Ngày 6/7, trong khuôn khổ kỳ họp thứ 7, khóa XVI, HĐND thành phố Hà Nội đã phê duyệt chủ trương đầu tư đối với 27 dự án với tổng mức đầu tư là 5.168,873 tỷ đồng.
43 dự án được phê duyêt, điều chỉnh chủ trương đầu tư
Theo đó, HĐND thành phố Hà Nội phê duyệt chủ trương đầu tư đối với 27 dự án với tổng mức đầu tư là 5.168,873 tỷ đồng; phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư 6 dự án với tổng mức đầu tư là 634,134 tỷ đồng; trong đó, vốn tăng thêm so với tổng mức đầu tư đã phê duyệt là 241,378 tỷ đồng.
Trước đó, trình bày tờ trình, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội Đỗ Anh Tuấn cho biết, UBND thành phố Hà Nội đề xuất thông qua chủ trương đầu tư 47 dự án; trong đó, 40 dự án quyết định chủ trương đầu tư, 7 dự án điều chỉnh chủ trương đầu tư.
Các dự án UBND trình HĐND thành phố quyết định chủ trương đầu tư, điều chỉnh chủ trương đầu tư tại kỳ họp này là những dự án được sử dụng vốn đầu tư công nguồn ngân sách nhà nước giai đoạn 2021-2025 theo quy định của Quốc hội và Chính phủ thuộc các lĩnh vực: Hạ tầng kỹ thuật, giao thông (25 dự án), văn hóa, giáo dục, thể thao (10 dự án), đê điều, thủy lợi (11 dự án) và 1 dự án thuộc lĩnh vực an ninh quốc phòng sẽ được xem xét riêng theo quy định về bí mật nhà nước.
Tuy nhiên, qua thẩm tra và xem xét 2 báo cáo bổ sung của UBND thành phố về lĩnh vực, Ban Kinh tế, Ngân sách đề nghị đại biểu HĐND thành phố Hà Nội chưa xem xét phê duyệt chủ trương đầu tư đối với 3 dự án, do chưa đảm bảo yêu cầu phù hợp với quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Cụ thể: dự án cải tạo, nâng cấp Bệnh viện đa khoa huyện Thạch Thất; dự án xây dựng, hoàn chỉnh, khớp nối hạ tầng kỹ thuật khu công nghiệp vừa và nhỏ Phú Thị, khu công nghiệp Dương Xá A, huyện Gia Lâm (giai đoạn 2); dự án đầu tư xây dựng tuyến đường theo quy hoạch từ đường quy hoạch 24,5m Yên Viên đến đường quy hoạch Yên Viên - Đình Xuyên - Ninh Hiệp (Gia Lâm, Hà Nội).
Đối với dự án đầu tư, nâng cấp mở rộng đường 70 (đoạn từ đường Trịnh Văn Bô đến hết địa phận quận Nam Từ Liêm), qua thẩm tra, Ban Đô thị HĐND thành phố Hà Nội cũng thống nhất cao về sự cần thiết đầu tư.
Tuy nhiên, tại thời điểm này chưa thuyết minh được sự phù hợp với khả năng cân đối nguồn vốn đến năm 2025 của ngân sách thành phố nên đề nghị UBND thành phố rà soát, nghiên cứu, tính toán, đề xuất nguồn vốn để đảm bảo tính khả thi, sớm trình HĐND thành phố Hà Nội tại kỳ họp sau.
Điều chỉnh, bổ sung các dự án thu hồi đất và chuyển đổi đất lúa
Cũng trong khuôn khổ kỳ họp, HĐND TP. Hà Nội đã thông qua Nghị quyết điều chỉnh, bổ sung danh mục các dự án thu hồi đất năm 2022; dự án chuyển mục đích đất trồng lúa năm 2022 trên địa bàn thành phố quy định tại Nghị quyết số 35/NQ-HĐND ngày 10.12.2021 của HĐND thành phố.
Theo đó, điều chỉnh giảm 16 dự án thu hồi đất năm 2022 với diện tích 59,13ha và 2 dự án chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa năm 2022 với diện tích 1,65ha.
