Sáng 30/9, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã đến thăm và dự Lễ khai giảng năm học 2018 - 2019 của Học viện Nông nghiệp Việt Nam.
Cùng tham dự có các đồng chí: Hoàng Trung Hải, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội; Vũ Đức Đam, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ; đại diện lãnh đạo nhiều ban, bộ, ngành, cơ quan Trung ương.
Đào tạo 65% cán bộ khoa học kỹ thuật và quản lý nông nghiệp của cả nước
Trong diễn văn khai giảng, Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Thị Lan, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam nêu rõ: Trong suốt hơn 60 năm qua, Học viện đã không ngừng lớn mạnh cả về quy mô, số lượng và chất lượng; đã đào tạo cho đất nước hàng chục vạn cán bộ khoa học – kỹ thuật và quản lý kinh tế nông nghiệp có trình độ đại học, hàng vạn thạc sỹ và gần 600 tiến sỹ. Học viện hiện có gần 1.400 cán bộ với hơn 800 đảng viên, 11 giáo sư, gần 400 tiến sỹ, đang đào tạo hơn 30 ngàn sinh viên và khoảng 500 sinh viên quốc tế, được ghi nhận là một trung tâm đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, một trung tâm nghiên cứu tiên tiến về khoa học kỹ thuật, kinh tế và chính sách nông nghiệp, phát triển nông thôn của đất nước.
Đến nay, Học viện đã đào tạo trên 65% số cán bộ khoa học kỹ thuật và quản lý ngành nông nghiệp, phát triển nông thôn của cả nước. Lực lượng cán bộ do Học viện đào tạo là một nguồn nhân lực quan trọng, có những đóng góp xứng đáng vào những thành tựu nổi bật của nông nghiệp và nông thôn nước ta trong kháng chiến - kiến quốc trước đây và trong sự nghiệp đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập quốc tế hiện nay. Nhiều công trình khoa học, quy trình công nghệ, tiến bộ kỹ thuật do các thế hệ thầy và trò Học viện sáng tạo ra đã có những đóng góp xuất sắc, cả lý luận và thực tiễn, cho sự nghiệp phát triển nông nghiệp hiện đại, bền vững và nông thôn Việt Nam văn minh, giàu đẹp.
Năm học 2017-2018 vừa qua, Học viện có 4 giống cây trồng được công nhận quốc gia, 2 giống cây trồng được đưa vào sản xuất thử nghiệm, thương mại hóa 4 giống lúa, 2 giống ngô và nhiều giải pháp hữu ích khác; đăng ký quyền sở hữu trí tuệ 4 sản phẩm khoa học công nghệ, thực hiện tốt 17 nhiệm vụ khoa học công nghệ cấp quốc gia, 18 nhiệm vụ khoa học công nghệ cấp bộ, 16 đề tài hợp tác với địa phương, hàng tram hợp đồng nghiên cứu và chuyển giao công nghệ với các doanh nghiệp… Tỷ lệ sinh viên có việc làm đúng ngành sau khi ra trường đạt trên 90%.
Thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, Học viện Nông nghiệp Việt Nam đã đi tiên phong trong đổi mới về mục tiêu, nội dung và phương pháp đào tạo nhằm đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực có chất lượng cao, gắn với thực tiễn phát triển của sản xuất nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới; gắn kết với doanh nghiệp, khơi dậy tinh thần khởi nghiệp, đổi mới, sáng tạo cho sinh viên. Học viện đã đi đầu trong thí điểm tự chủ đại học và xây dựng các cơ chế bảo đảm cơ hội tiếp cận giáo dục đại học chất lượng cao, bình đẳng với đối tượng chính sách; tập trung ưu tiên đào tạo nguồn nhân lực phục vụ phát triển kinh tế - xã hội ở vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, hải đảo.
