Biến đổi khí hậu (BĐKH), hiện tượng El Nino đã và đang gây ra tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn tác động đến sản xuất và đời sống vùng ĐBSCL. Một nguyên nhân khác dẫn đến tình trạng trên là do vùng ĐBSCL chưa xây dựng được quy hoạch tài nguyên nước, dẫn đến việc khai thác, sử dụng tài nguyên nước chưa hợp lý và thiếu bền vững. Quản lý khai thác, phân bổ và bảo vệ nguồn nước mặt của vùng hiệu quả và bền vững đang là vấn đề cấp thiết..
Xây dựng hệ thống cấp nước liên vùng
Vùng ĐBSCL có hệ thống sông ngòi dày đặc, là nguồn cung cấp nước ngọt cho sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, sinh hoạt. Tuy nhiên, vùng có địa hình thấp và có các khu vực bị ngập lũ hằng năm. Bên cạnh đó, do tác động bởi BĐKH và nước biển dâng, nguồn nước đang ngày càng bị xâm nhập mặn. Theo Công ty cổ phần Nước và Môi trường Việt Nam (VIWASE) – đơn vị tư vấn thực hiện Quy hoạch cấp nước vùng ĐBSCL đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (gọi tắt là Quy hoạch cấp nước), vấn đề quy hoạch cấp nước vùng ĐBSCL thời gian qua đã được đề cập nhưng chưa triệt để, chưa gắn kết với quy hoạch cấp nước trong điều kiện BĐKH và nước biển dâng, tình trạng xâm nhập mặn đang gia tăng và diễn biến phức tạp. Hệ thống cấp nước được xây dựng qua nhiều thời kỳ, hiện đã xuống cấp. Cùng với sự phát triển của kinh tế - xã hội, tiến trình đô thị hóa và BĐKH, việc lập quy hoạch cấp nước vùng ĐBSCL là rất cần thiết và cấp bách. Quy hoạch cấp nước góp phần hoàn thiện cơ sở hạ tầng của vùng ĐBSCL; cải thiện điều kiện cấp nước an toàn, thích ứng BĐKH, xâm nhập mặn và nước biển dâng. Đồng thời, tạo điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của vùng.
Toàn vùng ĐBSCL hiện có khoảng 350 nhà máy nước tập trung, trong đó, 126 nhà máy nước sử dụng nguồn nước dưới đất và 224 nhà máy nước sử dụng nguồn nước mặt từ sông Tiền, sông Hậu và các nhánh. Theo Quy hoạch cấp nước, đến năm 2030 sẽ xây dựng hệ thống cấp nước liên vùng kết hợp với các nhà máy nước hiện có và các nhà máy nước xây mới tại các tỉnh, đáp ứng cho 100% dân số khu vực nội thị và 90% dân số khu vực ngoại thị, 25% dân số nông thôn được cấp nước từ hệ thống cấp nước tập trung đô thị. Định hướng đến năm 2050, nguồn nước chính là nguồn nước mặt sông Tiền và sông Hậu; nghiên cứu sử dụng thêm các nguồn nước lợ, nước mưa. Từ đó, tiến tới thay thế các nhà máy nước ngầm tại các đô thị; nâng công suất các nhà máy nước liên vùng hiện có… Nguyên tắc quy hoạch sử dụng nguồn nước ưu tiên khai thác nguồn nước mặt; chỉ sử dụng nguồn nước dưới đất tại những khu vực không có khả năng khai thác nguồn nước mặt. Các tỉnh, thành trong vùng phân vùng cấp nước, gồm: vùng 1: Long An, Tiền Giang và Đồng Tháp (trừ Sa Đéc, Lấp Vò, Lai Vung và Châu Thành); vùng 2: Đồng Tháp (gồm Sa Đéc, Lấp Vò, Lai Vung và Châu Thành), An Giang (gồm Chợ Mới, Phú Tân, Tân Châu và An Phúc), Bến Tre, Trà Vinh và Vĩnh Long; vùng 3: An Giang (huyện, thành phố còn lại), Kiên Giang, Cần Thơ, Hậu Giang, Sóc Trăng, Bạc Liêu và Cà Mau. Hệ thống cấp nước được thực hiện theo mô hình cấp nước tập trung (xây dựng hệ thống cấp nước liên vùng) kết hợp với hệ thống cấp nước phân tán tại các tỉnh thành. Cụ thể, đến năm 2020 xây dựng 3 nhà máy nước vùng, năm 2025 xây dựng 4 nhà máy và đến năm 2030 xây dựng 5 nhà máy với tổng công suất 1.400 m3 nước/ ngày cung cấp cho các tỉnh ĐBSCL. Hệ thống cấp nước liên vùng, kết hợp với các nhà máy nước hiện có và xây mới tại các tỉnh, thành để cấp nước cho vùng; hạn chế sử dụng nước dưới đất, ưu tiên khai thác nước mặt. Định hướng đến năm 2050 sẽ xây dựng bổ sung các tuyến ống truyền dẫn tới các tỉnh ven biển Tây và biển Đông, nối vòng một số tuyến ống để đảm bảo cấp nước an toàn; mở rộng mạng lưới cấp nước cho đô thị và công nghiệp theo từng thời kỳ; giảm thất thoát nước sạch ở mức dưới 10%... Nguồn vốn thực hiện dự kiến được kêu gọi đầu tư từ xã hội hóa, hợp tác công tư PPP, vốn ODA từ các nước, các tổ chức tín dụng quốc tế và vốn Trái phiếu Chính phủ.
