Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ bảy, ngày 23 tháng 11 năm 2024  
Chủ nhật, ngày 14 tháng 2 năm 2016 | 11:42

Hàng ngàn nông dân Tiền Giang bỏ tết lo cứu lúa

Trong lúc mọi người thong thả du xuân thì từ sáng sớm mùng 1 tết, hàng ngàn nông dân ở các huyện Gò Công Đông, Gò Công Tây và thị xã Gò Công (tỉnh Tiền Giang) phải ra đồng cứu lúa.

Hàng ngàn nông dân Tiền Giang bỏ tết lo cứu lúa
Ông Nguyễn Văn Láng (ấp 3, xã Tân Phước, huyện Gò Công Đông) chuẩn bị bơm nước lên ruộng cứu lúa. Tuy nhiên, nước dưới kênh cũng không còn bao nhiêu - Ảnh: V.TR.

30.000ha lúa đông xuân vùng này đang bị nước mặn bao vây, gần 700ha đã chết trụi. Những ngày này, lãnh đạo từ tỉnh và các huyện, xã cũng xuống địa bàn cùng nông dân cứu lúa.

Xót xa lúa chết

Tại xã Tân Phước, huyện Gò Công Đông, trưa mùng 1 tết trời nắng như thiêu đốt. Hai bên con đường nhỏ dẫn vào ấp 2 và ấp 3 là những thửa ruộng vàng quạch lúa chết khô.

Một vài căn nhà đóng kín cửa. Ông Lê Văn Hưởng (chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang) và ông Nguyễn Thiện Pháp (chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi - phòng chống lụt bão) đứng dưới một đám ruộng khô nứt nẻ. Lúa chừng hơn 30 ngày tuổi đã chết gần hết.

Ông Pháp nhổ một nắm lúa còn xanh xem kỹ: “Lúa này chết do bị nhiễm mặn và phèn. Bây giờ có bơm nước lên cũng không cứu được. Đây là vụ đông xuân, tức là vụ lúa chính trong năm của nông dân. Lúa chết thế này coi như họ mất tết rồi”.

Vợ chồng ông Nguyễn Văn Khanh ở ấp 2 ngồi canh bơm nước từ kênh Tư Bửu vào đám ruộng gần 1ha lúa đã chết loang lổ.

Con kênh rộng chừng 6-7m lúc này đã cạn gần sát đáy, chỉ còn 20cm nước. Một số chiếc ghe nhỏ dùng để đặt máy bơm đang bị mắc cạn không thể kéo đi được.

Nhìn đám ruộng như da beo, ông Khanh thở dài: “Tiền vốn đầu tư từ đầu vụ tới giờ hơn 30 triệu đồng rồi. Thấy lúa còn xanh nên cố gắng canh nước để bơm, hi vọng có lúa để ăn. Lúa cần nước khoảng một tháng nữa nhưng nước dưới kênh cạn kiệt thế này thì rất khó cứu được”.

Gần đó, ông Nguyễn Văn Láng ở ấp 3 hì hục lắp máy bơm. Ông nói mấy bữa trước kênh này không có nước, nay nước về được một ít nên ráng bơm vét. Ông có hai đám ruộng, nhưng đám 1ha ở xa kênh đã chết từ trước tết.

Đám còn lại 0,9ha được 45 ngày tuổi thì đang cạn khô. Nếu không kịp bơm nước lên thì vài bữa nữa lúa cũng thành rơm.

Ông Nguyễn Thế Hùng góp chuyện: “Đám ruộng 2ha của tôi chết sạch không còn một bụi. Năm nay mới xuống giống thì bên ngoài nước mặn, trong kênh chẳng có nước nên cầm cự được một tháng thì buông tay. Nhìn lúa chết tiếc đứt ruột mà chẳng biết làm sao mà cứu”.

Ông Nguyễn Văn Đàng, chủ tịch UBND xã Tân Phước, cho biết toàn xã có 1.076ha xuống giống vụ đông xuân, nhưng đến thời điểm này đã có gần 250ha lúa bị chết do nhiễm mặn và phèn.

Hiện nước trên các tuyến kênh lại khan hiếm nên diện tích lúa chết trong thời gian tới dự báo sẽ còn tăng. Mặc dù đang là tết nhưng những hộ nào chưa bị thiệt hại hoặc thiệt hại ít đều ra đồng canh bơm nước cứu lúa hết. Họ không có tâm trí nào mà ở nhà ăn tết.

Theo báo cáo nhanh của UBND huyện Gò Công Đông, hiện có gần 700ha lúa đông xuân của 1.000 hộ nông dân bị chết. Nặng nhất là hai xã Tân Phước và Tân Thành với hơn 520ha của hơn 800 hộ.

Các xã khác trong huyện như Kiểng Phước, Tân Điền, Phước Trung, Tân Đông, Bình Nghị, Bình Ân cũng đã ghi nhận tình trạng lúa chết do khô hạn và nhiễm mặn.