Học viện đã có nhiều công trình nghiên cứu khoa học có giá trị ứng dụng vào sản xuất, góp phần thiết thực đưa nền nông nghiệp nước ta đạt trình độ tiên tiến ngang tầm khu vực và thế giới. Với những kết quả và thành tích xuất sắc nói trên, Học viện đã được Đảng, Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, Anh hùng Lao động trong thời kỳ đổi mới và 2 lần đón nhận Huân chương Hồ Chí Minh…
Phấn đấu trở thành Đại học kiểu mẫu trong lĩnh vực nông nghiệp
Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng hoan nghênh, chúc mừng, cảm ơn và biểu dương những thành tựu to lớn mà các thế hệ cô giáo, thầy giáo, cán bộ, sinh viên Học viện đã đạt được trong hơn 60 năm qua.
Khẳng định giáo dục - đào tạo là quốc sách hàng đầu và khoa học - công nghệ là then chốt, Tổng Bí thư đề nghị trong thời gian tới các bộ, ngành hữu quan và Học viện Nông nghiệp Việt Nam cần tích cực thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục đại học, nâng cao chất lượng đào tạo, nhằm trang bị cho sinh viên không chỉ kiến thức, trình độ chuyên môn giỏi, mà còn phải có kỹ năng, đặc biệt là kỹ năng sáng tạo, hợp tác, kỹ năng tư duy phản biện… Ngoài đào tạo chuyên môn, Nhà trường cần coi trọng giáo dục nhân cách, đạo đức, lối sống cho sinh viên; gắn chặt nhiệm vụ đào tạo với cuộc vận động "Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức và phong cách Hồ Chí Minh", để sau này sinh viên tốt nghiệp ra trường trở thành những cán bộ có năng lực tự chủ, thích ứng tốt với môi trường làm việc thay đổi nhanh chóng, có ý thức trách nhiệm cao với bản thân, gia đình, cộng đồng và đất nước.
Tổng Bí thư mong rằng, nhà trường tiếp tục đổi mới nội dung và phương pháp đào tạo phù hợp với thời đại Cách mạng công nghiệp lần thứ tư; nhanh chóng thay đổi cách tiếp cận xây dựng chương trình đào tạo, chú trọng xác định đúng chuẩn đầu ra và chuyển đổi phương pháp từ truyền thụ kiến thức sang phát triển năng lực cho người học, coi sinh viên là trung tâm của quá trình đào tạo; ứng dụng tối đa công nghệ hiện đại; gắn đào tạo của nhà trường với thực tiễn sản xuất, nhu cầu của xã hội, đặc biệt là có sự gắn kết chặt chẽ với doanh nghiệp và khuyến khích hoạt động khởi nghiệp trong sinh viên.
Tổng Bí thư lưu ý, Nhà trường cần tập trung xây dựng và bồi dưỡng đội ngũ giảng viên đáp ứng yêu cầu đổi mới đào tạo. Các cô giáo, thầy giáo cần chuyển từ vai trò giảng bài sang vai trò hướng dẫn học và phải là tấm gương sáng về phẩm chất đạo đức, phong cách, lối sống, phương pháp làm việc và học tập để sinh viên noi theo. Để có được đội ngũ các thầy, cô giáo chuẩn mực, cần có những chính sách, chế độ cụ thể, thiết thực, tạo mọi điều kiện và môi trường thuận lợi nhất để các cô giáo, thầy giáo cống hiến tốt nhất cho sự nghiệp trồng người.
Sắp tới, Quốc hội sẽ thông qua Luật Giáo dục đại học (sửa đổi), trong đó có nội dung quan trọng là tự chủ đại học, nhằm tạo điều kiện cho các trường đại học được tự chủ hơn về học thuật, chủ động sáng tạo, khai thác và sử dụng hiệu quả các nguồn lực trong khuôn khổ của pháp luật, ít bị ràng buộc bởi các thủ tục hành chính. Tuy nhiên, tự chủ đại học không có nghĩa là các trường đại học phải "tự túc" hoàn toàn về tài chính. Nhà nước vẫn phải đầu tư để bảo đảm tốt các điều kiện thiết yếu về cơ sở vật chất, kỹ thuật và các phương tiện phục vụ để nhà trường thực hiện tốt nhiệm vụ đào tạo và nghiên cứu khoa học, đặc biệt là đối với những ngành nghề, lĩnh vực khó xã hội hóa và đất nước đang rất cần như nông - lâm - ngư nghiệp.
