Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024  
Thứ tư, ngày 11 tháng 9 năm 2019 | 16:21

Hoàn thiện pháp luật là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu

Trong 5 năm triển khai thi hành Hiến pháp 2013, công tác hoàn thiện pháp luật gắn với tổ chức thi hành pháp luật theo tinh thần thượng tôn pháp luật là một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu.

Sáng 11/9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về Báo cáo sơ kết 05 năm triển khai thi hành Hiến pháp 2013 (2014-2019).

 


Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu điều hành Phiên họp. Ảnh: VGP/ Nhật Bắc

 

Chú trọng hoàn thiện pháp luật gắn với tổ chức thi hành pháp luật

Báo cáo sơ kết 05 năm triển khai thi hành Hiến pháp năm 2013 (2014-2019) của Chính phủ do Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long trình bày cho thấy các cơ quan đã ban hành kế hoạch tổ chức triển khai thi hành Hiến pháp 2013 nghiêm túc. Theo đó, các cơ quan của Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Kiểm toán Nhà nước và Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đều xác định triển khai thi hành Hiến pháp là nhiệm vụ trọng tâm, cần ưu tiên và tập trung chỉ đạo thực hiện xuyên suốt, đồng bộ.

Đặc biệt, công tác tuyên truyền, giới thiệu về Hiến pháp và rà soát, sửa đổi, bổ sung, ban hành mới văn bản quy phạm pháp luật phù hợp với Hiến pháp được tập trung cao độ để bảo đảm kịp thời đưa Hiến pháp đi vào cuộc sống. Công tác thể chế ngày càng được chú trọng. Tại các nghị quyết của Quốc hội và Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hàng năm đều xác định công tác hoàn thiện pháp luật gắn với tổ chức thi hành pháp luật theo tinh thần thượng tôn pháp luật là một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành nhiều văn bản trực tiếp phân công nhiệm vụ, chỉ đạo, đôn đốc tình hình thực hiện, xác định rõ trách nhiệm của các bộ, ngành trong việc thực hiện Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh... 
 
Để triển khai thi hành Hiến pháp một cách kịp thời, đồng bộ, hiệu quả, bảo đảm nguyên tắc tối thượng của Hiến pháp trong nhà nước pháp quyền, công tác rà soát, lập danh mục đề xuất văn bản quy phạm pháp luật cần bãi bỏ, sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới để phù hợp với quy định của Hiến pháp là một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu, triển khai ngay sau khi Hiến pháp được thông qua. Đây là lần đầu tiên việc rà soát văn bản quy phạm pháp luật bảo đảm phù hợp với quy định và tinh thần của Hiến pháp được tiến hành một cách toàn diện, đồng bộ, với số lượng văn bản cần rà soát rất lớn. Các cơ quan đã chủ động, tích cực tổ chức thực hiện trong phạm vi nhiệm vụ, trách nhiệm được giao, cơ bản bảo đảm tiến độ; lập danh mục và kiến nghị, xử lý theo thẩm quyền đối với các văn bản quy phạm pháp luật có nội dung chưa phù hợp với Hiến pháp để bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật.

 


Bộ trưởng Lê Thành Long trình bày báo cáo của Chính phủ. Ảnh: VGP/ Nhật Bắc.


Nâng cao ý thức thượng tôn pháp luật

Qua thảo luận, các đại biểu cho rằng, Đảng, Nhà nước quan tâm rất sát sao, quyết liệt tới công tác chỉ đạo, lãnh đạo triển khai thi hành Hiến pháp. 
 
Từ sau khi Hiến pháp năm 2013 có hiệu lực thi hành đến nay, các cơ quan hữu quan đã tiến hành rà soát toàn bộ hệ thống pháp luật, lập danh mục đề xuất danh mục văn bản quy phạm pháp luật cần bãi bỏ, sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới để phù hợp với quy định của Hiến pháp. Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành 111 bộ luật, luật, pháp lệnh, trong đó có 69 văn bản thuộc danh mục ban hành kèm theo Nghị quyết số 718/NQ-UBTVQH13, các văn bản còn lại được ban hành theo yêu cầu của thực tiễn; còn 21 văn bản thuộc danh mục ban hành kèm theo Nghị quyết số 718/NQ-UBTVQH13 vẫn chưa được ban hành.
 
Đa số ý kiến trong Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá, những kết quả đạt được trong thời gian qua đã từng bước đưa các quy định của Hiến pháp dần đi vào cuộc sống, tác động tích cực tới mọi mặt của đời sống chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội; tăng cường quốc phòng, an ninh và hội nhập quốc tế của đất nước; góp phần bảo vệ, bảo đảm tốt hơn quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân. Thi hành Hiến pháp cũng góp phần nâng cao ý thức thượng tôn Hiến pháp, pháp luật trong tổ chức, hoạt động của các cơ quan, tổ chức và đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người dân; tạo cơ sở quan trọng cho việc xây dựng Nhà nước pháp quyền của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân trong giai đoạn phát triển mới.
Nhiều ý kiến đánh giá cao Chính phủ và các cơ quan đã rất nghiêm túc, trách nhiệm, trong khoảng thời gian ngắn nhưng đã nỗ lực khẩn trương thực hiện yêu cầu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội chuẩn bị Báo cáo có chất lượng, đúng tiến độ theo yêu cầu. Báo cáo phản ánh cơ bản đầy đủ tình hình triển khai thi hành Hiến pháp trong 05 năm qua của các cơ quan, tổ chức.

