Cần liên kết “4 nhà” gồm Nhà nước, nhà khoa học, nhà nông và nhà doanh nghiệp để phòng chống hạn mặn ở ĐBSCL.
Những ngày qua, sự khốc liệt và dữ dội của hạn mặn tác động làm đảo lộn toàn bộ đời sống của người dân ĐBSCL. Không chỉ thiếu nước tưới khiến lúa, hoa màu, gia súc, gia cầm chết mà hạn mặn cũng đẩy hàng chục ngàn người dân vào cảnh thiếu nước sinh hoạt trầm trọng, phải tắm rửa bằng nước lợ, gây ra các bệnh ngoài da; có hộ dân vùng hạn mặn phải di chuyển cả gia đình để tìm đến nơi có nước ngọt để trú ngụ.
Xem ra công cuộc phòng chống hạn mặn và lâu dài hơn là biến đổi khí hậu ở ĐBSCL ngày càng cam go và đầy chông gai, rất cần sự chung tay góp sức của 4 nhà. Đó là Nhà nước, nhà khoa học, nhà nông và nhà doanh nghiệp( thương mại).
Quy hoạch vùng chi tiết
Trước tiên, về phía Nhà nước, nhất là Chính phủ và các bộ, ngành liên quan cần khẩn trương nghiên cứu, ban hành các quy hoạch vùng chi tiết nhằm đảm bảo vùng nào, địa phương nào sống chung với hạn mặn; nơi nào, vùng nào phòng chống hạn mặn, lũ triệt để. Trên cơ sở đó có sự chỉ đạo đầu tư các công trình thủy lợi phù hợp, mang tính liên vùng, tránh đầu tư manh mún theo kiểu tình thế, trước mắt mà quên đi tính căn cơ, lâu dài.
Thực tế hiện nay, các địa phương trong vùng ĐBSCL rất lúng túng trong việc chuyển dịch cơ cấu cây trồng vật nuôi phù hợp với điều kiện hạn mặn bởi nếu chuyển đổi nhỏ lẻ nơi nuôi tôm, nơi trồng lúa sẽ dẫn đến mâu thuẫn mặn ngọt, việc nuôi tôm đại trà thì rất cần một hệ thống thủy lợi đồng bộ, vận hành khoa học, chưa kể là trình độ canh tác đòi hỏi phải cao hơn rất nhiều. Trong khi việc khuyến khích nông dân chuyển sang các giống cây trồng, vật nuôi khác ngoài cây lúa thì lại rất khó tìm đầu ra.
Hiện nay, nhiều tỉnh trong vùng đang hỗ trợ nông dân thực hiện, bước đầu thành công mô hình” con tôm ôm cây lúa”( một vụ lúa, một vụ tôm). Tuy nhiên nếu nhân ra đại trà thì cũng không hề dễ dàng vì mô hình này đòi hỏi phải có thời gian và nông dân không dễ gì thích ứng ngay vì năng suất, chất lượng tôm lúa cũng không hề dễ dàng đối với nông dân; chưa kể giá tôm không phải lúc nào cũng ổn định.
Đó là chưa kể cần hỗ trợ nông dân kịp thời kinh phí khi có thiên tai, hạn mặn; nhất là vốn khi chuyển đổi cây trồng vật nuôi phù hợp bởi đa số nông dân vùng hạn mặn là hộ nghèo, phải lo sinh kế hàng ngày, không dễ chấp nhận độ rủi ro khi chuyển đổi; tránh để nông dân” bơi trong hạn mặn”.
Cũng liên quan đến nguồn nước ngọt, Nhà nước cần thúc đẩy nhanh và có chiến lược việc đàm phán, hợp tác với các nước ở thượng nguồn sông mê Kông và vùng hạ lưu để cùng khai thác có hiệu quả nguồn nước từ con sông mẹ này. Đối với chính quyền địa phương trên cơ sở quy hoạch tổng thể của vùng, liên vùng, của địa phương đã được phê duyệt cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền để nâng cao nhận thức của người dân tuân thủ nghiêm ngặt các quy hoạch đề ra, tránh phá vỡ quy hoạch. Bên cạnh đó, cần giúp nông dân thực hiện tốt các mô hình sản xuất phù hợp với điều kiện hạn mặn và biến đổi khí hậu, nhất là nước biển dâng trong tương lai; đồng thời tích cực là cầu nồi giúp bà con tìm đầu ra cho nông sản hàng hóa.
