Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ bảy, ngày 23 tháng 11 năm 2024  
Thứ tư, ngày 18 tháng 4 năm 2018 | 21:35

Hải Dương: Chính quyền xã “ép” tiểu thương vào chợ mới?

Hàng trăm tiểu thương đang kinh doanh ổn định tại chợ Giống cũ ở xã Cổ Dũng, huyện Kim Thành (Hải Dương) còn thời hạn thuê kiốt đến năm 2020 thì chính quyền bất ngờ xây chợ mới, “ép dân” ra đó và thu phí “trên trời”?

 UBND xã Cổ Dũng yêu cầu tiểu thương chuyển sang chợ mới khi chưa hết hạn hợp đồng.
 

Theo phản ánh của các tiểu thương, cuối năm 2017, chính quyền xã Cổ Dũng  triển khai dự án xây dựng khu chợ Giống mới. Việc triển khai xây dựng này người dân không được trực tiếp bàn bạc, tham gia đóng góp ý kiến.

“Chúng tôi kinh doanh ổn định tại chợ cũ hàng chục năm nay với mức phí từ 2-4 triệu đồng/năm. Chuyển sang chợ mới, chưa biết hiệu quả kinh doanh thế nào, chỉ thấy phí tăng lên gấp 2-3 lần. Dù đã nhiều lần thắc mắc, yêu cầu được giải trình về dự án, nhưng chúng tôi vẫn không nhận được một lời nào từ chính quyền xã và huyện” - một tiểu thương lên tiếng.

Bà N.T.O (một tiểu thương tại chợ Giống ) bức xúc cho biết: “Diện tích kiốt tại chợ mới nhỏ, không phù hợp nhu cầu kinh doanh buôn bán. Trong khi đó, thời hạn hợp đồng thuê kiốt ở chợ cũ của chúng tôi vẫn còn hiệu lực đến 31/12/2020, nhưng UBND xã lại yêu cầu chúng tôi phải chuyển sang chợ mới. Chúng tôi không đồng ý với điều này”.

 

 Mặc dù chợ mới chưa hoàn thiện nhưng đang bị các tiểu thương phản đối khi biết tin họ phải di dời vào đây.
 

Ông V.Đ.Q (một tiểu thương tại chợ Giống) hoang mang cho biết: “Không hiểu sao các tiểu thương phản đối việc chính quyền xã yêu cầu di dời sang chợ mới đều bị kẻ xấu hắt phân vào nhà và nhắn tin đe dọa”.

Trao đổi với PV, ông Nguyễn Danh Mậu, Chủ tịch UBND xã Cổ Dũng cho biết, việc  tiểu thương không đồng thuận di dời sang chợ mới là do thời hạn hợp đồng thuê kiốt tại chợ cũ vẫn còn thời hạn đến năm 2020. Chúng tôi đang tính việc thanh lý hợp đồng trước thời hạn và phương án hỗ trợ tiểu thương 1 phần kinh phí thuê kiốt tại chợ mới.

Ông Mậu cho biết thêm, khu chợ Giống cũ được xây dựng từ năm 2005, không có hệ thống đảm bảo phòng cháy chữa cháy, không có bãi để xe, điện nước vệ sinh không đảm bảo, sau nhiều năm hoạt động cũng đã xuống cấp, chật chội. Tại hội nghị tiếp xúc cử tri, có nhiều ý kiến đề nghị địa phương bố trí xây dựng chợ mới để đáp ứng nhu cầu của người dân.

 

 Hàng trăm tiểu thương bức xúc vì "bất ngờ" bị UBND xã Cổ Dũng yêu cầu chuyển sang chợ mới?.
 

Đầu năm 2017, UBND xã đã xin ý kiến của các chi bộ, tổ chức xin ý kiến người dân về chủ trương quy hoạch chợ mới ra khu Đồng Hóp với diện tích 13.800m2, được sự đồng thuận nhất trí và phê duyệt của huyện nên mới kêu gọi nhà đầu tư chứ không phải tự ý cho xây dựng.

PV đề nghị được tiếp cận các giấy tờ liên quan đến quyết định phê duyệt dự án của UBND huyện Kim Thành, ông Mậu lấy lý do phòng chuyên môn đang giữ, hiện không có mặt tại cơ quan.

Báo Kinh tế nông thôn sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc.

 

 

 

Mạnh Thắng
Ý kiến bạn đọc
  • Phú Yên trưng bày nhiều hiện vật từ những chuyến Tàu Không số

    Phú Yên trưng bày nhiều hiện vật từ những chuyến Tàu Không số

    Tối 22/11, tại Bảo tàng tỉnh Phú Yên, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh tổ chức khai mạc trưng bày chuyên đề “Bến Vũng Rô và hoạt động tiếp nhận chi viện từ những chuyến Tàu Không số”. Hoạt động nhằm hướng đến kỷ niệm 60 năm Bến Vũng Rô tiếp nhận chuyến hàng đầu tiên của Tàu Không số (28/11/1964 – 28/11/2024).

  • Kỷ niệm 555 năm danh xưng Duy Tiên

    Kỷ niệm 555 năm danh xưng Duy Tiên

    Sáng 22/11, Thị ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ thị xã Duy Tiên long trọng tổ chức Kỷ niệm 555 năm danh xưng Duy Tiên (1469 - 2024) và 95 năm thành lập Chi bộ Đông Dương Cộng sản Đảng Duy Tiên (11/1929 - 11/2024).

  • Hào hứng xem đua vỏ lãi ở cửa biển Sông Đốc

    Hào hứng xem đua vỏ lãi ở cửa biển Sông Đốc

    Hàng ngàn người đổ về thị trấn Sông Đốc (Trần Văn Thời - Cà Mau) để xem cuộc đua vỏ lãi kỳ thú. Thị trấn ven biển này cũng là nơi 70 năm trước diễn ra sự kiện tập kết ra Bắc lịch sử.

Top