Tổng Bí thư mong muốn, Học viện Nông nghiệp Việt Nam phấn đấu nhanh chóng trở thành một trường đại học nghiên cứu hàng đầu trong lĩnh vực nông nghiệp, đẩy mạnh hơn nữa các hoạt động khoa học - công nghệ, gắn nghiên cứu khoa học - công nghệ với đào tạo và phục vụ sản xuất, dịch vụ xã hội. Các công trình nghiên cứu của Học viện phải hướng tới "tam nông" (nông nghiệp thịnh vượng, nông dân giàu có, nông thôn văn minh). Trọng tâm nghiên cứu của Học viện là phục vụ yêu cầu cơ cấu lại ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn theo hướng phát triển một nền nông nghiệp thông minh, hội nhập quốc tế, thích ứng với biến đổi khí hậu, nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, gắn với xây dựng nông thôn mới phồn vinh và văn minh.
Tổng Bí thư căn dặn, cần gắn kết chặt chẽ giữa trường đại học với địa phương sở tại. Trường đại học đóng trên địa bàn nào thì cần phải có những hoạt động đào tạo và khoa học - công nghệ phục vụ ngay tại địa phương đó. Ngược lại, chính quyền các cấp của địa phương cần cộng tác, hỗ trợ tích cực cho trường đại học trên địa bàn của mình phát triển. Thành phố Hà Nội, huyện Gia Lâm, thị trấn Trâu Quỳ cần hợp tác chặt chẽ với Học viện Nông nghiệp Việt Nam và quan tâm hơn nữa đối với công tác bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội, tích cực phối hợp, hỗ trợ, hướng dẫn Học viện trong công tác quản lý đất đai, thực hiện tốt quy hoạch đã được phê duyệt.
Nhân dịp khai giảng năm học mới 2018 - 2019, Tổng Bí thư mong các cô giáo, thầy giáo và sinh viên của Học viện, trong thời gian tới tiếp tục phát huy truyền thống của một trường đại học anh hùng, ra sức thi đua dạy tốt, học tốt, nghiên cứu sáng tạo, thực hiện tốt lời căn dặn của Bác Hồ kính yêu "Đoàn kết chặt chẽ, cố gắng không ngừng, để tiến bộ mãi", phấn đấu trở thành một trường Đại học kiểu mẫu về nghiên cứu khoa học – công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực nông nghiệp, chủ động thích ứng với cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp “trồng người” trong giai đoạn mới.
Tại đây, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã trồng cây lưu niệm trong khuôn viên Học viện và tham quan Khu trưng bày các sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao.
Từ năm 2010, Liên Hợp quốc đã công nhận Việt Nam là một trong những nước đi đầu trong hiện thực hóa các Mục tiêu Thiên niên kỷ, hoàn thành trước thời hạn gần 10 năm 3 mục tiêu (xóa bỏ tình trạng nghèo cùng cực, phổ cập giáo dục tiểu học, tăng cường bình đẳng giới và vị thế cho phụ nữ) và có nhiều tiến bộ, đạt tiệm cận 5 mục tiêu còn lại.
Trong 5 ngày, từ 7/9 đến 12/9, “quái” bão YAGI (bão số 3) với sức gió cấp 12 -13, giật cấp 14 -15 -16 đã đổ bộ vào Quảng Ninh, Hải Phòng, Hà Nội,… và sau đó, hoàn lưu của nó gây mưa lớn liên tục trên toàn miền Bắc đã gây những tổn thất vô cùng to lớn về người và thiệt hại rất nặng nề về tài sản của Nhà nước, doanh nghiệp, người dân.
Xuất khẩu nông sản của ta hiện trong TOP 10 -15 thế giới. Nông sản Việt có mặt tại khoảng 200 quốc gia và vùng lãnh thổ, kim ngạch tăng mạnh trong 15 năm qua: năm 2009 mới chỉ gần 16,5 tỷ USD thì năm 2014, kim ngạch đạt 31 tỷ USD, năm 2019 đạt 41,3 tỷ USD, năm 2023 đạt trên 53 tỷ USD, đến hết tháng 7 năm 2024, kim ngạch xuất khẩu nông - lâm - thủy sản đạt 34,27 tỷ USD, phấn đấu đạt 57 -58 tỷ USD cả năm.