Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024  
Thứ bảy, ngày 30 tháng 12 năm 2017 | 10:51

Hà Nội trong tuần: Chủ tịch Hà Nội đề nghị công an vào cuộc vụ “Chánh Thanh tra Sở GTVT"

Chiều 26/12, UBND TP.Hà Nội nhận được báo cáo của Sở Giao thông vận tải về việc tiếp nhận xử lý đơn của ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Đội trưởng và ông Trần Thanh Bình, nhân viên công tác tại Đội Thanh tra GTVT quận Thanh Xuân thuộc Thanh tra Sở GTVT.

Chủ tịch Hà Nội đề nghị công an vào cuộc vụ “Chánh Thanh tra Sở GTVT"

Liên quan đến vấn đề này, Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Nguyễn Đức Chung giao Giám đốc CATP TP  tổ chức điều tra, kết luận, xử lý đơn theo quy định của pháp luật, báo cáo UBND TP kết quả thực hiện.

Chánh Thanh tra Sở GTVT Hà Nội Trần Đăng Hải

Trước đó, ngày 25/12, Sở GTVT Hà Nội đã công bố quyết định thành lập Tổ xác minh thông tin tố cáo Chánh Thanh tra Trần Đăng Hải “bảo kê” xe quá tải.

Cụ thể, Sở GTVT Hà Nội nhận được lá đơn tố cáo đứng tên 2 cá nhân là Đội phó Đội Thanh tra GTVT quận Thanh Xuân Nguyễn Mạnh Hùng và Thanh tra viên Trần Thanh Bình. 

Nội dung tố cáo cho rằng Chánh Thanh tra Sở GTVT Hà Nội Trần Đăng Hải bảo kê cho xe quá tải của 7 doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn Hà Nội.

Diễn biến liên quan, Giám đốc Sở GTVT Hà Nội Vũ Văn Viện cho biết, theo đúng quy trình thủ tục, Sở sẽ cần 60 ngày để kiểm tra, xác minh, tuy nhiên, trong trường hợp này có thể sẽ hoàn thành sớm hơn.

Đảng bộ Hà Nội quán triệt Quy định mới về kỷ luật đảng viên vi phạm

Ngày 28/12, Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội đã tổ chức Hội nghị trực tuyến quán triệt Quy định số 102-QĐ/TW ngày 15/11/2017 của Bộ Chính trị về xử lý kỷ luật đảng viên vi phạm. 

Gần 10.000 cán bộ, đảng viên trong toàn Đảng bộ đã tham dự hội nghị, tập trung nghiên cứu, quán triệt các điểm cơ bản, điểm mới được nêu trong Quy định số 102-QĐ/TW với tinh thần tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng công tác nghiên cứu, quán triệt thực hiện các quy định, chỉ thị, nghị quyết của Trung ương. 

Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Phó Bí thư thường trực Thành ủy Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng cho biết, một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Đảng bộ thành phố Hà Nội là làm tốt công tác kiểm tra, giám sát. 

Đảng bộ Hà Nội là đơn vị đầu tiên trong cả nước triển khai quán triệt Quy định số 102-QĐ/TW của Trung ương về xử lý kỷ luật đảng viên vi phạm. Đây là văn bản quan trọng và cần thiết, làm căn cứ để tổ chức đảng có thẩm quyền xem xét thi hành kỷ luật đối với đảng viên có sai phạm, đồng thời cũng là căn cứ để mỗi cán bộ đảng viên tự soi chiếu, chủ động, tự giác chấp hành, góp phần phòng ngừa sai phạm. 

Phó Bí thư thường trực Thành ủy Hà Nội nhấn mạnh trong thời gian qua, dư luận và nhân dân bức xúc khi thực trạng tồn tại một bộ phận cán bộ đảng viên có biểu hiện suy thoái, mắc sai phạm. Điều này gây ảnh hưởng không nhỏ đến uy tín, niềm tin vào đảng của quần chúng nhân dân. Với việc ban hành quy định mới, những hành vi vi phạm từ nay sẽ bị xử lý kỷ luật nghiêm khắc. 

Để hiểu rõ, thực hiện đầy đủ và đúng các quy định của Trung ương, đồng chí Ngô Thị Thanh Hằng đề nghị các cấp ủy đảng, chính quyền các cấp thành phố tiến hành quán triệt, thực hiện nghiêm túc Quy định số 102-QĐ/TW, không để xảy ra tình trạng có quy định mà không xử lý hoặc xử lý không đúng mức độ bởi hầu hết các quy định tại Quy định số 102-QĐ/TW đều thể hiện theo cấu trúc hình thức xử lý từ thấp đến cao theo từng mức độ vi phạm. 