Để cấp nước vùng hiệu quả, bền vững
Sông Hậu là một trong những nguồn khai thác nước mặt chủ yếu cung cấp cho các tỉnh, thành vùng ĐBSCL. |
Tại TP Cần Thơ, Bộ Xây dựng vừa tổ chức hội nghị Báo cáo Quy hoạch cấp nước với sự tham gia của đại diện UBND, Sở Xây dựng và đơn vị cấp nước của 13 tỉnh, thành khu vực ĐBSCL. Tại hội nghị, các đại biểu đã đóng góp nhiều ý kiến để Quy hoạch cấp nước phù hợp với tình hình thực tế địa phương và đảm bảo cấp nước bền vững cho khu vực. Theo đó, các ý kiến xoay quanh một số vấn đề, như: Đơn vị tư vấn cần tính toán lại số liệu đầu vào phù hợp tình hình thực tế; cập nhật cấp nước cho vùng hải đảo; xác định cụ thể vị trí các nhà máy nước vùng, tiến độ thực hiện cụ thể để các địa phương chủ động trong quy hoạch sử dụng đất. Đồng thời, có các giải pháp cụ thể về nguồn vốn thực hiện các công trình; nghiên cứu, bổ sung cơ chế, chính sách để đẩy nhanh tiến độ các dự án và đảm bảo giá nước phù hợp với khả năng của người dân vùng nông thôn…
Nhiều đại biểu băn khoăn vấn đề định hướng giai đoạn tới chỉ sử dụng nguồn nước mặt, hạn chế hoặc không sử dụng nước ngầm trong cấp nước. Bởi hiện nay, nhiều địa phương trong khu vực ĐBSCL sử dụng nguồn nước ngầm xử lý và cấp nước cho người dân. Theo đại diện Sở Xây dựng tỉnh Trà Vinh, nguồn nước sử dụng trong cấp nước tại Trà Vinh chủ yếu là nguồn nước ngầm. Do đó, Bộ Xây dựng cần xem xét vấn đề này, có định hướng cấp nước phù hợp với địa phương. Trước tình hình diễn biến phức tạp của BĐKH, để đảm bảo cung cấp nguồn nước cho người dân, giai đoạn 2016-2017, Chính phủ cần có những dự án ưu tiên cấp nước cho khu vực.
Ông Phạm Vũ Hồng, Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang, cho rằng: Đơn vị tư vấn cần cập nhật đến tình hình lưu lượng nước sông Mê Công trong thời gian gần đây vì hiện nay giảm khoảng 50%. Bên cạnh đó, Quy hoạch cấp nước không thể thiếu cấp nước cho các vùng đảo, như: Phú Quốc, bán đảo Cà Mau. Hiện nay, vấn đề cấp nước cho đảo Phú Quốc là thách thức lớn đối với tỉnh Kiên Giang. Ngoài ra, phân kỳ xây dựng các nhà máy cấp nước tính toán phù hợp với nhu cầu thực tế các địa phương. Theo đó, đến năm 2025, đầu tư xây dựng tất cả các nhà máy nước; giai đoạn 2025-2030, tăng năng suất của các nhà máy này…
Ngoài ra, nhiều ý kiến cho rằng: Để hoạt động cấp nước hiệu quả, Chính phủ cần có cơ chế, chính sách trong công tác quản lý, kêu gọi đầu tư. Đồng thời, có giải pháp nguồn vốn, hỗ trợ các đơn vị cấp nước đầu tư hệ thống đường ống đồng bộ, kịp thời cung cấp nước đến người dân; đặc biệt là vùng nông thôn, vùng xa…
Thủ tướng Malaysia Anwar Ibrahim cho biết, chuyến thăm chính thức của Tổng Bí thư Tô Lâm tới Malaysia lần này có ý nghĩa quan trọng khi hai nước nâng cấp quan hệ lên Đối tác Chiến lược toàn diện. Hai bên nhất trí tăng cường hợp tác trên các lĩnh vực, trong đó có lĩnh vực an ninh, quốc phòng, hợp tác biển và một số lĩnh vực hợp tác về điện, kinh tế số…
Trong phiên giải trình mới đây tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, liên quan tới bảo hiểm nông nghiệp (BHNN), Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Lê Minh Hoan cho biết, sau bão Yagi (bão số 3), bộ đã thiết kế lại dự thảo để trình Bộ Tài chính sửa đổi Nghị định 58 về BHNN. Chưa bao giờ chúng tôi thấy BHNN cần thiết như sau bão Yagi.
Kế hoạch này nhằm triển khai thực hiện Quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt các Đề án: Phát triển công nghiệp sản xuất giống; công nghiệp chế biến thức ăn chăn nuôi; giết mổ, chế biến và thị trường sản phẩm chăn nuôi; đẩy mạnh hoạt động khoa học công nghệ ngành chăn nuôi đến năm 2030 trên địa bàn thành phố Hà Nội.
Trên những triền núi đá ở xã Xuân Quang (Bảo Thắng - Lào Cai), có người đàn ông lặng lẽ theo nghề nuôi ong mật suốt bao năm. Đó là ông Cao Văn Chiến, Giám đốc Hợp tác xã Nậm Dù, người đã miệt mài xây dựng giấc mơ lớn từ những điều nhỏ bé, mang về cho vùng đất khô cằn này nghề nuôi ong đầy triển vọng.