Trong ngày “mở cổng trời” mùng 9 Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019, hàng vạn người tề tựu về Đền Nưa - Am Tiên để cầu cho quốc thái dân an.
“Huyệt đạo” trên đỉnh ngàn Nưa ở làng Cổ Định, xã Tân Ninh, huyện Triệu Sơn (Thanh Hóa) được người dân gọi là huyệt khí thiêng từ bao đời nay. Bất cứ ai lên đỉnh ngàn Nưa đều có cảm giác đang ở “cõi tiên” để chiêm ngưỡng “huyệt đạo”, đền Am Tiên, giếng tiên tắm, động đào… gắn liền với những truyền thuyết đượm tính chất lịch sử pha lẫn tâm linh.
Rẽ sương mù lên…“cõi tiên”
Vào sáng sớm mùng 9 Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019 ( tức ngày 13/2/2019), chúng tôi và hàng vạn du khách đã rẽ lớp sương mù dày đặc đang quyện lấy núi Nưa… lên “cõi tiên”, nơi có “huyệt đạo” vốn từ lâu đã được ghi vào sử sách, để dự Lễ hội đền Nưa - Am Tiên.
Đường lên đỉnh Ngàn Nưa quanh co, uốn lượn với bạt ngàn lau trắng dập dìu trước gió. Dường như cảnh sắc thiên nhiên nơi đây đang giữ được nét hoang sơ của vùng đất “kinh đô Bà Triệu”. Khi đặt chân đến đỉnh ngàn Nưa lồng lộng gió, chúng tôi đưa mắt nhìn xuống cảnh đồng lúa nằm dưới chân núi trải dài ngút tầm mắt. Kia là dòng Lãn Giang như sợi chỉ bạc buông hờ về phía biển Đông. Kia là núi Tía, núi Lễ Động gắn liền với truyền thuyết ẩn sĩ Tu Nưa nhiều pháp thuật, không chịu ra giúp triều Hồ, mà ở lại gánh núi, dọn đồng giúp dân. Hiện người dân nơi đây đã xây dựng đền thờ ẩn sĩ Tu Nưa.
Trong sương mù, cổng chính đền Am Tiên dần hiện ra. Chiếc chuông đồng cổ và những cây đa, bồ đề… đang đẫm mình trong sương sớm ở khuôn viên đã tô thêm giá trị văn hóa tâm linh cho nơi đây.
Theo những bậc cao trong làng Cổ Định cho biết, từ thuở xưa đã có nhiều người vượt chín ngọn núi trập trùng lau trắng, để lên đỉnh cao nhất của dãy ngàn Nưa dâng hương cúng thần, lễ vua Bà vào các ngày rằm, mồng một âm lịch và mỗi độ Tết đến Xuân về. Trước kia, người dân muốn lên nơi đây phải đi bộ, rẽ lối băng đồi suốt mấy giờ đồng hồ mới tới nơi. Từ khi được công nhận di tích quốc gia, thì con đường lên “cõi tiên” đã được đầu tư xây dựng, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân địa phương và du khách đến nơi đây tham quan, thắp hương thành kính cầu xin phước an”.
Am Tiên đã có từ lâu đời, nhưng mãi đến năm 2006, vẻ đẹp mang đậm giá trị văn hóa mới được khai thác. Đến tháng 3/2009, đền Am Tiên đã được công nhận là Khu di tích lịch sử danh lam thắng cảnh cấp Quốc gia. Quần thể khu di tích "Núi Nưa - Đền Am Tiên" được trải rộng trên một vùng đất với tổng diện tích 100 ha, riêng khu vực đền Am Tiên là 4 ha. Lễ hội Đền Nưa - Am Tiên hàng năm thường kéo dài từ ngày mùng 9 đến 20 tháng Giêng.
Sự trường tồn của Am Tiên - núi Nưa gắn liền với cuộc khởi nghĩa của Bà Triệu năm 248. Dãy núi Nưa tọa lạc trên địa bàn thuộc 3 huyện Triệu Sơn, Nông Cống và Như Thanh (Thanh Hóa). Am Tiên tọa lạc trên đỉnh cao nhất của dãy ngàn Nưa. Du khách tới đây tham quan đều không quên vào dãy điện thờ Bà Chúa Thượng Ngàn, vua Bà, đền thờ ẩn sĩ Tu Nưa thắp nén hương tỏ lòng thành kính tri ân người thiên cổ.
