Tỉnh Hà Tĩnh đang đẩy mạnh việc tuyên truyền, vận động người về từ vùng dịch tự nguyện cách ly y tế để ngăn dịch lây lan ra cộng đồng.
Tổng hợp từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, tính từ ngày 11/10 đến nay, Hà Tĩnh ghi nhận 118 ca bệnh Covid-19 từ các tỉnh, thành miền Nam về, trong đó có 44 ca chưa tiêm vắc-xin (chiếm gần 37,3%), 12 ca tiêm 1 mũi vắc-xin phòng Covid-19 (chiếm 10,16%) và 62 ca đã tiêm đủ 2 mũi vắc-xin phòngCovid-19 (chiếm trên 52,5%).
Thông tin từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Tĩnh cho biết: “Thực tế cho thấy, những người tiêm đủ mũi vắc-xin sẽ giảm được mức độ nguy hiểm và giảm nguy cơ tử vong khi nhiễm bệnh. Tuy nhiên, những người tiêm đủ mũi vắc-xin vẫn có thể bị nhiễm virus SARS-CoV-2 và lây lan cho người khác nếu quá trình cách ly, theo dõi không thực hiện đảm bảo".
Thực tế cho thấy đã có nhiều trường hợp trở về từ các tỉnh, thành phía Nam bị nhiễm Covid-19 và sau đó lây lan cho người khác. Như vào tháng 8/2021, tại xã Tùng Lộc (Can Lộc), phát hiện một số ca bệnh là công dân trở về từ các tỉnh, thành miền Nam sau khi hết thời gian cách ly tập trung, theo dõi sức khỏe tại nhà đã dương tính với Covid-19 và lây lan dịch cho nhiều người khác. Thời điểm đó, Ban chỉ đạo Phòng, chống dịch bệnh huyện Can Lộc phải triển khai cấp bách việc thiết lập vùng cách ly y tế trên phạm vi toàn xã Tùng Lộc để ngăn chặn sự lây lan của dịch, bệnh COVID-19.
Thời gian gần đây có trường hợp M.T.H (trú tại thôn Bắc Hà, xã Kỳ Hà) đã được tiêm 2 mũi vắc-xin, đi từ TP. Hồ Chí Minh về, được hướng dẫn về theo dõi sức khỏe tại nhà. Ngày 10/11, M.T.H và em họ ở cùng nhà là M.T.K.V có kết quả xét nghiệm khẳng định dương tính với virus SARS-CoV-2. TX Kỳ Anh đã phong toả 2 cụm dân cư với 48 hộ, 175 nhân khẩu của thôn Bắc Hà để lấy mẫu xét nghiệm sàng lọc.
Trên địa bàn huyện Thạch Hà tính từ ngày 20/10 đến nay, toàn huyện ghi nhận 9 ca F0 đi về từ vùng dịch, trong đó có 5 người được tiêm 2 mũi vắc-xin, 1 người được tiêm 1 mũi và 3 người chưa được tiêm vắc-xin. Trước nguy cơ tiềm ẩn từ những người đến/về từ các vùng dịch, Thạch Hà đã, đang chỉ đạo các địa phương rà soát, giám sát chặt chẽ người về trên địa bàn, nhất là từ các tỉnh, thành phía Nam.
Thống kê từ 20/10 đến nay, toàn huyện có trên 600 người trở về từ vùng có nguy cơ dịch cấp 3 và 4. Theo ông Võ Văn Dũng, Trưởng phòng Y tế huyện Thạch Hà, để kịp thời ngăn chặn nguy cơ dịch, toàn bộ người đi từ ngoại tỉnh trở về trên địa bàn đều phải thực hiện khai báo y tế đầy đủ. Đặc biệt, những người trở về từ các vùng nguy cơ dịch cấp độ 3 hoặc 4 và từ các tỉnh, thành phía Nam, chính quyền địa phương, lực lượng y tế, các tổ giám sát và tuyên truyền phòng, chống dịch bệnh COVID-19 đều tổ chức tuyên truyền, vận động để họ tự nguyện cách ly y tế tại nhà. Điều đáng mừng là thời gian vừa qua, gần như 100% người dân khi trở về từ các tỉnh, thành phía Nam đều đồng thuận tự giác cách ly.
Còn tại huyện Hương Khê, nhờ thực hiện tốt công tác tuyên truyền, vận động nên gần như tất cả người trở về từ các tỉnh, thành phía Nam đều tự nguyện cách ly y tế tại nhà.
Trước nguy cơ dịch luôn tiềm ẩn từ những người trở về từ vùng dịch, nhất là các tỉnh, thành phía Nam, điều đó đòi hỏi các địa phương và chính mỗi người dân cần có ý thức tự giác trong việc cách ly, theo dõi sức khỏe, tuân thủ các quy định phòng, chống dịch cho dù đã được tiêm phòng đầy đủ.
Từ năm 2010, Liên Hợp quốc đã công nhận Việt Nam là một trong những nước đi đầu trong hiện thực hóa các Mục tiêu Thiên niên kỷ, hoàn thành trước thời hạn gần 10 năm 3 mục tiêu (xóa bỏ tình trạng nghèo cùng cực, phổ cập giáo dục tiểu học, tăng cường bình đẳng giới và vị thế cho phụ nữ) và có nhiều tiến bộ, đạt tiệm cận 5 mục tiêu còn lại.
Trong 5 ngày, từ 7/9 đến 12/9, “quái” bão YAGI (bão số 3) với sức gió cấp 12 -13, giật cấp 14 -15 -16 đã đổ bộ vào Quảng Ninh, Hải Phòng, Hà Nội,… và sau đó, hoàn lưu của nó gây mưa lớn liên tục trên toàn miền Bắc đã gây những tổn thất vô cùng to lớn về người và thiệt hại rất nặng nề về tài sản của Nhà nước, doanh nghiệp, người dân.
Xuất khẩu nông sản của ta hiện trong TOP 10 -15 thế giới. Nông sản Việt có mặt tại khoảng 200 quốc gia và vùng lãnh thổ, kim ngạch tăng mạnh trong 15 năm qua: năm 2009 mới chỉ gần 16,5 tỷ USD thì năm 2014, kim ngạch đạt 31 tỷ USD, năm 2019 đạt 41,3 tỷ USD, năm 2023 đạt trên 53 tỷ USD, đến hết tháng 7 năm 2024, kim ngạch xuất khẩu nông - lâm - thủy sản đạt 34,27 tỷ USD, phấn đấu đạt 57 -58 tỷ USD cả năm.