Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024  
Thứ bảy, ngày 26 tháng 12 năm 2015 | 3:37

Hà Tĩnh: Thị xã Kỳ Anh triển khai tháo dỡ chợ huyện cũ đúng kế hoạch, đảm bảo an toàn

Sáng 26/12, UBND thị xã Kỳ Anh (Hà Tĩnh) tiến hành tháo dỡ các hạng mục tại chợ huyện Kỳ Anh (cũ).

Tiểu thương tại chợ huyện cũ hợp tác tháo dỡ chợ

Trước đó, UBND thị xã Kỳ Anh đã ra các thông báo về việc chấm dứt hoạt động giao thương, buôn bán tại chợ huyện Kỳ Anh (cũ), yêu cầu bà con tiểu thương di dời hàng hóa, tài sản ra khỏi chợ trước ngày 24/12 để lực lượng liên quan triển khai công tác tháo dỡ.

Nhờ chuẩn bị chu đáo các phương án nên ngay từ 6 giờ sáng 26/12, các lực lượng đã thực hiện việc tháo dỡ theo đúng kế hoạch, đảm bảo an toàn tuyệt đối về người và tài sản.

Theo quan sát của phóng viên, đa phần các hộ tiểu thương ở chợ huyện Kỳ Anh (cũ) đã chấp hành việc di dời tài sản ra khỏi chợ trong những ngày trước đây. Tuy nhiên, quá trình tháo dỡ vẫn có một bộ phận nhỏ tiểu thương chống đối, cản trở.

Song, nhờ được tuyên truyền, vận động nên các hộ dân đã chấp hành việc tháo dỡ một cách nghiêm túc.

Trao đổi với phóng viên Báo Kinh tế nông thôn tại hiện trường tháo dỡ chợ huyện cũ, ông Nguyễn Quốc Hà, Chủ tịch UBND thị xã Kỳ Anh, cho biết: Trong thời gian người dân bức xúc và phản ánh, lãnh đạo thị xã dù ngày thường hay bận nhiều việc vẫn cử người ra gặp dân, lắng nghe ý kiến của dân. So với cách đây 5 hay 10 năm, bộ mặt Kỳ Anh nay đã khác trước rất nhiều, người dân các xã Kỳ Long, Kỳ Lợi... đã nhường lại đất đai, nhà cửa thì kinh tế - xã hội địa phương mới phát triển như hiện tại. Lãnh đạo thị xã rất chia sẻ với hoàn cảnh của người dân. Thời gian tới, đường sá ở chợ mới sẽ được mở thêm, sẽ có các chính sách hỗ trợ tiểu thương khi về nơi mới.

 “Xã hội hóa trong đầu tư dự án là ưu tiên các doanh nghiệp, hợp tác xã đầu tư. Bà con nói đúng ở chỗ, năm 2009 quy hoạch chợ phía Nam là để thay thế chợ xép. Tuy nhiên, trong khi triển khai lại phải gắn với sự phát triển bùng nổ của Khu kinh tế Vũng Áng, nhu cầu mua bán ngày càng đông đúc... nên việc xây dựng chợ mới hiện nay là hợp lý”, ông Hà nói. 

Ngoài ra, cũng không thể giữ cả hai chợ như bà con yêu cầu, vì hiện tại huyện Kỳ Anh mới đã có quy hoạch xây dựng chợ ở xã Kỳ Đồng, người dân lân cận sẽ đi chợ này. Nếu giữ lại thì sẽ ảnh hưởng tới cả 3 chợ. Một trong những vấn đề bà con quan tâm là giá ki ốt nơi mới sẽ cao. Về việc này, ông  Hà cho biết, khung giá, thuế, lệ phí sẽ theo sự quản lý của nhà nước; tiểu thương sẽ được nhà nước đảm bảo quyền lợi.

"Đây không phải là di dời chợ, mà là chợ cũ không đảm bảo an toàn nên bắt buộc phải đóng cửa. Trước đây chưa thực hiện vì chưa có chỗ mới nên phải duy trì. Không ai có quyền ép buộc bà con vào chợ mới, cũng không ai có quyền ép buộc bà con không được vào chợ", ông Hà nói.

Tiểu thương tại chợ huyện cũ hợp tác tháo dỡ chợ.

