Hàng trăm chung cư ở TP. HCM chưa bảo đảm an toàn về phòng cháy chữa cháy khiến hàng vạn người sinh sống bên trong đang ngày đêm lo sợ gặp họa bất cứ lúc nào.
8 chung cư ở TP. HCM dân ở nhiều năm vẫn chưa nghiệm thu phòng cháy chữa cháy
Công an TP. HCM đã báo cáo với UBND TP.HCM về 8 chung cư, tòa nhà đang hoạt động nhưng đến nay chưa đủ điều kiện nghiệm thu phòng cháy chữa cháy (PCCC).
Những chung cư mới được nêu danh lần đầu trong danh sách các chung cư chưa nghiệm thu PCCC là chung cư Đại Thành (phường Phú Trung, quận Tân Phú), tòa nhà La Bonita (phường 25, quận Bình Thạnh), chung cư Khang Gia (quận Gò Vấp).
Các chung cư này đều đã được đưa vào sử dụng cách đây nhiều năm nhưng đến nay vẫn chưa được nghiệm thu và đã từng nhiều lần bị xử phạt vi phạm hành chính liên quan đến PCCC.
Trong đó, chủ đầu tư chung cư Đại Thành bị UBND TP.HCM xử phạt 80 triệu đồng vì chưa nghiệm thu PCCC đã đưa người vào ở, một lần bị phạt 7 triệu đồng.
Tòa nhà La Bonita còn nhiều hạng mục PCCC chưa được hoàn thiện như cầu thang bộ không bảo đảm ngăn khói, hệ thống tăng áp không hoạt động, số lượng cầu thang bộ khối văn phòng không đủ theo thiết kế được duyệt… Chủ đầu tư tòa nhà, Công ty TNHH bất động sản Nam Thị, đã bị Cục Cảnh sát PCCC và cứu nạn cứu hộ xử phạt 80 triệu đồng.
Chung cư Khang Gia Gò Vấp cũng có một khối chưa được nghiệm thu PCCC và chủ đầu tư cũng bị phạt vì những vi phạm trong quá trình sử dụng và xây dựng như trang thiết bị phòng cháy không bảo đảm như: xây bít lối thoát nạn, giải pháp ngăn cháy không bảo đảm… Năm 2018, block B của chung cư này cũng đã bị cơ quan quản lý PCCC tạm đình chỉ do sai phạm.
Cùng chủ đầu tư với Khang Gia Gò Vấp là chung cư Khang Gia Chánh Hưng (phường, 4 quận 8) cũng được Công an TP báo cáo về việc bị xử phạt vi phạm hành chính về PCCC và đã đưa người vào ở khi chưa nghiệm thu PCCC.
Ngoài ra, 4 tòa nhà, chung cư khác cũng được nêu tên khi đã hoạt động nhiều năm nhưng chưa nghiệm thu PCCC là chung cư Bắc Bình (phường 25, quận Bình Thạnh), chung cư Bảy Hiền Tower (số 9 Phạm Phú Thứ, Tân Bình), chung cư Cao Ốc Xanh (phường Phước Long A, TP Thủ Đức) và cao ốc số 21-23 đường Nguyễn Biểu (quận 5).
Trừ cao ốc số 21-23 đường Nguyễn Biểu, những chung cư, tòa nhà khác đều đã có người dân vào ở trong các tầng căn hộ và kinh doanh tại các kiôt thương mại. Theo thông tin từ Công an TP thì cơ quan quản lý PCCC đã nhiều lần ban hành văn bản hướng dẫn, thúc giục các chủ đầu tư trang bị đầy đủ và hoàn thiện thủ tục để nghiệm thu PCCC, đưa công trình hoạt động an toàn.
