Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ bảy, ngày 23 tháng 11 năm 2024  
Chủ nhật, ngày 13 tháng 9 năm 2020 | 13:36

Hà Nội: Sở TN&MT đề xuất nghiên cứu thí điểm đo kiểm khí thải và hỗ trợ người dân đổi xe máy cũ

Để cải thiện chất lượng không khí, Sở Tài nguyên và Môi trường đề xuất UBND TP Hà Nội cho nghiên cứu thí điểm đo kiểm khí thải và hỗ trợ từ 2-4 triệu đồng đổi xe máy cũ đã qua sử dụng 18 năm.

Theo ông Lê Tuấn Đinh, Phó giám đốc Sở TN&MT Hà Nội, nếu được triển khai, chương trình sẽ lựa chọn và lắp đặt thiết bị đo kiểm khí thải cho 8 đại lý sửa chữa, bảo dưỡng xe máy trên địa bàn TP Hà Nội để phục vụ cho việc đo lường khí thải của xe máy trên địa bàn 6 quận gồm Hoàn Kiếm, Cầu Giấy, Đống Đa, Hai Bà Trưng, Hà Đông, Thanh Xuân.

Ngoài ra, TP Hà Nội cũng dự kiến lựa chọn 30 đại lý xe máy trên địa bàn để thí điểm chương trình đăng ký tham gia đổi xe mô tô, xe gắn máy cũ (sản xuất trước năm 2002) với các cơ chế hỗ trợ khác nhau.

ha-noi-se-ho-tro-2-4-trieu-cho-nguoi-dan-doi-xe-may-cu-lay-moi-biet-lay-them-tien-dau-de-bu.jpg
Hà Nội chủ trương hỗ trợ 2- 4 triệu đồng cho người dân "đổi xe máy cũ lấy mới".

Kiến nghị của Sở TN&MT Hà Nội cũng nêu rõ Hiệp hội xe máy Việt Nam là đơn vị chủ động kinh phí đầu tư các thiết bị đo khí thải và lắp đặt 8 trạm đo kiểm khí thải và 30 trạm đổi xe, cùng các cán bộ kỹ thuật để thực hiện hoạt động này. Đơn vị này cũng chủ động kinh phí hỗ trợ dưới dạng hiện vật trị giá 300 nghìn đồng/người để hỗ trợ cho các xe đến kiểm tra khí thải và kinh phí hỗ trợ người muốn đổi xe máy theo chương trình từ 2-4 triệu đồng.

Theo ông Mai Trọng Thái, Chi Cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường (Sở TN&MT Hà Nội), TP Hà Nội hiện có hơn 5,7 triệu xe máy (trong đó có khoảng 2,5 triệu xe máy cũ, đăng ký trước năm 2000) và trên 730 ngàn ôtô, chưa kể các phương tiện từ ngoại tỉnh thường xuyên tham gia giao thông trên địa bàn TP.

Khí thải từ các phương tiện này gây ảnh hưởng lớn tới chất lượng môi trường không khí đô thị và là một trong những nguyên nhân gây ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe của người dân thủ đô.

Do đó, để từng bước cải thiện chất lượng không khí, giảm phát thải từ các phương tiện giao thông đã cũ nát, ngày 11-8-2020, Sở TN-MT Hà Nội đã trình UBND TP về việc chấp thuận triển khai chương trình "Nghiên cứu thí điểm đo kiểm khí thải và hỗ trợ đổi xe môtô, xe gắn máy cũ đang lưu hành trên địa bàn thành phố".

ĐBQH Trần Thị Quốc Khánh, Uỷ viên thường trực Ủy ban Khoa học - Công nghệ và Môi trường của Quốc hội hoàn toàn ủng hộ chủ trương đo kiểm chất lượng không khí của Hà Nội. Tuy nhiên, việc lấy nguồn kinh phí từ ngân sách nhà nước về bảo vệ môi trường để hỗ trợ người dân đổi xe theo đề xuất là không hợp lý.

“Bởi vì nguồn ngân sách ấy còn được chi tiêu cho nhiều việc khác chứ không chỉ có nội dung này”, ĐB Quốc Khánh nói.

Ngoài ra, với mức dự kiến hỗ trợ 2-4 triệu đồng cho người dân đổi xe, ĐB Khánh cho rằng không căn cứ: “Tại sao lại 2-4 triệu mà không phải là từng mức cho từng loại xe? Có những loại xe quá 18 năm mà người dân vẫn dùng tốt thì làm thế nào?”, ĐBQH Trần Thị Quốc Khánh đặt vấn đề.