Hà Nội cần xây dựng lộ trình để giảm chi thường xuyên xuống dưới 50% vào năm 2020

Năm 2017, kết quả thu ngân sách nhà nước trên địa bàn thành phố Hà Nội ước thực hiện 207.628 tỷ đồng, đạt 101,4% dự toán HĐND thành phố giao, tăng 15,7% so với năm 2016.

Đây là chỉ đạo của Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2017 và triển khai nhiệm vụ công tác năm 2018 do Sở Tài chính thành phố Hà Nội tổ chức chiều 30/12.

Trong đó khẳng định, năm 2017, Sở Tài chính đã hoàn thành nhiệm vụ trên mọi mặt theo chương trình công tác của UBND thành phố, nổi bật là thu ngân sách vượt dự toán và giảm chi ngân sách thường xuyên.

Năm 2017, kết quả thu ngân sách nhà nước trên địa bàn thành phố Hà Nội ước thực hiện 207.628 tỷ đồng, đạt 101,4% dự toán HĐND thành phố giao, tăng 15,7% so với năm 2016.

Trong đó, thu ngân sách địa phương được hưởng theo điều tiết cả năm 2017 là 84.922 tỷ đồng, đạt 111,2% dự toán, góp phần đảm bảo nguồn lực thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội.

Đặc biệt, ngân sách thành phố và ngân sách quận, huyện, thị xã đều thu vượt dự toán, các nguồn thu ngày càng được quản lý đầy đủ và chặt chẽ hơn, cơ cấu thu ngân sách nhà nước có sự chuyển dịch theo hướng tích cực, tăng dần tỷ trọng từ thu nội địa, do đó các cấp đều đảm bảo nguồn lực thực hiện các nhiệm vụ kinh tế, chính trị, xã hội trên địa bàn.

Trong công tác phân bổ, quản lý, điều hành chi ngân sách, kết quả chi ngân sách địa phương năm 2017 trên địa bàn Hà Nội ước thực hiện 75.205 tỷ đồng, đạt 96,4% dự toán HĐND thành phố giao đầu năm, trong đó chi đầu tư phát triển là 33.106 tỷ đồng, đạt 101,2% dự toán; chi thường xuyên 40.752 tỷ đồng, đạt 98,4% dự toán.

Đặc biệt, Sở Tài chính đã tham mưu UBND thành phố rà soát định mức, phân bổ nguồn lực tiết kiệm chi thường xuyên để dành nguồn lực cho chi đầu tư phát triển, giảm tỷ trọng chi thường xuyên trong phân bổ và điều hành ngân sách từ 55,5% xuống còn 53,5%.

Với kết quả này, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội khẳng định, mức giảm 2% cũng là khoản không nhỏ để đầu tư phục vụ phát triển, thành phố cần xây dựng lộ trình cụ thể, dứt khoát để đến năm 2020 giảm chi thường xuyên xuống dưới 50%, đạt mức trung bình so với các quốc gia trên thế giới.

Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung nhấn mạnh, năm 2018, chỉ tiêu thu ngân sách thành phố được giao là 238.000 tỷ đồng, chỉ tiêu thu ngân sách trung bình hàng năm tăng 17-18% trong khi tình hình kinh tế thế giới phát triển không đồng đều, tiềm ẩn nhiều rủi ro. Những yếu tố này sẽ tác động trực tiếp đến địa bàn Hà Nội, mang lại nhiều thách thức cho thành phố nói chung và cho Sở Tài chính nói riêng.

Bởi vậy, Chủ tịch UBND thành phố yêu cầu Sở Tài chính Hà Nội tiếp tục bám sát chỉ đạo của Thành ủy, HĐND, UBND thành phố và Bộ Tài chính trong triển khai các nhiệm vụ tài chính ngân sách. Trong công tác điều hành tài chính ngân sách, Sở Tài chính phải phối hợp chặt chẽ với Sở Kế hoạch và Đầu tư, Cục thuế Hà Nội, Kho bạc Nhà nước Hà Nội để làm tốt công tác điều hành thu, chi ngân sách, chuẩn bị các phương án tài chính cho giai đoạn sau.

Ông Hà Minh Hải, Giám đốc Sở Tài chính Hà Nội cho biết, thực hiện phương châm hành động năm của Chính phủ “Kỷ cương, liêm chính, hành động, sáng tạo, hiệu quả” và chủ đề năm 2018 theo chỉ đạo của Thành ủy “Nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị”, thời gian tới, Sở Tài chính sẽ tập trung xây dựng kế hoạch tài chính ngân sách trung hạn giai đoạn 2019 – 2021, thực hiện công tác quản lý, điều hành ngân sách năm 2018 theo hướng chủ động, tích cực, đảm bảo an sinh xã hội và cân đối ngân sách, hạn chế tối đa tình trạng phân bổ chậm tại các đơn vị.

