Dù không có diện tích để canh tác hay trồng trọt nhưng người tiêu dùng vẫn có cơ hội sở hữu vài cây xoài, thậm chí cả vườn xoài đặc sản ở huyện Cao Lãnh (tỉnh Đồng Tháp) thông qua mô hình “Cây xoài nhà tôi”.
Đây là ý tưởng độc đáo của HTX Xoài Mỹ Xương, với mong muốn mang sản phẩm đến gần hơn với người tiêu dùng.
Khách hàng chia sẻ cùng nhà vườn
Nhận thấy nhu cầu thị trường ngày càng ưa chuộng sản phẩm sạch, an toàn nên ông Võ Văn Phục ở xã Mỹ Xương đã chuyển đổi sang sản xuất xoài theo hướng an toàn từ mô hình “Cây xoài nhà tôi”. Qua hơn 3 năm canh tác, ông Phục thu được kết quả phấn khởi từ mô hình này.
Đến tham quan mô hình trồng xoài của ông Phục, chúng tôi không khỏi ngạc nhiên trước vườn xoài trĩu quả. Với hơn 12.000m2 vườn, ông chỉ trồng duy nhất giống xoài Cát Chu nổi tiếng. Điểm đặc biệt ở vườn xoài của ông Phục là gắn bảng đánh dấu tên tuổi những khách hàng đặt mua “Cây xoài nhà tôi”.
Ông Phục chia sẻ, ông bắt đầu trồng xoài từ năm 1998, trước đây trái chủ yếu bán cho thương lái, giá cả bấp bênh nên thu nhập không cao. Sau khi gia nhập HTX Xoài Mỹ Xương, được HTX triển khai mô hình “Cây xoài nhà tôi”, có hỗ trợ kỹ thuật canh tác, ông Phục tham gia vào chuỗi giá trị sản xuất theo phương pháp hữu cơ, sản phẩm được quản lý truy xuất nguồn gốc nên chất lượng được đảm bảo.
Đến nay, qua hơn 3 năm canh tác, ông Phục bán được 6 “Cây xoài nhà tôi”, với giá 2,5 - 3,5 triệu đồng/cây/năm. Mỗi năm (2 vụ) cung cấp cho khách hàng trên 100kg/cây (nếu trúng mùa) hoặc 70kg/cây (nếu mất mùa) và sản phẩm xoài thu hoạch được đóng gói chuyển đến tận nhà người mua. Ngoài ra, khách hàng sở hữu “Cây xoài nhà tôi” còn có thể đến thăm hoặc quan sát từ xa qua hình ảnh được cập nhật trên trang web: xoaicaolanh.com.vn.
Ông Phục chia sẻ, có thời kỳ tiêu thụ trái xoài của gia đình rất khó khăn, nhất là khi xoài bị sâu bệnh nhiều. Tuy nhiên, từ khi tham gia mô hình “Cây xoài nhà tôi”, giá bán ổn định, khách hàng trả tiền trước nên tạo điều kiện thuận lợi cho nông dân có một phần chi phí đầu tư ban đầu. Điều quan trọng hơn là người nông dân cảm nhận được sự chia sẻ của khách hàng. Sản phẩm được sản xuất theo quy trình VietGAP nên khách hoàn toàn có thể yên tâm về chất lượng và “khi mua bán như thế này, nghĩa là người sản xuất biết ai mua xoài của mình, trong khi người mua cũng biết rõ ai trồng và chăm sóc cây nên chúng tôi không thể nào làm ăn gian dối được”, ông Phục nói.
Thông thương hóa quá trình giao dịch
Ông Võ Việt Hưng, Giám đốc HTX Xoài Mỹ Xương, chia sẻ: “Với ý tưởng xây dựng mô hình “Cây xoài nhà tôi”, HTX mong muốn người tiêu dùng và người nông dân có sự gắn bó và cảm thông với nhau nhiều hơn. Từ mô hình này, khách hàng không những có thêm trải nghiệm thú vị mà còn là dịp để người tiêu dùng có thể hiểu được rằng nông dân rất tâm huyết và có trách nhiệm với sản phẩm làm ra. Đây cũng là thông điệp mà nhà vườn muốn gửi đến khách hàng xa gần”.
Tuy nhiên, để tạo sự tin tưởng cho khách hàng về chất lượng trái “xoài nhà tôi”, hiện tại, địa phương đang nâng cấp trang web xoaicaolanh.com.vn để việc truy cập trở nên thuận tiện, dễ dàng hơn, góp phần thông thương hóa quá trình giao dịch giữa người mua và người bán. Đối với các sản phẩm xoài, huyện Cao Lãnh cũng đang phối hợp cùng các đơn vị từng bước ứng dụng công nghệ blockchain nhằm chứng minh thông tin sản phẩm.
Trong tiết trời se lạnh đầu đông, nhưng ở trong Trường TH&THCS số 1 Phúc Khánh (Bảo Yên - Lào Cai), không khí ấm áp và rộn ràng đang tràn ngập nơi đây. Những ngày tháng gian khó sau bão số 3 đã ở lại phía sau, nhường chỗ cho niềm vui và nụ cười rạng rỡ của các em học sinh. Bằng sự tận tụy, ân cần của thầy cô, nhà trường đã trở thành mái nhà thứ hai, nơi tràn đầy tình yêu thương và hy vọng.
Cuộc thi trực tuyến tìm hiểu về bảo hiểm tiền gửi (BHTG) 2024 là một hoạt động quan trọng trong việc nâng cao nhận thức của công chúng về chính sách BHTG và hoạt động của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam (BHTGVN), qua đó truyền tải nội dung chính sách BHTG một cách mới mẻ, hấp dẫn và thu hút sự quan tâm của công chúng.