Về đảm bảo quyền lợi cho bà con tiểu thương, trao đổi với phóng viên, bà Bạch Thị Hường, Giám đốc Công ty TNHH XNK Châu Tuấn (chủ đầu tư chợ Kỳ Anh), cho biết: “Chúng tôi đã thông báo tới các hộ tiểu thương có nhu cầu thuê ki ốt kinh doanh tại chợ trực tiếp làm thủ tục đăng ký và nộp tiền cọc trong thời gian từ 20/8 đến 10/9/2015 để công ty sắp xếp, bố trí gian hàng hợp lý và có chính sách hỗ trợ thỏa đáng. Riêng đối với hộ tiểu thương đăng ký và nộp tiền cọc sẽ được hỗ trợ giảm 5% giá trị tiền thuê, miễn tiền thuê mặt bằng, ki ốt 12 tháng đầu tính từ ngày 30/8/2015. Ba tháng đầu không thu tiền điện, tiền nước đối với các tiểu thương chuyển từ chợ huyện cũ và chợ xép, có hợp đồng thuê mặt bằng, ki ốt thời hạn 10 năm trở lên; ưu tiên các tiểu thương chợ huyện Kỳ Anh cũ và chợ xép. Bên cạnh đó, các gia đình chính sách muốn đăng ký ki ốt tại chợ mới được bốc thăm chọn đợt đầu. Công ty cũng đã hợp tác và kêu gọi được 2 tổ chức tín dụng đồng ý cho các hộ tiểu thương có nhu cầu vay vốn với mức vay lên đến 70% giá trị hợp đồng, thế chấp bằng chính ki ốt đó mà không phải dùng tài sản ngoài để thế chấp.

“Hiện đã có gần 1.000 hộ đăng ký quầy ki ốt, trong đó có 250 hộ tiểu thương tại chợ huyện cũ, 400 hộ tại chợ xép", bà Hường cho biết thêm, đồng thời khẳng định không có chuyện người ngoài đăng ký nhiều ki ốt rồi chuyển nhượng lại với giá cao.

 "Chúng tôi sẽ niêm yết giá và có cuộc trao đổi trực tiếp với các tiểu thương của hai chợ. Ngoài ra, chủ đầu tư chợ Kỳ Anh mới sẽ có thông báo thu những loại phí nào sau khi các tiểu thương sinh hoạt buôn bán tại chợ như: tiền giử xe, tiền vệ sinh môi trường, tiền điện nước, phí bảo vệ...”, bà Hường nói.

Văn Huân – Xuân Hòa

 

KTNT
Ý kiến bạn đọc
  • Hào hứng xem đua vỏ lãi ở cửa biển Sông Đốc

    Hào hứng xem đua vỏ lãi ở cửa biển Sông Đốc

    Hàng ngàn người đổ về thị trấn Sông Đốc (Trần Văn Thời - Cà Mau) để xem cuộc đua vỏ lãi kỳ thú. Thị trấn ven biển này cũng là nơi 70 năm trước diễn ra sự kiện tập kết ra Bắc lịch sử.

  • Dòng chảy tri thức - Hành trình tri thức không thể thiếu vắng hình bóng “Người lái đò”

    Dòng chảy tri thức - Hành trình tri thức không thể thiếu vắng hình bóng “Người lái đò”

    Hòa cùng không khí cả nước, chào mừng 42 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11/1982 - 20/11/2024, tri ân sự đóng góp, hy sinh của thầy, cô giáo - những “Người lái đò” thầm lặng, đưa nhiều thế hệ học trò đến với bến bờ tri thức.

  • Thắp sáng ước mơ cho các em học sinh Làng Nủ

    Thắp sáng ước mơ cho các em học sinh Làng Nủ

    Trong tiết trời se lạnh đầu đông, nhưng ở trong Trường TH&THCS số 1 Phúc Khánh (Bảo Yên - Lào Cai), không khí ấm áp và rộn ràng đang tràn ngập nơi đây. Những ngày tháng gian khó sau bão số 3 đã ở lại phía sau, nhường chỗ cho niềm vui và nụ cười rạng rỡ của các em học sinh. Bằng sự tận tụy, ân cần của thầy cô, nhà trường đã trở thành mái nhà thứ hai, nơi tràn đầy tình yêu thương và hy vọng.

Top