Du xuân “huyệt đạo” ngàn Nưa…
Sau khi tham quan đền Am Tiên, chúng tôi lại tiếp tục đi sâu vào gần 200m, để chiêm ngưỡng “huyệt đạo”. Trước lối vào “huyệt đạo” có một phiến đá trắng khắc dòng chữ "Cầu cho quốc thái dân an". Được biết, “huyệt đạo” chính là nơi giao hòa giữa trời và đất”. Theo sử sách, đây chính là 1 trong những huyệt đạo quan trọng nhất của nước Nam, mà tướng Cao Biền không thể trấn yểm....
Nhiều người dân ở làng Cổ Định cho hay: “Huyệt đạo trên đỉnh núi Nưa là huyệt khí thiêng. Hằng năm, cứ đến ngày 9 tháng Giêng là ngày “mở cổng trời”. Người dân hành hương về đây cầu cho quốc thái dân an, nhà nhà hạnh phúc, người người khỏe mạnh, tài năng tiến tới, công thành danh toại”.
Rời huyệt thiêng, chúng tôi lại đến đỉnh cao nhất của dãy núi Nưa, ở độ cao 538m so với mực nước biển, để chiêm ngưỡng “giếng tiên”. “Giếng tiên” hình tròn, sâu khoảng 5m, rộng 4 m. Phần lộ thiên của giếng được xếp bởi 3 lượt đá hộc. Không ai xác định được giếng này có từ khi nào. Dân gian vẫn tương truyền: Từ khi vũ trụ sinh ra giếng đã có rồi. Sự chuyển động của vũ trụ đã tạo ra vết nứt trên đá và dần dần vết nứt rộng ra tạo thành giếng.
Nguồn nước trong xanh từ trong núi chảy ra “giếng tiên” được gọi là long mạch. Nhìn từ trên xuống, chúng tôi thấy được đáy giếng. Song, thật lạ kỳ, nước giếng không bao giờ vơi cạn, kể cả mùa hạ, hạn hán kéo dài. Nhằm đảm bảo an toàn cho du khách tới xin nước và ngăn không cho đất cát bẩn rơi xuống giếng, Ban quản lý di tích đã cho xây dựng thành giếng bao quanh.
Theo lời các cụ cao niên ở làng Cổ Định, thuở trước, lối đi vào “giếng tiên” được phủ kín bởi hàng ngàn cây hoa đào. Dân bản địa thường gọi là động đào, bởi theo họ tương truyền rằng: “Xưa kia, các tiên nữ thường xuống đây hái đào và tắm nước giếng. Vì thế mới gọi là “giếng tiên”, “động đào”.
Với những truyền thuyết về kinh đô Bà Triệu, đền Am Tiên, đền thờ ẩn sĩ Tu Nưa, “huyệt đạo”, “giếng tiên” kết hợp với danh lam thắng cảnh trùng điệp, hung vĩ của ngàn Nưa, thiết nghĩ nơi đây sẽ là điểm dừng chân của du khách mỗi khi đến với xứ Thanh.
Tối 22/11, tại Bảo tàng tỉnh Phú Yên, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh tổ chức khai mạc trưng bày chuyên đề “Bến Vũng Rô và hoạt động tiếp nhận chi viện từ những chuyến Tàu Không số”. Hoạt động nhằm hướng đến kỷ niệm 60 năm Bến Vũng Rô tiếp nhận chuyến hàng đầu tiên của Tàu Không số (28/11/1964 – 28/11/2024).
Thời gian qua, tỉnh Nghệ An triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp, cơ chế, chính sách thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi, bước đầu đạt được những kết quả tích cực. Đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) nâng cao ý thức tự lực, tự cường vươn lên phát triển kinh tế, xây dựng cuộc sống, góp phần xóa đói giảm nghèo, tạo nên diện mạo mới cho nông thôn miền núi xứ Nghệ.
Cuộc thi trực tuyến tìm hiểu về bảo hiểm tiền gửi (BHTG) 2024 là một hoạt động quan trọng trong việc nâng cao nhận thức của công chúng về chính sách BHTG và hoạt động của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam (BHTGVN), qua đó truyền tải nội dung chính sách BHTG một cách mới mẻ, hấp dẫn và thu hút sự quan tâm của công chúng.