Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ bảy, ngày 23 tháng 11 năm 2024  
Thứ năm, ngày 2 tháng 5 năm 2019 | 15:48

Hàng ngàn đàn ong chung “một lối về”

Hàng ngàn đàn ong của hàng chục hộ nông dân vùng trồng cà phê ở hai huyện Đức Trọng, Bảo Lộc (Lâm Đồng) được chọn nuôi chung “một lối về” sản xuất mật ngọt theo chuỗi giá trị sản phẩm với chất lượng đặc trưng trên thị trường cạnh tranh.

tr28t.JPG
Khu du lịch canh nông trải nghiệm quy trình nuôi ong lấy mật trên đường vào thác Pongour Đức Trọng.

 

Đây là mô hình nuôi ong mật liên kết mới trên các vùng chuyên canh cà phê ở Lâm Đồng.

Từ xây dựng thương hiệu mật ong Thái Dương

Giữa tháng 4/2019, phóng viên đến Khu du lịch trải nghiệm nuôi ong mật của Công ty TNHH Mật ong Thái Dương (thôn Phú Bình, xã Phú Hội, huyện Đức Trọng), khi doanh nghiệp vừa được cơ quan chức năng tỉnh Lâm Đồng phê duyệt dự án sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị gắn sản xuất với tiêu thụ, tổng giá trị hơn 2,2 tỷ đồng.

Anh Lê Quốc Thái (sinh 1978), Giám đốc Công ty, là người gốc xứ chè, cà phê Bảo Lộc, đưa phóng viên một vòng ngoạn cảnh và xem từng đàn ong cần mẫn tiết sữa, làm mật, tạo phấn hoa…được lấy từ nguyên liệu chủ lực hoa cà phê trong vùng. Với lối thiết kế hài hòa, lấy hình tượng chú ong chăm chỉ làm điểm nhấn, khu du lịch canh nông Thái Dương với tổng diện tích 2.000m2 khá mới lạ đối với khách tham quan dừng chân trên cung đường nhựa lớn trước khi vào tham quan thác Pongour.

“Sau nhiều lần đưa hàng trăm đàn ong đến vùng cà phê Phú Bình, Phú Hội lấy được sản phẩm mật đặc trưng ngọt thanh, hàm lượng nhiều dược chất, gia đình chọn mua 2.000m2 đất cà phê để chuyển đổi xây dựng thành khu vực nuôi ong sạch kết hợp với đón khách tham quan trải nghiệm miễn phí, giới thiệu, xúc tiến thương mại tại chỗ các sản phẩm chế biến mật ong theo tiêu chuẩn HACCP… “, Giám đốc Lê Quốc Thái chia sẻ.

Theo đó, sau một năm xây dựng hoàn thành và đưa vào hoạt động, khu du lịch canh nông Thái Dương với cảnh lòng hồ trong veo in hình mây trời, hòn non bộ nước tuôn chảy róc rách, chiếc cầu bán nguyệt vắt ngang đôi bờ… đưa khách qua lại giữa không gian hàng trăm đàn ong bay lượn miệt mài đi - về làm mật. Bên trong có khu vực cả trăm mét vuông bố trí máy móc, thiết bị phân loại phấn hoa, sữa ong, chiết rót, lọc mật ong… để du khách trải nghiệm và chọn mua trực tiếp các sản phẩm ưa thích của mình.

Và cũng trong năm qua, Giám đốc Lê Quốc Thái điều hành sản xuất 400 thùng ong “du mục” khắp các vùng chuyên canh cà phê và các loại cây trồng khác ở Di Linh, Bảo Lộc, Đức Trọng, Lâm Hà… tiếp tục đúc kết những quy trình kỹ thuật sản xuất các sản phẩm ong sạch, đạt hiệu quả kinh tế ngày càng cao với 2 mùa rõ rệt là mùa dưỡng nuôi và mùa lấy mật. Mùa dưỡng nuôi kéo dài từ tháng 6 đến tháng 11, chủ yếu thu hoạch sản phẩm sữa ong chúa;  mùa thu hoạch  sản phẩm mật ong, phấn hoa từ tháng 12 năm trước đến tháng 5 năm sau.

Thương hiệu mật ong Thái Dương đã khẳng định chất lượng và giá cả phù hợp trên thị trường trong nước, nhất là tại các điểm du lịch nổi tiếng của Đà Lạt, Bảo Lộc, Đức Trọng, Lâm Hà… Qua hạch toán sơ bộ, năm 2018, sản phẩm mang thương hiệu mật ong Thái Dương tại Đức Trọng, Lâm Đồng đã đạt lợi nhuận khoảng 600 triệu đồng trên quy mô 400 thùng ong.