Ứng dụng các sáng kiến vào thực tiễn
Về phía đội ngũ các nhà khoa học, chuyên gia, trí thức; viện, trường, trung tâm nghiên cứu nông nghiệp, trung tâm khí tượng thủy văn… cần tập trung và đẩy nhanh việc ứng dụng các sáng kiến, kết quả nghiên cứu của mình vào thực tiễn để giúp nhà nước và nông dân quy hoạch lại vùng sản xuất phù hợp với điều kiện sinh thái địa phương, nhất là hạn mặn và biến đổi khí hậu.
Đặc biệt khi hạn mặn cần có cảnh báo kịp thời, chính xác để các cấp cấp, các ngành khuyến cáo nông dân thực hiện việc canh tác cây, con giống phù hợp, tránh thiệt hại. Đó là chưa kể cần gắn bó với sát với đồng ruộng, bám đồng ruộng để lắng nghe tâm tư nguyện vọng của người dân để hướng dẫn, giúp nông dân trụ vững trong bối cảnh khắc nghiệt của biến đổi khí hậu.
Bởi thực tế hiện nay, đa số nông dân ở ĐBSCL là hộ nghèo, trình độ dân trí chưa cao, thói quen làm lúa nước đã có hàng trăm năm nay nên việc thay đổi sang các giống cây trồng vật nuôi khác đòi hỏi trình độ kỹ thuật cao hơn là không hề đơn giản.
Một nhân tố quan trọng góp phần phòng chống hạn mặn lâu dài, căn cơ cho ĐBSCL là các nhà doanh nghiệp, các nhà thương mại, ngân hàng. Bởi nông dân nhiều nơi sẵn sàng nghe theo khuyến cáo, hướng dẫn của ngành chuyên môn, nhà khoa học nuôi trồng các cây, con mới song vấn đề đầu ra cho sản phẩm ở vùng mặn, ngọt lại phụ thuộc phần lớn vào các doanh nghiệp, doanh nhân.
Chính các doanh nghiệp, doanh nhân bằng sự nhạy bén trên thương trường sẽ hướng dẫn, định hướng và liên kết cùng nông dân hình thành các vùng chuyên canh cây, con phù hợp đủ sức cạnh tranh, giúp nông dân tiêu thụ được nông thủy sản mà họ làm ra. Điều này rất quan trọng không chỉ thúc đẩy các mô hình sản xuất phù hợp trong điều kiện hạn mặn và biến đổi khí hậu mà còn cởi bỏ tâm lý bám riết lấy cây lúa để an toàn, đủ ăn có thu nhập mà bấy lâu nay đã thấm đẫm với đa số nông dân vùng ĐBSCL.
Thay đổi từng bước tập quán canh tác
Đối với bà con nông dân ĐBSCL mình cũng cần hiểu rõ: Sản xuất của bà con sẽ ngày càng khó khăn, khắc nghiệt hơn nhất là hạn mặn sẽ đến thường xuyên hơn; nguồn nước ngọt, phù sa màu mỡ trước đây sẽ khó mà quay trở lại đều đặn. Do vậy, điều kiện canh tác sẽ ngày càng đòi hỏi khắt khe hơn, kỹ thuật cao hơn. Đây là một thực tế mà bà con phải đối diện để thích ứng. Từ đó bà con mình cũng cần phải thay đổi từng bước tập quán canh tác từ chuyên canh cây lúa- tiêu hao rất lớn nguồn nước ngọt- sang các giống cây trồng vật nuôi có hiệu quả theo hướng dẫn của các cấp, các ngành và các nhà khoa học.
Theo dự báo, hạn mặn khốc liệt hiện nay mới chỉ là biểu hiện bước đầu của biến đổi khí hậu, tương lai vùng ĐBSCL sẽ phải đổi mặt với nước biển dâng, không khí nóng lên, các thiên tai như bão, lũ có thể sẽ xuất hiện thường xuyên. Điều này đòi hỏi “ 4 nhà” hay mở rộng hơn có thể là 5-6 nhà cần liên kết chặt chẽ hơn nữa mới mong giúp cho vùng đất Chín rồng thực sự bình yên trong thiên tai và cả do nhân tai gây nên./
Chương trình giáo dục số đã nhận được sự hưởng ứng tích cực từ cán bộ cơ sở và khách hàng của NHCSXH. Hầu hết đều đánh giá chương trình thiết thực, dễ tiếp cận và phù hợp với nhu cầu của đại đa số khách hàng, góp phần tích cực cho việc thực hiện chủ chương thúc đẩy chuyển đổi số và kinh tế số của địa phương.