Theo ông Nguyễn Thiện Pháp, ở thị xã Gò Công và huyện Gò Công Tây đã có hơn 10ha lúa bị chết. Ngành nông nghiệp tính toán lúa ở vùng ngọt hóa Gò Công cần nước khoảng 30 ngày nữa.

Tuy nhiên nước mặn hiện đã vượt qua khỏi vùng ngọt hóa, tức là 30.000ha lúa vùng này đang bị mặn bao vây. Nước trong các kênh nội đồng có nơi chỉ còn 0,5m.

Nếu nông dân cùng đặt máy bơm lên ruộng một lúc thì chỉ trong thời gian ngắn các con kênh sẽ cạn khô.

Hàng ngàn nông dân Tiền Giang bỏ tết lo cứu lúa
Ông Lê Văn Hưởng (phải, chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang) kiểm tra tình hình lúa chết tại xã Tân Phước, huyện Gò Công Đông chiều mùng 1 tết - Ảnh: V.TR.

Nước mặn cũng phải lấy

Theo ông Pháp, năm nay nước mặn xâm nhập sâu vào nội đồng sớm hơn năm trước tới hai tháng, trong khi vụ đông xuân xuống giống trễ (do vụ trước thu hoạch muộn) nên khi lúa chỉ mới hơn 30 ngày thì các cống lấy nước từ sông Tiền vào vùng ngọt hóa Gò Công phải đóng.

Thiếu nước ngọt, nhiều nơi còn bị nhiễm phèn nặng nên lúa chết la liệt trong sự bất lực của con người.

Do không còn nước ngọt nên trước tết UBND tỉnh Tiền Giang đã chỉ đạo lấy luôn nước mặn dưới 2 g/lít hòa vào nguồn nước ngọt còn lại trên hệ thống kênh nội đồng để tăng hi vọng cứu 30.000ha lúa đông xuân ở vùng ngọt hóa Gò Công.

Theo ông Pháp, nước mặn dưới 2 g/lít thì lúa không chết. Tuy nhiên hiện chỉ còn duy nhất cống Xuân Hòa tại huyện Chợ Gạo có thể lấy được nước mặn khoảng 1,4 g/lít trở xuống ở vài thời điểm trong ngày.

Đó là khi nước ròng chảy ngược ra biển thì nước ngọt từ thượng nguồn chảy theo làm độ mặn giảm xuống.

Với quyết tâm cứu 30.000ha lúa của 75.000 hộ dân các huyện phía đông, UBND tỉnh còn quyết định chi hàng tỉ đồng mua 32 máy bơm để bơm nước từ sông Tiền vào cống Xuân Hòa khi mực nước bên ngoài xuống thấp.

Ngoài ra, còn huy động gần 1.000 máy bơm công suất lớn bố trí tại 354 điểm để bơm cấp 1 từ kênh trục chính vào kênh nội đồng.

Toàn bộ máy bơm này hoạt động 24/24 giờ. Chi phí xăng dầu, nhân công do ngân sách tỉnh chi trả. Nông dân chỉ bơm một cấp từ kênh vào ruộng. Nhờ vậy, nhiều diện tích lúa tưởng đã chết khô lại được cứu thành công.

Ông Nguyễn Hữu Lợi (chủ tịch UBND thị xã Gò Công) cho biết thị xã có 4.000ha lúa đông xuân có nguy cơ chết trắng hồi trước tết.

Tuy nhiên nhờ tỉnh bố trí 72 điểm bơm với 120 máy bơm chuyền cấp 1 hoạt động liên tục nửa tháng qua nên hiện giờ lúa ở xã Bình Đông, Bình Xuân đã xanh trở lại.

“Nếu các kênh trục chính còn nước để bơm một tháng nữa thì chắc chắn sẽ cứu được toàn bộ diện tích lúa của nông dân” - ông Lợi nói.

Chiều tối mùng 1 tết tại cống Xuân Hòa, ông Trần Minh Quan - chủ tịch kiêm giám đốc Công ty TNHH một thành viên khai thác công trình thủy lợi Tiền Giang - cũng có mặt chỉ đạo công nhân thử độ mặn tại khu vực cống trở ra sông Tiền vài cây số.

Ông Quan nói trong ngày đã lấy nước được bốn tiếng, dự báo sẽ lấy nước được 2-3 tiếng nữa. Ông Quan nói hi vọng còn lấy nước được một tháng nữa nếu sau tết không có gió chướng.

Tại cửa cống, nhân viên kỹ thuật Phan Tuấn Đức đo độ mặn khu vực sông Tiền. Máy báo độ mặn là 2,32 g/lít.

