Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ bảy, ngày 20 tháng 4 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 18 tháng 12 năm 2015 | 12:1

Hành trình đưa cha về quê hương

Ông Nguyễn Công Kình (SN 1948, phường Bến Thủy, TP.Vinh, Nghệ An) không thể nào quên được cái ngày cách đây hơn 60 năm, đồng đội của cha mình tìm đến nhà, mang quân tư trang còn sót lại của người lính kèm theo lời báo báo: “Anh Côn đã hy sinh…”. Câu nói đó khắc sâu trong trí nhớ cậu bé Kình khi ấy mới 5 tuổi, nhưng đã sớm cảm nhận được nỗi đau, sự mất mát, chia lìa mà chiến tranh gây ra. Từ đó, Kình luôn đau đáu nguyện vọng đi tìm và đưa cha trở về quê hương.

Ông Kình cho phóng viên xem tài liệu phục vụ hành trình đưa cha và đồng đội của cha về quê hương.

Ký ức chiến tranh

Năm 1949, ông Nguyễn Công Côn (SN 1926, cha ông Nguyễn Công Kình, quê xã Thanh Khai, Thanh Chương, Nghệ An) lên đường nhập ngũ. Sau đó, ông Côn được bổ sung vào đội quân tình nguyện, sang giúp nước bạn Lào trong cuộc kháng chiến chống Pháp, thuộc Đại đội 21, Đoàn 81 thượng Lào. Chiến tranh ác liệt, trong rừng thiêng nước độc, những chiến sĩ quân tình nguyện Việt Nam đã kiên cường chiến đấu dưới sự đùm bọc, yêu thương và che chở của nhân dân nước bạn.

“Lúc đó, tôi còn quá nhỏ để hiểu mọi việc, nhưng sau này đồng đội cũ của cha kể lại, tháng 9/1953 chiến sự rất căng thẳng, ác liệt. Vùng Nọng Hét, tỉnh Xiêng Khoảng, thượng Lào đã có nhiều trận giao tranh, địch liên tiếp tổ chức các cuộc truy quét, còn quân ta tập trung đẩy lui chúng. Ngày 5/9/1953, đơn vị cha tôi tập kết tại Keo Ba Tu, Nọng Hét, đang chuẩn bị bữa cơm tối thì địch nổ súng. Cha tôi lúc đó là trung đội trưởng, chỉ huy một nhóm tiến công thì bị trúng đạn, hy sinh”.

Năm ấy, gia đình ông Kình nhận được giấy báo tử, kèm theo một tờ bản đồ sơ lược vẽ bằng tay, nơi đồng đội chôn cất người lính Nguyễn Công Côn. Nhiệm vụ chiến đấu vẫn phải tiếp tục, người ngã xuống nằm lại nơi đất bạn, được đánh dấu bằng hòn đá to cạnh đó, rồi đơn vị lại hành quân đi. Cậu bé Kình đứng sau cánh cửa, nghe chú bộ đội đến nhà báo tin cha và thấy mẹ ôm em gái nhỏ lặng người òa khóc. Chiến tranh ở nơi xa mà nỗi đau lại quặn thắt phía quê nhà.

Hai năm sau đó, vào đúng ngày 29/12 âm lịch, mẹ của Kình cố gắng đi cắt gánh cỏ cuối năm về cho trâu để yên tâm nghỉ 3 ngày Tết thì bị lật bè và chết đuối dưới dòng sông Lam. Cái Tết năm ấy, lạnh đến tê người!

Mất cha, mẹ đột ngột qua đời, Kình và em gái (lúc đó mới 3 tuổi) sống dựa vào lòng yêu thương, chăm sóc và bù đắp của ông bà nội ngoại, chú thím. Cũng chính từ tuổi thơ nhọc nhằn, thiếu vắng bóng hình cha mẹ mà hai anh em cố gắng học hành, để có thể tự lập đứng trên đôi chân mình giữa cuộc đời sóng gió. Nguyện vọng đau đáu và lớn lao nhất của cuộc đời ông là tìm được mộ cha, đưa cha về với quê hương đất mẹ.

