Trao đổi với cử tri quận Hoàn Kiếm sáng 18/11, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung khẳng định, không có lợi ích nhóm trong quy hoạch ga Hà Nội và cho biết chịu trách nhiệm về vấn đề này.
Không có lợi ích nhóm trong quy hoạch ga Hà Nội
Tại buổi tiếp xúc trước kỳ họp Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội, cử tri Nguyễn Công Hoan (phường Hàng Bông) yêu cầu lãnh đạo thành phố làm rõ lý do và việc tuân thủ quy định đối với đồ án quy hoạch ga Hà Nội, bởi theo quy định khu vực đó các công trình cao không quá 18 tầng, trong khi lãnh đạo Sở Quy hoạch cho biết sẽ xây dựng tòa nhà cao 40-70 tầng. Ông đề nghị thành phố thông tin công khai, xin ý kiến người dân và chuyên gia.
"Chúng ta không được để con cháu đời sau chê cười vì lợi ích nhóm mà xây dựng nhiều công trình cao tầng tại khu vực ga lịch sử gắn liền với Thủ đô nghìn năm văn hiến", cử tri Hoan lo ngại.
Theo ông Nguyễn Đức Chung, thành phố thuê đơn vị tư vấn Nhật Bản là Nikken Sekkei có nhiều kinh nghiệm, từng nghiên cứu nhiều nhà ga trung tâm kết nối phương tiện công cộng (TOD) ở Nhật Bản và thế giới.
Việc nghiên cứu quy hoạch ga Hà Nội từ năm 2013, trong đó đưa ra hai phương án là ga Hà Nội giữ nguyên và cải tạo hạ tầng xung quanh ga. Khu vực ga sẽ được cải tạo, xây thêm diện tích phục vụ điều hành đường sắt, không đưa người dân vào ở.
Lãnh đạo Hà Nội cho biết, hiện xung quanh ga có 5 dự án triển khai là đường sắt đô thị số 1, đường sắt đô thị số 3, cải tạo hồ Linh Quang, dự án kéo dài đường Trần Quý Cáp, cải tạo hồ Văn Chương. Các dự án này đang thực hiện rời rạc nên thành phố yêu cầu Sở Quy hoạch nghiên cứu tích hợp vào nhau cho đồng bộ, từ đó có ý tưởng đồ án quy hoạch ga Hà Nội và vùng phụ cận.
Ông Chung cho biết, khu vực lân cận ga Hà Nội đang giới hạn chiều cao tối đa 18 tầng, khu Văn Chương tối đa 24 tầng. Tuy nhiên, thăm dò ý kiến có tới 80% người dân khu vực này muốn tái định cư tại chỗ nên tư vấn Nhật Bản đề xuất nâng cao tầng để phục vụ người dân tái đinh cư. Cùng với đó, phương án của tư vấn Nhật Bản là tạo khu đô thị đồng bộ, kết hợp phát triển giao thông đô thị, nâng diện tích giao thông khu vực này từ 8,5% lên 23%...
Theo Chủ tịch thành phố Hà Nội, hiện đồ án quy hoạch được lấy ý kiến các ban ngành, sau đó sẽ công bố, lấy ý kiến của người dân, dự kiến trưng bày tại phố đi bộ và sảnh ga Hà Nội.
Hơn 32.000 trẻ chưa được tiêm vaccine phòng bệnh sởi
Số trẻ chưa tiêm phòng sởi sau 5 năm tại Hà Nội là 32.634 trẻ. Trong thời gian tới, sẽ tổ chức tiêm chủng 1 tuần/1 lần để tăng khả năng tiếp cận của trẻ với vaccine.
Từ tháng 10, TP Hà Nội ghi nhận nhiều trường hợp bệnh nhân mắc bệnh sởi mới. Số ca bệnh tăng nhanh trong 2 tháng gần đây, trung bình mỗi tuần ghi nhận thêm 4 ca bệnh dương tính với dịch sởi. Thực tế này cho thấy nhiều nguy cơ bùng phát dịch sởi khi mùa Đông Xuân đang đến gần.
Cục Y tế dự phòng - Bộ Y tế cũng cho biết toàn miền Bắc đã ghi nhận gần 100 ca mắc bệnh sởi, tập trung chủ yếu tại Hà Nội, Hải Dương, Nghệ An... Dịch sởi thường bùng phát mạnh vào mùa Đông Xuân nhưng xuất hiện sớm trong tháng 11 cũng khiến các cơ quan y tế lo ngại.
PGS.TS Trần Đắc Phu - Cục trưởng Cục Y tế dự phòng - cho biết những năm gần đây, cơ quan y tế đã mạnh tay giải quyết vấn đề bệnh sởi khi tổ chức chiến dịch tiêm cho 23 triệu trẻ em từ 1 - 14 tuổi nên không còn xuất hiện các ổ dịch mạnh, số ca mắc bệnh lâm sàng cũng thấp hơn các năm trước. Tuy nhiên, việc xuất hiện một số ca bệnh ở Hà Nội, Hải Dương có thể là do có bệnh nền như tim bẩm sinh, các bệnh mạn tính khác mà không đi tiêm vaccine.
