"Thành phố không cấm xe máy mà chỉ hạn chế ở một số khu vực lõi thuộc các quận nội thành", Chủ tịch Hà Nội nói.
Hà Nội sẽ hạn chế chứ không cấm xe máy
Chủ tịch Hà Nội Nguyễn Đức Chung: cho hay, thành phố có lộ trình đến năm 2030 hạn chế các phương tiện cá nhân khu vực lõi “chứ không cấm hẳn”.
"Thành phố không cấm xe máy mà chỉ hạn chế ở một số khu vực lõi thuộc các quận nội thành", Chủ tịch Hà Nội nói.
Theo ông Chung, để thực hiện nghị quyết nêu trên, thành phố lên kế hoạch xây dựng các tuyến tàu điện ngầm (Metro) và đã được Thủ tướng đồng ý; hiện có 3 nhà đầu tư nước ngoài và 6 nhà đầu tư trong nước cho biết sẽ đầu tư vào các dự án Metro của Hà Nội.
Bên cạnh đó, thành phố sẽ phát triển mạnh giao thông công cộng, tăng thêm 1.000 đến 1.500 xe buýt từ nay đến năm 2030 với nhiều loại hình; sớm triển khai dịch vụ xe đạp công cộng...
Trước đó, ngày 4/7, HĐND TP. Hà Nội đã thông qua đề án về tăng cường quản lý phương tiện giao thông nhằm giảm ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường trên địa bàn thành phố Hà Nội, giai đoạn 2017-2020 tầm nhìn 2030.
Theo nghị quyết, thành phố sẽ dừng hoạt động xe máy trên địa bàn các quận nội thành vào năm 2030; tổ chức thống kê, phân loại theo khu vực (quận, huyện), niên hạn, chủng loại toàn bộ xe máy trên địa bàn thành phố; phân vùng hạn chế hoạt động của xe máy phù hợp với cơ sở hạ tầng và năng lực phục vụ của hệ thống vận tải hành khách công cộng.
Ruồi bùng phát ở bãi rác Nam Sơn
Người dân ở 3 xã Nam Sơn, Bắc Sơn, Hồng Kỳ thuộc huyện Sóc Sơn đang “sống dở, chết dở” với đại dịch ruồi bùng phát tại khu vực bãi rác lớn nhất Hà Nội.
Bãi rác Nam Sơn (Sóc Sơn) nằm cách trung tâm Hà Nội chừng 50 km, có tổng diện tích khoảng 83,5ha, trong đó có 53,49ha được đưa vào sử dụng từ năm 1999. Với công suất lớn tới 4.000 tấn/ngày, khu liên hợp xử lý chất thải Nam Sơn hiện là bãi rác lớn nhất Hà Nội.
Bà Nguyễn Thị Ba, trú tại thôn Đông Hạ, xã Nam Sơn cho hay, sống gần bãi rác gần 20 năm, ai cũng đã quen với mùi hôi thối và ruồi. Ở thôn này, mỗi ngày dùng hết 5 vỉ bẫy ruồi là chuyện thường, còn khẩu trang thì 2-3 ngày phải thay một cái.
Trước những bức xúc của người dân, UBND thành phố Hà Nội đã có văn bản chỉ đạo nhằm giải quyết một số vấn đề liên quan, giúp người dân sớm ổn định đời sống. Cụ thể, giao Sở Y tế, Sở Tài chính phối hợp với UBND huyện Sóc Sơn nâng mức hỗ trợ thẻ Bảo hiểm y tế từ 80% lên 100%; triển khai khám chữa bệnh định kỳ cho người dân trong vùng bị ảnh hưởng.
Đồng thời, giao Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì phối hợp với các sở, ngành liên quan khẩn trương, nghiêm túc thực hiện chỉ đạo của UBND thành phố tại văn bản số 5124 ngày 4/9/2016 về đánh giá mức độ ô nhiễm vùng ảnh hưởng môi trường; rà soát báo cáo thành phố điều chỉnh mức hỗ trợ ảnh hưởng môi trường cho nhân dân trong khu vực; cung cấp nước sạch; đảm bảo vệ sinh môi trường; phun thuốc diệt côn trùng; di dời các hộ dân trong vùng ảnh hưởng bán kính 500m...
