Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 29 tháng 3 năm 2024  
Thứ năm, ngày 31 tháng 12 năm 2015 | 3:10

Hoàn thiện thể chế, tạo điều kiện cho công - thương nghiệp phát triển bền vững

KTNT - Sáng 31/12, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tới dự và phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2015 và triển khai nhiệm vụ năm 2016 của Bộ Công Thương.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2015 và triển khai nhiệm vụ năm 2016 của Bộ Công Thương.

Báo cáo tổng kết của Bộ Công Thương cho thấy tình hình sản xuất công nghiệp, hoạt động thương mại năm 2015 được đẩy mạnh triển khai và đạt được những kết quả tích cực. Sản xuất công nghiệp tăng trưởng ấn tượng, góp phần vào tăng trưởng của toàn nền kinh tế. Chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 9,8%, cao hơn nhiều so với mức tăng của cùng kỳ các năm gần đây, tăng 2 điểm phần trăm so với kế hoạch (7,8%). Nhóm ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng cao hơn tốc độ tăng trưởng chung (tăng 10,6%), đóng góp chủ yếu vào tăng trưởng của ngành; ngành khai khoáng mặc dù gặp nhiều khó khăn nhưng với sự cố gắng, nỗ lực của toàn ngành, sản xuất đã giữ được ổn định; nhóm mặt hàng cơ khí tăng trưởng khá, là dấu hiệu cho thấy ngành công nghiệp hỗ trợ bắt đầu xu hướng phát triển.

Trong hoạt động thương mại, tổng kim ngạch xuất khẩu năm 2015 ước khoảng 162,4 tỷ USD, tăng khoảng 8,1% so với năm 2014. Cả nước có 23 nhóm hàng có kim ngạch xuất khẩu đạt trên 1 tỷ USD. Cơ cấu các nhóm hàng xuất khẩu của Việt Nam có những chuyển dịch tích cực, phù hợp với lộ trình thực hiện mục tiêu của Chiến lược phát triển nhập khẩu hàng hóa thời kỳ 2011-2020, định hướng đến năm 2030. Tổng kim ngạch nhập khẩu năm 2015 ước đạt 165,6 tỷ USD, tăng 12% so với năm 2014. Hoạt động nhập khẩu hàng hóa phục vụ tích cực cho hoạt động sản xuất; cơ cấu hàng hóa nhập khẩu chuyển dịch theo hướng giảm dần tỷ trọng nhóm hàng tiêu dùng và tăng dần tỷ trọng nhóm hàng nguyên, nhiên vật liệu phục vụ cho sản xuất. Nhập siêu năm 2015 được kiểm soát tốt, cả năm nhập siêu ước khoảng 3,17 tỷ USD, tương đương 2% của kim ngạnh xuất khẩu.

Thị trường hàng hóa trong nước dồi dào, nguồn cung hàng hóa trên thị trường luôn được đảm bảo, giá cả nguyên nhiên vật liệu ở mức thấp,… là những yếu tố tích cực thúc đẩy tiêu dùng. So với cùng kỳ năm 2014, chỉ số lạm phát thấp giúp tiêu dùng trong nước được cải thiện, lượng hàng tồn kho đã ở mức bình thường; tổng mức lưu chuyển hàng hóa bán lẻ và dịch vụ năm 2015 ước tăng 9,5% so với cùng kỳ. Công tác quản lý thị trường được triển khai quyết liệt ngay từ đầu năm.

Năm 2015 được đánh giá là năm đạt được kết quả hội nhập kinh tế quốc tế rất tích cực khi Việt Nam đã ký kết Hiệp định thương mại tự do với Liên minh kinh tế Á-Âu, Hàn Quốc; kết thúc đàm phán FTA với EU và TPP. Với kết quả này, Việt Nam đã có Hiệp định thương mại tự do với 55 nền kinh tế thế giới, trong đó có 17/20 đối tác G20 và 7/7 đối tác của G7,…

Về nhiệm vụ sản xuất công nghiệp và hoạt động thương mại năm 2016, ngành Công Thương đã đề ra các mục tiêu sản xuất công nghiệp tăng khoảng 9-10%, xuất khẩu năm 2016 đạt khoảng 178 tỷ USD, tăng 10% so với năm 2015. Tỷ lệ nhập siêu so với tổng kim ngạch xuất khẩu duy trì ở mức dưới 5%. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ ước tăng khoảng 11,5-12%.

Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, sau khi nêu bật những kết quả toàn diện mà toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta đạt được trong sự nghiệp xây dựng, phát triển và bảo vệ Tổ quốc trong năm 2015 cũng như trong cả nhiệm kỳ 5 năm 2011-2015, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho rằng trong thành tựu chung mà cả nước đạt được, những đóng góp của ngành Công Thương là rất lớn, rất quan trọng, nhất là đóng góp cho tăng trưởng, cho ổn định kinh tế vĩ mô, cho giải quyết việc làm và cải thiện đời sống nhân dân và nhiều lĩnh vực khác. Thủ tướng biểu dương, đánh giá cao sự phấn đấu, nỗ lực của ngành Công Thương trong năm 2015 nói riêng và 5 năm qua nói chung; đồng thời mong muốn toàn ngành tiếp tục phát huy những thành tựu, kết quả đạt được; ra sức khắc phục những hạn chế, yếu kém; nỗ lực phấn đấu thực hiện thắng lợi nhiệm vụ được đặt ra cho năm 2016 và cả giai đoạn 2016 - 2020 với tinh thần cao hơn năm 2015 và cao hơn giai đoạn 2011 - 2015.