Tại Hà Nội, hiện cũng đã có những chỉ đạo quyết liệt trong vấn đề phòng chống bệnh sởi, đặc biệt là hoạt động phòng chống dịch và giám sát xử lý ổ dịch.
Hà Nội ngăn bội chi quỹ bảo hiểm y tế
Quỹ bảo hiểm y tế của thành phố Hà Nội đang bị bội chi. Theo tính toán, 9 tháng của năm 2017, quỹ này chi 1.336 tỷ đồng, trong đó có hơn 842 tỷ đồng được chi cho việc thanh toán tiền giường bệnh.
Theo Bảo hiểm xã hội thành phố Hà Nội, có nhiều nguyên nhân gây bội chi quỹ bảo hiểm y tế. Đó là do giá dịch vụ y tế tăng, trong đó có giá giường bệnh tăng cao nên một số cơ sở khám chữa bệnh, bệnh viện chỉ định bệnh nhân điều trị nội trú với nhiều chẩn đoán chỉ cần điều trị ngoại trú để hưởng tiền giường bệnh.
Bên cạnh đó, nhiều bệnh viện tăng chỉ định chụp X - quang, siêu âm, nội soi, thủ thuật châm cứu phục hồi chức năng. Đặc biệt có cơ sở khám chữa bệnh, bệnh viện chỉ định sử dụng thuốc đắt tiền chiếm tỷ lệ cao trong cơ cấu thuốc; chỉ định điều trị nội trú, vật tư y tế, dịch vụ kỹ thuật sai điều kiện so với định mức của Bộ Y tế; chỉ định thuốc, xét nghiệm, chẩn đoán hình ảnh chưa phù hợp với tình trạng bệnh tật...
Bà Trần Thị Nhị Hà, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội thừa nhận, do cơ chế tự chủ tài chính, một số cơ sở khám chữa bệnh trên địa bàn khó khăn đã lợi dụng dịch vụ y tế tăng chỉ định nội trú, sử dụng vật tư y tế sai quy định. Để khắc phục bội chi quỹ bảo hiểm y tế, Sở sẽ làm việc với các cơ sở khám chữa bệnh để cảnh báo những cơ sở lạm chi quỹ.
"Sở Y tế Hà Nội sẵn sàng phối hợp với Bảo hiểm xã hội thành phố Hà Nội xử lý nghiêm, không dung túng cho các cơ sở khám chữa bệnh lạm chi quỹ bảo hiểm y tế" - bà Trần Thị Nhị Hà nhấn mạnh.
Lãnh đạo Bảo hiểm xã hội Hà Nội cho biết, trước tình trạng bội chi quỹ bảo hiểm y tế, cơ quan này sẽ kiến nghị với Chính phủ, các bộ Y tế, Tài chính và UBND thành phố Hà Nội tạm thời không tính tiền lương, phụ cấp ngành y tế trong kết cấu giá giường bệnh.
Thu giữ nhiều điện thoại iphone không rõ nguồn gốc
Cơ quan chức năng kiểm tra, phát hiện 68 chiếc điện thoại di động iphone 6 Plus và 18 chiếc iphone 6 không rõ nguồn gốc được bày bán tại cừa hàng trên phố Tân Mai, Q. Hoàng Mai.
Ngày 18/11, Đội quản lý thị trường số 1, thuộc Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội cho biết cho biết, đơn vị này vừa phát hiện và thu giữ nhiều chiếc điện thoại di động hiệu iphone không rõ nguồn gốc.
Cụ thể, ngày 17/11, đội Quả lý thị trường số 1, tiến hành kiểm tra của hàng tại ngõ 315 đường Trương Định, phường Tân Mai, quận Hoàng Mai, Hà Nội thì phát hiện số lượng lớn điện thoại iphone đang được giao dịch bán buôn, bán lẻ tại đây.
Tại hiện trường, lực lượng công an thu giữ 68 chiếc điện thoại di động iphone 6 Plus và 18 chiếc iphone 6, tất cả số lượng trên không có đầy đủ giấy tờ chứng minh nguồn gốc rõ ràng.
Qua xác minh, chủ số hàng hóa trên là Phạm Minh Hải, trú tại phường Tân Mai, quận Hoàng Mai, Hà Nội. Hải thừa nhận mua số hàng hóa trên ở các tỉnh biên giới rồi đưa về kho tìm các mối tiêu thụ.
Bà Nguyễn Thị Việt Hằng, Phó đội trưởng Đội quản lý thị trường số 1 cho biết, căn cứ các dấu hiệu vi phạm, cơ quan chức năng sẽ tiến hành tịch thu toàn bộ số điện thoại di động trên, và kiến nghị UBND TP. Hà Nội ra quyết định xử phạt, do trị giá hàng lớn.