Tuy nhiên, chủ đầu tư vắng mặt khi được mời làm việc (chung cư Đại Thành) hoặc người đại diện của các chủ đầu tư bị khởi tố (hai chung cư Khang Gia và tòa nhà La Bonita). Việc này khiến cho việc hoàn thiện hệ thống PCCC của các chung cư càng thêm khó khăn, đe dọa tính mạng hàng ngàn người dân đang sinh sống trong các chung cư, cao ốc này…
Thống kê mới nhất của Sở Xây dựng TP. HCM cho thấy hiện trên địa bàn thành phố có 485 chung cư không bảo đảm an toàn PCCC. Trong đó, lỗi ở các chung cư mới thường gặp là không bảo đảm yêu cầu về lối thoát nạn. Liên quan đến an toàn PCCC, mới đây nhất, UBND TP Thủ Đức tiến hành khảo sát và ghi nhận 8 chung cư có hệ thống PCCC xuống cấp, 9 chung cư không có hệ thống PCCC. Trước thực trạng này, UBND TP Thủ Đức đề nghị công an sớm có biện pháp cải tạo, sửa chữa hệ thống PCCC tại những chung cư đã xuống cấp và xử lý triệt để những chung cư không trang bị PCCC.
Theo luật sư Nguyễn Anh Minh, Đoàn Luật sư TP. HCM, để xảy ra tình trạng trên, nguyên nhân đầu tiên cần kể đến là chế tài xử lý vi phạm trong lĩnh vực PCCC chưa đủ tính răn đe, mức xử phạt quá thấp so với lợi nhuận mà chủ đầu tư được hưởng lợi. Kế đến là xuất phát từ việc phải bàn giao căn hộ đúng cam kết theo hợp đồng và phần khác là do chủ đầu tư tự ý điều chỉnh thiết kế, thi công sai so với thiết kế được duyệt nên chưa đủ điều kiện để được nghiệm thu về PCCC.
"Việc để người dân vào sinh sống trong những chung cư, nhà cao tầng khi chưa nghiệm thu PCCC là vi phạm pháp luật. Vì vậy, cần phải có chế tài mạnh hơn với chủ đầu tư chung cư như đình chỉ hoạt động kinh doanh hoặc xử lý về mặt hình sự. Phải như vậy mới mong tình trạng không an toàn PCCC chấm dứt" - luật sư Minh đề nghị.
Kỹ năng thoát nạn khi xảy ra cháy tại các chung cư, cao ốc
Theo chỉ huy Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH - CATP Hà Nội, việc thoát nạn trong đám cháy ở chung cư, nhà cao tầng không khó khăn nếu mọi người bình tĩnh. Hơn nữa, người thoát nạn phải xác định đám cháy đang ở khu vực tầng nào, hoặc hầm nào thì sẽ không bị hoảng loạn trong khi thoát nạn.
“Thoát nạn là quá trình tự di chuyển có tổ chức của người từ nơi tồn tại các yếu tố nguy hiểm của đám cháy, di dời ra nơi an toàn. Thoát nạn còn là sự di chuyển không tự chủ của nhóm người ít có khả năng vận động do các nhân viên phục vụ hỗ trợ thực hiện. Thoát nạn được thực hiện theo các đường thoát nạn qua các lối ra an toàn. Như vậy, quá trình thoát nạn có thực hiện được hay không?... phụ thuộc bởi những người có mặt tại thời điểm cháy có đủ bình tĩnh để quan sát các hướng dẫn thoát nạn có sẵn trong toà nhà hay không”, Chỉ huy Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH - CATP Hà Nội chia sẻ.
Sở dĩ yêu cầu người thoát nạn phải bình tĩnh bởi khi đám cháy xuất hiện, nhiều mối nguy hiểm đe dọa trực tiếp đối với sức khoẻ và tính mạng con người nó sẽ khác với lúc bình thường khi chưa xảy ra vụ cháy.
Không phải ai cũng đã trực tiếp chứng kiến sự nguy hiểm của đám cháy, cũng như có kinh nghiệm thoát nạn từ đám cháy, tuy nhiên về bản năng phần lớn mọi người đều có phản xạ muốn bảo toàn tính mạng và sức khoẻ khi gặp sự cố cháy, nổ.
Bởi vậy, khi nhận được thông tin về cháy, quá trình thoát nạn của từng người hoặc cả nhóm người sẽ mang tính đồng thời và có hướng chuyển động rõ rệt từ trong ra ngoài. Nếu các lối và đường thoát nạn trong các tòa nhà hẹp, khả năng lưu thông hạn chế sẽ tạo nên mật độ dòng người lớn trên đường thoát nạn và các lối ra.
