Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 29 tháng 3 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 20 tháng 4 năm 2018 | 14:12

Hát Xoan Phú Thọ: Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại

Sáu năm qua, với nhiều nỗ lực và hành động mạnh mẽ, Hát Xoan Phú Thọ đã chính thức được UNESCO đưa ra khỏi danh sách Di sản Văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp và ghi danh vào danh sách Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

img_1680.JPG

Một buổi tập biểu diễn Hát Xoan ở sân Đình Thét xã Kim Đức, ông Nguyễn Văn Tiếu dẫn cách, ngoài cùng (bên phải).

 

Kết quả này được cộng đồng quốc tế ghi nhận, cho thấy quyết tâm của Việt Nam trong việc thực hiện cam kết phục hồi và tạo sức sống mãnh liệt cho di sản độc đáo này.

Gặp những nghệ nhân làng Xoan cổ

Mặc dù bận rộn cho việc chuẩn bị tham gia Giỗ tổ Hùng Vương, song các nghệ nhân Hát Xoan xã Kim Đức (nôi của Hát Xoan Phú Thọ) vẫn tranh thủ trò chuyện và biểu diễn cho chúng tôi xem một vài điệu Xoan cổ.

Trong lúc giải lao, cụ từ Đoàn Cao Hưởng, trông coi đình Thét, cho biết: Thời Hùng Vương, vào mùa Xuân, khi vua và hoàng hậu đi vãn cảnh qua làng, thấy dân quây quần bên nhau múa hát, vua hỏi đây là hát gì, người dân trả lời: Hát Xuân, đơn giản là vì hát vào mùa xuân nên gọi là Hát Xuân. Sau vì nhà vua có nàng công chúa tên Xuân, nên làng cải lại là hát Xoan, sự tích Hát Xoan ra đời như vậy.

Một lần nữa, vua đi vãn cảnh xã Phượng Lâu, gặp lúc hoàng hậu đau đẻ, nên cho mời bà Quế Hoa, một người hát Xoan nổi tiếng thời bấy giờ, ra hát để an thai. Không ngờ, phương thuốc thật màu nhiệm, hoàng hậu quên cả đau đớn, sinh nở an toàn. Nay ở đây vẫn còn làng An Thái (xã Phượng Lâu), là từ tích này mà ra. Con đường từ Ngã 3 Đền Hùng về xã Hùng Cô, nay gọi là đường Quế Hoa. Hiện, xã Kim Đức chính là phường Xoan gốc và là 1 trong 4 phường Xoan cổ của Phú Thọ.

Bà Nguyễn Thị Ngọc (70 tuổi) cho biết, hiện Kim Đức có các nghệ nhân Hát Xoan từ 50 - 70 tuổi và khoảng 20 cháu từ lớp 1 đến lớp 12 có thể biểu diễn, đồng thời đang tiếp tục đào tạo gối đầu lớp kế cận. Riêng gia đình bà có 4 con gái và 11 cháu nội ngoại đều tham gia Hát Xoan. Cái khó của Hát Xoan là vừa phải hát hay, đúng làn điệu, vừa phải đưa tay, chân đều, nhịp nhàng và múa dẻo. Sau khi tuyển các cháu có giọng hát tốt, trước tiên phải dạy hát đúng làn điệu, rồi nâng dần lên mới được đi biểu diễn.

Nét khác biệt nữa của Hát Xoan là phải có 1 người đàn ông đưa cách (dẫn cách), tức là phải hát trước, sau khi kép ngắt cách, thì đào tiếp vào hát. Đào hát có thể có 2-4-6 hoặc 10 người, nhưng chỉ có 1 kép đưa cách và 1 kép đánh trống. Hiện, Phú Thọ có 4 đoàn Xoan gốc ở 4 phường, mỗi phường có 1 đoàn chuyên đi biểu diễn.   

Trước đây, Hát Xoan dường như lắng xuống, đến năm 1998, được Nhà nước quan tâm, các điệu Xoan cổ dần được khôi phục và đến năm 2005, phường Xoan được thành lập.

Đáng chú ý, năm 2011, Hát Xoan Phú Thọ được UNESCO ghi danh là Di sản Văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp của nhân loại. Ngay sau đó, Phú Thọ đã có chương trình hành động “Bảo vệ và phát huy giá trị Di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp”. Chính phủ phê duyệt “Đề án Bảo tồn và phát huy giá trị Di sản Văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp của nhân loại – Hát Xoan Phú Thọ giai đoạn 2013 - 2020”.