Ông lặn lội đi tìm những người đồng đội cũ từng là bộ đội tình nguyện ở Nọng Hét, hỏi thăm về nơi cha đã từng chiến đấu và được biết, trong trận đánh chiều 5/9/1953, Nguyễn Công Côn đã hy sinh cùng với một đồng đội nữa cùng quê Thanh Chương. “Một đồng đội của cha tôi quê ở xã Hưng Tây, Hưng Nguyên còn nhớ rất rõ và tường thuật lại trận đánh đó, chỉ có cha tôi và ông Mai Văn Cương hy sinh, cả hai ông đều được chôn cạnh nhau. Ông còn bảo khi nào đi cất bốc, ông sẽ đi cùng”.

Vậy là Nguyễn Công Kình ngược về quê, tìm đến xã Phong Thịnh (Thanh Chương), gặp gia đình liệt sĩ Mai Văn Cương. Chỉ có điều, gia đình ông Cương cũng chỉ còn tờ giấy báo tử và tấm bản đồ vẽ bằng tay ngả màu vàng úa. Tấm bản đồ ấy chỉ đường đi, vị trí, các dấu hiệu giống hệt như bản đồ phần mộ cha mà ông Kình đang giữ. Nét chữ trong đó cũng là của một người viết. Vậy là 2 người lính đang nằm bên nhau, đâu đó ở nước bạn Lào.

Ông Kình nhận luôn nhiệm vụ tìm mộ của đồng đội cha. Nộp các giấy tờ liên quan cho đội quy tập tỉnh Nghệ An và chờ đợi. Năm 1994, ông biết tin có 3 hài cốt liệt sĩ mới được quy tập về nghĩa trang liệt sĩ Anh Sơn, Nghệ An, được tìm thấy tại bản Keo Ba Tu Nhỡ, Nọng Hét, Xiêng Khoảng. Trùng địa danh, ông khấp khởi mừng thầm, xin phép Ban quản lý nghĩa trang Anh Sơn, lấy 3 nắm đất về thờ cúng. “Tôi lập 3 bát hương và nghĩ rằng, nếu có nhầm thì cũng là mình hương khói, tưởng nhớ đến các anh hùng liệt sĩ, đồng đội của cha”, ông Kình tâm sự.

Ông cứ đinh ninh rằng, một trong 3 ngôi mộ đó là của cha mình, liệt sĩ Nguyễn Công Côn. “Nhưng gần đây, khi được nhà nước cho phép, chúng tôi xin đi xét nghiệm AND thì kết quả không trùng khớp”. Thông tin trên khiến ông Kình và gia đình suy sụp. “Nhiều lúc tôi cảm giác mình đã tắt hy vọng và bất lực, bất hiếu với cha. Nhưng khi tìm lại các giấy tờ, tôi phát hiện ra ở Noọng Hét có hai bản gồm Ba Keo Tu Nọi và Ba Keo Tu Nhỡ, 3 ngôi mộ được tập kết về thuộc bản Ba Keo Tu Nhỡ. Lần này, tôi quyết định lên gặp Ban quy tập tỉnh Nghệ An, xin đi cùng sang Xiêng Khoảng để tìm mộ cha”, ông Kình kể lại.

Tìm mộ cha và đồng đội trên đất bạn Lào

Gần 70 tuổi, ông lại khăn gói hành lý theo các chiến sĩ đội quy tập hài cốt liệt sĩ lên đường. Quả đúng là trước kia có bản Keo Ba Tu Nọi, nhưng ở đó chỉ có khoảng 20 hộ dân sinh sống, sau chiến tranh tất cả đã dời sang Keo Ba Tu Nhỡ.

Dân trong bản cũng cho biết, cách đây khoảng 20 năm đã cất bốc được 3 hài cốt liệt sĩ, nhưng ở đây vẫn còn 2 ngôi mộ liệt sĩ chống Pháp nữa. Bộ đội Việt Nam quy tập hài cốt liệt sĩ sang đi tìm nhiều lần mà chưa thấy.