Trong quá trình thoát nạn, thực tế có mâu thuẫn rằng khi mọi người càng muốn rời khỏi phòng hoặc nhà bị cháy nhanh bao nhiêu, thì thời gian để làm được việc đó cũng càng kéo dài thêm. Mặc dù có thể những người bị nạn ý thức được điều đó, nhưng do tâm lý lo sợ, bất chấp tất cả để chạy nên càng khiến sự ùn tắc tăng lên. Sự chênh lệch về tốc độ chuyển động ở những ngã rẽ, trên cầu thang bộ có thể gây ra hiện tượng xô ngã, kéo đổ dòng người.
Để đảm bảo an toàn khi thoát nạn, lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH - CATP Hà Nội khuyến cáo: “Khi thiết kế nhà cao tầng, "siêu" cao tầng cần đảm bảo thực hiện đúng các yêu cầu, giải pháp về kết cấu, quy hoạch đối với khả năng chịu lửa của tòa nhà, ngăn chặn cháy lan,cháy lối thoát nạn, đường thoát nạn, cầu thang bộ thoát nạn, tầng ngăn cháy, gian lánh theo tiêu chuẩn, quy định.
Yêu cầu phải có tại các tòa nhà cao tầng là các giải pháp hỗ trợ thoát nạn như hệ thống chiếu sáng, thoát khói hành lang, tăng áp buồng thang bộ; thiết kế và lắp đặt các đèn chỉ dẫn thoát nạn, sơ đồ chỉ dẫn thoát nạn trên các đường thoát nạn trong toà nhà.
Chuẩn bị sẵn sàng phương án thoát nạn và các biện pháp tác động tâm lý đối với các cơ sở có tập trung đông người, tổ chức diễn tập định kỳ theo kế hoạch, đặc biệt lưu ý hỗ trợ thoát nạn cho những người yếu thế (người cao tuổi, trẻ nhỏ, phụ nữ mang thai, người bệnh, người khuyết tật).
Trong quá trình hoạt động, vận hành sử dụng, cơ sở phải thực hiện tốt các biện pháp phòng cháy, đảm bảo hạn chế tối đa khả năng xuất hiện cháy, nổ tại cơ sở đối với những gian phòng có nguy hiểm cháy, nổ. Thường xuyên thực hiện công tác tự kiểm tra về an toàn PCCC tại cơ sở và phối hợp với cán bộ kiểm tra về PCCC khi có kế hoạch. Đặc biệt, cần phát hiện và loại bỏ các vật cản trên lối, đường thoát nạn; kiểm tra, bảo dưỡng, sửa chữa và thay thế các thiết bị chiếu sáng gặp sự cố, hệ thống biển báo, biển chỉ dẫn, đèn exit, sơ đồ chỉ dẫn thoát nạn không hoạt động.
Người dân cần tuân thủ theo các hướng dẫn về kỹ năng thoát nạn từ các cơ quan chuyên môn về PCCC&CNCH. Đối với việc sử dụng các phương tiện tự cứu được trang bị trong nhà như thang dây, dây thả chậm qua ban công... thì các phương tiện này phải được kiểm định bởi các cơ quan chức năng, đồng thời việc sử dụng các phương tiện này phải được hướng dẫn từ các cơ quan chuyên môn về PCCC&CNCH. Vội vã sử dụng trong khi chưa được tập huấn, hướng dẫn và kiểm duyệt chất lượng sẽ dẫn đến nguy hiểm tính mạng.
Trong tiết trời se lạnh đầu đông, nhưng ở trong Trường TH&THCS số 1 Phúc Khánh (Bảo Yên - Lào Cai), không khí ấm áp và rộn ràng đang tràn ngập nơi đây. Những ngày tháng gian khó sau bão số 3 đã ở lại phía sau, nhường chỗ cho niềm vui và nụ cười rạng rỡ của các em học sinh. Bằng sự tận tụy, ân cần của thầy cô, nhà trường đã trở thành mái nhà thứ hai, nơi tràn đầy tình yêu thương và hy vọng.
Cuộc thi trực tuyến tìm hiểu về bảo hiểm tiền gửi (BHTG) 2024 là một hoạt động quan trọng trong việc nâng cao nhận thức của công chúng về chính sách BHTG và hoạt động của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam (BHTGVN), qua đó truyền tải nội dung chính sách BHTG một cách mới mẻ, hấp dẫn và thu hút sự quan tâm của công chúng.