Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024  
Chủ nhật, ngày 21 tháng 1 năm 2018 | 2:12

Hành trình Vừ Sáu Pó thành chuyên gia nuôi ong ở Thài Phìn Tủng

Từ hộ nghèo, nhờ phát triển mô hình nuôi ong nội, anh Vừ Sáu Pó, thôn Há Bua Đa, xã Thài Phìn Tủng (Đồng Văn - Hà Giang) đã vươn lên khá giả. Không quên giá trị mà cây hoa bạc hà trên cao nguyên mang lại, năm nào anh cũng trích một phần lợi nhuận cho quỹ thôn để bảo vệ nguồn hoa.

Anh Vừ Sáu Pó (ngoài cùng bên trái) giới thiệu về sản phẩm mật ong của gia đình.

Thoát nghèo nhờ ong mật

Vừ Sáu Pó gây ấn tượng với chúng tôi bởi cách nói chuyện chân thật, cởi mở như tính cách vốn có của người Mông nhưng khi bàn đến chuyện làm ăn, anh vô cùng nghiêm túc. Anh cho biết, trước đây, gia đình anh thuộc diện hộ nghèo do không có vốn, không lựa chọn và xác định được cách phát triển kinh tế phù hợp để tạo nguồn thu nhập. Cuộc sống của cả gia đình chỉ trông chờ vào 0,5ha trồng ngô nhưng do không có bò chăn nuôi để lấy phân chuồng bón cho ngô nên năng suất thấp, hàng năm gia đình thường xuyên thiếu đói 3 tháng.

Năm 2010, nhận thấy trên địa bàn xã có một số hộ có thu nhập khá từ nghề nuôi ong nội trên cơ sở tận dụng nguồn hoa bạc hà ở địa phương, Pó nảy sinh ý định nuôi ong để phát triển kinh tế gia đình. Vùng cao nguyên đá quê anh vốn là xứ sở của loài hoa bạc hà, chất lượng mật ong lấy từ loài hoa này rất tốt, hương vị thơm ngon, màu vàng chanh mát mắt.

Theo thống kê, trên địa bàn xã Thài Phìn Tủng có khoảng 107ha hoa bạc hà, có thể nuôi từ 1.000 đàn ong nội địa phương trở lên. Tuy nhiên, hiện số hộ nuôi ong chưa nhiều, khiến nguồn hoa bị lãng phí.

Được sự ủng hộ của gia đình, năm 2012, anh bắt đầu mua một số đàn ong về nuôi, số mật thu được vừa đủ số tiền bỏ ra ban đầu, nhưng hết vụ hoa bạc hà, do chăm sóc không tốt nên ong bỏ đi, bị bệnh hoặc chết do rét.

Thất vọng tràn trề nhưng anh không nản chí, anh đã tìm đến các hộ nuôi nhiều ong trên địa bàn xã để học hỏi và đúc rút được nhiều kinh nghiệm để chuẩn bị cho mùa nuôi ong tiếp theo.

Từ năm 2013 đến 2015, được sự hỗ trợ của các hộ nuôi ong trên địa bàn, hàng năm anh tiếp tục đầu tư nuôi 20 - 50 đàn ong. Nhờ những kiến thức, kinh nghiệm thu nhận được trong quá trình chăm sóc ong nên sau lần thất bại đầu tiên, đàn ong của gia đình anh phát triển rất tốt, kết thúc vụ nuôi anh thu được 50 - 100 lít mật/vụ, cho thu nhập từ 20 - 50 triệu đồng/năm.

Năm 2016, được sự quan tâm của Nhà nước, gia đình anh Pó tham gia mô hình nuôi ong nội lấy mật theo phương thức đầu tư có thu hồi do Trung tâm Khuyến nông tỉnh Hà Giang và Trạm Khuyến nông huyện Đồng Văn triển khai thực hiện.

Tham gia mô hình, anh được nhận hỗ trợ 50 đàn ong, sau khi được cán bộ khuyến nông tập huấn kỹ thuật kết hợp với kinh nghiệm bản thân từ những vụ nuôi ong trước, anh đã nắm bắt được đầy đủ quy trình từ nuôi ong đến khai thác mật, đặc biệt là đã nhận biết và phòng chống được hiện tượng ong bốc bay, biết cách nhân đàn, tách đàn để nâng số lượng đàn, biết cách chăm sóc ong trước, trong và sau khi khai thác mật.

Sau thời gian thực hiện mô hình, anh đã nhân thêm được 120 đàn ong, kết thúc vụ mật, sản lượng mật của gia đình đạt 360 lít, bình quân đạt 4-6 lít/đàn với tổng thu 144 triệu đồng. Sau khi thanh toán 35 triệu đồng cho mô hình theo cam kết ban đầu và trừ một số vốn đối ứng ban đàu, gia đình anh còn trên 70 triệu đồng.

