Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ bảy, ngày 23 tháng 11 năm 2024  
Thứ bảy, ngày 18 tháng 3 năm 2017 | 11:49

Hiệp hội Doanh nhân cựu chiến binh Việt Nam: Phát triển doanh nghiệp, liên kết sản xuất - kinh doanh trong thời kỳ hội nhập

Chiều 18-3, tại hội trường Khu du lịch Hồ Mây, TP. Vũng Tàu, diễn ra buổi hội thảo về phát triển doanh nghiệp - liên doanh, liên kết sản xuất - kinh doanh, xuất nhập khẩu hàng hóa thời kỳ hội nhập quốc tế hiện nay.

Buổi hội thảo nằm trong khuôn khổ Hội nghị Ban chấp hành lần thứ 5 của Hiệp hội Doanh nhân cựu chiến binh Việt Nam.

Tham gia hội thảo có gần 200 doanh nhân cựu chiến binh Việt Nam. Họ là những giám đốc, tổng giám đốc, chủ tịch hội đồng quản trị của các công ty từ 30 tỉnh, thành trên cả nước như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Điện Biên, Bắc Giang, Quảng Bình, Nghệ An, Bạc Liêu…. tụ họp về đây.

Quang cảnh buổi hội thảo

Tại hội thảo, ông Nguyễn Xuân Thùy, Chủ tịch Hội Doanh nhân cựu chiến binh tỉnh Khánh Hòa, cho rằng, muốn thành công trong kinh doanh cần bám sát dịch vụ và kết nối dịch vụ. Còn theo đại tá Đoàn Minh Chiến, nguyên Trung đoàn trưởng Trung đoàn Gia Định, đã làm quân thù khiếp vía bởi những trận đánh năm xưa, nay là ông chủ trang trại tại chiến khu D Bình Dương, 33 năm gắn bó với trang trại, ông đã trải qua rất nhiều thăng trầm, nhưng lòng quyết tâm, sự kiên trì nhẫn nại đã giúp ông thành công như hôm nay. Ông Chiến hiện có 15 héc ta bưởi da xanh ruột hồng trồng theo tiêu chuẩn VietGAP. Một năm ông có thể thu hoạch cả 1.000 tấn bưởi với doanh thu gần 10 tỉ đồng năm.

Ông Trịnh Xuân Lâm, Chủ tịch Hội Doanh nhân cựu chiến binh tỉnh Thanh Hóa thì hiện có trong tay hơn 2.000 công nhân dệt may. Nhưng mấy ai biết ông bắt đầu khởi nghiệp bằng nhiều nghề như mua sắt vụn, đóng sách, làm gỗ mỹ nghệ… rồi mới thành công trong may công nghiệp. Ông tâm niệm: “Đã ra quân là chiến thắng và chiến thắng”.

Ông Vũ Ngọc Thuần, Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Công ty CP Đồng Tiến (tỉnh Đồng Nai), Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nhân cựu chiến binh Việt Nam cũng có tới 7.000 người lao động. Ông Thuần cho biết hàng tháng ông phải trả hơn 60 tỉ đồng tiền lương cho người lao động. Ông cũng cho rằng quy định về cách trả lương của Nhà nước hiện nay chưa hợp lý, dẫn đến người lao động không cầu tiến, một số người lười lao động vẫn có thu nhập như người khác.

Ông Bùi Xuân Tờ, Chủ tịch Hội Doanh nhân cựu chiến binh tỉnh Quảng Ninh thì cho hay hội của ông đã tập hợp được nhiều doanh nghiệp cựu chiến binh có tiềm lực kinh tế mạnh, đa ngành nghề, tổng doanh thu mỗi năm hàng ngàn tỉ đồng, đóng góp ngân sách hàng trăm tỉ đồng. Hiện nay, Hội Doanh nhân cựu chiến binh tỉnh Quảng Ninh đang có chủ trương mua lại các công ty khác có tiềm năng sinh lời.