Đồng thời, Sở cũng sẽ thực hiện đồng bộ các giải pháp quản lý, khai thác nguồn lực tài chính từ đất đai, tài sản nhà nước, tăng cường huy động các nguồn lực xã hội đảm bảo nguồn vốn thực hiện các nhiệm vụ chi quan trọng, bức xúc, các dự án trọng điểm, quan trọng của Thủ đô; tiếp tục cơ cấu lại chi ngân sách theo hướng giảm tỷ trọng chi thường xuyên giành nguồn chi đầu tư phát triển.

Tăng trưởng tín dụng Hà Nội năm 2017 đạt 18,5%

Theo báo cáo tình hình kinh tế - xã hội năm 2017 của Cục Thống kê TP Hà Nội, tổng dư nợ của các tổ chức tín dụng (TCTD) trên địa bàn trong tháng 12 ước đạt 1.600 nghìn tỷ đồng tăng 1,5% so tháng trước và tăng 18,5% so với đầu năm.

Trong cơ cấu dư nợ cho vay theo chương trình, dư nợ cho vay nông nghiệp, nông thôn chiếm 7,1%; cho vay doanh nghiệp nhỏ và vừa chiếm 36,9%; cho vay bất động sản chiếm 7,7%; cho vay xuất khẩu chiếm 9,7%...

Tính đến hết tháng 12, tỷ lệ nợ quá hạn trên tổng dư nợ chiếm 2,82% và tỷ lệ nợ quá hạn trên tổng dư nợ cho vay chiếm 3,24%.

Về huy động vốn, tổng nguồn vốn huy động của các TCTD trên địa bàn trong tháng đạt 2.638 nghìn tỷ đồng tăng 1,5% so tháng trước và tăng 20% so với đầu năm.

Trong đó, tiền gửi đạt 2.492 nghìn tỷ đồng tăng 20,9% so với đầu năm. Trong đó tiền gửi tiết kiệm đạt 1.002 nghìn tỷ, tiền gửi thanh toán đạt 1.490 nghìn tỷ Phát hành giấy tờ có giá đạt 146 nghìn tỷ. Nguồn vốn huy động của các TCTD trên địa bàn đảm bảo đáp ứng nhu cầu vốn cho hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp, cá nhân, các nhu cầu đầu tư khác cũng như đảm bảo thanh khoản của các TCTD.

Tuổi trẻ Thủ đô đồng hành cùng hàng Việt Nam

Tối 29/12, Hưởng ứng cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, Đoàn TNCS Hồ Chí Minh Thành phố Hà Nội tổ chức khai mạc Ngày hội “Tuổi trẻ Thủ đô đồng hành cùng hàng Việt Nam năm 2017” tại huyện Thanh Oai, Hà Nội.

Phát biểu khai mạc Ngày hội, đồng chí Nguyễn Đức Tiến, Phó Bí thư Thành đoàn Hà Nội cho biết: Nhận thức rõ hiệu quả của Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, thời gian qua các cấp bộ Đoàn Thủ đô đã tích cực tuyên truyền mục đích, ý nghĩa và nội dung Cuộc vận động đến các tầng lớp nhân dân và đoàn viên thanh niên Thủ đô qua hệ thống báo chí, xuất bản, các sản phẩm truyền thông của Đoàn Thanh niên.

Nội dung tuyên truyền, vận động được lồng ghép trong các buổi sinh hoạt chi đoàn, liên chi đoàn, chi hội, sinh hoạt các câu lạc bộ trên địa bàn dân cư… Đoàn tổ chức các hoạt động nhằm hỗ trợ sản xuất, quảng bá thương hiệu, giới thiệu sản phẩm tới trực tiếp người tiêu dùng với các mô hình như "chợ Tết", mô hình "Mang xuân tới mọi nhà", triển khai sâu rộng phong trào "Tuổi trẻ Thủ đô ưu tiên dùng hàng Việt Nam", nhiều cơ sở Đoàn trong khối Công nhân viên chức Thủ đô như khối Công nghiệp, khối Doanh nghiệp Hà Nôi có phong trào “Người của Khối dùng hàng của Khối”,…

Với các phong trào, mô hình hoạt động hiệu quả, cuộc vận động đã bước đầu hình thành nét văn hóa trong sản xuất và tiêu dùng của người Việt Nam nói chung và thanh thiếu nhi, nhân dân Thủ đô nói riêng, dần xoá bỏ tâm lý sính hàng ngoại trong một bộ phận nhân dân. Kết quả thực hiện Cuộc vận động đã góp phần vào thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế, nâng cao sức cạnh tranh của hàng hoá Việt Nam trên thị trường nội địa, từng bước vươn ra thị trường khu vực và thế giới.