Cán bộ phường bị tố “gây khó dễ” khi làm giấy chứng tử
Chiều 25-7, trên mạng xã hội dậy sóng câu chuyện của một công dân tại phường Văn Miếu (Q.Đống Đa, Hà Nội) tố cán bộ phường này có biểu hiện hạch sách khi người dân đến làm thủ tục xin xác nhận chứng tử.
Phó chủ tịch UBND phường Văn Miếu Nguyễn Thị Thuý Hà (trái) và Chủ tịch Vũ Mai Khanh (phải)
Người này được xác định là chị Thanh Hoa trú tại phường. Theo câu chuyện chị Hoa thuật lại, tối 18-7 bố chị mất. Sáng 19-7, chị đến trụ sở UBND phường Văn Miếu để làm thủ tục xin cấp giấy chứng tử.
Tuy nhiên, tại đây một nhân viên ở bộ phận một cửa tên Hiếu khi nhận hồ sơ đã hẹn 14h-14h30 cùng ngày mới có thể trả kết quả vì buổi sáng “sếp đang đi họp”. Đúng 14h chị Hoa quay lại phường để nhận thủ tục thì ông Hiếu cho hay vẫn chưa có kết quả vì “sếp chưa về”.
Vì cần kết quả gấp để kịp làm thủ tục tại nhà tang lễ, chị Hoa có đề xuất ông Hiếu có thể trình “sếp” khác tại phường ký giúp. Bởi theo chị Hoa, lúc đó chị nhận thấy tại trụ sở vẫn có lãnh đạo phường có mặt làm việc. Tuy nhiên, theo lời chị Hoa, ông Hiếu cho hay chị buộc phải đợi bởi “chỉ có một người được quyền ký vào loại giấy tờ này”.
Tới hơn 15h, chị Hoa cùng người nhà quay lại phường nhưng nhận được thái độ “quan cách” của cán bộ Hiếu. Bức xúc với việc bị gây khó dễ, người nhà chị Hoa đã to tiếng với ông Hiếu. Trong khi tranh cãi, một người phụ nữ có mặt trong phòng đã quay sang quát mắng người nhà chị Hoa là “vô văn hóa”, đòi gọi bảo vệ đuổi hai người ra ngoài.
Chị Hoa xác định đó là bà Nguyễn Thị Thúy Hà, phó chủ tịch UBND phường Văn Miếu. Chưa dừng lại ở đó, chị Hoa bức xúc cho hay vì thủ tục trả muộn nên khi chị mang giấy chứng tử qua nhà tang lễ thì đã hết giờ làm việc. Tang lễ của bố chị phải lùi lại thêm một ngày.
Bà Vũ Mai Khanh - chủ tịch UBND phường Văn Miếu - thừa nhận có sự việc trên. Tuy nhiên, diễn biến và bản chất sự việc không đúng 100% như thông tin trên mạng xã hội.
Theo nữ chủ tịch phường, ngày hôm đó bà có mặt tại trụ sở của UBND phường nhưng bận tiếp khách, còn bà Hà bận công việc tới 15h chiều mới về trụ sở phường. Trong khi đó hai cán bộ tư pháp cả buổi sáng bận dự chương trình về phòng chống sốt xuất huyết tại quận.
“Trong khi đó người dân gần 10h sáng mới đến làm thủ tục nên không thể làm xong thủ tục trong buổi sáng được”, bà Khanh thông tin.
Về phát ngôn của bà Hà được người dân phản ảnh là to tiếng và hạch sách, bà Khanh nói điều đó không đúng sự thật.
“Thời điểm đó tôi có mặt tại trụ sở của phường, chỉ khi một phụ nữ lớn tiếng xúc phạm lãnh đạo phường thì đồng chí Hà mới mời ra khỏi phường, đồng thời có đề cập tới việc sẽ gọi cán bộ và công an tới để đảm bảo an ninh trật tự”, bà Khanh nói.
