc họp với Ban Chỉ đạo (BCĐ) phòng, chống dịch bệnh Covid-19 TP và lãnh đạo các, quận, huyện, thị xã.

Đồng chí Vương Đình Huệ, Bí thư Thành ủy Hà Nội nhấn mạnh, đại dịch COVID-19 đang diễn biến hết sức phức tạp, cho đến giờ chưa thể đánh giá hết tác hại với sức khỏe người dân, với sản xuất, với chuỗi cung ứng trên thế giới. Tại Việt Nam, trong đợt 2, đến nay dịch COVID-19 đã lây nhiễm trên địa bàn 11 tỉnh, thành phố.
 
116356498_3306214326067982_3200918021890267113_o.jpg
Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ.
Bí thư Thành ủy Hà Nội đánh giá, thành phố đã vào cuộc hết sức nhanh chóng và điểm lại những dấu mốc quan trọng: ngày 28/7 Ban Thường vụ Thành ủy đã có Công điện gửi đến các tổ chức cơ sở đảng trực thuộc về chỉ đạo của Trung ương, Thành phố trong công tác chống dịch. Ngày 3/8, Thành ủy tiếp tục ban hành thông báo để đôn đốc và chỉ đạo chống dịch. Đến nay, Hà Nội đã có ca lây nhiễm trong cộng đồng, trong đó ca bệnh 714 có di chuyển phức tạp.
 
"Thành phố có nguy cơ lây nhiễm trong cộng đồng cao", Bí thư Thành ủy Hà Nội nhấn mạnh. Do đó, tại buổi họp hôm nay, Thường trực Thành ủy Hà Nội làm việc với BCĐ của Thành phố để tiếp tục tổ chức tốt công tác phòng chống dịch, quyết tâm kiểm soát dịch trên địa bàn như đã làm được ở giai đoạn 1. Bên cạnh đó, bảo đảm an sinh, trật tự an toàn xã hội, tiếp tục tổ chức thành công đại hội đảng cấp quận, huyện…
 
Báo cáo tại hội nghị, Chủ tịch UBND quận Bắc Từ Liêm Trần Thế Cương thông tin về ca bệnh 714 sống tại tòa nhà chung cư mini, 14 tầng với khoảng 98 người sinh sống. BN714 sống ở phòng 303 cùng vợ và 2 con.
 
Ngay sau khi nhận thông tin từ CDC, quận đã triển khai ngay các biện pháp, tiến hành khoanh vùng, rà soát điều tra dịch tế, thực hiện khử khuẩn tại khu vực Kiều Mai; bố trí 2 chốt trực 24/24, kết quả xác minh F1 có 14 trường hợp, riêng tòa nhà chung cư có 6 F1, 80 F2.
 
Đặc biệt, có 1 trường hợp là nam giới sinh năm 1960, sinh sống cùng tòa nhà với BN, đi làm về lúc 5h30 sáng 6/8. Khi thấy chốt cách ly phong tỏa, người này đã có thái độ không hợp tác, lên xe máy bỏ trốn. Quận đã liên lạc với bệnh viện để có thông tin yêu cầu nam giới này quay trở lại.
 
Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Nguyễn Khắc Hiền cho biết, tất cả các trường hợp F1 với ca bệnh 714 đã được lấy mẫu xét nghiệm và chuyển tiếp cách ly tập trung tại Trường Cao đẳng nghề công nghệ cao (quận Nam Từ Liêm). Hiện, 40 mẫu bệnh phẩm các trường hợp F1 đang được các đơn vị gửi lên CDC Hà Nội và đang chờ kết quả.
 
Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cũng nhận định, bệnh nhân 714 có lịch trình đi lại phức tạp nên nguy cơ lây nhiễm cao tại nhiều khu vực và cho nhiều người tiếp xúc. Theo nhận định trong thời gian tới có thể ghi nhận các ca bệnh mới ngoài cộng đồng trên địa bàn TP.
 
116805900_2040044369464456_7464797866052074462_o.jpg
Toàn cảnh hội nghị 
 
Bí thư Thành ủy Hà Nội nêu thuận lợi là so với đợt 1, đợt 2 là Thành phố đã có kinh nghiệm, có sự tin cậy của người dân, sự đồng lòng của các cơ quan, sự hợp tác chặt chẽ của người dân. Trong khi đó, khó khăn của đợt này theo Bộ Y tế là hơn đợt trước do tốc độ lây lan nhanh hơn, xuất hiện nhiều ca bệnh trong cộng đồng; vật tư thiết bị đang thiếu, thiếu máy móc xét nghiệm PCR...
 
Bí thư Thành ủy Hà Nội nêu rõ 8 giải pháp, 5 nghiệm vụ cấp bách đối với TP Hà Nội. Cụ thể, Thường trực Thành ủy yêu cầu kích hoạt toàn bộ hệ thống phòng chống dịch từ trước đến nay cả về con người, cơ chế, phương thức phối hợp giữa các lực lượng theo mức độ diễn biến dịch bệnh xẩy ra nhưng cao hơn 1 mức so với kịch bản phê duyệt từ đầu.
 
Yêu cầu, BCĐ phòng, chống dịch bệnh TP nghiên cứu để nâng mức cao hơn nữa cho một số khu vực có ổ dịch có rủi ro cao hơn mức chung của toàn Thành phố; một số hoạt động phải thực hiện như quy định của Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ.
 
Công tác truyền thông phải đi trước một bước, phát huy được kinh nghiệm thành quả trong giai đoạn trước; gắn liền với việc nêu cao trách nhiệm cấp ủy, chính quyền, tính ưu việt của toàn bộ hệ thống chính trị.
 
Bí thư Thành ủy Hà Nội cũng nêu 5 việc cần lưu ý, coi là nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách trong thời gian tới: Thứ nhất là tổ chức tốt và tuyệt đối an toàn kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020, theo dõi sát sao các diễn biến phức tạp có thể xảy ra, tuân thủ theo đúng dướng dẫn của Bộ GD&ĐT.
 
Thứ hai là tiếp tục tổ chức tốt đại hội đảng bộ cấp quận, huyện và các đơn vị còn lại theo hướng thiết thực không phô trương, hình thức; cắt biểu diễn văn nghệ, không tổ chức đưa đón đại biểu, tập trung cho vấn đề nội dung.
 
Thứ ba là chuẩn bị tốt vật tư y tế để đáp ứng nhu cầu của Thành phố và sẵn sàng đáp ứng nhân lực cho Đà Nẵng khi cần thiết.
 
Thứ tư là iếp tục duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh, lưu thông sản phẩm hàng hóa, thiết yếu, đáp ứng đầy đủ yêu cầu của người dân trong mọi tình huống, bảo đảm an toàn vệ sinh, thực phẩm, bảo đảm tuyệt đối an toàn trong phòng, chống dịch.
 
Thứ năm là chuẩn bị các nội dung cho các hoạt động bình thường của hệ thống chính trị trong tình hình mới: Kỷ niệm 1010 năm Thăng Long, Đại hội Đảng bộ TP cùng các hoạt động của Trung ương trên địa bàn tùy theo tình hình dịch bệnh.
 
 
 
Ngọc Thủy
Ý kiến bạn đọc
Top