Ông Kình tìm đến người già nhất bản để hỏi thăm, cụ đã 85 tuổi, sức khỏe yếu, nhưng vẫn còn minh mẫn. Cụ khẳng định: “Trận đánh đó tao nhớ rất rõ mà. Hồi đó, tao 14-15 tuổi rồi. Có 2 bộ đội Việt Nam hy sinh”. Theo như lời cụ già đó kể, vị trí mà cha ông Kình cùng người bạn được đồng đội chôn cất, giống như những gì đã vẽ trong sơ đồ. Theo lời ông cụ, ông Kình cùng các cán bộ quy tập hài cốt liệt sĩ của Việt Nam đã tìm được vị trí mà “2 anh bộ đội Việt Nam nằm”.

Sau 4 ngày đào kiên trì và tỉ mẩn, đoàn đã phát hiện 1 hố nhỏ, tất cả mọi người dừng tay, ai nấy lặng im, rồi cẩn trọng gạt đất đá ra. Tìm thấy rồi! “Không thể tả được cảm xúc của tôi lúc đó, chỉ thấy tim đập liên hồi và chân đứng không vững. Nước mắt cứ thế trào ra…”. Dưới lớp đất rắn như đá sỏi, vẫn nhận ra được vị trí nằm của 2 người cạnh nhau, đầu hướng về Đông, như theo phong tục của người Việt Nam mình khi chôn cất người quá cố.

Ngày trở về, ông Kình đã kịp báo tin cho gia đình người đồng đội Mai Văn Cương của cha. Hai gia đình xin được lấy mẫu đi xét nghiệm ADN và kết quả đã xác định được chính xác hài cốt liệt sĩ Mai Văn Cương. “Gia đình tôi vẫn đang chờ kết quả nhưng tôi tin đó là cha mình, điều quan trọng nhất là gia đình tôi được thanh thản, vì đã làm hết sức mình để tìm cha, tìm đồng đội của cha trở về an nghỉ trên quê hương máu thịt của mình”, ông Kình xúc động nói.

Đình Lam

 

KTNT
Ý kiến bạn đọc
  • Nghệ An hoàn thành hơn 8.400 căn nhà cho người nghèo

    Nghệ An hoàn thành hơn 8.400 căn nhà cho người nghèo

    Ngày 19/4, UBND tỉnh Nghệ An tổ chức sơ kết 1 năm triển khai chương trình vận động, hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà cho người nghèo, người có khó khăn về nhà ở giai đoạn 2023-2025 (Chương trình 1838).

  • “Chỉ cần sức khỏe tốt, tôi còn hiến máu cứu người”

    “Chỉ cần sức khỏe tốt, tôi còn hiến máu cứu người”

    Với 28 lần hiến máu nhân đạo, trình dược viên Từ Thị Tuyên (SN 1989), xã Thạch Thắng, Thạch Hà (Hà Tĩnh) đã trở thành tấm gương sáng trong các hoạt động an sinh xã hội, tình nguyện vì cuộc sống cộng đồng…

  • PVcomBank mang yêu thương đến những hoàn cảnh khó khăn tại Lào Cai

    PVcomBank mang yêu thương đến những hoàn cảnh khó khăn tại Lào Cai

    Với tinh thần tương thân tương ái, vừa qua, Đoàn Thanh niên Ngân hàng TMCP Đại Chúng Việt Nam (PVcomBank) đã tổ chức chương trình từ thiện “Xuân tình nguyện 2024” để thăm hỏi, động viên và trao quà đến các em học sinh nghèo, các hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn tại xã Nậm Chảy, huyện Mường Khương, tỉnh Lào Cai. Đây là hoạt động hưởng ứng tinh thần Tháng Thanh niên và Năm Thanh niên tình nguyện của tuổi trẻ PVcomBank.

Top