Theo ghi nhận, nhiều người dân cũng bày tỏ băn khoăn với chủ trương này của Hà Nội. Anh Văn Nam (Ba Vì, Hà Nội), một lái xe công nghệ cho biết, 5 năm trước, khi còn là sinh viên cao đẳng, anh được bố mẹ mua lại chiếc xe Honda Dream (đăng ký từ năm 1993) từ người quen.

“Hai năm trong trường cao đẳng tôi chỉ đi từ nhà đến trường, mỗi ngày chưa đến 10km. Khi ra trường, tôi đi làm, mỗi ngày cũng chạy không quá 15km. Hai năm nay, doanh nghiệp nợ lương, cực chẳng đã tôi đành đi chạy Grab.

Chiếc xe là cần câu cơm của cả gia đình nên tôi cũng thường xuyên bảo dưỡng, thay dầu, sửa chữa ngay nếu có biểu hiện hỏng hóc. Hơn nữa, xe được nhập nguyên chiếc từ Thái Lan nên dù sử dụng nhiều năm nhưng máy móc vẫn rất tốt.

Nếu theo đề xuất mà Hà Nội vừa đưa ra thì xe của tôi trong diện phải thu hồi. Mức hỗ trợ cao nhất cũng chỉ 4 triệu đồng. Với 4 triệu này tôi biết mua xe gì để kiếm kế sinh nhai?”, anh Nam chia sẻ.

Cùng quan điểm với anh Nam, anh Chiến (quê Nam Định, lái xe ôm tại phố Đào Tấn) cũng rất lo ngại bởi chỉ những lao động nghèo mới sử dụng xe máy cũ: “Giờ Thành phố thu hồi và hỗ trợ 2- 4 triệu đồng thì tôi không biết xoay sở ra sao?”.

Anh Chiến chia sẻ thêm, bạn anh có chiếc xe Honda Dream cũng đã đăng ký 20 năm, mới đây có người hỏi mua 20 triệu đồng anh ấy chưa bán. Nếu TP áp dụng quy định này, bán không được giá mà mang đi "đổi" với giá 4 triệu đồng, chắc chắn anh ấy sẽ không chấp nhận.

 

Ngọc Thủy
Ý kiến bạn đọc
  • “Không ai bị bỏ lại”, hiện thực hóa mục tiêu nhân văn

    “Không ai bị bỏ lại”, hiện thực hóa mục tiêu nhân văn

    Từ năm 2010, Liên Hợp quốc đã công nhận Việt Nam là một trong những nước đi đầu trong hiện thực hóa các Mục tiêu Thiên niên kỷ, hoàn thành trước thời hạn gần 10 năm 3 mục tiêu (xóa bỏ tình trạng nghèo cùng cực, phổ cập giáo dục tiểu học, tăng cường bình đẳng giới và vị thế cho phụ nữ) và có nhiều tiến bộ, đạt tiệm cận 5 mục tiêu còn lại.

  • “Sâu nặng nghĩa tình”, điều còn mãi

    “Sâu nặng nghĩa tình”, điều còn mãi

    Trong 5 ngày, từ 7/9 đến 12/9, “quái” bão YAGI (bão số 3) với sức gió cấp 12 -13, giật cấp 14 -15 -16 đã đổ bộ vào Quảng Ninh, Hải Phòng, Hà Nội,… và sau đó, hoàn lưu của nó gây mưa lớn liên tục trên toàn miền Bắc đã gây những tổn thất vô cùng to lớn về người và thiệt hại rất nặng nề về tài sản của Nhà nước, doanh nghiệp, người dân.

  • Không thương hiệu, thiệt đơn thiệt kép

    Không thương hiệu, thiệt đơn thiệt kép

    Xuất khẩu nông sản của ta hiện trong TOP 10 -15 thế giới. Nông sản Việt có mặt tại khoảng 200 quốc gia và vùng lãnh thổ, kim ngạch tăng mạnh trong 15 năm qua: năm 2009 mới chỉ gần 16,5 tỷ USD thì năm 2014, kim ngạch đạt 31 tỷ USD, năm 2019 đạt 41,3 tỷ USD, năm 2023 đạt trên 53 tỷ USD, đến hết tháng 7 năm 2024, kim ngạch xuất khẩu nông - lâm - thủy sản đạt 34,27 tỷ USD, phấn đấu đạt 57 -58 tỷ USD cả năm.

Top