Anh Tuấn nói: “Nước mặn thế này không thể lấy nước được. Lúa sẽ chết hết. Cứ 15-20 phút phải đo độ mặn một lần. Khi phát hiện độ mặn vượt quá 1,5 g/lít thì bắt đầu đóng cống liền vì nếu trễ thì nước mặn sẽ lọt vào rất nguy hiểm”.

Lượng nước lấy tại cống Xuân Hòa không nhiều trong khi quãng đường dẫn đến các xã đang cần nước cứu lúa ở huyện Gò Công Đông lên tới 50km.

Dọc đường, nông dân ở huyện Chợ Gạo, Gò Công Tây và thị xã Gò Công cũng đang túc trực bơm nước 24/24 giờ nên 11.000ha lúa của huyện Gò Công Đông thật sự rất nguy cấp. Những đám ruộng đang bị chết “da beo” sẽ khó lòng cứu được.

Mùng 5 tết, chúng tôi trở lại vùng Gò Công. Tiếng máy bơm “tạch tạch” trên khắp các cánh đồng. Mọi người tranh nhau bơm nước lên ruộng cầm cự thêm ngày nào hay ngày nấy.

Tin vui đầu năm với nông dân vùng này là cống Xuân Hòa vẫn còn lấy được nước mặn dưới 2 g/lít vài tiếng/ngày. Nhưng ngày mai, ngày kia thì chưa biết...

Phê bình chủ tịch UBND huyện tại ruộng

Sau khi đi kiểm tra thực tế tại các điểm nóng, cuối giờ chiều mùng 1 tết, Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang Lê Văn Hưởng đã gọi chủ tịch UBND huyện Gò Công Đông tới phê bình ngay tại ruộng có lúa chết ở xã Tân Phước.

“UBND tỉnh đã chỉ đạo phải bơm nước từ kênh trục chính 24/24 giờ để trên kênh nội đồng luôn có nước cho nông dân bơm vào ruộng thì trong mùng 1 tết nhiều điểm bơm cấp 1 ở đây lại… nghỉ tết. Hàng trăm hecta lúa của dân đã chết vì thiếu nước. Nhiều con kênh cạn, dân lấy gì mà bơm cứu lúa?”.

Rồi ông yêu cầu chủ tịch huyện Gò Công Đông gọi điện mời tất cả chủ tịch xã về UBND huyện họp khẩn vào mùng 2 tết. 

Trước khi rời đi, ông Hưởng nói thêm: “Các anh để lúa chết thế này là có tội với dân. Dân khổ mà các anh ăn tết được thì cũng hay!”. 

==

Sẽ chở nước ngọt cứu khát cho dân

Theo UBND tỉnh Tiền Giang, hiện nay có gần 7.000 hộ với 35.000 người ở các xã ven biển, ven sông Cửa Tiểu, ngoài đê… thiếu nước ngọt sử dụng.

Tỉnh đã chỉ đạo lắp 122 vòi nước công cộng để người dân đến lấy nước ngọt miễn phí trong mùa khô này.

Riêng tại huyện cù lao Tân Phú Đông, nhà máy nước phải cấp nước theo giờ vì lượng nước ngọt trong ao chứa không còn nhiều.

UBND tỉnh đã chuẩn bị phương án dùng sà lan chở nước ngọt từ TP Mỹ Tho và huyện Châu Thành về cứu “khát” cho người dân ở đây trong thời gian tới.

 

 

KTNT
Ý kiến bạn đọc
  • Phú Yên trưng bày nhiều hiện vật từ những chuyến Tàu Không số

    Phú Yên trưng bày nhiều hiện vật từ những chuyến Tàu Không số

    Tối 22/11, tại Bảo tàng tỉnh Phú Yên, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh tổ chức khai mạc trưng bày chuyên đề “Bến Vũng Rô và hoạt động tiếp nhận chi viện từ những chuyến Tàu Không số”. Hoạt động nhằm hướng đến kỷ niệm 60 năm Bến Vũng Rô tiếp nhận chuyến hàng đầu tiên của Tàu Không số (28/11/1964 – 28/11/2024).

  • Kỷ niệm 555 năm danh xưng Duy Tiên

    Kỷ niệm 555 năm danh xưng Duy Tiên

    Sáng 22/11, Thị ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ thị xã Duy Tiên long trọng tổ chức Kỷ niệm 555 năm danh xưng Duy Tiên (1469 - 2024) và 95 năm thành lập Chi bộ Đông Dương Cộng sản Đảng Duy Tiên (11/1929 - 11/2024).

  • Hào hứng xem đua vỏ lãi ở cửa biển Sông Đốc

    Hào hứng xem đua vỏ lãi ở cửa biển Sông Đốc

    Hàng ngàn người đổ về thị trấn Sông Đốc (Trần Văn Thời - Cà Mau) để xem cuộc đua vỏ lãi kỳ thú. Thị trấn ven biển này cũng là nơi 70 năm trước diễn ra sự kiện tập kết ra Bắc lịch sử.

Top