Đến liên kết nuôi hàng ngàn đàn ong gắn với thị trường

Sau một thời gian đưa đàn ong “du mục” từ Đức Trọng qua Lâm Hà rồi xuống Di Linh, Bảo Lộc…, Thái Dương đã lần lượt kết nối hàng chục nông hộ khác để cùng đưa hàng ngàn đàn ong nuôi làm mật “chung một lối về” phân loại, chế biến theo tiêu chuẩn HACCP trước khi đưa ra thị trường. Đến năm 2016, Công ty TNHH Mật ong Thái Dương thành lập đã  phát triển thành những nhóm nông hộ từng bước tiến hành hợp đồng liên kết nuôi ong mật.

Hạ tuần tháng 3/2019, cơ quan chức năng tỉnh Lâm Đồng đã phê duyệt mô hình liên kết sản xuất, tiêu thụ ổn định, bền vững sản phẩm mật ong giữa Công ty TNHH Mật ong Thái Dương với 40 nông hộ được chọn tiêu biểu trên địa bàn Đức Trọng, Bảo Lộc trong giai đoạn 2019- 2020. Theo đó, trách nhiệm của Thái Dương là cung cấp nguồn giống, quy trình sản xuất mật ong và bao tiêu toàn bộ sản phẩm theo giá thị trường hoặc ấn định giá trước, đảm bảo lợi nhuận mỗi nông hộ đạt 600 triệu đồng/năm/400 thùng nuôi ong. Hộ liên kết chịu trách nhiệm đầu tư nguồn vốn ban đầu mua giống ong, mua sắm trang thiết bị và phân công lao động chăm sóc theo kỹ thuật hướng dẫn của công ty. Dự toán vào thời điểm tháng 4/2019, nguồn vốn đầu tư quy mô nuôi 100 thùng ong của mỗi nông hộ khoảng 150 triệu đồng.

Mục tiêu đến năm 2020, Công ty TNHH Mật ong Thái Dương mở rộng liên kết với tổng số 40 nông hộ ở Đức Trọng, Lâm Hà, Di Linh, Bảo Lộc… cùng sản xuất tập trung 4.048 đàn ong “chung một lối về”, đạt tổng sản lượng mỗi năm khoảng 48 tấn sữa ong chúa, phấn hoa, mật ong…

Với kết quả nuôi ong mật chất lượng đặc trưng gắn với thị trường nhiều tiềm năng, người nuôi ong Lâm Đồng hy vọng Thái Dương sẽ tiếp tục đồng hành, phát huy vai trò năng động của mình trong sản xuất, kinh doanh để đạt và vượt mục tiêu trong giai đoạn trước mắt, qua đó tạo bứt phá mới cho giai đoạn phát triển nghề nuôi ong mật bền vững, lâu dài…

 

 

 

Văn Việt
Ý kiến bạn đọc
  • Phú Yên trưng bày nhiều hiện vật từ những chuyến Tàu Không số

    Phú Yên trưng bày nhiều hiện vật từ những chuyến Tàu Không số

    Tối 22/11, tại Bảo tàng tỉnh Phú Yên, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh tổ chức khai mạc trưng bày chuyên đề “Bến Vũng Rô và hoạt động tiếp nhận chi viện từ những chuyến Tàu Không số”. Hoạt động nhằm hướng đến kỷ niệm 60 năm Bến Vũng Rô tiếp nhận chuyến hàng đầu tiên của Tàu Không số (28/11/1964 – 28/11/2024).

  • Kỷ niệm 555 năm danh xưng Duy Tiên

    Kỷ niệm 555 năm danh xưng Duy Tiên

    Sáng 22/11, Thị ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ thị xã Duy Tiên long trọng tổ chức Kỷ niệm 555 năm danh xưng Duy Tiên (1469 - 2024) và 95 năm thành lập Chi bộ Đông Dương Cộng sản Đảng Duy Tiên (11/1929 - 11/2024).

  • Hào hứng xem đua vỏ lãi ở cửa biển Sông Đốc

    Hào hứng xem đua vỏ lãi ở cửa biển Sông Đốc

    Hàng ngàn người đổ về thị trấn Sông Đốc (Trần Văn Thời - Cà Mau) để xem cuộc đua vỏ lãi kỳ thú. Thị trấn ven biển này cũng là nơi 70 năm trước diễn ra sự kiện tập kết ra Bắc lịch sử.

Top