Tại Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã nhấn mạnh những nhiệm vụ trọng tâm mà ngành cần tập trung thực hiện trong thời gian tới. Theo đó, trước hết ngành Công Thương cần tiếp tục hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách, chiến lược, quy hoạch để tạo điều kiện thuận lợi cho các lĩnh vực công nghiệp, thương nghiệp phát triển mạnh hơn nữa, bền vững hơn nữa. Điều này có ý nghĩa hết sức quan trọng bởi thể chế chính là tạo ra hạ tầng mềm và nếu không có cơ chế, chính sách phù hợp thì không thể phát triển. “Xây dựng thể chế, cơ chế, chính sách là việc của chúng ta; doanh nghiệp, người dân không thể làm thay được mà Nhà nước phải làm, mà trong lĩnh vực này thì trực tiếp là ngành Công Thương. Trên cơ sở hệ thống pháp luật, chiến lược, quy hoạch,… các đồng chí phải rà soát, hoàn thiện cơ chế, chính sách theo tinh thần thực hiện cơ chế thị trường đầy đủ, tạo mọi thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp phát triển sản xuất, kinh doanh. Chúng ta không làm được điều này thì không thể thực hiện được yêu cầu đặt ra, không thể nâng cao được năng lực cạnh tranh”, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phát biểu.

Thủ tướng cũng yêu cầu ngành Công Thương Cùng không ngừng nâng cao năng lực sản xuất công nghiệp, thúc đẩy phát triển thương mại, dịch vụ; phát triển công nghiệp phụ trợ, tăng tỷ lệ nội địa hóa đối với các sản phẩm công nghiệp, dịch vụ. Tận dụng tối đa các cơ hội, lợi thế từ thành quả hội nhập quốc tế, nhất là hội nhập kinh tế quốc tế mạng lại. Khuyến khích, tạo mọi điều kiện thuận lợi để đẩy mạnh, mở rộng thị trường xuất khẩu; tập trung tháo gỡ, tạo mọi điều kiện để mở rộng thị trường cho các mặt hàng mà trước hết những mặt hàng Việt Nam có thế mạnh như dệt may, da giầy, đồ gỗ, nông-thủy sản; kiểm soát tốt nhập siêu, xây dựng hàng rào kỹ thuật để bảo hộ sản xuất, thị trường trong nước phù hợp với các cam kết, thông lệ quốc tế. “Đẩy mạnh sản xuất, đẩy mạnh xuất khẩu để tạo việc làm có ý nghĩa hết sức quan trọng, đây không chỉ là vấn đề kinh tế mà còn là vấn đề về chính trị, xã hội” - Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh; đồng thời yêu cầu phải tiếp tục thúc đẩy phát triển thị trường trong nước - một thị trường rộng lớn, có nhiều tiềm năng với dân số trên 90 triệu người và trong tương lai không xa sẽ là 100 triệu dân. “Chúng ta phải chiến thắng trên sân nhà và điều rất mừng hiện nay là ở các siêu thị, hàng hóa tiêu dùng của Việt Nam chiếm tỷ trọng lên tới trên 90%”.

Một nhiệm vụ lớn được Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề cập là ngành Công Thương cần quan tâm thực hiện hiệu quả hơn nữa công tác tái cơ cấu ngành theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh ở từng lĩnh vực, trong đó đặc biệt quan tâm tới tái cơ cấu các doanh nghiệp nhà nước của ngành, nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động, năng suất lao động, năng lực quản trị của doanh nghiệp nhà nước.

Ngoài ra, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng lưu ý ngành Công Thương tiếp tục thực hiện quyết liệt, hiệu quả công tác cải cách thủ tục hành chính; tháo gỡ khăn khăn, vướng mắc, tạo mọi điều kiện thuận để doanh nghiệp, người dân thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh; góp phần nâng cao năng năng suất lao động, năng lực cạnh tranh quốc gia, cạnh tranh của doanh nghiệp và năng lực cạnh tranh của các sản phẩm hàng hóa, dịch vụ./.

KTNT
Ý kiến bạn đọc
  • Thanh niên với phát triển đất nước thời kỳ mới

    Thanh niên với phát triển đất nước thời kỳ mới

    Những người từ 15 đến 30 tuổi được gọi là thanh niên. Đây là lứa tuổi đang trưởng thành, đang vào đời, bắt đầu hành trình lập thân lập nghiệp.

  • Diện mạo mới từ chính sách phù hợp

    Diện mạo mới từ chính sách phù hợp

    Trong hơn 40 năm qua, kể từ khi thực hiện Khoán 100 (Chỉ thị số 100-CT/TW, ngày 13/1/1981 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về cải tiến công tác khoán, mở rộng “khoán sản phẩm cuối cùng đến nhóm lao động và người lao động” trong hợp tác xã nông nghiệp), rồi Khoán 10 (Nghị quyết số 10-NQ/TW, ngày 5/4/1988 của Bộ Chính trị về đổi mới quản lý kinh tế nông nghiệp.

  • Giải pháp tiếp đà tăng tốc

    Giải pháp tiếp đà tăng tốc

    Năm 2023 để lại nhiều dấu ấn trong cả sản xuất, chế biến và xuất khẩu nông sản, nhất là đối với hai mặt hàng lúa gạo và rau quả.

Top