“Nhằm tuyên truyền, vận động, phổ biến sâu rộng trong thanh niên và các tầng lớp nhân dân Thủ đô về ý nghĩa của cuộc vận động, tạo chuyển biến về nhận thức, xây dựng niềm tin, tạo thói quen trong thanh niên và các tầng lớp nhân dân Thủ đô dùng hàng Việt Nam, Ban Thường vụ Thành đoàn Hà Nội tổ chức Ngày hội tuổi trẻ Thủ đô đồng hành cùng hàng Việt Nam năm 2017.

Ngày hội sẽ tạo thêm cơ hội để các doanh nghiệp thông tin, giới thiệu, quảng bá sản phẩm, tìm kiếm cơ hội hợp tác đầu tư, giao thương trong lĩnh vực sản xuất, phân phối hàng tiêu dùng. Người tiêu dùng Thủ đô có thêm cơ hội tiếp cận, tìm hiểu, mua sắm hàng hóa có chất lượng với giá cả phù hợp”, đồng chí Nguyễn Đức Tiến nhấn mạnh.

Ngày hội diễn ra từ ngày 29 – 31/12, với sự tham gia bán hàng và trưng bày sản phẩm của 82 doanh nghiệp và 130 gian hàng trên địa bàn các huyện và thành phố. Các gian hàng tại ngày hội chủ yếu là ngành hàng gia dụng, may mặc, đồ dùng học tập, đồ điện, điện tử, dịch vụ viễn thông, thực phẩm công nghệ, các sản phẩm nông nghiệp,… phục vụ nhu cầu mua sắm của nhân dân. Ngoài ra, các gian hàng còn trưng bày các sản phẩm, hàng hóa của các doanh nghiệp làng nghề truyền thống.

Đường sắt Cát Linh – Hà Đông chính thức được giải ngân 250,6 triệu USD

Theo Ban Quản lý Dự án đường sắt (Bộ GTVT) ngày 28/12, Ngân hàng xuất khẩu Trung Quốc (China Emximbank) đã chính thức thực hiện thủ tục giải ngân nguồn vốn bổ sung 250,6 triệu USD cho dự án đường sắt đô thị Hà Nội, tuyến Cát Linh - Hà Đông.

Do nguồn vốn trên bị chậm từ giữa năm 2017 nên lãnh đạo Ban Quản lý Dự án đường sắt đánh giá, việc nguồn vốn đã được thông qua thủ tục giải ngân là điều kiện quan trọng để thúc đẩy tiến độ, hoàn thành dự án trong năm 2018.

Tại buổi họp Tổng kết công tác năm 2017 của Ban Quản lý Dự án đường sắt, ông Nguyễn Ngọc Đông – Thứ trưởng Bộ GTVT cho biết, giờ dự án đã xong phần con đường, tiền cũng đã có và thiết bị thì đang trên đường về Việt Nam nên không còn lý do gì để Dự án Đường sắt đô thị Cát Linh – Hà Đông bị chậm tiến độ nữa.

Thứ trưởng Đông yêu cầu Ban quản lý dự án đường sắt phối hợp với Tổng thầu EPC Trung Quốc tập trung triển khai, đẩy nhanh tiến độ thi công, lắp đặt thiết bị của dự án. Khi phát sinh vướng mắc, cần báo cáo ngay Bộ GTVT để giải quyết. Còn về phía Bộ, ông Đông cho hay, vào tháng 1/2018, Bộ GTVT sẽ báo cáo Chính phủ tình hình triển khai dự án và đề xuất mốc thời gian cuối để hoàn thành dự án.

Theo Ban Quản lý Dự án đường sắt, hiện nay Dự án Đường sắt đô thị Cát Linh – Hà Đông đã hoàn thành được 95% khối lượng xây lắp. Do nguồn vốn đã được giải ngân, đơn vị này đã yêu cầu Tổng thầu bố trí nhân lực, lập kế hoạch từng tuần, từng tháng và bố trí vốn thanh toán cho các nhà thầu phụ đồng thời khẩn trương ký kết các hợp đồng còn lại với nhà thầu phụ. Ban cũng tập trung cao nhất lực lượng để đẩy nhanh hoàn thành tiến độ dự án theo chỉ đạo của Chính phủ và Bộ GTVT.

Vân Nhi (tổng hợp)

 

 

 

KTNT
Ý kiến bạn đọc
Top