Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 29 tháng 3 năm 2024  
Thứ ba, ngày 23 tháng 2 năm 2021 | 11:38

Hà Tĩnh đã có 8 địa phương ghi nhận bệnh viêm da nổi cục trên trâu, bò

Công tác khoanh vùng dập dịch viêm da nổi cục trên trâu, bò đang được lực lượng chức năng và các hộ chăn nuôi ở Hà Tĩnh khẩn trương triển khai.

Theo báo cáo của Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Tĩnh, bệnh viêm da nổi cục trên đàn trâu, bò đang có diễn biến phức tạp. Đến nay, trên 8 huyện, thị, thành phố của Hà Tĩnh có 600 con trâu, bò bị nhiễm bệnh, 40 con trâu, bò bị chết. Đây là loại dịch bệnh mới nên vẫn chưa có phác đồ điều trị cụ thể, hiệu quả.
 
kkk.jpg
 8 địa phương ở Hà Tĩnh ghi nhận bệnh viêm da nổi cục trên trâu, bò.
 
Can Lộc là địa phương thứ 8 của tỉnh ghi nhận ổ dịch viêm da nổi cục trên trâu, bò tại thôn Bắc Tân Dân, xã Tùng Lộc. Sau khi nắm bắt được tình hình, UBND huyện đã chỉ đạo ngành chuyên môn và chính quyền địa phương sớm vào cuộc, hướng dẫn đầy đủ cho người dân các thông tin của dịch bệnh mới này. Theo đó, huyện đã cắm biển cảnh báo, đồng thời cấm đưa gia súc ra, vào vùng dịch; cấp hoá chất và tiến hành phun diệt ruồi, muỗi, mòng; rắc vôi bột xung quanh chuồng trại và các lối đi tại vùng có dịch...
 
Ông Nguyễn Chỉ Dần, thôn Bắc Tân Dân, xã Tùng Lộc (Can Lộc) cho biết: “Khi có kết quả xét nghiệm dương tính với dịch, gia đình đã thực hiện ngay việc tổng vệ sinh khu chăn nuôi, phun hoá chất theo hướng dẫn, tập trung chăm sóc để bò có thêm sức đề kháng, hạn chế lây lan cho các hộ khác”.
 
Thời điểm này, huyện Cẩm Xuyên là một trong những địa bàn “nóng” của tỉnh về dịch bệnh viêm da nổi cục. Các ổ dịch đang lây lan trên quy mô rộng hơn, số lượng trâu bò nhiễm bệnh tăng liên tục.
 
Đến nay, dịch đã xuất hiện tại 10 xã, thị trấn gồm: Cẩm Mỹ, Cẩm Hưng, Cẩm Thịnh, thị trấn Cẩm Xuyên, Yên Hòa, Cẩm Lộc, Cẩm Vịnh, Nam Phúc Thăng, Cẩm Duệ, Cẩm Quan. Tổng số trâu bò bị bệnh đến thời điểm này là 146 con (chủ yếu là bò), trong đó, có 8 con bị chết buộc phải tiêu hủy.
 
Ông Trần Hùng - Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh cho biết: “Trong thời gian qua, ngành chuyên môn và các địa phương đã chủ động, tập trung nhiều giải pháp hạn chế lây lan, khoanh vùng dịch bệnh. Tuy nhiên, nguy cơ dịch tiếp tục xâm nhiễm diện rộng trong thời gian tới vẫn rất cao do mầm bệnh đã bị phát tán ở nhiều địa phương. Hơn nữa, thời tiết đang chuyển dần sang trạng thái nóng, ẩm của mùa xuân, các động vật trung gian truyền bệnh có điều kiện sinh sôi, phát triển nhanh hơn".
 
bb.jpg
Việc phun tiêu độc khử trùng được các địa phương tiến hành khẩn trương
 
Ngành chuyên môn khuyến cáo các địa phương thực hiện nghiêm theo công văn hướng dẫn của UBND tỉnh; tiếp tục chủ động rà soát, nắm số lượng tổng đàn trâu, bò để quản lý, giám sát; nhận đủ hoá chất, thực hiện đợt tổng vệ sinh tiêu độc khử trùng môi trường chăn nuôi, diệt vật trung gian truyền bệnh trên quy mô lớn; cách ly tốt đàn trâu, bò bị nhiễm bệnh; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm trong giết mổ, buôn bán gia súc, gia cầm…”.
 
“Qua gần 1 tháng theo dõi, gần 5.000 con trâu, bò được tiêm vắc - xin phòng chống dịch viêm da nổi cục tại Thạch Hà, Lộc Hà, trang trại bò sữa Vinamilk ở Hương Sơn sức khỏe tốt, phát triển ổn định. Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh đang làm việc với các cơ quan chuyên môn của Cục Thú y (Bộ NN&PTNT) đánh giá hiệu quả sử dụng vắc - xin trên đàn gia súc đã được tiêm thử nghiệm nhằm lấy căn cứ, tham mưu công tác tiêm phòng, bao vây khống chế dịch trong thời gian tới” - ông Hùng thông tin thêm.
 
h1.jpg

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Ngọc Sơn kiểm tra, chỉ đạo công tác phòng chống dịch bệnh viêm da nổi cục trên đàn trâu, bò tại xã Cẩm Mỹ (Cẩm Xuyên).

 

Kiểm tra công tác phòng chống dịch bệnh viêm da nổi cục trên trâu, bò, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh Đặng Ngọc Sơn yêu cầu thực hiện khẩn cấp các biện pháp để xử lý, không để dịch lây lan ra diện rộng.
 
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Ngọc Sơn đề nghị cơ quan chuyên môn, ngành nông nghiệp và các địa phương không trông chờ vào nguồn vắc-xin mà cần chủ động rà soát lại từng địa bàn, có giải pháp khả thi khống chế, hạn chế lây lan dịch bệnh, từ đó rút kinh nghệm cho địa phương khác.
 
Thực hiện khẩn cấp các biện pháp đồng bộ để xử lý, bao vây, khống chế, dập các ổ dịch, không để lây lan ra diện rộng; hướng dẫn người chăn nuôi thường xuyên áp dụng nghiêm ngặt các biện pháp an toàn sinh học trong chăn nuôi; vệ sinh, tiêu độc chuồng trại, khu vực chăn nuôi… bằng vôi bột, hóa chất để tiêu diệt các mầm bệnh.
 
 
 
 
Trà Giang
Ý kiến bạn đọc
Top