Hà Nội thất thu trên 6.000 tỷ đồng từ các dự án bất động sản
Vừa qua, Thanh tra Chính phủ (TTCP) công bố kết luận thanh tra về quản lý đầu tư xây dựng một số Dự án phát triển nhà ở, khu đô thị và quản lý, sử dụng quỹ đất, quỹ nhà để lại từ các dự án đầu tư phát triển khu nhà ở, khu đô thị theo Quyết định 123/2001/QĐ-UB ngày 6/12/2001 của UBND TP Hà Nội giai đoạn 2002-2014. Đáng chú ý, TTCP đã chỉ ra trong giai đoạn này, các dự án BĐS trên khiến ngân sách nhà nước thất thu khoảng trên 6.000 tỷ đồng.
Theo TTCP, hầu hết các dự án ở giai đoạn này, liên ngành Hà Nội đã trình UBND thành phố khi xác định giá tiền sử dụng đất theo phương pháp thặng dư. Trong đó, tổng chi phí phát triển dự án đã đưa vào một số khoản chi không đúng quy định của pháp luật như chi phí dự phòng, thuế VAT, chi phí giải phóng mặt bằng… để giảm trừ, dẫn đến chủ đầu tư được hưởng lợi về kinh tế, trong khi ngân sách nước bị thất ước khoảng trên 6.000 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, một số dự án được giao đất trong thời gian dài, nhưng sở, ngành không tham mưu trình UBND TP phê duyệt giá thu tiền sử dụng đất, tuy nhiên vẫn đầu tư xây dựng, kinh doanh và bán căn hộ cho khách. Điển hình như lô đất CT 2 thuộc dự án khu đô thị mới Kim Văn – Kim Lũ do Công ty Vinaconex 2 làm chủ đầu tư, số tiền sử dụng đất tạm tính hơn 733 tỷ đồng.
Cũng theo TTCP, tại các Quyết định số 123 năm 2001, 76 năm 2004, 87 năm 2004 của UBND TP Hà Nội, chủ đầu tư các dự án khu nhà ở, khu đô thị phải thực hiện nghĩa vụ nộp 20% quỹ đất ở hoặc 30% quỹ nhà ở để bổ sung vào quỹ nhà ở của TP.
Tuy nhiên, quá trình thực hiện, phần lớn các dự án được TP cho phép cơ chế nộp tiền. Có trường hợp thành phố còn bỏ tiền ra mua lại số căn hộ thuộc 30% quỹ nhà mà chủ đầu tư phải có nghĩa vụ trích nộp cho thành phố.
Việc quản lý và sử dụng quỹ nhà ở, quỹ đất ở thu được từ các dự án đã biểu hiện sự buông lỏng quản lý, để xảy ra nhiều sai phạm, bất cập. Có dự án còn lạm dụng chủ trương xây dựng nhà ở xã hội để một số đơn vị đứng tên làm chủ đầu tư hưởng lợi không đúng quy định.
Từ đó, Tổng Thanh tra Chính phủ kiến nghị Thủ tướng giao: Chủ tịch UBND TP. Hà Nội có biện pháp khắc phục, chấn chỉnh vi phạm trong công tác đầu tư xây dựng và quản lý sử dụng đất; rà soát, kiểm tra lại các dự án chủ đầu tư vi phạm quy hoạch sử dụng đất và quy hoạch xây dựng; có biện pháp khắc phục, xử lý sai phạm theo thẩm quyền…
Việc sai phạm thì đã rõ, các cá nhân, tổ chức liên quan rồi sẽ bị xử lý theo quy định, nhưng số tiền thu hồi về ngân sách nhà nước thì không biết đến bao giờ mới xong. Vậy là, Hà Nội “mất bò mới lo làm chuồng”, nhưng chuồng xây có vững hay lại để mất bò tiếp thì vẫn còn là dấu hỏi lớn.
Vân Nhi (tổng hợp)
Trong tiết trời se lạnh đầu đông, nhưng ở trong Trường TH&THCS số 1 Phúc Khánh (Bảo Yên - Lào Cai), không khí ấm áp và rộn ràng đang tràn ngập nơi đây. Những ngày tháng gian khó sau bão số 3 đã ở lại phía sau, nhường chỗ cho niềm vui và nụ cười rạng rỡ của các em học sinh. Bằng sự tận tụy, ân cần của thầy cô, nhà trường đã trở thành mái nhà thứ hai, nơi tràn đầy tình yêu thương và hy vọng.
Cuộc thi trực tuyến tìm hiểu về bảo hiểm tiền gửi (BHTG) 2024 là một hoạt động quan trọng trong việc nâng cao nhận thức của công chúng về chính sách BHTG và hoạt động của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam (BHTGVN), qua đó truyền tải nội dung chính sách BHTG một cách mới mẻ, hấp dẫn và thu hút sự quan tâm của công chúng.