Nghị quyết cũng điều chỉnh tăng về quy mô, diện tích đất thu hồi tại 59 dự án với diện tích 48,85 ha và diện tích đất trồng lúa tại 60 dự án với diện tích 63,2 ha; điều chỉnh giảm diện tích đất thu hồi tại 7 dự án với diện tích 2,04 ha và diện tích đất trồng lúa tại 1 dự án với diện tích 0,76ha.
HĐND thành phố cũng điều chỉnh tên dự án, đơn vị đăng ký, địa danh cấp xã thực hiện dự án (không thay đổi diện tích đất thu hồi và đất trồng lúa) tại 21 dự án.
Về kinh phí bố trí để bồi thường, giải phóng mặt bằng, trên cơ sở danh mục dự án được Hội đồng Nhân dân thành phố thông qua, các dự án sử dụng vốn ngân sách thành phố được cân đối trong nghị quyết về phân bổ dự toán ngân sách thành phố năm 2022 của Hội đồng Nhân dân thành phố. Các dự án sử dụng ngân sách cấp quận, huyện, thị xã do quận, huyện, thị xã bố trí; các dự án ngoài ngân sách do chủ đầu tự bố trí theo tiến độ đầu tư, đảm bảo bố trí đủ kinh phí phần giải phóng mặt bằng năm 2022.
Tuy nhiên theo đánh giá của HĐNT TP, hiện nay vẫn còn một số dự án trong danh mục các công trình, dự án thu hồi đất; chuyển đổi mục đích đất trồng lúa năm 2022 đã được HĐND TP thông qua còn chậm triển khai.
Nguyên nhân là do một số quy định về đầu tư, xây dựng, đất đai, môi trường còn có sự chồng chéo, chuyển tiếp qua nhiều luật, nghị định, nên công tác chuẩn bị đầu tư thường kéo dài hơn dự án ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện các dự án, dẫn đến một số dự án chậm hoàn thiện được các thủ tục để được thu hồi đất, giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất.
Ngoài ra, do một số địa phương, đơn vị triển khai lập và thực hiện dự án còn chậm, công tác chuẩn bị đầu tư như lập và trình phê duyệt quy hoạch khu đất đấu giá còn chưa đảm bảo việc khớp nối đồng bộ hạ tầng kỹ thuật, dẫn đến chậm trong các thủ tục thu hồi đất, giải phóng mặt bằng.
Từ năm 2010, Liên Hợp quốc đã công nhận Việt Nam là một trong những nước đi đầu trong hiện thực hóa các Mục tiêu Thiên niên kỷ, hoàn thành trước thời hạn gần 10 năm 3 mục tiêu (xóa bỏ tình trạng nghèo cùng cực, phổ cập giáo dục tiểu học, tăng cường bình đẳng giới và vị thế cho phụ nữ) và có nhiều tiến bộ, đạt tiệm cận 5 mục tiêu còn lại.
Trong 5 ngày, từ 7/9 đến 12/9, “quái” bão YAGI (bão số 3) với sức gió cấp 12 -13, giật cấp 14 -15 -16 đã đổ bộ vào Quảng Ninh, Hải Phòng, Hà Nội,… và sau đó, hoàn lưu của nó gây mưa lớn liên tục trên toàn miền Bắc đã gây những tổn thất vô cùng to lớn về người và thiệt hại rất nặng nề về tài sản của Nhà nước, doanh nghiệp, người dân.
Xuất khẩu nông sản của ta hiện trong TOP 10 -15 thế giới. Nông sản Việt có mặt tại khoảng 200 quốc gia và vùng lãnh thổ, kim ngạch tăng mạnh trong 15 năm qua: năm 2009 mới chỉ gần 16,5 tỷ USD thì năm 2014, kim ngạch đạt 31 tỷ USD, năm 2019 đạt 41,3 tỷ USD, năm 2023 đạt trên 53 tỷ USD, đến hết tháng 7 năm 2024, kim ngạch xuất khẩu nông - lâm - thủy sản đạt 34,27 tỷ USD, phấn đấu đạt 57 -58 tỷ USD cả năm.