Tuy nhiên, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh đề nghị Báo cáo cần thể hiện rõ hơn việc gắn các nội dung 05 năm triển khai thi hành Hiến pháp năm 2013 với quá trình tổng kết việc thực hiện các Nghị quyết số 48, Nghị quyết số 49... của Bộ Chính trị và xây dựng các văn kiện chuẩn bị Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII.

Một số ý kiến cho rằng Báo cáo cũng cần bổ sung đánh giá sâu hơn tác động của việc triển khai thi hành Hiến pháp đến các lĩnh vực chính trị, kinh tế- xã hội, văn hóa, giáo dục, quốc phòng, an ninh, đối ngoại, hội nhập quốc tế, việc bảo đảm quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân…; bổ sung đầy đủ, bao quát hơn về những tồn tại, hạn chế, đề xuất, kiến nghị của các cơ quan, tổ chức trong Báo cáo.
Sau 05 năm triển khai thi hành Hiến pháp, trong số 90 luật, pháp lệnh được liệt kê tại Danh mục, Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành 69 luật, pháp lệnh, trong đó có các đạo luật mang tính nền tảng, rường cột của hệ thống pháp luật; còn 21 dự án luật, pháp lệnh nằm trong Danh mục nhưng chưa được ban hành. Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển đề nghị Báo cáo của Chính phủ cần làm rõ vì sao vẫn còn 21 luật chưa được ban hành để cụ thể hóa Hiến pháp 2013.

Một số đại biểu đề nghị cần có đợt tổng rà soát việc thi hành Hiến pháp năm 2013, rà soát lại toàn bộ hệ thống văn bản quy phạm pháp luật để khắc phục tình trạng chồng chéo, quy định thiếu tính khả thi hoặc thiếu văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh các quan hệ xã hội; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền trong tổ chức bộ máy; hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật về các lĩnh vực mới; đẩy mạnh việc giải thích Hiến pháp bên cạnh việc áp dụng trực tiếp các quy định của Hiến pháp; cần có đánh giá khái quát về việc thực hiện Hiến pháp năm 2013 trong công cuộc đổi mới, xây dựng và phát triển đất nước, bảo đảm quốc phòng-an ninh và hội nhập quốc tế…

Quyết định thành lập, điều chỉnh một số đơn vị hành chính

Cũng trong sáng 11/9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thông qua việc thành lập 4 phường (Hoàng Quế, Hồng Phong, Tràng An, Yên Thọ) thuộc thị xã Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh; sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã, thành lập các phường và thị xã Kinh Môn (Hải Dương); thành lập thị xã Sa Pa và các phường trực thuộc trên cơ sở sáp nhập và điều chỉnh các đơn vị hành chính cấp xã thuộc huyện Sa Pa, tỉnh Lào Cai.

 

 

 

Ý kiến bạn đọc
  • “Không ai bị bỏ lại”, hiện thực hóa mục tiêu nhân văn

    “Không ai bị bỏ lại”, hiện thực hóa mục tiêu nhân văn

    Từ năm 2010, Liên Hợp quốc đã công nhận Việt Nam là một trong những nước đi đầu trong hiện thực hóa các Mục tiêu Thiên niên kỷ, hoàn thành trước thời hạn gần 10 năm 3 mục tiêu (xóa bỏ tình trạng nghèo cùng cực, phổ cập giáo dục tiểu học, tăng cường bình đẳng giới và vị thế cho phụ nữ) và có nhiều tiến bộ, đạt tiệm cận 5 mục tiêu còn lại.

  • “Sâu nặng nghĩa tình”, điều còn mãi

    “Sâu nặng nghĩa tình”, điều còn mãi

    Trong 5 ngày, từ 7/9 đến 12/9, “quái” bão YAGI (bão số 3) với sức gió cấp 12 -13, giật cấp 14 -15 -16 đã đổ bộ vào Quảng Ninh, Hải Phòng, Hà Nội,… và sau đó, hoàn lưu của nó gây mưa lớn liên tục trên toàn miền Bắc đã gây những tổn thất vô cùng to lớn về người và thiệt hại rất nặng nề về tài sản của Nhà nước, doanh nghiệp, người dân.

  • Không thương hiệu, thiệt đơn thiệt kép

    Không thương hiệu, thiệt đơn thiệt kép

    Xuất khẩu nông sản của ta hiện trong TOP 10 -15 thế giới. Nông sản Việt có mặt tại khoảng 200 quốc gia và vùng lãnh thổ, kim ngạch tăng mạnh trong 15 năm qua: năm 2009 mới chỉ gần 16,5 tỷ USD thì năm 2014, kim ngạch đạt 31 tỷ USD, năm 2019 đạt 41,3 tỷ USD, năm 2023 đạt trên 53 tỷ USD, đến hết tháng 7 năm 2024, kim ngạch xuất khẩu nông - lâm - thủy sản đạt 34,27 tỷ USD, phấn đấu đạt 57 -58 tỷ USD cả năm.

Top