Anh hùng lao động Lê Văn Kiểm, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nhân cựu chiến binh Việt Nam phát biểu

Tại hội thảo, Anh hùng lao động Lê Văn Kiểm, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nhân cựu chiến binh Việt Nam đã kể lại quãng đời thăng trầm của ông, từ lúc hai bàn tay trắng, phải bán xe máy, phương tiện duy nhất đi trong nhà để lấy vốn làm ăn. Thế nhưng, trong những lúc gian khổ ấy, ông chẳng những không buông xuôi mà đã cùng người bạn đời của mình nghiên cứu ra hạt cao su làm dầu, từ đó làm giàu cho gia đình. Cũng có lúc thị trường bất động sản chao đảo, tưởng phá sản đến nơi nhưng bản lĩnh người lính Cụ Hồ đã giúp ông vượt qua khó khăn. Ông kêu gọi các cựu chiến binh cả nước tiếp tục gắn bó với Hiệp hội Doanh nhân cựu chiến binh Việt Nam với thông điệp “Đoàn kết, nghĩa tình, hợp tác cùng phát triển”.

Bà Nguyễn Thị Mai, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nhân cựu chiến binh Việt Nam và là Chủ tịch Hội Doanh nhân cựu chiến binh Hà Nội đã có quãng đời quân ngũ từ năm 1967 đến năm 1978. Sau khi ra quân, bà làm nhiều nghề và năm 1991, bà mới bắt đầu kinh doanh với vốn liếng 2 chỉ vàng. Trải qua nhiều thăng trầm, đến nay, bà đã có 3 nhà máy sản xuất các thiết bị âm thanh bán đi 27 nước trên thế giới.

Bà Nguyễn Thị Mai, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nhân cựu chiến binh Việt Nam và là Chủ tịch Hội Doanh nhân cựu chiến binh Hà Nội phát biểu

Ông Lê Quốc Phong, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nhân cựu chiến binh Việt Nam, Chủ tịch HĐQT Tổng công ty Phân bón Bình Điền là một người kinh doanh rất giỏi, nhưng cũng mang đầy chất nghệ sĩ khi tự sáng tác ca khúc, tự biểu diễn. Phân bón thương hiệu Đầu Trâu của ông không chỉ gần gũi với nông dân Việt Nam mà còn được xuất sang Campuchia, Lào… Ông chỉ dự được hội thảo, còn họp Ban chấp hành thì không dự được vì còn phải sang Campuchia nhận huân chương đặc biệt do nước bạn trao tặng.

Thương binh Trần Mạnh Báo, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Giống cây trồng Thái Bình thì bắt đầu sự nghiệp sau khi ra quân với công việc công nhân chăn nuôi lợn. Nhưng cũng từ đó mà ông gắn bó với người nông dân và giờ đây công ty của ông là nơi cung cấp giống có thương hiệu nổi tiếng trên thương trường. Nhiều chuyên gia cho rằng giống lúa của công ty ông mang lợi ích tới 50.000 tỉ đồng cho nông dân Việt Nam. Ông Báo khẳng định chìa khóa thành công của ông là “Con người - Trí tuệ - Quan hệ”.

Thương binh Trần Mạnh Báo, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Giống cây trồng Thái Bình phát biểu

Đại tá Dương Văn Thuấn lại khởi nghiệp kinh doanh 2 năm nay với sản phẩm đông trùng hạ thảo do chính công ty của ông nghiên cứu. Mặc dù mới gia nhập thị trường nhưng sản phẩm này đã có sự cạnh tranh về giá với những sản phẩm từ Trung Quốc. Với mục đích “chăm lo sức khỏe cộng đồng”, hiện ông và các cộng sự tiếp tục nghiên cứu các sản phẩm nấm chất lượng. Ông đã tặng cho hội nghị 60 suất sản phẩm đông trùng hạ thảo cho các cựu chiến binh đau ốm.