Về thái độ của cán bộ Hiếu, bà Khanh cho biết ông này là cán bộ ở bộ phận một cửa, chỉ có nhiệm vụ tiếp nhận thông tin của người làm thủ tục và chuyển cho các bộ phận chuyên môn xử lý. Sau khi có kết quả thì thông báo và trả kết quả thủ tục cho người dân “chứ không có quyền hành gì”.
Sáng ngày 26/7, Chủ tịch UBND TP. Nguyễn Đức Chung đã có văn bản gửi Giám đốc Sở Nội vụ, UBND quận Đống Đa yêu cầu kiểm tra, làm rõ thông tin báo chí nêu về dấu hiệu tiêu cực trong quá trình giải quyết thủ tục hành chính tại UBND phường Văn Miếu (quận Đống Đa, Hà Nội).
Chiều 26/7, Chủ tịch UBND quận Đống Đa Nguyễn Song Hào đã ký quyết định tạm đình chỉ chức vụ Phó chủ tịch UBND phường Văn Miếu Nguyễn Thị Thuý Hà để phục vụ công tác kiểm tra. Đồng thời, xem xét việc chấm dứt hợp đồng với ông Nguyễn Lê Hiếu, cán bộ bộ phận một cửa phường Văn Miếu.
Chiều 28/7, tại cuộc họp trực tuyến với lãnh đạo các sở, ngành TP, Chủ tịch Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã yêu cầu cán bộ, công chức, viên chức thành phố chấn chỉnh tác phong, ứng xử, đặc biệt bộ phận giải quyết thủ tục cho người dân.
Ông Chung đề cập đến sự việc xảy ra ở phường Văn Miếu, Chủ tịch Hà Nội cho rằng, đây là sự việc "rất đáng tiếc". Kết luận thanh tra công vụ của TP sẽ có trong 2 ngày tới (tức 30/7).
Theo ông Chung, việc phường Văn Miếu để một nhân viên hợp đồng (ông Nguyễn Lê Hiếu - PV) làm ở bộ phận một cửa là sai quy định. Chủ tịch TP khẳng định sẽ xử lý nghiêm sai phạm. “Cả các đơn vị toàn thành phố cần lấy đây là bài học”, ông Chung nhấn mạnh.
Đã có 8 người tử vong trong vụ cháy xưởng ở Hoài Đức
Vào khoảng 10 giờ sáng ngày 29/7, tại xã Đức Thượng, Hoài Đức, một đám cháy lớn bất ngờ bốc lên dữ dội tại xưởng sản xuất bánh kẹo nằm sát quốc lộ 32 khiến nhiều người mắc kẹt bên trong.
Vụ cháy tính tới thời điểm hiện tại, cơ quan chức năng đã xác định bước đầu có 8 người bị tử vong.
Trao đổi nhanh với chúng tôi qua điện thoại, Thiếu tướng Hoàng Quốc Định, Giám đốc Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy thành phố Hà Nội xác nhận: Bước đầu xác định có 8 người đã tử vong được cơ quan chức năng đưa ra ngoài.
Hiện, cảnh sát cùng các lực lượng vẫn nỗ lực để tìm kiếm và cứu hộ cứu nạn.
Vân Nhi (tổng hợp)
Thời gian qua, tỉnh Nghệ An triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp, cơ chế, chính sách thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi, bước đầu đạt được những kết quả tích cực. Đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) nâng cao ý thức tự lực, tự cường vươn lên phát triển kinh tế, xây dựng cuộc sống, góp phần xóa đói giảm nghèo, tạo nên diện mạo mới cho nông thôn miền núi xứ Nghệ.
Cuộc thi trực tuyến tìm hiểu về bảo hiểm tiền gửi (BHTG) 2024 là một hoạt động quan trọng trong việc nâng cao nhận thức của công chúng về chính sách BHTG và hoạt động của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam (BHTGVN), qua đó truyền tải nội dung chính sách BHTG một cách mới mẻ, hấp dẫn và thu hút sự quan tâm của công chúng.