Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ hai, ngày 25 tháng 11 năm 2024  
Thứ năm, ngày 4 tháng 4 năm 2019 | 10:43

Hoàn thiện Quy hoạch tài nguyên nước Đồng bằng sông Cửu Long

Quy hoạch tổng thể phát triển đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đang được gấp rút hoàn thiện để trình phê duyệt trước khi diễn ra Hội nghị lần thứ 2 của Thủ tướng Chính phủ về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu sắp tới.

cảnh-khô-hạn-tại-xã-lịch-hội-thượng-huyện-trần-đề-tỉnh-sóc-trăng-duy-khương.jpg
Cảnh khô hạn tại xã Lịch Hội Thượng, huyện Trần Đề, tỉnh Sóc Trăng (ảnh Duy Khương)
 

Mới đây, Bộ TN&MT phối hợp với các cơ quan chức năng nghe báo cáo rà soát, hoàn thiện Quy hoạch tài nguyên nước ĐBSCL.

Phạm vi quy hoạch tài nguyên nước ĐBSCL gồm: 13 tỉnh/thành phố với diện tích 39.945 km2 (không tính diện tích các huyện đảo Kiên Hải 28,2 km2 và Phú Quốc 575,4 km2 của tỉnh Kiên Giang).

Quy hoạch tài nguyên nước nhằm bảo đảm phân bổ công bằng và hợp lý nguồn nước giữa các vùng, nhóm; đối tượng sử dụng nước, các tỉnh; cơ bản giải quyết được tình trạng mâu thuẫn trong phân bổ, chia sẻ, khai thác, sử dụng nước giữa các đối tượng sử dụng nước.

Cân bằng giữa lượng nước có thể khai thác và nhu cầu sử dụng nước có xét đến sự biến động nguồn nước do tác động của biển đổi khí hậu, nước biển dâng và do khai thác, sử dụng nước ở thượng lưu.

Bảo vệ được các hệ sinh thái phụ thuộc vào nước, kiểm soát được tình trạng gia tăng ô nhiễm nguồn nước ở các khu dân cư, khu đô thị lớn, khu công nghiệp tập trung; hạn chế tình trạng xâm nhập mặn vùng cửa sông và các tầng chứa nước; (v) Kiểm soát được tình trạng sạt lở bờ sông; phòng, chống sụt, lún đất do khai thác nước dưới đất quá mức và giảm thiểu các tác hại do nước gây ra. Bảo đảm sử dụng tiết kiệm, hiệu quả nguồn nước hiện có.

Để có thông tin, số liệu cũng như nguồn lực thực hiện lập Quy hoạch, Trung tâm Quy hoạch và Điều tra Tài nguyên nước Quốc gia đề nghị Bộ TN&MT chỉ đạo các đơn vị có liên quan phối hợp, cung cấp các tài liệu, số liệu và phối hợp thực hiện, tổng hợp các số liệu về khí tượng, thủy văn; đo đạc, quan trắc chất lượng; các khu bảo tồn, vùng đất ngập nước quan trọng; đánh giá môi trường chiến lược; số liệu, bản đồ hiện trạng và quy hoạch sử dụng đất; bản đồ nền địa hình; xây dựng mô hình tính toán thủy văn, thủy lực và đánh giá tài nguyên nước phần thượng lưu...

 

ttxvn_nhiem_man.jpg

Quy hoạch tổng thể phát triển đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL đang được gấp rút hoàn thiện để trình phê duyệt trước khi diễn ra Hội nghị lần thứ 2 của Thủ tướng Chính phủ về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu sắp tới (ảnh Duy Khương). 

 

Hoàng Văn Bẩy, Cục trưởng Cục Quản lý tài nguyên nước (Bộ TN&MT), cho biết, Quy hoạch tài nguyên nước ĐBSCL phải xây dựng kịch bản rõ ràng về nước từ thượng nguồn, đặc biệt về mô hình nước mặt, trên cơ sở tận dụng mô hình sông Mê Kông để xây dựng mô hình chi tiết. Cần sơ bộ các chức năng nguồn nước mặt, cần nghiên cứu xây dựng bản đồ nguồn nước, bản đồ sông, suối, rạch của ĐBSCL và chức năng chính của từng nguồn nước, cần lưu ý tính đến yếu tố xâm nhập mặn. Quy hoạch cần bám sát yêu cầu của Luật Quy hoạch và Luật Tài nguyên nước.

Còn theo ông Lê Công Thành, Thứ trưởng Bộ TN&MT, quy hoạch tổng thể ĐBSCL là một bài toán phức tạp, nên cần rất nhiều công sức nữa để có được một quy hoạch tốt đáp ứng yêu cầu. Tuy nhiên, bước đầu đã xác định được các nội dung công việc cần làm trong thời gian tới.

Đặc biệt, các số liệu về nước thượng nguồn; số liệu nước ngầm; vấn đề sụt lún... là những đầu vào số liệu không thể thiếu trong Quy hoạch tài nguyên nước ĐBSCL.

Thứ trưởng cũng đề nghị Trung tâm Quy hoạch và Điều tra Tài nguyên nước Quốc gia cần tiếp thu ý kiến của các đại biểu tại cuộc họp để hoàn thiện, xin ý kiến các Bộ, ngành các đơn vị và các địa phương, cần tập trung để hoàn thiện, trình lãnh đạo Bộ phê duyệt trước khi diễn ra Hội nghị lần thứ 2 của Thủ tướng Chính phủ về phát triển bền vững đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu sắp tới.

 

 

 

 

PV
Ý kiến bạn đọc
Top