Sau 6 năm miệt mài khôi phục (2011 – 2017), Hát Xoan Phú Thọ đã ra khỏi danh sách cần bảo vệ khẩn cấp và trở thành Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại.

Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại

Ngày 3/2/2018, tại miếu Lãi Lèn (làng Phù Đức, xã Kim Dức) - nơi phát tích di sản Hát Xoan Phú Thọ, không gian văn hóa thực hành Hát Xoan xưa nhất tỉnh Phú Thọ đã long trọng tổ chức Lễ đón Bằng UNESCO ghi danh “Hát Xoan Phú Thọ” là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Tại Lễ đón nhận, “Chương trình hành động quốc gia Bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại “Hát Xoan Phú Thọ” giai đoạn 2018 - 2023" đã được công bố.

Nếu như năm 2010, chỉ còn 7 nghệ nhân có khả năng truyền dạy di sản này, đến nay có 68 nghệ nhân. Trong đó, có 52 nghệ nhân Hát Xoan, 17 nghệ nhân ưu tú, 300 nghệ nhân kế cận, 34 Câu lạc bộ Hát Xoan cấp tỉnh với 1.557 thành viên. Toàn bộ không gian văn hóa thực hành di sản Hát Xoan tại các phường Xoan gốc được tu bổ và hồi phục hoàn toàn. Các lễ hội truyền thống gắn với Hát Xoan cũng được duy trì và khôi phục, tạo không gian văn hóa cho cộng đồng thực hành và trình diễn di sản.

Mặt khác, công tác thông tin quảng bá giúp cộng đồng nhận diện giá trị của Di sản hát Xoan cũng được các cơ quan truyền thông của tỉnh và Trung ương tuyên truyền mạnh mẽ. Nhiều hoạt động truyền dạy di sản được tổ chức thường xuyên và hiệu quả ngay tại các phường Xoan gốc và trong nhà trường, Hát Xoan Phú Thọ đã ra khỏi danh sách cần bảo vệ khẩn cấp.

Ngoài ra, hồ sơ đề cử Di sản văn hóa phi vật thể Hát Xoan Phú Thọ vào Danh sách di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, đáp ứng đầy đủ 5 tiêu chí theo tinh thần Công ước 2003 về Bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể. Đó là thể hiện sự kế tục di sản qua nhiều thế hệ và là nhu cầu thực hành trong đời sống nhân dân ngày nay. Di sản được khôi phục nhờ vào sự tham gia tự nguyện, tích cực của cộng đồng và sự hỗ trợ của nhà nước bằng các chính sách liên quan; Di sản hát Xoan đóng góp vào đa dạng văn hóa và tạo cảm hứng đối thoại với cộng đồng thế giới về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể. Đây cũng là lần đầu tiên, Ủy ban Liên chính phủ quyết định rút một di sản ra khỏi Danh sách di sản văn hoá phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp để chuyển sang Danh sách di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Mặt khác, nỗ lực bảo tồn và phát huy giá trị di sản Hát Xoan đã và đang chứng minh sức sống bền vững của Hát Xoan Phú Thọ trong đời sống cộng đồng; thể hiện sự đúng đắn trong hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản Hát Xoan của chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Phú Thọ. Đây cũng là sự khẳng định những nỗ lực của các nghệ nhân trong việc bảo tồn, phát huy giá trị di sản Hát Xoan. Nhất là sự ủng hộ và hưởng ứng tích cực của UNESCO, các bộ, ngành, cơ quan Trung ương, của cộng đồng, các phường Xoan, Hát Xoan Phú Thọ sẽ tiếp tục có những đóng góp tích cực vào đời sống kinh tế, văn hóa, xã hội của địa phương, đất nước và sự đa dạng văn hóa của nhân loại. Hy vọng, thời gian tới, Phú Thọ sẽ có nhiều sáng kiến hay hơn nữa trong việc gắn bảo tồn di sản văn hóa Hát Xoan, Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương với phát triển du lịch bền vững.

 

 

Dương An Như
Ý kiến bạn đọc
Top