Năm 2017, gia đình anh tiếp tục được vay vốn theo Nghị quyết 209 của Hội đồng nhân tỉnh Hà Giang thông qua ngân hàng với số tiền 200 triệu đồng để nuôi 200 đàn ong, kết hợp với khoanh nuôi, bảo vệ diện tích hoa bạc hà trong thôn và khuyến khích các hộ khác đầu tư nuôi ong địa phương để thoát nghèo.

Điều đáng quý là, không giữ lại lợi nhuận cho riêng mình, năm nào anh cũng tự nguyện đóng góp một phần kinh phí từ thu nhập mật ong cho quỹ thôn để bảo vệ diện tích hoa bạc hà.

Bí kíp nuôi ong

Chia sẻ về kinh nghiệm nuôi ong thành công, anh Pó cho biết, bà con cần chuẩn bị đầy đủ các dụng cụ, vật tư cần thiết cho việc nuôi ong như: đường kính, phấn hoa để cho ăn bổ sung; thùng, cầu, chân tầng, quản chúa, sáp, rọ chúa,... để chia tách đàn và các vật liệu để che chắn mưa, rét....

Vào mùa đông rét đậm, rét hại từ tháng 12 năm trước đến tháng 3 năm sau, phải chủ động che chắn kín gió, vệ sinh thùng ong sạch sẽ, phòng trừ bệnh hại, chăm sóc, nuôi dưỡng cho ăn bổ sung như: Đường kính, phấn hoa, nước, đúng quy trình. Khi nhiệt độ thấp, kéo dài, chủ động di chuyển đàn ong sang xã khác nơi có nhiệt độ cao hơn, có hoa rừng kết hợp nuôi dưỡng để đàn ong phát triển ổn định.

Thường xuyên kiểm tra các thùng ong, chủ động phát hiện và phòng chống hiện tượng ong bốc bay do bị đói, bệnh,... Lựa chọn những đàn ong khỏe mạnh phát triển tốt để tạo chúa nhân đàn, duy trì số lượng đàn.

Căn cứ vào khung thời vụ nuôi ong trên địa bàn, từ tháng 4 đến tháng 8 là thời gian tốt nhất để phát triển đàn ong, nhân tạo đàn. Tháng 9 phải kiểm tra các thùng ong để nhập cầu yếu, tách cầu khỏe, duy trì 4-5 cầu ong trên thùng để tập trung khai thác mật. Đây là thời điểm có điều kiện phát triển nghề nuôi ong tốt nhất trong năm do có nguồn thức ăn dồi dào, khí hậu ấm áp thuận lợi cho đàn ong phát triển.

Phải chủ động chăm sóc, bảo vệ cây hoa bạc hà vì đây là nguồn mật chủ yếu để ong lấy mật. Do vậy, sau khi kết thúc vụ ngô không chăn thả gia súc, không trồng các loại cây khác, nhổ bỏ cỏ dại để cây bạc hà sinh trưởng phát triển.

Chủ động tìm hiểu, học hỏi kỹ thuật nuôi ong qua các lớp tập huấn, báo chí để chia sẻ kinh nghiệm với các hộ nuôi ong khác.

Khánh Nguyên

 

 

KTNT
Ý kiến bạn đọc
  • Hào hứng xem đua vỏ lãi ở cửa biển Sông Đốc

    Hào hứng xem đua vỏ lãi ở cửa biển Sông Đốc

    Hàng ngàn người đổ về thị trấn Sông Đốc (Trần Văn Thời - Cà Mau) để xem cuộc đua vỏ lãi kỳ thú. Thị trấn ven biển này cũng là nơi 70 năm trước diễn ra sự kiện tập kết ra Bắc lịch sử.

  • Dòng chảy tri thức - Hành trình tri thức không thể thiếu vắng hình bóng “Người lái đò”

    Dòng chảy tri thức - Hành trình tri thức không thể thiếu vắng hình bóng “Người lái đò”

    Hòa cùng không khí cả nước, chào mừng 42 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11/1982 - 20/11/2024, tri ân sự đóng góp, hy sinh của thầy, cô giáo - những “Người lái đò” thầm lặng, đưa nhiều thế hệ học trò đến với bến bờ tri thức.

  • Thắp sáng ước mơ cho các em học sinh Làng Nủ

    Thắp sáng ước mơ cho các em học sinh Làng Nủ

    Trong tiết trời se lạnh đầu đông, nhưng ở trong Trường TH&THCS số 1 Phúc Khánh (Bảo Yên - Lào Cai), không khí ấm áp và rộn ràng đang tràn ngập nơi đây. Những ngày tháng gian khó sau bão số 3 đã ở lại phía sau, nhường chỗ cho niềm vui và nụ cười rạng rỡ của các em học sinh. Bằng sự tận tụy, ân cần của thầy cô, nhà trường đã trở thành mái nhà thứ hai, nơi tràn đầy tình yêu thương và hy vọng.

Top