Tại hội thảo, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng thương mại và Công thương Việt Nam (VCCI) bày tỏ sự xúc động khi được nghe về quá trình khởi nghiệp và phát triển sự nghiệp kinh doanh của các doanh nhân cựu chiến binh. Điều ông cảm nhận rõ nét nhất là tinh thần quyết tâm vươn lên, không bao giờ chùn bước của những người kinh doanh từng khoác áo lính. Tinh thần của những chiến binh làm kinh tế đã tạo nên những thành công trên thương trường mặc dù họ phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, trong đó có việc thiếu kinh nghiệm quản lý. Ông Vũ Tiến Lộc cho biết Bác Hồ đã đánh giá rất cao về doanh nhân, ngay trong ngày đầu đất nước mới giành độc lập. Trong thư gửi giới công thương Việt Nam ngày 13-10-1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Nền kinh tế quốc dân thịnh vượng nghĩa là sự kinh doanh của các nhà công nghiệp, thương nghiệp thịnh vượng”. Theo tư tưởng của Người, Đại hội VI của Đảng đã đề ra đường lối đổi mới với việc thừa nhận nền kinh tế nhiều thành phần, các doanh nghiệp ngoài quốc doanh như là một pháp nhân bình đẳng trước pháp luật. Đặc biệt, Luật Doanh nghiệp ra đời và có hiệu lực năm 2000 đã thừa nhận quyền tự do kinh doanh của mỗi người dân, tạo ra hành lang pháp lý cho hoạt động của doanh nghiệp, doanh nhân nước ta. Ông Lộc cũng cho hay, Đại tướng Võ Nguyên Giáp từng phát biểu: “Doanh nhân là người nhạc trưởng trong công cuộc kiến thiết nước nhà”. Như vậy, doanh nhân cựu chiến binh có 2 người đỡ đầu, một là Chủ tịch Hồ Chí Minh, hai là Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Ông Lộc lưu ý các doanh nhân cần kết nối trong kinh doanh, chia sẻ các hoạt động xã hội và chú ý chuyển giao thế hệ.

Kết thúc buổi hội thảo là buổi liên hoan thân mật do cựu chiến binh Đậu Văn Hóa, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Du lịch cáp treo Vũng Tàu chiêu đãi. Nhiều giọng ca của các cựu chiến binh đã cất lên như nhớ về một thời hào hùng nhưng cũng rất bi tráng vì biết bao đồng đội đã ngã xuống cho sự nghiệp giải phóng dân tộc hôm nay.

Đoàn Hoài Trung 

KTNT
Ý kiến bạn đọc
  • Phú Yên trưng bày nhiều hiện vật từ những chuyến Tàu Không số

    Phú Yên trưng bày nhiều hiện vật từ những chuyến Tàu Không số

    Tối 22/11, tại Bảo tàng tỉnh Phú Yên, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh tổ chức khai mạc trưng bày chuyên đề “Bến Vũng Rô và hoạt động tiếp nhận chi viện từ những chuyến Tàu Không số”. Hoạt động nhằm hướng đến kỷ niệm 60 năm Bến Vũng Rô tiếp nhận chuyến hàng đầu tiên của Tàu Không số (28/11/1964 – 28/11/2024).

  • Kỷ niệm 555 năm danh xưng Duy Tiên

    Kỷ niệm 555 năm danh xưng Duy Tiên

    Sáng 22/11, Thị ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ thị xã Duy Tiên long trọng tổ chức Kỷ niệm 555 năm danh xưng Duy Tiên (1469 - 2024) và 95 năm thành lập Chi bộ Đông Dương Cộng sản Đảng Duy Tiên (11/1929 - 11/2024).

  • Hào hứng xem đua vỏ lãi ở cửa biển Sông Đốc

    Hào hứng xem đua vỏ lãi ở cửa biển Sông Đốc

    Hàng ngàn người đổ về thị trấn Sông Đốc (Trần Văn Thời - Cà Mau) để xem cuộc đua vỏ lãi kỳ thú. Thị trấn ven biển này cũng là nơi 70 năm trước diễn ra sự kiện tập kết ra Bắc lịch sử.

Top